Sự đa dạng về kiểu loại, cấu trúc và định hướng thẩm mĩ

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 31 - 35)

Việc xác định các dạng / kiểu hồi kí và phân định ranh giới giữa chúng không đơn giản. Các dạng thức hồi kí luôn có xu hướng giao thoa, chuyển hóa phức tạp. Điều này đã được khẳng định trong nhiều công trình nghiên cứu. Trong Từ điển văn

học, Lại Nguyên Ân cho rằng: “hồi kí rất đa dạng về kiểu loại; nó cũng tương đối ít

định hình về cấu trúc và định hướng thẩm mĩ. Có những tác phẩm hồi kí rất gần với văn xuôi lịch sử; lại có những tác phẩm gần với tiểu thuyết” [33]. Các tác giả giáo trình Lí luận văn học cũng thấy được sự đan xen, “nhập nhằng” này: “Ngay ranh giới của các thể nói trên cũng không tuyệt đối, luôn luôn có tình trạng chuyển hoá, thâm nhập lẫn nhau” [82, tr.435, 436]…

Thực tiễn sáng tác càng chứng tỏ sự phong phú, đa dạng của hồi kí. Trong khi các nhà lí luận cố gắng xây dựng những khái niệm, những định nghĩa có tính chất kinh viện nhằm khu biệt hóa, đặc trưng hóa hồi kí thì thực tế lại mở ra khả năng vô cùng linh hoạt cho thể loại. Sáng tác hồi kí đôi khi như một trò chơi ngẫu hứng, tùy thuộc vào hoàn cảnh, tâm thế và khí chất của người viết. Do vậy, có hiện tượng cùng một văn bản nhưng chính tác giả của nó khi thì gọi là hồi kí, khi thì cho là tiểu thuyết. Chẳng hạn, trường hợp Ba người khác của Tô Hoài. Khi

được phỏng vấn về thể loại của nó, ông trả lời lấp lửng: “Đề hồi kí thì phức tạp và khó in” [51]. Như vậy, ban đầu Ba người khác là một hồi kí, Tô Hoài đã viết hồi kí, nhưng cuối cùng vì nhiều lí do, tác phẩm ra đời với cái “nhãn” tiểu thuyết dù

nội dung văn bản không có gì thay đổi. Việc định danh thể loại đôi khi không phải thuộc đặc trưng của sáng tạo mà do áp lực ngoài sáng tạo. Do vậy, nghiên cứu văn

bản chỉ dựa vào tên thể loại của nó đôi khi bị “đánh lừa”, bị chệch hướng. Hồi kí được khu biệt trong những dấu hiệu hình thức như: là “câu chuyện có thật”, “người kể chuyện xưng “tôi” là người tham dự hoặc chứng kiến”… đó chỉ là qui ước ngầm giữa người sáng tác và người tiếp nhận chứ không phải là những dấu hiệu “cứng” không thể thay đổi. Thực tế, hồi kí cũng như các thể kí nói chung không thể viết sự thật một cách tuyệt đối (như đã trình bày ở phần trên). Người kể chuyện không phải lúc nào cũng xưng “tôi”: một số hồi kí cách mạng xưng “chúng tôi”, “chúng ta”, Thượng đế thì cười trần thuật từ ngôi thứ ba “hắn”, Vũ Hoàng Chương xưng “Hoàng” trong Ta đã làm chi đời ta… Ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu trong hồi kí cũng chỉ là qui ước. Người đọc khó kiểm chứng được tác giả nói sự thật đến đâu. Đôi khi tác giả chỉ cam kết viết sự thật theo kiểu “sự thật như tôi nhớ, như tôi biết và tin là sự thật”…

Nhìn chung, trong thực tiễn sáng tác, hồi kí phát triển với những biểu hiện rất phong phú, tạo ra nhiều nhánh, nhiều dạng, nhiều sự kết hợp, đan xen giữa hồi kí với các thể kí khác cũng như hồi kí với các thể tự truyện, tiểu thuyết… Căn cứ vào một số phương diện chính như đề tài, khuynh hướng cảm hứng, phương thức thể hiện, có thể xác định một số kiểu loại hồi kí cơ bản sau:

