3.3.3.1. Trần thuật linh hoạt theo dòng hồi tưởng
Ở thể hồi kí, diễn biến câu chuyện đi theo trình tự của dòng hồi tưởng tạo nên mạch trần thuật của tác phẩm. Dòng hoài niệm của người viết có thể không tuân theo logic tuyến tính mà phụ thuộc trường liên tưởng, sự ngẫu hứng và cảm xúc riêng của tác giả. Tuỳ theo hướng rẽ của hồi ức, người viết có thể bắt lấy sự kiện này hay sự kiện khác, làm sống dậy quãng đời này hay khoảng thời gian kia… Trong hồi kí, những xúc cảm được tái hiện trực tiếp, mọi thứ được kể lại khi tách bạch, rõ ràng, lúc lan man, rối rắm, khi trôi xuôi, khi đảo ngược, có lúc lại chồng lên nhau, hình thành những kiểu “kết cấu hồi ức” khác nhau: hồi kí cổ điển thường đi theo trật tự biên niên, hồi kí hiện đại lại thích xếp chồng các lớp thời gian hay lắp ghép các mảng hồi ức. Tuy nhiên, dòng hồi tưởng đi theo kiểu nào cũng không tránh được tính chất ngẫu nhiên, tản mạn của quy luật tâm lí, có điều đằng sau đó vẫn là sự liền mạch, nhất quán về cảm hứng. Có lẽ đây là điểm thú vị, hấp dẫn trong nghệ thuật trần thuật của thể hồi kí.
Những cuốn hồi kí có mạch trần thuật được tổ chức theo lối cổ điển, dòng hồi tưởng vẫn chịu sự chi phối của cơ chế hồi ức, trình tự biên niên nhưng không cứng nhắc, hướng đến những mục đích riêng. Nhằm ghi lại cuộc đời mình như một quá trình tôi luyện, trưởng thành, Đặng Thai Mai tỏ ra điềm đạm và chừng mực, đi từ xưa đến nay, từ xa đến gần, từ đầu đến cuối. Độc giả cảm nhận khá rõ về cuộc đời riêng, thái độ, tư tưởng, những tâm sự, trăn trở của một thanh niên trí thức trước
thời cuộc nhiều biến động qua các trang viết về thời thanh thiếu niên mà tác giả gọi là “một sinh mệnh bé tí, ngơ ngác giữa một đường đời mênh mông, rối ren”, cùng kỉ niệm sâu sắc về bà nội, về quê làng trên Lương Điền, những ngày đi học vỡ lòng đến đi học chữ Tây, rồi vào đời, đi dạy học và nghiên cứu văn học (Đặng Thai Mai hồi kí). Nhớ lại cuộc đời lăn lóc, trôi nổi của mình, mạch hồi tưởng của nhà văn Sao
Mai trong Sáng tối mặt người chủ yếu nhấn mạnh vào những cuộc di chuyển:
“Chúng tôi quay về Nam Định…”, “Tôi lại lên Hà Nội…”, “Tôi đã bỏ xứ Thanh…”… Ấn tượng thời gian có phần mờ nhòe nhưng ấn tượng không gian lại rất rõ cho thấy sự nhạy cảm đặc biệt của tác giả về những vùng đất đã cưu mang ông.
