Nhu cầu ngoái lại quá khứ để tri ân và tuyên truyền cách mạng

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 40 - 41)

Từ 1945 đến 1975, trên đất nước ta đã diễn ra nhiều biến cố lịch sử trọng đại. Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 và thắng lợi của hai cuộc kháng chiến đã tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội. Bối cảnh khác thường ấy chi phối trực tiếp đến sự phát triển của thể hồi kí. Hiện thực mới đang được kiến tạo kéo theo những biến đổi mạnh mẽ trong tâm lí, tình cảm nhân dân, đòi hỏi ở văn học một sự biểu hiện tương xứng. Việc tái hiện quá khứ “người thật việc thật” của thể hồi kí trở thành một lựa chọn hợp lí. Quá trình vận động của cách mạng và kháng chiến vệ quốc tạo ra chất liệu thẩm mĩ ngồn ngộn sức sống mà những nhà viết kí nói chung và hồi kí nói riêng muốn chia sẻ cùng bạn đọc. Đó là quá khứ đáng trân trọng, tự hào. Bao con người bình thường mà vĩ đại, những ân nghĩa thủy chung, những sự kiện lớn nhỏ, những chiến công trong quá khứ gần, xa đều đáng được ghi lại trong hồi kí như sự lưu giữ kí ức đẹp của dân tộc. Ghi lại hiện thực khốc liệt mà hào hùng của dân tộc là nhu cầu bức thiết của cuộc sống, là một nhiệm vụ cách mạng quan trọng, nuôi dưỡng khát vọng chiến đấu và chiến thắng, cổ vũ, động viên con người sẵn sàng tận hiến cho sự nghiệp chung. Mượn hình thức hồi kí, các nhà văn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với lịch sử hào hùng của Đảng và nhân dân. Những trang viết nóng hổi hơi thở thời đại sẽ là những tư liệu đáng quý góp phần giáo dục, tuyên truyền cách mạng cho thế hệ hậu sinh. Lịch sử qua góc nhìn của người trong cuộc trở nên có hồn hơn, riêng tư hơn nhờ gắn với những kỉ niệm, ấn tượng khó phai. Đây sẽ là phần bổ sung cho “chính sử”, làm cho lịch sử hiện ra phong phú, hấp dẫn hơn. Người viết hồi kí thời kì này cũng ý thức được nhiệm vụ phải ghi lại những bài học quý báu về đấu tranh cách mạng bởi kinh nghiệm có khi phải đánh đổi bằng nhiều hi sinh mất mát, do vậy, không nên để những khoảnh khắc làm nên lịch sử bị lãng quên. Họ đã giúp người đọc thấy được quá khứ đau thương mà anh hùng của dân tộc để ứng xử đúng hơn với hiện tại và tương lai. Nhiều cuốn hồi kí có giá trị đã góp phần không nhỏ vào việc tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho nhân dân đồng thời chuyển tiếp ngọn lửa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Bên cạnh chiến công, niềm hứng khởi lạc quan, con đường đấu tranh thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Chiến tranh kéo dài, những khắc nghiệt của cuộc sống thời chiến, những cực đoan ấu trĩ của một số chính sách... không khỏi nảy sinh tâm lí bi quan, mệt mỏi ở một bộ phận nhân dân. Đất nước chia cắt, con người phân li, là một chấn thương tinh thần nặng nề. Chính sách cải cách ruộng đất và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc mắc phải nhiều sai lầm, giáo điều để lại những vết thương khó chữa lành. Cuộc di cư của hơn một triệu người Bắc năm 1954 tạo nên nhiều xáo trộn, hoang mang trong đời sống xã hội. Việc Mỹ gia tăng can thiệp quân sự vào miền Nam, leo thang phá hoại miền Bắc, những bất ổn và bất đồng trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa… có ảnh hưởng lớn đến tâm lí, tình cảm nhân dân và cục diện chính trị. Chủ nghĩa xét lại khởi phát từ Liên bang Xô viết không khỏi gây hoang mang, nghi ngờ về con đường chủ nghĩa xã hội… Trước tình hình đó, củng cố niềm tin vào cách mạng, vào chế độ là nhiệm vụ lớn của văn nghệ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhằm động viên khích lệ tinh thần của nhân dân, khơi dậy niềm tin vào tương lai của đất nước, nền văn học ở miền Bắc nhất quán trong cảm hứng ngợi ca cách mạng, ngợi ca sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Làm sống lại quá khứ hào hùng là một phương thức đầy hiệu quả để hồi kí khẳng định chân lí cách mạng hiện tại, cổ vũ nhân dân chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ của nền văn nghệ cách mạng theo thế mạnh của mình. Có thể nói, nhu cầu lưu giữ kí ức để tri ân cách mạng và giáo dục đạo đức truyền thống đã tạo tâm thế sáng tác mới, tác động đến sự phát triển của hồi kí giai đoạn này với những chuyển biến mới so với mạch hồi kí - tự truyện trước đó…

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 40 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w