Sự trưởng thành của tư duy nghệ thuật

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 91 - 93)

Từ đầu thế kỉ XX, công cuộc hiện đại hóa đã hình thành những quan niệm mới về văn chương làm cơ sở đưa văn học Việt Nam từ phạm trù trung đại sang phạm trù hiện đại. Ba mươi năm chiến tranh (1945 - 1975), ưu tiên chức năng phục vụ chính trị, văn học cơ bản bị chi phối bởi tư duy sử thi, quan niệm về bản chất, chức năng của văn học lại về gần với thời trung đại. Từ sau 1975 đến nay, văn học có một bước ngoặt chuyển mình: nhu cầu dân chủ hóa và hiện đại hóa đưa đến sự thay đổi đáng kể quan niệm về chức năng của văn học, về mối quan hệ giữa văn học và đời sống, nhà văn và bạn đọc… Văn học được nhấn mạnh trước hết ở khả năng khám phá thực tại, khả năng dự báo, dự cảm và cả khả năng thư giãn, giải trí. Tư tưởng “sáng tạo nghệ thuật trước hết là sáng tạo hình thức” được coi trọng hơn hẳn trước. Văn học không chỉ “tải đạo”, “tải” hiện thực mà còn chủ trương thỏa mãn các cuộc chơi

(chơi với độc giả, chơi với chính mình). Phạm Thị Hoài quan niệm văn chương là “một trò chơi vô tăm tích”, Trần Dần thì: “Tôi giản dị đồng nhất thơ vào chữ”…

Tương ứng với những biến đổi trong nhận thức về chức năng văn học là sự thay đổi trong quan niệm về kiểu nhà văn. Nền văn học cách mạng đã sản sinh một kiểu mẫu nhà văn - chiến sĩ: “Bay theo đường dân tộc đang bay” và “Nghĩ trong những điều Đảng nghĩ” (Chế Lan Viên). Nhà văn hôm nay phải đồng thời là một nhà hoạt động văn hóa bằng nghệ thuật độc đáo của mình. Anh ta coi sứ mệnh mình không phải “nói ra chân lí” mà phải “thức tỉnh ý thức hướng về chân lí” của người đọc. Nhà văn phải viết ra những cuốn sách giúp độc giả có thể tự nhận thức về bản thân. Như vậy, mối quan hệ giữa nhà văn và công chúng ngày càng dân chủ, bình đẳng hơn.

Hiện thực như là chất liệu hay đối tượng của văn học? Là phương tiện hay mục đích của tác phẩm? Mỗi câu trả lời đi liền với một cách xử lí khiến nhiều nhà văn quan tâm suy nghĩ. Những hướng tiếp cận quen thuộc trong thời kì trước đã tỏ ra bất cập trước đòi hỏi của người đọc. Văn học không thể cứ làm “nô lệ” cho hiện thực, nhà văn cần phải sáng tạo hiện thực. Sự tự do trong quan hệ với hiện thực, hiện thực của những cái nhìn riêng, niềm tin riêng, đó là bằng chứng cho một trình độ trưởng thành của tư duy văn học.

“Văn học là nhân học”, xét đến cùng, cách nhìn con người là mấu chốt để đo đếm tư duy nghệ thuật. Ý thức nghệ thuật sâu sắc, tiến bộ hay không thể hiện ở mối quan tâm của nó đến số phận con người. Có thể nói, văn học hôm nay đã vượt thoát khỏi nhiều ngộ nhận, khỏi căn bệnh giáo điều, duy ý chí về con người của văn học thời chiến tranh để xác lập mặt bằng nhân văn mới: “một quan niệm toàn vẹn và sâu sắc hơn về con người mà nền tảng triết học và hạt nhân cơ bản của quan niệm ấy là tư tưởng nhân bản” [77, tr.186]. Nhân tính được văn học đề cao hơn lúc nào hết: “Văn học giá trị bao giờ cũng đề cao nhân tính. Một xã hội không có những tác phẩm văn học hay, không có những tác phẩm có giá trị, nghĩa là nhân tính ở đấy đang bị xói mòn, đang bị mất dần đi” [131, tr.264].

Tư duy thể loại cũng biến đổi sâu sắc. Khi quan niệm về chức năng văn chương và cái nhìn về hiện thực, con người đã khác trước, nhà văn không còn bằng lòng với cái “khung” thể loại truyền thống, họ nới lỏng mô hình và đường biên các

thể loại, đặt lại nhiều vấn đề: các thể loại cứ phải “sạch sẽ”, “gọn gàng” trong những khung hình có sẵn? Tiểu thuyết có nhất thiết dài hơi, trường thiên? Thơ cứ phải êm ái mượt mà? Hồi kí phải nhất nhất người thật việc thật?... Cách viết tự do, hiện đại hơn tạo nên hiện tượng chuyển dịch, thâm nhập lẫn nhau, cũng là tạo sức hấp dẫn mới cho các thể loại: tản văn gần với truyện ngắn, thơ gần với văn xuôi, tiểu thuyết giàu chất thơ, tiểu thuyết có xu hướng ngắn, các dạng thức hồi kí, tự truyện gần với tiểu thuyết…

Nhìn chung, với cái nhìn sâu vào bản chất nghệ thuật, các nhà văn dần đưa văn học trở về chính nó cùng giá trị tự thân và đặc thù thẩm mĩ. Tư duy văn học mới tác động rất lớn đến sự phát triển của văn học nói chung và thể hồi kí nói riêng. Tư tưởng tự do, cởi mở lúc này khiến nhiều người mạnh dạn lựa chọn hồi kí để công bố kinh nghiệm cá nhân. Độc giả có hứng thú tìm hiểu lịch sử qua những góc nhìn riêng, muốn tìm ra chân lí, đôi khi đó chỉ là chân lí nghệ thuật, chân lí của mỗi nhà văn, không trùng khít với chân lí lịch sử. Xu hướng xem trọng sáng tạo hình thức khiến người viết hồi kí đi sâu tìm tòi đổi mới bút pháp thể loại…

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 91 - 93)