Sứ mệnh tôn vinh con người tập thể

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 41 - 43)

Trong bối cảnh đất nước tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đồng thời với khát vọng khẳng định con đường xã hội chủ nghĩa, vấn đề ý thức công dân, tinh thần cộng đồng cần được văn học đề cao hơn lúc nào hết. Mỗi nhà văn với tư cách là một công dân - nghệ sĩ đã ra sức kiếm tìm và thể hiện vẻ đẹp lớn lao của những con người hiện thân cho sức quật khởi của dân tộc. Nguyễn Đình Thi viết: “Chúng ta đã tìm thấy bao trùm trên chúng ta, bao trùm làng xóm, gia đình chúng ta một cái gì lớn lao chung ấy là dân tộc” (Nhận đường, Tạp chí Văn nghệ, số 1/1948). Vấn đề cái riêng của con người hầu như chưa được đặt ra, cái “tôi” đối lập với cái

chung, thậm chí bị phủ nhận, bị triệt tiêu trong cái chung: “Đoàn thể tái tạo chúng tôi và trong bầu không khí mới của giang sơn, chúng tôi - những nạn nhân của thời đại chữ “tôi”, hay muốn gọi là tội nhân cũng được - chúng tôi thấy rằng đời sống của cá nhân không có nghĩa gì trong đời sống bao la của đoàn thể” (Hoài Thanh, Tạp chí

tiên phong, số 3, 1945). Hơn nữa, “Trong quan niệm của xã hội ta lúc ấy, chủ nghĩa

xã hội là gắn liền với tập thể, với sở hữu tập thể, chủ nghĩa tập thể, khẩu hiệu phấn đấu lúc ấy là: “mình vì mọi người, mỗi người vì mọi người”, chủ nghĩa cá nhân được nhìn nhận như là kẻ thù tư tưởng lớn nhất, nên cần “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (Hồ Chí Minh)” [74, tr.31]. Do vậy, tôn vinh con người tập thể, khước từ con người cá nhân, hòa nhập riêng - chung là tư tưởng và lối sống được xã hội coi trọng. Con người công dân, con người mang tinh thần và sức mạnh tập thể trở thành nét đặc trưng cơ bản trong quan niệm con người của văn học thời kì này. Quan niệm này đã chi phối mọi phương diện của sáng tác văn học như lựa chọn chủ đề, xây dựng cốt truyện, xây dựng hình tượng nhân vật, ngôn ngữ… Rất nhiều nhà thơ hướng đến cuộc hòa hợp riêng - chung và tạo nên những “kiểu mẫu” nghệ thuật tiêu biểu như Riêng - chung của Xuân Diệu, Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên… Văn xuôi tôn vinh con người tập thể qua việc xây dựng nhân vật đám đông, nhân vật quần chúng, những hình tượng con người hiện thân cho sức mạnh của cộng đồng, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp chung… (Vùng mỏ của Võ Huy Tâm, Xung

kích của Nguyễn Đình Thi, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc…)

Cũng như các thể loại khác, hồi kí cách mạng tôn vinh con người cộng đồng, con người tập thể, tạo sự thay đổi lớn trong tư duy thể loại: từ trục qui chiếu của cái tôi cá nhân khi nhìn nhận và tái hiện quá khứ, chuyển sang trục qui chiếu của cái ta, cái tập thể; từ việc nhân danh bản thân kể lại những gì đã chứng kiến và trải nghiệm, chuyển sang nhân danh cộng đồng, dân tộc; từ việc thiên về bộc lộ, giãi bày tâm trạng riêng tư, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, chuyển sang thể hiện những vấn đề lớn của dân tộc và thời đại, đúc kết kinh nghiệm cộng đồng… Hiện thực được lựa chọn và tái hiện trong hồi kí giai đoạn này chủ yếu là hiện thực đấu tranh cách mạng với những vấn đề về số phận dân tộc, tương lai đất nước. Tư thế chứng nhân của tác giả có sự thay đổi, tác giả không nhằm chủ yếu đưa ra cái nhìn riêng mà soi sáng quá khứ

theo quan điểm của cộng đồng hiện tại. Cái tôi tác giả không xuất hiện để tự thú, tự bạch mà hóa thân trong ánh hào quang của cách mạng.

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 41 - 43)