Nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong các khuynh hướng hồi kí giai đoạn này khá đặc sắc. Mỗi khuynh hướng hồi kí tạo nên một sắc thái ngôn từ khác nhau. Bên cạnh lớp ngôn từ ngợi ca, nghiêm túc, đậm chất anh hùng ca của hồi kí cách mạng là lớp ngôn từ vừa đậm chất đời thường, vừa mang phong cách, cá tính nhà văn của hồi kí văn nghệ. Các tác giả hồi kí đã phát huy tối đa ưu thế ngôn ngữ thể loại, đặc biệt là tính phóng khoáng, tự do mà cá tính nghệ sĩ thường trực tiếp tham gia vào để tạo ra nhiều hình thức và phong cách sáng tạo...
Với lối tô vẽ hào quang quá khứ, người viết hồi kí cách mạng luôn có ý thức gắn mọi hiện tượng cách mạng với những phạm trù đẹp đẽ, tràn đầy sức sống, như “niềm tin”, “tương lai”, “ánh sáng”… Họ thường sử dụng lớp từ ngữ tươi sáng, đầy âm thanh, màu sắc để miêu tả vẻ đẹp của cuộc chiến đấu, chẳng hạn: tin tức cách mạng “như một nguồn ánh sáng ban mai”; “như một hồi kèn ra trận”; mối dây liên
lạc của Đảng “là sợi dây thiêng liêng trìu mến”; “Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa”; cách mạng nổi lên “như một cơn lốc”, hình ảnh người chiến sĩ “chói lọi”… Biện pháp tu từ được sử dụng nhiều trong hồi kí cách mạng là so sánh, đặc biệt, lối khắc họa hình tượng con người trong thế đối sánh với thiên nhiên khiến sức mạnh, tầm vóc nhân vật trở nên nổi bật. Hình ảnh Bác Hồ hiện ra trong “thế gian hỗn độn, đau thương” để tìm “ánh sáng chân lý” mang vẻ đẹp của một vị thần khai sáng. Hình ảnh những người chiến sĩ vượt ngục “như gió, như bão”, hình ảnh “hàng vạn, hàng vạn con người ầm ầm kéo đi với sức mạnh như những dòng thác”, nét mặt “lồng lộng một hào khí ngất trời” và dũng khí “như một luồng điện cực kì mạnh”… cho ta cảm giác như đang chứng kiến sự dũng mãnh của những con người sử thi, thần thoại…
Hồi kí văn nghệ tìm đến hệ ngôn từ được cá tính hóa, gắn với quan niệm sống, quan niệm viết và vốn văn hóa của mỗi nhà văn. Là thể loại người viết trực tiếp kể lại chuyện của mình nên ngôn ngữ trong hồi kí mang đậm phong cách, cá tính tác giả hơn bất cứ thể loại nào. Có thể nhận ra một Vũ Bằng “tinh nghịch”, “ranh mãnh” nhưng đầy “đam mê” (theo cách nói của Tạ Tỵ, Nguyễn Vỹ), qua cách sử dụng ngôn ngữ sinh động, phóng túng. Vốn hiểu biết sâu rộng ở nhiều lĩnh vực: văn hóa dân gian, báo chí, ẩm thực… bồi đắp cho Vũ Bằng một kho từ vựng vô cùng phong phú để linh hoạt, khéo léo đưa vào tác phẩm. Ông hay có kiểu chơi chữ, tự trào hài hước, làm cho ngôn ngữ kể chuyện trở nên dí dỏm, hấp dẫn. Cách đặt nhan đề “Bốn mươi năm nói láo” đã nêu bật tính tự trào. Qua những gì Vũ Bằng và đồng nghiệp đã “nói láo” trong gần bốn thập kỉ qua, người đọc vỡ lẽ: đây chỉ là một phản đề. Cũng có thể đây là một nét biếm họa chân dung người làm báo xuất phát từ câu nói dân gian: “làm báo nói láo ăn tiền”. Tự nhận nghề của mình là “nói láo” cũng là một cách để vượt qua cái mặc cảm do định kiến xã hội tạo ra. Vũ Bằng hay có cách biến hóa thành ngữ, dùng lớp từ phiên âm tiếng Pháp kết hợp với những từ, cụm từ đầy chất khẩu ngữ nhằm diễn đạt ý giễu nhại, phê phán kiểu: chửi vung xích chó, những con dê cỏn buồn sừng, im cứ thin thít như là
