Công cuộc đổi mới và nhu cầu nhận thức lại các vấn đề quá khứ

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 88 - 90)

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, bước vào công cuộc khôi phục và phát triển nhưng phải đối diện với vô vàn khó khăn phức tạp thời hậu chiến. Vẫn còn đó hậu quả nặng nề của hai cuộc chiến tranh ác liệt và kéo dài. Môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, kiệt quệ, trở nên tụt hậu so với các nước trong khu vực. Sự đối lập về hệ tư tưởng, chính trị và những khác biệt về kinh tế, văn hóa giữa hai miền Nam, Bắc không dễ xóa được trong một sớm một chiều… Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng, đổi mới đất nước trở thành vấn đề sống còn của dân tộc. Đã đến lúc cần nhìn nhận lại nghiêm túc mọi phương diện của đời sống xã hội. Tinh thần đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật mà Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đề ra đã khơi dậy tiếng nói dân chủ thẳng thắn bàn luận, đánh giá lại nhiều vấn đề quá khứ. Từ sau tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, một hệ giá trị mới được xác lập trên đất nước ta như những chân lí tuyệt đối: chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đưa người ta đến thiên đường hạnh phúc, tập thể bao giờ cũng đúng, đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội… Nhưng khi chiến tranh đã đi qua, cuộc sống thời bình bắt con người phải nhìn thẳng vào thực tại đầy bất ổn, phức tạp, nhiều “niềm tin” không còn vẹn nguyên. Người ta nhận ra chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa anh hùng chỉ phát huy sức mạnh trong chiến tranh cứu nước. Chúng ta đang bị tụt hậu chứ không phải “đỉnh cao muôn trượng” như bao nhà thơ, nhà văn hằng ca ngợi. Những sai lầm, ngộ nhận trong cải cách ruộng đất, trong các cuộc “Chỉnh huấn chính trị”, chống “Chủ nghĩa xét lại”, chống “Nhân văn giai phẩm”, coi trọng chủ nghĩa lí lịch, chủ nghĩa cá nhân bị đồng nhất với cá nhân… tạo bao oan sai, gây bao khổ lụy cho con người. Văn nghệ minh họa chính trị tất không tránh khỏi nhiều ngộ nhận ấu trĩ: “sự ngộ nhận chính trị có ý nghĩa con người xã hội là sự ngộ nhận khủng khiếp, sự ngộ nhận giới tính có ý nghĩa con người tự nhiên là sự ngộ nhận đau đớn, sự ngộ nhận về cái chết có ý nghĩa chung cho cả con người xã hội lẫn con người tự nhiên là sự ngộ nhận tàn nhẫn” (Nguyễn Huy Thiệp, Giăng lưới bắt chim, tr.18). Có

thể nói, quá nhiều vấn đề cần nhận thức, đánh giá lại, nhiều tiêu chí, giá trị cần xác lập lại. Bên cạnh đó, những biến động dữ dội của nền chính trị thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa vừa hứa hẹn những bước phát triển đột phá, vừa tiềm ẩn nguy cơ khó lường gây tâm lí bất an, hoang mang. Con người cần có cái nhìn tỉnh táo để không lặp lại những sai lầm trong quá khứ và tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Muốn đổi mới đúng hướng không thể không nghiêm túc “kiểm thảo” cái cũ, tình trạng hỗn loạn, phức tạp của hiện tại đương nhiên có cả nguồn cơn từ quá khứ.

Nhu cầu nhận thức lại các vấn đề quá khứ thu hút đông đảo người viết tạo nên cao trào đổi mới văn học. Hoàn cảnh bất bình thường thời chiến tranh khiến văn chương nghệ thuật khó tránh khỏi bị “công cụ” hóa. Nhiều mảng hiện thực bị tránh né. Quan niệm về chức năng nghệ thuật bị thu hẹp lại. Đặc biệt, những vấn đề thuộc đời sống cá nhân, riêng tư đều phải tạm gác lại. Kinh nghiệm riêng, cách nhìn riêng không được khuyến khích. Trở về cuộc sống thời bình, văn học đứng trước thách thức gay gắt: làm thế nào để đồng hành cùng khát vọng cơm áo, hạnh phúc của nhân dân? Bản chất của nghệ thuật là không ngừng sáng tạo và cách tân là sinh lộ của nó. Văn học buộc phải đổi mới để bắt kịp bước đi thời đại. Nhà văn không thể sáng tác như trước khi tâm thế tiếp nhận và thị hiếu thẩm mĩ của công chúng đã thay đổi. Từ những tích tụ âm thầm, những giằng xé giữa khát vọng sáng tạo và bổn phận công dân đã bùng phát mạnh mẽ nhu cầu đổi mới văn học. Muốn đổi mới, cần nhận thức lại quá khứ. Đấy là tiền đề quan trọng đầu tiên kích thích khuynh hướng hồi thuật và thể loại hồi kí phát triển.

Việc mở cửa hội nhập với thế giới, quan hệ giao lưu đa chiều đem lại nhiều kinh nghiệm văn chương mới cũng tạo môi trường thuận lợi cho những cách tân nghệ thuật. Việc tiếp nhận những lí thuyết mới, những quan niệm đầy tính dân chủ về con người cá nhân có tác động sâu sắc đến sự phát triển của thể hồi kí. Sự đổi mới tư duy, cái nhìn cởi mở về nhiều vấn đề lịch sử, xã hội đưa lại cho hồi kí một “hành lang tư tưởng” rộng rãi để các nhà văn tự do suy ngẫm, công bố kinh nghiệm cá nhân. Không khí dân chủ, tinh thần đổi mới, nhu cầu “sòng phẳng” với quá khứ cũng đưa đến tâm thế tiếp nhận và thị hiếu thẩm mĩ mới cho công chúng. Họ quan tâm nhiều hơn đến số phận cá nhân và những sự thật bị khuất lấp. Người đọc hôm nay đòi hỏi ở mỗi tác giả một nhà tư tưởng, một cách đặt vấn đề độc đáo có khả năng khơi gợi suy nghĩ, những

ý kiến bàn luận, đối thoại của họ. Đây chính là thế mạnh của thể hồi kí. Có thể hiểu vì sao công chúng ngày nay yêu thích hồi kí nhiều hơn và ngày càng xuất hiện những cuốn hồi kí được xem là sách “đỏ”, sách “hot”. Hầu hết những “cấm kị” trong quá khứ, những bức tranh hiện thực phiến diện, khuyết thiếu… đã được khai thác, được “làm đầy” từ hồi ức cá nhân. Thứ “lịch sử ở bên trong con người” mà hồi kí chuyển tải thực sự đã gây ấn tượng mạnh hơn mọi thể loại hư cấu khác.

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 88 - 90)