Hồi kí cách mạng

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 48 - 58)

Với ý thức truyền cho đời sau niềm kiêu hãnh về một sự nghiệp anh hùng, một dân tộc anh hùng, hồi kí tập trung tái dựng hiện thực vĩ đại của đất nước thời kì cách mạng và kháng chiến. Việc lấy quá khứ “vàng son” làm đối tượng khám phá, đã hình thành khuynh hướng hồi kí cách mạng, có tính tiêu biểu cho hồi kí Việt Nam lúc bấy giờ. Hồi kí cách mạng xoay quanh những vấn đề hệ trọng của dân tộc và thời đại, trực tiếp thể hiện hình ảnh cuộc chiến tranh nhân dân, xây dựng những hình tượng tiêu biểu cho sức mạnh và chính nghĩa Việt Nam. Tác giả hồi kí chính là người phát ngôn cho lập trường, tình cảm cách mạng và từ hệ quy chiếu đó mà đánh giá, tôn vinh quá khứ. Hồi kí cách mạng đã tạo nên một thế giới nghệ thuật mang vẻ đẹp riêng, đậm cảm hứng sử thi và chất lãng mạn.

2.3.1.1. Hiện thực và con người sử thi

Theo nghĩa hẹp, sử thi là “những thiên tự sự kể về quá khứ anh hùng, hàm chứa những “bức tranh” rộng và hoàn chỉnh về đời sống nhân dân và về những anh hùng, dũng sĩ đại diện cho một thế giới sử thi nào đó, thống nhất, hài hòa” (Lại Nguyên Ân). Có thể nói, hồi kí cách mạng đậm cảm hứng sử thi, nó tạo ra một hiện thực kiểu sử thi, đó là hiện thực của lịch sử cộng đồng, chứa đựng những vẻ đẹp cao cả. Nó dựng lại những câu chuyện về quá khứ hào hùng, biểu dương sức mạnh của con người Việt Nam trong cách mạng và chiến tranh cứu nước. Đó là Những năm tháng không thể nào quên, những năm tháng quân và dân ta phải đối diện với

vô vàn cam go, thử thách, chịu đựng bao gian khổ hi sinh nhưng cũng thật hào hùng. Cuốn hồi kí của đại tướng Võ Nguyên Giáp cho ta thấy trong những lúc khó khăn nhất, sức trỗi dậy của dân tộc càng mạnh mẽ. Tình thế ngàn cân treo sợi tóc

của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ càng làm nổi bật khí thế triều dâng thác đổ

của quân dân ta trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền hay tinh thần sẵn sàng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc của các lực lượng vũ trang cùng phong trào tòng quân sôi nổi trong cả nước: “Có những gia đình, hai cha con cùng một lúc viết đơn xin vào bộ đội. Có những nhà sư cũng cởi bỏ áo tu hành, đòi được đi giết

giặc… Biển người đưa tiễn tràn ngập các sân ga” [188, tr.51, 52]… Đó là hiện thực đấu tranh sôi nổi của những làng Đỏ, làng Cộng sản nổi dậy chống lại bọn đế quốc và địa chủ phong kiến với những đoàn biểu tình hừng hực khí thế. Đó là hiện thực cách mạng tháng Tám với hình ảnh những đoàn người biểu tình hiện thân cho sức quật khởi của một dân tộc anh hùng: “Làn sóng người đổ ra đường thiên lí, tay cầm giáo, mác, dao búa, gậy tre, tay thước, nét mặt người nào, người ấy lồng lộng một hào khí ngất trời… Dường như có cả một luồng điện cực kì mạnh, đã truyền đi, làm cả nước cùng dấy lên, cùng chuyển động” [193, tr.253, 254]…

Tái hiện quá khứ với cảm hứng sử thi, hiện thực được lựa chọn, phản ánh trong hồi kí tập trung phô diễn kinh nghiệm cộng đồng. Tư thế chứng nhân của người kể có sự thay đổi sâu sắc. Tác phẩm không đặt trọng tâm ở những vấn đề riêng tư mà kiếm tìm và thể hiện những vấn đề chung của dân tộc, đất nước. Có thể thấy hầu hết hồi kí cách mạng đều tập trung mô tả và đúc kết kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta, khẳng định chân lí tuyệt đối do Đảng cộng sản dẫn dắt. Những hồi kí của Võ Nguyên Giáp cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng qua việc phân tích, nắm bắt tình hình nhạy bén, những chiến lược sáng suốt, đặc biệt là đường lối chiến tranh nhân dân vô cùng đúng đắn (Từ nhân dân mà ra, Những năm