1. Dựa vào “chân tướng” thể loại, có thể chia hồi kí thành hồi kí nguyên dạng và hồi kí ẩn dạng. Hồi kí nguyên dạng là dạng thức hoàn toàn đáp ứng những yêu cầu thể loại theo “khung” truyền thống, nghĩa là đảm bảo: “tái hiện quá khứ người thật việc thật”, “tác giả - người kể chuyện xưng “tôi”, là người trong cuộc hoặc chứng kiến”. Hồi kí ẩn dạng là dạng thức hồi kí được định danh bằng thể loại khác do ý đồ của tác giả vì những lí do ngoài sáng tạo (như trường hợp Ba người khác của Tô Hoài, Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải…), hoặc kiểu hồi kí ẩn mình trong một thể loại khác (mang dáng dấp của thể loại khác, pha trộn với thể loại khác). Đây là biểu hiện sự nới rộng đường biên so với “khung” thể loại truyền thống, chẳng hạn:

Cai (Vũ Bằng), Cô bé nhìn mưa (Đặng Thị Hạnh)…

2. Theo đề tài, chủ đề, tác phẩm hồi kí có thể thuộc hồi kí lịch sử, hồi kí đời tư hay hồi kí - chân dung văn học. Mỗi đề tài, chủ đề được cảm nhận, khám phá, tái hiện ở nhiều góc độ. Chẳng hạn, ở đất nước chiến tranh kéo dài như Việt Nam, đề tài lịch sử rất phong phú: vừa đưa ra những bức tranh xã hội rộng lớn gắn với biến cố

lịch sử (hồi kí cách mạng), vừa tái hiện lịch sử qua cái đời thường (hồi kí Tô Hoài); lịch sử qua cái nhìn của những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến đời sống tư tưởng của đất nước (Hồi kí của Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thị Bình…), lịch sử qua cái nhìn của các nhà khoa học, văn hóa học, nhà văn, nhà báo (Hồi kí của Đào Duy Anh, Nguyễn Hiến Lê, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Sơn Nam, Vũ Ngọc Khánh, Lý Quý Chung…), lịch sử qua cái nhìn đa chiều của các nhà văn, tướng lĩnh miền Nam và hải ngoại (hồi kí của Vũ Thư Hiên, Đỗ Mậu, Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy…). Hồi kí chân dung cũng rất đa dạng. Hầu hết “người mẫu” là các văn nghệ sĩ, nhưng mỗi người hiện lên một dáng vẻ khác nhau do góc nhìn của “họa sĩ”. Bên cạnh chân dung các nhân vật, chân dung tự họa của người viết cũng rất sắc nét. Vũ Bằng, Tạ Tỵ, Tô Hoài… đều có những chân dung văn học đặc sắc.

3. Theo cảm hứng chủ đạo, hồi kí phát triển theo ba khuynh hướng chính: tự

mê, tự thú, tự trào. Khuynh hướng tự mê: chủ yếu thể hiện cảm hứng tôn vinh, ngợi

ca sự nghiệp của một cá nhân, một dân tộc (hồi kí cách mạng); Khuynh hướng tự

bạch, tự thú: đi vào những câu chuyện riêng tư, đời thường với cái nhìn đính chính,

nhận thức lại quá khứ (hồi kí của Đào Xuân Quý, Đoàn Duy Thành, Sao Mai, Tô Hoài…) Khuynh hướng tự trào: kể lại sự thật về quá khứ, về chính mình với cái nhìn hài hước, giễu nhại (hồi kí của Nguyễn Khải, Vũ Bằng, Vương Hồng Sển…).

4. Căn cứ khuynh hướng tư tưởng của người viết, có thể chia hồi kí thành: hồi

kí “xuôi dòng” và hồi kí “ngược dòng”. Hồi kí “xuôi dòng” tái hiện sự kiện và con

người cơ bản theo quan điểm chính thống, thực chất là nói rõ hơn những điều đã được nghe, được tuyên truyền về thời đã qua (Mùa thu lớn của Lưu Trọng Lư, Nhớ

lại một thời của Tố Hữu, Gia đình, bạn bè và đất nước của Nguyễn Thị Bình…). Hồi kí “ngược dòng” dựng lại những gì chưa được kể, hoặc đính chính lại những điều đã

nghe, lật lại những vấn đề đã được tuyên truyền lâu nay về lịch sử, về quá khứ. Đây chính là khuynh hướng “phản biện quá khứ” từ những mặt trái, những góc nhìn khác, những quan điểm trái chiều, nó chú ý đến những mảng hiện thực khuất lấp đòi được lên tiếng (Nhớ lại của Đào Xuân Quý, Ba người khác của Tô Hoài, Tôi là một thằng

hèn của Tô Hải, Ngày N+ của Hoàng Khởi Phong…)