thịt nấu đông, chán chường một cây, hợm một cây, ông cha chính cống bà lang trọc, ái quốc sa lông, coi đời là nơ pa, coi đời như bãi phân, vây hết chỗ nói… Ông mượn
những cách “giật tít” của báo chí để tổ chức các chương, mục cho cuốn hồi kí thêm hấp dẫn như Báo là gì?, Báo tếu, Báo hại, Báo đấu tranh, Tôi, thằng vô lại, Thất bại thứ
nhì, Quyền rơm vạ đá, Một vạn rưỡi ngày đàng, không được một sàng khôn nào hết…
Có thể nói, ngôn ngữ trong Bốn mươi năm nói láo đưa đến hơi thở báo chí, không khí báo chí nhiều biến động, hỗn tạp một thời. Tha thiết giãi bày về mình, về nghề, Vũ Bằng thổ lộ tâm tình ào ạt, gấp gáp như đang trực tiếp đối thoại với độc giả qua hàng loạt câu hỏi, câu cảm thán, lời bàn luận, gia tăng tính đối thoại, sức cuốn hút cho tác phẩm. Có những đoạn văn được tổ chức toàn bằng những câu hỏi cho thấy nỗi băn khoăn trăn trở của một người làm nghề đầy trách nhiệm: “Cũng như lúc viết tin, viết bài, thỉnh thoảng lại ngừng bút lại tự hỏi: Viết thế này có hớ không? Chính quyền nó có chơi mình không? Thông tin có đóng cửa báo không?... Văn chương của ta có phải là của ta hay chưa? Báo chí ta làm đã sớm nói lên được khát vọng gì của ta chưa? Ta đã đóng góp được gì cho lịch sử văn hóa dân tộc chưa?” [166, tr.571, 572]. Có lúc cái tâm tình sôi nổi ấy cứ ào ạt tuôn chảy: “Hỡi tất cả các anh em đã chết hay còn sống! Các anh có biết rằng ngồi kiểm điểm lại bốn chục năm làm báo, người bạn của các anh, hôm nay, ở đây đã chán chường đến thế nào không?” [tr.569, 570].
Ngôn ngữ Nguyên Hồng cũng mang đậm cá tính, phong cách riêng, nó như được vút cao, tỏa ra từ bên trong một tâm hồn lúc nào cũng cuồn cuộn cảm xúc. Ngôn ngữ ấy tạo cho “Câu văn Nguyên Hồng lúc nào cũng như con cá đang thở gấp, lúc nào cũng quẫy cựa phập phồng sự sống, lấp lánh sự sống, khiến người ta luôn có cảm giác có thể “đo nhiệt độ” trong câu văn Nguyên Hồng” [26, tr.240]. Một điểm dễ nhận thấy là nhà văn Cửa biển hay sử dụng cú pháp dồn dập với lối điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc nhằm nhấn mạnh và nói rõ hơn về sự việc, bộc bạch rõ hơn tâm trạng mình. Hãy nghe ông tả cảnh thê thảm của nạn đói năm 1945: “Những chiếc chiếu cũ có mới có… những áo tơi vá đụp, vá chằng chịt bằng bao tải, bằng mo nang, bằng giấy bao xi măng, bằng lá chuối, bằng nguyên một ống quần hay một bức sống, bằng cả dây, dợ lưới, vó bè, võng… tất cả buộc túm lại theo kiểu mũ mấn đội chùm lên đầu, che xuống gần đầu gối… Từng chiếc chiếu và áo tơi hay từng đám chiếu và áo tơi không để trông thấy mặt mà chỉ có hai ống chân, những ống chân gầy teo, già có, trẻ có, đàn ông có, đàn bà có, trẻ lên năm, lên bảy có. Cứ những lúc nắng nghĩa là có mặt trời lên cao là họ kéo nhau đi” [215, tr.208]. Cách lặp từ ngữ, cách nói dồn nhiều trạng thái, tính chất của một đối tượng trong câu văn dài càng khắc họa đậm nét, ám ảnh cái đói rét bi thảm của những người khốn khổ. Trong Một tuổi thơ văn, có đoạn