tháng không thể nào quên). Nhiều tác phẩm đúc kết kinh nghiệm chiến tranh du

kích, kinh nghiệm đấu tranh trong tù (Từ núi rừng Ba Tơ, Dưới hầm Sơn La, Bất

khuất…). Hướng đến biểu hiện quá trình vận động lịch sử tích cực, hồi kí có sự

thống nhất trong xây dựng hiện thực. Bức tranh hiện thực hiện ra với gam màu và đường nét khá giống nhau, ở đó có những sự kiện cách mạng dồn dập, khẩn trương, những thắng lợi ngày càng lớn, vai trò của Bác Hồ qua từng đường đi nước bước của dân tộc… Riêng việc khám phá hiện thực đấu tranh trong tù cũng cho thấy một cái nhìn chung về chế độ nhà tù và tinh thần bất khuất của những người tù cách mạng: tất cả nhà tù, xà lim, banh, khám của thực dân, đế quốc đều được dựng lên như những địa ngục trần gian, dù bị giam cầm ở đâu, người chiến sĩ cũng nhanh chóng giành thế chủ động, biến nhà tù thành môi trường chiến đấu mới… (Nhân

dân ta rất anh hùng, Dưới hầm Sơn La, Người trước ngã, người sau tiến, Bất khuất…)

Quá khứ được tái dựng luôn là hiện thực lớn, hiện thực cao đẹp rất đáng ca ngợi và tự hào. Các hồi kí đều say sưa trong cảm hứng ngợi ca cách mạng, khẳng định niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào Xã hội chủ nghĩa và tương lai đất nước. Võ Nguyên Giáp xem cách mạng tháng Tám như một cơn lốc xua tan bóng đêm, mở ra một bình minh chói lọi, tạo sức sống kì diệu cho cả dân tộc. Ông ca ngợi khả năng xoay chuyển tài tình của Đảng khi đưa con thuyền cách mạng Việt Nam cập bờ thắng lợi: “Đảng ta đã nhìn thấy trước chiều hướng phát triển cơ bản của tình hình. Những dự đoán kịp thời và những chủ trương chính xác của Đảng đã đưa cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám đến thắng lợi, đưa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn trứng nước vượt qua những khó khăn to lớn buổi đầu” [188, tr.65]. Tin tưởng vào Đảng, cũng là tin tưởng tuyệt đối vào Chủ nghĩa xã hội, mô hình lí tưởng của người cộng sản. Qua nhận thức của những người tù trong Bất khuất thì “chủ nghĩa cộng sản phát triển từ ít tới nhiều, từ yếu tới mạnh rồi cuối cùng thực hiện ở toàn thế giới… Tôi tin chắc chắn rằng cộng sản dứt khoát sẽ thắng” [280, tr.270]. Đứng ở lập trường cách mạng, mọi sự kiện, chuyển biến của lịch sử đều tạo nên những xúc cảm thẩm mĩ mãnh liệt: tin tức của cách mạng “như một nguồn ánh sáng ban mai qua một đêm dài đầy lo âu nặng trĩu”; mối liên lạc của Đảng đối với nhân dân là “sợi dây thiêng liêng trìu mến mà chúng tôi mong đợi từ lâu”; khi nghĩ đến một nhiệm vụ trước mắt, một cuộc biểu tình, một chuyến vượt ngục… người kể đều rưng rưng cảm xúc: “lòng rạo rực sung sướng với nhiệm vụ nặng nề sắp tới”, “một mình tôi ngồi nghĩ tới cuộc bạo động sắp đến, tình cảm trong người cứ dạt dào”; “trong cái đêm giao thừa vượt ngục ấy, lòng chúng tôi vô cùng ấm áp” (Người

trước ngã, người sau tiến, Từ núi rừng Ba Tơ, Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng) … Có thể nói, cách mạng, đất nước và nhân dân trong cuộc chuyển mình vĩ đại là nguồn cảm hứng lớn mà các nhà văn không tiếc lời ngợi ca bằng lớp ngôn từ đẹp đẽ nhất, chất chứa tình cảm thiết tha, trìu mến...

Trong bức tranh hiện thực hoành tráng về cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, hình ảnh con người được khắc họa theo khuôn mẫu những anh hùng sử thi. Đó là con người thuộc về sự nghiệp cộng đồng, tiêu biểu cho khát vọng, ý chí của cả dân tộc. Hồi kí cách mạng tập trung khai thác con người ở tư cách công dân, ở ý thức chính trị, đặt con người trong dòng chảy của các biến cố lịch sử để họ sống cùng một nhịp với

dân tộc, tìm thấy sức mạnh trong tập thể, trong sự gắn bó thống nhất muôn người như một. Nhân vật dường như chỉ sống cuộc sống chung đó bởi nó được cảm nhận như lẽ sống riêng của mỗi người. Những vấn đề cá nhân đều dễ dàng hòa tan vào đời sống ấy. Hồi kí Người trước ngã, người sau tiến, làm nổi bật chân dung Trần Phú với những hoạt động của một tổng bí thư Đảng. Cuộc sống của nhân vật là một chuỗi liên tục những công việc cách mạng: đọc sách báo, viết tài liệu, gặp gỡ cán bộ cách mạng, tôn trọng nguyên tắc bí mật [193, tr.26]. Nhân vật Hoàng Văn Thụ trong Ánh sáng mùa

xuân tạo ấn tượng sâu sắc về tinh thần gang thép của một chiến sĩ cách mạng, dù bị