5. Căn cứ vào bản chất thể loại (là tiếng nói của cái tôi tác giả), có thể chia hồi kí thành hai xu hướng: 1. Hướng nội, tái hiện quá khứ chủ yếu dựa vào trải nghiệm,

chiêm nghiệm bản thân. Với xu hướng này, sự kiện, biến cố lịch sử trở thành “cơn cớ” của tâm trạng, người viết dựa vào những gì đã trải qua, cảm nhận và suy ngẫm để nhìn lại quá khứ, phán xét con người mình... Có thể xếp vào xu hướng này các tác phẩm: Ta

đã làm chi đời ta (Vũ Hoàng Chương), Bốn mươi năm nói láo (Vũ Bằng), Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải)… 2. Hướng ngoại, lấy những quan sát thế giới bên ngoài làm

điểm nhấn, ít đào sâu thế giới nội tâm, những sự kiện, biến cố lịch sử - xã hội và văn hóa trở thành đối tượng chính của bức tranh quá khứ. Một số tác phẩm tiêu biểu: Nhớ

nghĩ chiều hôm (Đào Duy Anh), Nhớ lại (Đào Xuân Quý), Gia đình, bạn bè và đất nước (Nguyễn Thị Bình), Rễ bèo chân sóng (Vũ Bão)…

6. Căn cứ vào sự đan xen thể loại, có thể nhận ra nhiều dạng thức phong phú: hồi kí - tự truyện (Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Cỏ dại của Tô Hoài,

Một giọt nắng nhạt của Nguyễn Khải…); hồi kí mang dáng dấp tiểu thuyết (Cai của

Vũ Bằng, Cát bụi chân ai, Ba người khác của Tô Hoài, Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải…); hồi kí như một thiên tuỳ bút (Thương nhớ mười hai, Món ngon

Hà Nội của Vũ Bằng…)… Đặc biệt, trong đời sống văn học đương đại, khi mỗi tác

phẩm muốn tự xác định thể loại cho mình, thì hiện tượng giả hồi kí, giả tự truyện, giả tiểu thuyết, giả cổ tích, giả sử… khá phổ biến. Hiện tượng này cho thấy khả năng mở rộng đường biên thể loại. Có thể hiểu vì sao một số tác phẩm khó xác định được thể loại, vẫn được người đọc tiếp nhận ở những dạng / kiểu khác với nhãn thể

loại mà tác giả cấp cho chúng. Thí dụ: Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng) tuy được

ghi trên bìa sách là hồi kí nhưng một số nhà nghiên cứu vẫn xem là tự truyện, hay tiểu thuyết tự truyện; Một giọt nắng nhạt (Nguyễn Khải) đã được đưa vào Tuyển

tập truyện ngắn Nguyễn Khải nhưng có nhà nghiên cứu vẫn xem là “hồi kí văn học

mang đậm yếu tố tự truyện” (Bích Thu), Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng) thuộc thể hồi kí hay tùy bút? Hai tác phẩm Ba người khác (Tô Hoài), Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải) đều được dán nhãn tiểu thuyết nhưng người đọc vẫn tiếp nhận chúng như những hồi kí đặc biệt; Ngược lại, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh trong những phân tích của Đoàn Cầm Thi được coi là “tự truyện bất thành”; Cát bụi chân ai và Chiều chiều thường được coi là hồi kí nhưng cũng có tác giả chứng minh nó là tự truyện (Phạm Ngọc Lan), Bích Thu gọi Cát bụi chân ai là

kí nửa tiểu thuyết” (Một kiếp bên trời); Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn) tuy được gọi là tiểu thuyết nhưng sự hấp dẫn công chúng lại nằm ở tính tự truyện, tự thuật…

Có thể nói, hồi kí rất đa dạng về kiểu loại, chúng dễ thâm nhập với các thể loại khác tạo nên những dạng thức rất phong phú. Trên cái nền câu chuyện có thật của hồi kí, có thể phát triển các yếu tố hư cấu tưởng tượng để trở thành tiểu thuyết tự thuật; sự gia tăng cảm xúc trong các hồi kí trữ tình khiến chúng gần với mạch liên tưởng phóng túng của tùy bút; nhấn mạnh tính truyện của hồi kí (chú ý đến nghệ thuật kể, coi trọng miêu tả nội tâm…) sẽ làm chúng giống tự truyện… Hiện tượng “dịch chuyển” phức tạp này không chỉ có ở hồi kí mà phổ biến ở tất cả các thể loại có sự tham gia của yếu tố tiểu sử. Cần dựa vào cái “gốc” và đặc trưng có tính trội để xác định đúng ranh giới và khuôn viên của chúng.

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 31 - 35)