Một số tác phẩm khác có dấu hiệu của nghệ thuật trần thuật hiện đại, nghĩa là thời gian trần thuật co lại còn thời gian sự kiện, hồi ức được mở ra nhiều chiều. Chẳng hạn, ở Thuở ban đầu (Dương Thiệu Tống), chương XIX, khi nghĩ về ngày cưới của mình, người viết lại nhớ đến Hải, người học trò in hộ thiệp cưới để rồi dòng hồi tưởng quay về ba mươi sáu năm sau (1985), khi người học sinh làng Cốc còn lười học ngày nào đã đỗ Phó tiến sĩ và làm cán bộ giảng dạy ở một trường đại học. Như vậy, mạch trần thuật đôi khi không đi đúng dự định ban đầu của người viết: “Tôi cầm bút viết chương này với mục đích hồi tưởng lại ngày cưới của chúng tôi… Nhưng rốt cuộc tôi chỉ nói đến các học sinh cũ của tôi. Thì ra cuộc sống riêng tư của gia đình tôi không bao giờ tách riêng với cuộc sống rộng lớn hơn: cuộc đời dạy và học” [279]. Kết cấu hồi ức của Thượng đế thì cười cũng rất linh hoạt. Tác phẩm được tổ chức thành ba mươi hai chương, mỗi chương tái hiện một chặng đời, một sự kiện hay kỉ niệm của nhân vật hắn và được liên kết với nhau một cách ngẫu nhiên không tuân theo trình tự tuyến tính mà hoàn toàn bị chỉ huy bởi mạch hồi tưởng của người kể. Bắt đầu từ chuyện trục trặc tình cảm giữa hai vợ chồng già, hắn nhớ lại cảnh ngộ gia đình mình, những biến cố của số phận, những gì thành bại, được mất của một kiếp người. Mạch trần thuật luôn có những rẽ ngoặt, lắm khi vòng đi, vòng lại một sự kiện, một thời điểm. Mỗi lần rẽ ngang mạch hồi tưởng lại chuyển sang một mảnh kí ức mới với những con người mới, tình tiết mới. Thậm chí ngay khi đang kể chuyện này, bắt gặp một chi tiết hay hình ảnh nào đấy là có thể móc nối ngay sang chuyện khác, chẳng hạn, “Nói tới chuyện có lỗi hắn lại nghĩ tới Nguyễn Trọng Oánh, một
người bạn rất thân của hắn từ thuở mới về Tạp chí Văn nghệ Quân đội”, đang nói về sự ngưỡng mộ những anh hùng thất bại và sự căm ghét những cái mặt hả hê, hắn đột ngột nhớ ra hắn “rất mê những gương mặt của bạn bè lúc về già”, đang kể về việc làm cải cách ruộng đất, gặp bà địa chủ có con là cán bộ cấp trung đoàn, hắn bỗng nhớ lại cuộc gặp của hắn với bố đẻ và bà mẹ già... Đôi khi người đọc không tìm được mối dây liên hệ nào giữa hai mảnh kí ức được trình bày liền kề vì chúng xuất hiện theo một cơ chế tâm lí khó nắm bắt. Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt tác phẩm có thể thấy sự đan xen các mảnh hồi ức quá khứ và hiện tại, quá khứ gần và quá khứ xa, tạo ra một sự đối sánh giữa các giá trị bền vững và nhất thời, cái hôm qua và hôm nay, cho thấy một thế giới nội tâm đa dạng, phong phú, chất chứa nhiều nỗi niềm u uẩn muốn tâm sự với bạn đọc, muốn sòng phẳng với mình và với người thông qua cuộc giải phẫu tự nguyện.