lời kể của ông lặp đi lặp lại cụm từ một công việc cho thấy cái khao khát cháy bỏng về một công việc có ích: “Nghĩa là tôi phải có một công việc để những năng lực quí báu nhất của tôi được sử dụng và nảy nở. Một công việc để tôi thể hiện những tình thương yêu tươi đẹp nhất, mạnh mẽ nhất của tâm hồn tôi. Một công việc để tôi sống
với cái lí tưởng mà tôi thấy rằng cao quý. Một công việc để tôi chống lại những điều mà tôi thấy càng bất công, xấu xa và độc ác” [tr.157]. Khí chất nhiệt tình, sôi nổi khiến Nguyên Hồng đưa vào bảng từ vựng của mình với mức độ khá đậm đặc những tính từ và thán từ, khiến lời kể, lời tả, lời luận của ông dường như đều thiên về tả. Ông hay dùng tính từ để miêu tả tâm trạng, cảm xúc, tả người, tả cái đẹp… Chẳng hạn, miêu tả những điều đáng suy ngẫm về cuộc sống xung quanh trong một đoạn văn với rất nhiều tính từ: “Tôi vẫn đến trường học bằng tất cả những quãng đường thương yêu nhiều kỉ niệm nhất… vẫn bữa no, bữa đói, bữa nhịn mà so sánh, nghĩ ngợi về bao nhiêu điều bất công, bao nhiêu sự trái ngược, bao nhiêu nỗi tủi nhục, đau xót, bao nhiêu cảnh nghèo hèn, buồn thảm ở ngay cùng nhà tôi, ở chung quanh tôi và khắp nơi, khắp chốn bấy giờ” [216, tr.93]. Những khi bộc lộ cảm xúc mạnh, ngẫu nhiên, bột phát, Nguyên Hồng hay sử dụng nhiều cảm từ, thán từ. Lớp từ này giúp ông thể hiện một cách tự nhiên nhất trạng thái cảm xúc của mình. Có thể nhặt ra trong các hồi kí Bước đường viết văn, Một tuổi thơ văn rất nhiều câu, nhiều đoạn mở đầu bằng các từ cảm thán, chẳng hạn: “A! Công lí đã xuống kiệu”; “Lạ thay! Lên ba tuổi mà hiểu được lời cầu hiền”; “Chao ôi! Liêm sỉ của một người dân sống lúc non sông Tổ quốc đang ở trong cảnh nước sôi lửa bỏng”; “Chao ôi! Làm sao tôi không thấy mình sung sướng được…”. Nhìn chung, Nguyên Hồng đã tạo ra kiểu ngôn ngữ phù hợp với cái tôi nhiệt tình, tràn đầy xúc cảm của ông.
Người đọc dễ nhận ra một Vương Hồng Sển phóng khoáng, tài tử nhưng chân chất qua ngôn ngữ kể chuyện mộc mạc, dí dỏm, đôi lúc rề rà, cà kê trong hồi kí Năm
mươi năm mê hát. Hãy nghe ông dông dài “đầu cuối” việc cho ra đời cuốn sách quý
của mình: “Tôi từ chối sợ ngu diễn thuyết. Nhưng nhờ anh mà tôi có quyển nầy. Diễn thuyết sẽ vụn nát câu đề. In nhón vào tập san và làm mất màu tân và cho ai kia hưởng nước nhứt! Nên thà ngu cho đủ bộ, tôi viết cho xong tập khảo cứu nầy. Nghĩ cho công trình cắp ca cắp củm, sưu tập cóp nhóp - chạy giặc không mất - ngót và hơn năm chục năm trời, không lẽ sau nầy làm giấy cuốn kèn liệm theo? Và mặc dù tài liệu còn chưa
đủ như ý muốn, tôi cũng xin vọc vạch bôi lọ trăm trương hiến bạn đọc” [250, tr.17]. Lớp từ cổ, từ địa phương càng làm nổi bật màu sắc Nam bộ “miệt vườn”: chơn tình, mình ên, cà rỡn, cầm lòng không đậu, lẹ như lặt rau, ăn đờn phong phóc... Phong cách
ngôn ngữ này là sự lựa chọn có ý thức của ông: “những nét tốt, đức lành cùng những tật xấu, thói hư, tiếng thơm, tiếng thảo tôi cố giữ y như đã nghe thấy, được biết, chép lại đúng sự thật, ghi dấu một thời đã qua để làm gương cho hậu thế” (Vương Hồng Sển). Ngôn ngữ trong Ta đã làm chi đời ta, cho thấy chất tài hoa của nhà thơ lãng mạn đa tình mà cô đơn “từ bỏ thực tại… lững thững đi vào xứ mộng… tìm quên trong chiều sâu của ảo giác, của men khói” (Tạ Tỵ). Nhà thơ hay dùng lớp từ chuyên biệt hoặc lối nói khoa trương, chẳng hạn, miêu tả thú đờn ca sáo nhị và niềm đam mê bốc trời bằng những từ ngữ: khúc Nghê thường vũ y, bài Mữu nói, bài Hát Hãm, Hát Gõ Chậu, cơn
