Điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 72 - 75)

Điểm nhìn là khái niệm mang tính ẩn dụ, bao gồm mọi nhận thức, đánh giá, cảm thụ của chủ thể đối với thế giới. Nó là vị trí dùng để quan sát, cảm nhận, bao gồm cả khoảng cách giữa chủ thể và khách thể, cả phương diện vật lí, tâm lí, văn hóa. Trong các tác phẩm văn xuôi, điểm nhìn trần thuật là điểm nhìn của người đứng ra kể chuyện, quan sát, miêu tả, có thể là người trần thuật (thường kể theo ngôi thứ ba) hoặc người kể chuyện (thường kể ngôi thứ nhất, xưng “tôi”). Trong hồi kí, tác giả vừa là người kể chuyện trực tiếp xưng “tôi”, kể lại những gì đã chứng kiến và trải nghiệm, vừa là một nhân vật tự bộc bạch, giãi bày. Do vậy, điểm nhìn trần thuật trong thể loại này chính là điểm nhìn của cái tôi tác giả, có thể là điểm nhìn bên ngoài - bên trong / khách quan - chủ quan (căn cứ vào vị trí của chủ thể), có thể là điểm nhìn toàn tri và không toàn tri (căn cứ vào quyền năng của người trần thuật). Tùy quan niệm, tư tưởng, thái độ của chủ thể sáng tạo mà tác phẩm được trần thuật từ điểm nhìn này hay điểm nhìn khác.

Khảo sát hồi kí giai đoạn 1945 -1975, có thể thấy với mảng hồi kí cách mạng, đa phần tác giả đứng ngoài quan sát và cố gắng kể lại sao cho khách quan, trung thực, nhưng bị khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn chi phối, ý thức phát ngôn đại diện cho tư tưởng cộng đồng nên tính khách quan không tránh khỏi một chiều, sơ giản. Hiện thực đấu tranh cách mạng với những trận đánh, những cuộc đấu tranh, những chuyến vượt ngục… là những sự kiện khách quan nhưng sự cảm nhận bởi tâm thế ngợi ca, khẳng định ít nhiều đã làm nhòe tính chất khách quan ấy. Không ngẫu nhiên bao khung cảnh, tình tiết, sự kiện trong hồi kí cách mạng đều có đường nét khá

giống nhau, đều để lại ấn tượng cho người đọc về sự anh hùng, cao cả đáng chiêm ngưỡng, tự hào. Đôi khi bị bao bọc bởi cảm xúc, sự kiện không hoàn toàn hiện diện với gương mặt của chính nó mà trở thành sự “tự mê” của người viết. Chẳng hạn, đoạn miêu tả khí thế đấu tranh như trong sử thi, thần thoại: “Làn sóng người đổ ra đường thiên lí, tay cầm giáo mác, dao búa, gậy tre, tay thước, nét mặt người nào, người ấy lồng lộng một hào khí ngất trời… Tiếng hô khẩu hiệu ầm vang bên tai, bằng mọi giọng đường ngoài, đường trong mà cùng một dũng khí. Dường như có cả một luồng điện cực kì mạnh đã truyền đi, làm cả nước cùng dấy lên, cùng chuyển động” [193, tr.253, 254]; hoặc đoạn Văn Tiến Dũng “phát biểu cảm tưởng” trong Đại thắng mùa xuân: “Tất cả sự chịu đựng gian khổ, chắt chiu, tần tảo của nhân dân ta, tất cả sự kiên

nhẫn chuẩn bị lực lượng của chúng ta trong nhiều năm như muôn nghìn dòng suối nhỏ hôm nay dồn thành những dòng thác lớn ào ạt đổ tới cuốn phăng đi dinh lũy cuối cùng của chủ nghĩa thực dân mới trên đất nước ta. Chàng Phù Đổng Việt Nam vươn vai đứng dậy trong năm 1975 có sức mạnh lay trời chuyển đất, và nhảy lên mình ngựa là phi nước đại thần tốc ngay vì hiểu rằng thời cơ là quí giá, thời gian là sức mạnh” [178, tr.168, 169]. Cảm xúc như đã lấn át sự kiện khiến chúng hiện diện qua sự mĩ hóa, trở nên đẹp đẽ, đầy sức mạnh, đầy hào khí. Từ điểm nhìn bên ngoài, sự miêu tả đã đan xen, dịch chuyển về điểm nhìn bên trong khiến đối tượng được miêu tả bộc bộ rõ thái độ chủ quan của người viết.

Khi bộc bạch cái tôi, tác giả hồi kí cách mạng cũng thiên về điểm nhìn bên trong, nghĩa là tự quan sát, tự nói về mình. Song cái nhìn bên trong không phải chủ ý phân biệt với chuẩn mực cộng đồng mà chính là để tô đậm sự thống nhất. Người viết hồi kí chỉ chú trọng những chiến công, những phẩm chất chói sáng của bản thân, “tự mê” trong hào quang một cái tôi đại diện cho lịch sử, lớn lên cùng lịch sử. Trong Đại

thắng mùa xuân, Văn Tiến Dũng ca ngợi sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị Trung

ương Đảng và Quân ủy trung ương, sự đấu lực và đấu trí rất thông minh của quân đội ta để toàn thắng, trong đó làm nổi bật tài thao lược của bản thân. Ông xây dựng hình ảnh mình như một vị chỉ huy tài ba, góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc.

Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch (Trần Dân Tiên), Vừa đi đường, vừa kể chuyện (T.Lan), làm hiện lên hình ảnh người anh hùng xuất chúng, dũng

tuyên bố trước toàn thế giới chủ trương giành độc lập dân tộc cho dân tộc mình; Lần đầu tiên trong lịch sử, có một người Việt Nam dám bóc trần những tội ác của bọn thực dân Pháp ngay ở Pari” [232, tr.38]. Thái độ đánh giá đầy khâm phục, ngưỡng mộ là kết quả của điểm nhìn bên trong. Sự nghiệp anh hùng của một con người đã được thể hiện như là biểu tượng của cả dân tộc…

Khác hồi kí cách mạng, hồi kí văn nghệ giai đoạn này tái hiện bức tranh quá khứ hay xây dựng hình tượng tác giả đều có sự đan xen giữa điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong và thường giữ được tính khách quan. Vũ Bằng, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Vỹ tái hiện đời sống văn chương, báo chí nước nhà trong thời kì đầy biến động đều có những cái tốt xấu, hay dở. Chân dung con người được họ dựng lên cũng chân thực, sống động, đa chiều. Tuy cùng hội cùng thuyền, thông cảm, hiểu nhau nhưng họ vẫn “sòng phẳng” với nhau. Vũ Bằng dựng lên hình ảnh một lớp nhà văn, nhà báo vừa tài hoa vừa lắm tật trong Bốn mươi năm nói láo. Nguyễn Công Hoan cho biết “sự thật” về những người cầm bút: “Trước cách mạng có một số nhà văn, nhà báo sinh hoạt rất bê tha… Có kẻ làm nghề cầm bút mà rượu chè, hút xách gái đĩ, liều lĩnh, đến mức tới lúc túng tiền để chơi bời, thì đâm đi lừa đảo bán cả nhân cách, phẩm chất cho bọn trùm mật thám chính trị của đế quốc” [202]. Đặc biệt, khi thể hiện cái tôi tác giả, người kể chuyện trong hồi kí văn nghệ dường như vừa là “tôi”, vừa là một người khác thoát khỏi “tôi” để nhìn nhận, phán xét về “tôi”. Lúc này cái tôi tác giả vừa tự phán xét, vừa phán xét, vừa bị nhìn bởi kẻ khác, vừa được quyền nhìn kẻ khác, tuy hình thức tự sự vẫn ở ngôi thứ nhất. Hiện tượng “phân thân” này khiến cái tôi tác giả được tạo dựng chân thật, khách quan hơn. Viết về mình như viết về một người khác nên người viết thoát khỏi tự mê để tỉnh táo tự thú, tự trào. Vũ Bằng như đứng vai người khác mà “nhiếc móc” mình thậm tệ, nào là “vô lại”, “mất dạy”, “dốt”, “hỗn”, “sa đọa”… Nguyễn Công Hoan cũng cho mình là “lêu lổng”, “lười nhác”, “táo tợn”… Trong cuốn Ta đã làm chi đời ta, Vũ Hoàng Chương thể hiện mình như “một đứa con hư của thời đại”. Đặc biệt, ông ít xưng “tôi”, mà xưng “Hoàng” như cách người khác đang nói về mình rồi tung tẩy giễu cợt mình trong những chuyến lãng du “Hà, Bắc, Hải, Đông”, “mây xuống gió lên”, những cuộc vui bốc trời, chuyện tình tang với “Dương Ổ tam kiều”, nàng Mây, nàng Oanh… Vũ Hoàng Chương ít trực tiếp bộc bạch về mình nhưng người đọc cảm nhận sau những chuyện như bông đùa

của ông là một chàng Hoàng tâm tình phóng khoáng, mang cái sầu buồn của thời đại, đa tình nhưng chung tình: ôm mối “tình hận” với nàng Mây, yêu quý người bạn “giang hồ vặt” Nguyễn Bính, luôn nhận mình là “đầu tàu” trong những chuyến đi mặc dù đã nhiều lần cháy túi…

Nhìn chung, điểm nhìn trần thuật của hồi kí giai đoạn này cho thấy nhận thức, đánh giá khác nhau của người viết trong tái hiện quá khứ và thể hiện chính mình. Ở hồi kí cách mạng, sự cảm nhận, đánh giá thế giới từ điểm nhìn bên ngoài đã dịch chuyển về điểm nhìn bên trong mang tính chủ quan bởi điểm nhìn trần thuật đã bị chi phối bởi cảm hứng sử thi, “tự mê” và tư thế phát ngôn cho cộng đồng. Hồi kí văn nghệ thiên về cái nhìn khách quan trong nhìn ngắm quá khứ và cả khi tự nói về mình. Như vậy, điểm nhìn trần thuật trong hồi kí giai đoạn này đã có sự đan xen, luân chuyển giữa điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong, điểm nhìn khách quan và điểm nhìn chủ quan. Đặc biệt, với sự gia tăng lối hồi thuật khách quan, đạt đến những giá trị chân thực, sống động trong tái hiện quá khứ, hồi kí văn nghệ đã tạo nên một bước phát triển trong nghệ thuật trần thuật của hồi kí.

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 72 - 75)