Cuốn Cát bụi chân ai của Tô Hoài có mạch trần thuật khá đặc biệt. Thoạt nhìn, tác phẩm có vẻ đi theo trình tự biên niên nhưng chỉ cần để ý kĩ một phần, một chương nào đó sẽ thấy trình tự ấy đã bị phá vỡ. Ngay phần đầu tác phẩm, người đọc có thể nhận ra những bước chuyển liên tục về không gian, thời gian theo dòng hồi ức phóng túng. Đang nói về Hà Nội quanh Hồ Gươm quãng đầu thập kỉ bốn mươi với cảm hứng vẽ chân dung Nguyễn Tuân, tác giả chợt nhớ đến cái dốc ngã sáu Hàng Kèn những năm sáu mươi nơi Nguyễn Tuân hay ngồi đấy để nói chuyện về người lính tên Két. Rồi từ Két, Tô Hoài trở lại chiến dịch sông Thao mùa hạ năm 1949, bởi trong chiến dịch ấy, trung đội trưởng trinh sát Két đã hi sinh, nằm lại bờ bên kia sông Thao. Dòng hồi tưởng quay về ngã sáu Hàng Kèn với những người không bao giờ gặp nữa: ông Ba Lan, Buđa và Aki “cái người Nhật ấy đã ở với chúng tôi chín năm kháng chiến”, thế là thời kháng chiến chống Pháp ở rừng Thượng Yên và những kỉ niệm về người bạn Nhật lại hiện ra. Đêm tiễn Aki về nước, mọi người “la cà ra ngã sáu”, lại trở về với ngã sáu Hàng Kèn những năm sau 1954… Vậy là người kể chuyện cứ miên man trong dòng hoài niệm, không mấy chú ý đến thời gian, chỉ cần một gương mặt, một hình ảnh gợi nhớ là mạch trần thuật có thể dừng lại, tạt ngang, hay quay ngược. Theo qui luật tâm lí, ấn tượng, cảm xúc của con người thường gắn với những sự kiện, gương mặt, bối cảnh cụ thể. Ấn tượng càng mạnh thì con người, cảnh vật càng hiện ra rõ ràng, thời gian quá khứ càng mờ nhòe và khoảng cách giữa
nó với thời gian trần thuật càng được rút ngắn. Không ngẫu nhiên ngã sáu Hàng Kèn trở đi trở lại trong tác phẩm như một không gian ám ảnh, “cái ngã sáu đường đời ấy vẫn đủ thanh vắng để trở thành không gian dành cho hồi tưởng”. Bởi đó là không gian chứa đựng kỉ niệm sâu đậm của nhà văn với bạn bè, là nơi không hẹn mà gặp, Tô Hoài, Nguyễn Tuân và mọi người vẫn đàn đúm ở đấy: “Một đêm ngã sáu, từng người lại tìm về những kỉ niệm của mình” [209, tr.14]. Những gì được nhớ lại, kể lại tưởng chừng tản mạn, ngẫu hứng hóa ra đã được xâu chuỗi bởi một cảm hứng nhất quán: dựng lại không khí chính trị, văn chương hơn nửa thế kỉ đầy biến động, thời thế và số phận các văn nghệ sĩ, những kỉ niệm về bạn bè, những nếm trải và đúc kết âm thầm, tất cả gắn cuộc đời riêng của tác giả vào dòng chảy chung của lịch sử dân tộc. Đó là cái mạch ngầm xuyên suốt tác phẩm, kết nối các panô kí ức chân thực và sinh động.
Các tác giả Đặng Anh Đào, Thy Ngọc, Đặng thị Hạnh, Vương Hồng Sển, Bùi Ngọc Tấn, Quách Tấn… dường như có ý thức tổ chức tác phẩm không theo dòng chảy hồi ức liên tục mà “dựng lại” hay “sắp đặt” các mảnh hồi ức được chủ động lựa chọn. Đặng Anh Đào viết trong lời mở hồi kí Tầm xuân: “Cuốn hồi kí này có sự khác biệt, ít nhất là ở tính chất không liên tục, nhảy quãng về thời gian, về không gian, về hình ảnh của hồi ức. Nhiều khi, một kỉ niệm xuất hiện ở những trang đầu, rồi những mảnh vỡ của nó trở đi trở lại ở những câu chuyện sau, với những biến thái, dị bản mới”. Quả vậy, ở Tầm xuân, mỗi không gian, hình ảnh trở đi trở lại nhiều lần tô đậm một ấn tượng, một cảm xúc. Hình ảnh người cha kính yêu hiện lên mỗi lúc một rõ nét và đầy đặn qua những “mảnh ghép” đồng chất. Mảnh thứ nhất có các tiêu đề: Tách