địch bắt, tra tấn, dụ dỗ, đánh vào tình cảm gia đình cũng không lung lạc được anh. Những ngày trong xà lim án chém cũng như lúc đi ra pháp trường, anh đều để lại sự trầm trồ thán phục trong lòng mọi người: “Mỗi lần nhớ những bài học của anh là mỗi lần tôi bùi ngùi nhớ lại cái khung cảnh đen tối của xà lim án chém… hình ảnh chói lọi của người chiến sĩ ấy biết mình sắp chết dưới mũi súng quân thù nhưng vẫn dâng những hơi thở cuối cùng cho cách mạng” [193, tr.61]. Dòng hồi tưởng của hồi kí sử thi chỉ bắt lấy những gì lớn lao, cao cả, bởi nó là dạng thức diễn ngôn cách mạng, diễn

ngôn lịch sử, ở đó cái cá nhân dường như không tồn tại, chỉ có các hình thức phát ngôn

nhân danh cộng đồng. Trong lúc hoài niệm riêng tư, nó cũng chỉ nhớ đến những gì anh hùng chói sáng.

Tập thể những chiến sĩ cách mạng đấu tranh trong các nhà tù thể hiện rõ nhất sức mạnh cộng đồng trước những cam go thử thách. Hàng ngày hàng giờ phải đối diện với những trận tra tấn dã man, cái chết đang rình rập, người chiến sĩ cách mạng vẫn một lòng hướng đến sự nghiệp chung. Trong Bất khuất, Nguyễn Đức Thuận phải giành lấy sự sống một cách xót xa, đau thương. Anh luôn đấu tranh gay gắt với cái cá nhân chỉ chực trỗi dậy làm mờ lí tưởng, làm nhụt ý chí chiến đấu của người chiến sĩ. Trước những trận đòn hiểm ác của kẻ thù, anh vẫn giữ vững niềm tin, kiên định lí tưởng cộng sản, nhất định không li khai, không chào cờ ba que, cũng không yếu mềm tìm đến cái chết. Sức sống mãnh liệt của anh đã chiến thắng địa ngục trần gian Côn Đảo. Trong nhà tù Sơn La, người tù chính trị cũng trải qua những giờ phút đấu tranh căng thẳng, quyết liệt. Dưới hầm nhà tù nóng như thiêu, họ phải nhịn đói, nhịn khát, chia nhau từng chút khí trời. Chế độ nhà tù đã cho họ những trải nghiệm “Đoạn trường ai có qua cầu

nhịn đói sau một bữa nhịn đã thấy cồn cào nhớ bữa. Nhưng khổ nhất là từ ngày thứ hai sang ngày thứ ba, giai đoạn gay go hơn cả… chỉ từ ngày thứ tư trở đi mới bước vào

giai đoạn ổn định, vì lúc ấy người nhịn ăn đã suy kiệt cả khí lực, sức giãy giụa ỉu đi, sự

đòi hỏi không mãnh liệt nữa, trí nghĩ lờ mờ, chỉ còn nằm thiêm thiếp lịm đi như chết…” [193, tr.152]. Nhưng những người tù ấy vẫn đoàn kết, quả cảm, tuyệt đối phục tùng Ủy ban đấu tranh để đi đến thắng lợi cuối cùng…

Không chỉ hòa nhập, gắn bó với cuộc sống cộng đồng, nhân vật trong hồi kí giai đoạn 1945 - 1975 luôn là hiện thân cho dân tộc và thời đại. Đó là những công dân - chiến sĩ, giác ngộ sâu sắc lí tưởng tiên tiến của thời đại, quên mình vì nền độc lập tự do của tổ quốc. Những hình tượng đó kết tinh và tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông trong trường kì lịch sử: truyền thống chống giặc giữ nước, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng bền vững… Tất cả tạo nên hình ảnh con người Việt Nam mới - con người mang vóc dáng sử thi: “Con người Việt của cách mạng là chiến sĩ. Nó thu thập mọi sức mạnh của quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó ham học hỏi, nó có ý nghĩ rõ rệt về mục đích và lí tưởng của cuộc đời. Nó có ý thức xã hội và quan niệm đúng vai trò cá nhân trong đời sống chung, trong lịch sử” [148, tr.4]. Hồi kí cách mạng chủ yếu xây dựng hình tượng những con người hành động vì cộng đồng. Bác Hồ là một hình tượng tiêu biểu. Hình ảnh Bác xuất hiện trong rất nhiều hồi kí, từ “anh Ba”, “ông Nguyễn” (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ

Tịch), đến “đồng chí Vương”, “đồng chí Nguyễn Ái Quốc” (Từ nhân dân mà ra)…

đều là con người vừa gần gũi, gắn bó với nhân dân, vừa mang tư tưởng tiên tiến của thời đại, ra sức thực hiện lí tưởng cách mạng của mình. Nhiều nhân vật luôn suy nghĩ, hành động nhân danh đất nước, nhân danh Đảng. Một Trần Phú hiên ngang trả lời quân thù: “Tôi biết nhiều đảng viên là để làm việc cho Đảng tôi, chứ không phải để khai với ông” [193, tr.30]; một Hoàng Văn Thụ bị tra tấn dã man vẫn không ngừng động viên, khuyến khích anh em: “Có đau thì cũng cố chịu nhé. Đừng quên Tổ quốc và Đảng” [193, tr.59].

Một phương diện thể hiện rõ con người sử thi trong hồi kí cách mạng là khát khao được dâng hiến mình cho sự nghiệp chung. Họ ra đi chiến đấu với tinh thần chí công vô tư, ở đó ít thấy sự đấu tranh giằng co trong tư tưởng hay chùn bước, ngại ngần mà chỉ có một con đường vì cuộc chiến đấu của dân tộc, vì nghĩa vụ của người

công dân. Qua hồi kí người đọc chứng kiến nhiều cuộc chia tay cảm động của những người ra đi vì cách mạng gác lại tình riêng (cuộc chia tay của vợ chồng Văn Tiến Dũng, vợ chồng Võ Nguyên Giáp…), hay những lựa chọn đầy xót xa: Hoàng Văn Thụ đành cất giữ tình cảm đối với cha mẹ trong trái tim chung thủy, kiên trung của người chiến sĩ chứ không cất thành lời phản bội cách mạng, Nguyễn Đức Thuận trong cái đêm sa vào tay địch, sau khi âm thầm từ biệt vợ con đã trở thành con người với bản lí lịch: “Tên: Phạm Văn Thịnh. Cha mẹ: chết. Vợ con: không” [280, tr.16], hoàn toàn hiến mình cho cuộc đấu tranh…

Có thể nói, với thái độ say mê chiêm ngưỡng và ngợi ca quá khứ hào hùng của dân tộc, hồi kí cách mạng đã mô tả hiện thực và con người theo cảm hứng sử thi, tô đậm sự vĩ đại của cuộc cách mạng vô sản và cuộc kháng chiến vệ quốc. Tuy nhiên, bị chi phối bởi áp lực chính trị, cái nhìn của hồi kí cũng không tránh khỏi sự phiến diện trong cảm hứng ngợi ca một chiều. Lịch sử ôm chứa trong nó nhiều vấn đề phức tạp đâu chỉ khuôn lại ở những trận đánh, những chiến công, những chiến lược, sách lược? Con người với tất cả sự đa đoan, bí ẩn được nhào nặn và cắt gọt để trở thành con người công dân, con người cộng đồng. Có thể thấy hồi kí cách mạng chủ yếu quan tâm chuyển tải ý thức hệ, lòng tri ân cách mạng, dựng lên dấu ấn muôn đời của bản thân hơn là tái hiện quá khứ đấu tranh với tất cả sự phức tạp, khốc liệt và dư chấn của nó. Khi đã chạm đến tính sử thi, lãng mạn hóa con người chính trị, hồi kí cách mạng đã tạo nên vẻ đẹp riêng phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ của dân tộc và thời đại, làm tốt chức năng giáo dục, tuyên truyền cách mạng, nhưng cũng vì thế nó không phát huy hết công năng của thể loại là công bố sự thật, bộc bạch những vấn đề cá nhân, riêng tư… (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

2.3.1.2. Cái tôi tác giả như hình ảnh tiêu biểu cho con người Việt Nam mới

Hồi kí là những “chuyện đời tự kể”, tác giả rất tự do trong cảm hứng hồi cố, tổng kết và lí giải, tự do giãi bày tâm sự riêng tư, kinh nghiệm cá nhân, giải toả ẩn ức… Tuy nhiên, trong hồi kí cách mạng, cái tôi tác giả (như đã trình bày, hồi kí cách

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 48 - 58)