say đang nhạt, giấc mộng đang phai, tiếng hát trong veo như suối, tròn xinh như ngọc, ma lực đoạt hồn phách… Cách xưng hô, trò chuyện giữa các nhân vật cũng đầy vẻ
giang hồ lãng tử, dí dỏm: không gọi / xưng tên mà gọi “lơ lửng” theo họ, tên đệm, bút hiệu hoặc tên tác phẩm: Hoàng (Vũ Hoàng Chương), Lê, Lê Quân (Lê Trọng Quý), Đỗ, Đỗ Quân (Đỗ Đức Thu), Nguyễn (Nguyễn Tuân), tác giả Vàng và Máu (Thế Lữ), tác giả Thực và Mộng (Lê Quân), tác giả Lỡ bước sang ngang (Nguyễn Bính)…; xưng / gọi theo truyện lãng mạn, kiếm hiệp xưa: Chàng Tô, Tô Lang (Tô Hoài), Huyênh
hoang tôn ông, Lê tôn ông (Lê Văn Trương), Hoàng Say đại huynh (Vũ Hoàng
Chương), Dương Ổ tam kiều, Nhất thống tiên sinh, Đông Hồ tiên sinh, mỗ, đại huynh,
tiểu đệ, đệ nhị phòng, biệt phòng… Lớp từ ngữ xưng - gọi này vừa thể hiện chất lãng
tử, vừa cho thấy cái dí dỏm hồn nhiên, đầy tình cảm, gần gũi của người kể chuyện. Vũ Hoàng Chương còn có lối viết bay bổng đầy chất thơ. Nói về những chuyến lãng du, ông dùng các cụm từ ẩn dụ “phất tay áo cho gió lên”, “đã nghe phần phật gió lên rồi”, “và… gió lên… gió lại lên”, “mây xuống gió lên”… Nhiều cụm từ, câu văn của ông hay như thơ: “Điệu nhạc khô gầy của bánh xe nghiến trên đường sắt đã chầm chậm đưa tâm trí Hoàng trôi ngược thời gian, trở về làng Dương Ổ ba tháng trước, khi lửa lựu mới lập lòe trên đầu mảnh tường hoa”, “Một đêm hội ngộ, rồi cá nước chim trời”, “Cờ lại phất. Còi lại thổi. Và chuyến xe lại tiếp tục lên đường…”, “Ôi trường đình La Mã, dầu sao ta cũng có chút duyên với mi!”… Người đọc nhận ra ngay đây là hồi kí của
một nhà thơ lãng mạn qua các lớp từ ngữ, lối diễn đạt có duyên, tinh tế, giàu cảm xúc…
Nhìn chung, từ sau cách mạng tháng Tám 1945, với môi trường thuận lợi, hồi kí Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó nổi lên hai khuynh hướng chính: hồi kí cách mạng và hồi kí văn nghệ. Đây là hai dòng mạch song song tạo nên diện mạo của hồi khí giai đoạn này. Với lực lượng sáng tác khác nhau, đề tài và cảm hứng khác nhau, chúng có những kết tinh tư tưởng và nghệ thuật khác nhau. Dòng mạch cách mạng đậm cảm hứng sử thi và chất lãng mạn, dòng mạch văn chương nghệ thuật giàu tính hiện thực và giá trị nhân văn, thẩm mĩ. Sự phát triển của hồi kí cách mạng và hồi kí văn nghệ cho thấy tác động mạnh mẽ của những biến thiên lịch sử đối với thể loại. Các tác giả vừa quan tâm đến những vấn đề lớn như số phận dân tộc, tương lai đất nước, vừa quan tâm đến biến động của thời cuộc gắn với các vấn đề về nghề nghiệp, số phận các văn nghệ sĩ… Như vậy, hồi kí giai đoạn này có những đóng góp lớn trong việc tái hiện sinh động quá khứ hào hùng để tri ân và giáo dục, tuyên truyền cách mạng, đồng thời cho thấy bức tranh đời sống văn chương, báo chí nhiều biến động qua cái nhìn khá khách quan, chân thực. Những đặc sắc về nghệ thuật của hồi kí, đặc biệt là hồi kí văn nghệ là tiền đề quan trọng để hồi kí giai đoạn sau phát triển với những bước sáng tạo mới.
Chương 3