cà phê và cuộc sống của một nhà văn, Chuyện trà lá của nhà văn, người đọc nhận ra
một Đặng Thai Mai tài hoa, nho nhã với cái thú thưởng trà, hút thuốc lá thơm và đặc biệt là tách cà phê hảo hạng không thể thiếu hàng ngày. Mảnh thứ hai mang tên: Nhà
nho xứ Nghệ nói tiếng Pháp, ta nhận ra con người ấy còn là một nhà giáo, nhà nghiên
cứu văn học miệt mài đọc sách, viết lách, nhiệt tình, nghiêm túc nhưng cũng rất thân thiện, yêu thương học trò. Mảnh thứ ba gồm: Bóng câu qua cửa sổ I, Mái ấm trên
các nẻo đường, Người ở số nhà 108, Tào Mạt, người học trò cũ của ba tôi, cho thấy
hình ảnh người con của quê hương Lương Điền hiếu học cũng là người cha, điểm tựa tinh thần của gia đình trong sinh hoạt thường ngày, là người bạn, người thầy đáng
kính của bao thế hệ học trò… Paris, thủ đô của nước Pháp cũng hiện lên với những vẻ đẹp khác nhau qua những lần viếng thăm của tác giả. Một Paris lộng lẫy, xa hoa, tự do và hiện đại với những biệt thự, lâu đài, bờ biển xinh đẹp xen lẫn siêu thị, sòng bạc, nhà cao tầng… (Gánh vàng đi đổ sông Ngô I), một Paris thơ mộng, gần gũi thiên nhiên với những ngôi nhà, con phố, công viên, hồ ao tràn ngập các loài hoa (Paris chốc lát), một Paris với cuộc sống của những con người giàu tình cảm, cá tính, yêu
nghệ thuật (Gánh vàng đi đổ sông Ngô III)… Các mảnh kí ức nói lên rằng Paris như một phần đời, một ám ảnh sâu sắc của tác giả. Quê nội Lương Điền, quê ngoại Quỳnh Lưu, tuổi thơ và những ngày tản cư, những món ăn, món quà xưa cũng là các mảnh vỡ của kí ức, phát tán nhiều trong tác phẩm: Nhà nho xứ Nghệ nói tiếng Pháp,
Bóng câu qua cửa sổ I, Quỳnh Lưu một thế giới ảo, Nhưng đâu là những món quà xưa?...
Một số tác phẩm khác như Hồi kí Song đôi (Huy Cận), Quách Tấn hồi kí, Hơn
nửa đời hư (Vương Hồng Sến), Rừng xưa xanh lá (Bùi Ngọc Tấn), Cô bé nhìn mưa
(Đặng Thị Hạnh)… cũng có cách tổ chức mạch trần thuật gần giống hồi kí Tầm xuân, nghĩa là dòng hồi tưởng không liên tục, có sự cách quãng về không gian, thời gian, mỗi mảnh hồi ức như một mảnh hiện thực được sắp đặt sao cho có thể làm sáng rõ gương mặt quá khứ và cuộc đời tác giả. Hồi kí Song đôi của Huy Cận bề bộn sự kiện và con người được nhớ đến, không có sự sắp xếp theo một trình tự mạch lạc nào. Các mảnh kí ức, có khi vụn vặt, tản mát nối tiếp nhau một cách ngẫu nhiên, chẳng hạn: Ốm thương
hàn, Xóm Mang Cá, Các thầy thợ in của báo Tiếng dân, Hồ Tịnh Tâm, Hội đồng hương quyên tiền, Tuổi dậy thì, Lần đầu tiên đi gặp biển, Tủ sách của cậu tôi… Cả tác
