Cách mạng tháng Tám mở ra một nền văn học tương ứng về tiêu chí thẩm mĩ. Đời sống văn nghệ giai đoạn này làm tăng thêm bề dày trải nghiệm của các nhà văn, đặc biệt là thế hệ trước cách mạng đã đi từ nhiều khuynh hướng nghệ thuật đến với nền văn học mới, họ có nhu cầu hồi cố về hành trình văn nghệ đã qua, nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm, trình bày nhận thức của mình về xã hội, nghề nghiệp... Do vậy, giai đoạn này xuất hiện một số hồi kí nhìn lại bước đường hoạt động nghệ thuật của một số nhà văn như Những bước đường tư tưởng của tôi (Xuân Diệu, 1958), Đường vào nghệ thuật (Nguyễn Khải, 1963), Bước đường viết văn (Nguyên Hồng, 1970), Đời viết văn của tôi (Nguyễn Công Hoan, 1971), Một tuổi thơ văn (Nguyên Hồng, 1973)… Họ chủ yếu lí giải con đường mình trở thành nhà văn cách mạng thông qua việc tái hiện không khí văn chương trong môi trường văn nghệ cũ và mới. Tuy đối tượng khám phá có khác hồi kí cách mạng nhưng nhãn quan chính trị thì vẫn thế. Các nhà văn vẫn nhìn nhận các vấn đề của đời sống văn nghệ với quan điểm của giai cấp, cộng đồng. Trong nền văn học mang tính thống nhất cao lúc bấy giờ, họ chưa thực sự tách mình ra khỏi cái ta của nhân dân, đất nước để hoàn toàn phát ngôn với tư cách cá nhân.
Sau hiệp định Giơnevơ (tháng 7 - 1954), đất nước bị chia cắt kéo dài hai mươi năm với sự tồn tại của hai thể chế chính trị, xã hội, nền kinh tế và hệ tư tưởng khác biệt giữa hai miền Nam - Bắc. Trong hai mươi năm ấy, ở các đô thị miền Nam, tình hình chính trị - xã hội hết sức phức tạp. Chiến tranh tàn khốc mở rộng, kéo dài với sự can thiệp ào ạt của quân đội nước ngoài và nhiều đảng phái, tổ chức chính trị. Xã hội suy đồi, đầy tệ nạn thời chiến, tham nhũng lan tràn. Ảnh hưởng văn hóa Mỹ một cách xô bồ ở những giai tầng thấp, lối sống hiện sinh ngày càng phổ biến. Đời sống của các tầng lớp nhân dân chịu nhiều xáo trộn không tránh được tâm lí hoang mang, mất hướng ở nhiều tầng lớp, trong đó có một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ. Bối cảnh chính trị, văn hóa lúc này tác động lớn đến tâm thế sáng tác của các nhà văn. Bi quan, chán nản với thời cuộc, họ tìm về những giá trị cũ với hồi ức một thuở “vàng son” của văn nghệ tiền chiến, một thuở tung hoành với “trường văn trận bút” náo nhiệt, làm sống dậy những gương mặt bằng hữu, những thú ăn chơi, những chuyến giang hồ… Đây là
cơ sở để một số nhà văn viết hồi kí nhằm bộc bạch “tâm tư thời đại” của thế hệ mình và phản ứng lại thực tại…
Tuy nhiên, trong sự ổn định tạm thời của những năm đầu nền đệ nhất cộng hòa và ở giai đoạn tiếp theo, nền văn hóa, giáo dục miền Nam cũng có những điều kiện thuận lợi để văn học phát triển. Vì mục đích chính trị, nhà cầm quyền cho phép tự do sáng tác, lưu hành các giá trị văn chương tiền chiến. Nền giáo dục miền Nam khá cởi mở với sự tiếp nhận các trào lưu tư tưởng Đông, Tây, coi trọng việc dạy tiếng Pháp, tiếng Hán, phát triển dịch thuật, tạo điều kiện cho người học tiếp cận trực tiếp với văn hóa phương Tây… Hoạt động báo chí nói chung cũng rất phát triển, sinh hoạt báo chí, văn học rất sôi nổi. Sài Gòn có nhiều tờ báo lớn ảnh hưởng sâu rộng tới quần chúng (theo Vũ Bằng, Sài Gòn có 44 tờ báo hàng ngày)… Các yếu tố trên vừa là nền tảng, vừa “kích hoạt” văn học miền Nam phát triển đa dạng. Trên nền cảnh chung đó, hồi kí có những bước phát triển nhất định. Đặc biệt, trào lưu đổi mới văn học không chỉ thôi thúc người ta đoạn tuyệt với quá khứ mà còn làm thức dậy cả nhu cầu nhìn lại một thời văn nghệ. Do vậy, thời kì này xuất hiện một số hồi kí tái hiện đời sống các văn nghệ sĩ của nhiều tác giả tiền chiến như Vũ Bằng, Nguyễn Vỹ, Tạ Tỵ, Vũ Hoàng Chương… Có thể nói, viết hồi kí nhiều khi là một cách để tồn tại, một thái độ với hiện tại.