phẩm có hơn hai trăm mẩu kí ức như thế… Trong Rừng xưa xanh lá, Bùi Ngọc Tấn đã viết về bè bạn một cách ngẫu nhiên theo kiểu “hôm nay nhớ về người bạn này, tháng sau nghĩ về người bạn khác” như ông tâm sự. Sợi dây xâu chuỗi giữa chúng là nhu cầu nhìn lại một thời bao cấp hắt hiu vất vả, nơi có lớp nhà văn nhiệt tình, trong sáng rút lòng vì cái đẹp, bán máu, bán chữ để cống hiến cho nghệ thuật…
Ở Cô bé nhìn mưa, Đặng Thị Hạnh có lối kể chuyện “bám trên những ấn tượng, cảm xúc, suy tư hơn là trên các biến cố, sự kiện” [58]. Về cơ bản, các phần của cuốn sách sắp xếp trung thành với trật tự biên niên, ghi lại những kỉ niệm có thực trong cuộc đời tác giả với các mốc thời gian được đối chiếu rõ ràng qua các tài liệu thư từ gia đình
còn giữ lại. Tuy nhiên, cấu trúc thời gian - không gian có lúc vẫn bị kéo đi bởi dòng suy tưởng về quá khứ. Chỉ cần một hình ảnh, một gương mặt gợi nhớ là tác giả lại quay về với “ngày xưa”. Đôi khi những kí ức “vụt hiện” mà không có mối liên hệ gì với hiện tại - tác giả gọi đó là “những kí ức đơn độc, đục thủng dòng thời gian, mà không thấy có gì phía trước và phía sau” [tr.39]. Nhiều chi tiết không còn rõ ràng do kí ức về chúng đã bị thời gian bào mòn đi: “Những con chim ông cụ tôi thường thấy đứng cạnh các ngôi mộ ở cánh đồng làng Quỳnh… sở dĩ to như vậy có phải chỉ vì tôi đã chồng lên đấy, hình ảnh các tượng chim vùng Lưỡng Hà, mình người đầu chim, tôi hay xem thấy trong từ điển Larousse không?” [tr.44], “Ngay cây mít tôi còn giữ trong kí ức có thực sự đúng là cây mít ngày xưa kia không, hay năm này qua năm khác, tôi đã chồng lên nó bao hình ảnh khác tôi đã thấy trong sách hay ngoài đời” [tr.49]. Tuy vậy, tác giả luôn có ý thức đi ngược về quá khứ, tìm lại kí ức để kiểm chứng và giãi mã chúng. Bà đã đi tìm cây mít ngày xưa để rồi kết luận rằng: “cây mít của tôi có thể không còn nữa trong không gian thực”, hay khi bà trở lại Sầm Sơn, đã không còn “biển màu lục nhạt” với mùi mặn ẩm ướt, mùi rong rêu, tiếng thông reo và khí trời khô có thể kêu tanh tách! Sầm Sơn đã thuộc về những kẻ giàu [198, tr.49, 126, 127]… Rõ ràng, mạch trần thuật của tác phẩm bị chi phối bởi cái tôi trần thuật. Cái tôi tác giả có sự phân thân thành hai con người vừa song hành vừa đan xen nhau: Đặng Thị Hạnh trong hiện tại và cô bé nhìn mưa trong quá khứ. Do vậy, tác phẩm được kể lại với hai mạch luân phiên: Đặng Thị Hạnh ở hiện tại nhìn ngược về quá khứ và nhân vật cô bé nhìn
mưa đi theo trật tự biên niên, tạo nên cấu trúc không gian - thời gian đan xen phức tạp,
đặc biệt ở phần đầu cuốn sách. Câu chuyện bắt đầu từ khi tác giả được sinh ra (ở Huế, năm 1930). Tiếp đó là hình ảnh bà đang là cô bé chừng hai, ba tuổi, tóc bômbê đang ngồi nhìn mưa trong nhà ông ngoại. Chi tiết này bắt sang thời điểm tác giả lên năm khi xem ảnh mình lúc hai ba tuổi. Sau đó quay lại thời điểm cô bé nhìn mưa với hình ảnh dì Tân đang ru cháu. Lời bài hát ru gợi nhớ đến hai thời điểm lùi xa về sau, khi người kể còn nhầm tưởng đó là ca dao và khi biết là thơ của tác giả hiện đại. Mạch hồi tưởng quay lại trật tự biên niên, vài năm sau, khi tác giả đã ra thành phố. Những lúc nhớ quê,