Diện mạo hồi kí giai đoạn 1945

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 44 - 47)

Trong đời sống văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, hồi kí là một thể loại góp phần đáng kể làm nên diện mạo nền văn xuôi giai đoạn này. Nếu các tác phẩm có tính hồi kí, tự truyện giai đoạn trước chủ yếu đáp ứng nhu cầu bộc bạch cái tôi cá nhân thì hồi kí giai đoạn này chủ yếu đáp ứng nhu cầu tri ân và giáo dục, tuyên truyền cách mạng của người viết. Những năm đầu sau cách mạng tháng Tám, thể loại này chưa thực sự phát triển. Sự bùng nổ cảm xúc trước biến cố lịch sử vĩ đại khiến người ta đến với thơ nhiều hơn văn xuôi. Riêng hồi kí, giai đoạn 1945 - 1954 chỉ mới xuất hiện một số tác phẩm lẻ tẻ: Ở chiến khu (Nguyễn Huy Tưởng),

Hai lần vượt ngục (Trần Đăng Ninh), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch (Trần Dân Tiên)… Từ sau 1954, các nhà văn có thời gian cho cảm xúc

lắng lại, cho sự sống dậy của kí ức, hàng loạt hồi kí đã ra đời, tạo nên một khí thế mới cho thể loại. Nhiều tác phẩm được chào đón nồng nhiệt, phổ biến nhất là hồi kí

cách mạng, do các tướng lĩnh, các chính khách viết ra hoặc kể lại cho người khác chấp bút. Viết về phong trào đấu tranh yêu nước của dân tộc nên hồi kí bám rất sát những diễn biến của cách mạng. Có thể kể đến một số cuốn: Gặp Bác (Nguyễn Huy Tưởng, 1955), Những ngày vượt ngục (Trường Sinh, 1958), Nhân dân ta rất anh

hùng (Nhiều tác giả, 1960), Vừa đi đường, vừa kể chuyện (T.Lan, 1963), Từ núi rừng Ba Tơ (Phạm Kiệt, 1964), Từ nhân dân mà ra (Võ Nguyên Giáp, 1964), Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng (Song Hào, 1965), Bất khuất (Nguyễn Đức Thuận,

1967), Không còn con đường nào khác (Nguyễn Thị Định, 1968), Những năm

tháng không thể nào quên (Võ Nguyên Giáp, 1972), Nước non bừng sáng (Nhiều

tác giả, 1975)…

Bên cạnh hồi kí cách mạng, xuất hiện một số hồi kí mang tính lí giải, tổng kết con đường làm nghệ thuật của các nhà văn như Xuân Diệu, Nguyễn Khải, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan… Đây là những tác phẩm cho thấy sự dịch chuyển về thể tài, nới rộng đối tượng khám phá của thể loại. Tuy vẫn là tiếng nói của cái tôi gắn bó mật thiết với quyền lợi của đất nước, nhân dân nhưng các hồi kí này không trực tiếp viết về công cuộc cách mạng của dân tộc mà hướng đến các vấn đề văn hóa, văn nghệ, lí giải hành trình tư tưởng, sáng tạo của nhà văn, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề… Cái tôi tác giả hiện lên rõ nét qua nhu cầu bộc bạch đời sống riêng, phân tích, nhận định về lịch sử, xã hội, nghề nghiệp từ quan điểm cá nhân. Ở các đô thị miền Nam cũng xuất hiện một số hồi kí văn nghệ (như trình bày ở mục 1.3). Phát triển trong điều kiện lịch sử - xã hội, văn hóa khác biệt, văn học miền Nam nói chung, hồi kí nói riêng có nội dung, đặc điểm và qui luật cơ bản khác miền Bắc. Đó là những sáng tác coi trọng tính hiện thực và giá trị nhân văn, bộc bạch những trải nghiệm riêng, phản ánh đời sống văn nghệ, báo chí ở đô thị Sài Gòn cũng như hành trình dấn thân của văn nghệ sĩ. Tuy mới xuất hiện với số lượng ít ỏi, nhưng các hồi kí văn nghệ đã tạo bước chuyển quan trọng để hồi kí giai đoạn sau phát triển với những sáng tạo mới.

Nhìn chung, hồi kí thời kì này khá phong phú về số lượng và đề tài, vừa tái hiện phong trào cách mạng và kháng chiến hào hùng của dân tộc, vừa cho thấy không khí đời sống văn chương, báo chí ở cả hai miền Nam, Bắc, khắc họa chân dung các văn nghệ sĩ… Xét riêng bộ phận hồi kí cách mạng cũng thấy rõ sự phong phú này. Tuy

cùng ca ngợi đất nước, nhân dân trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại nhưng với vốn sống ở những lĩnh vực khác nhau, các tác giả đã tái hiện vẻ đẹp của cách mạng ở nhiều khía cạnh: sức mạnh của nhân dân anh hùng, quân đội anh hùng (Nhân dân ta rất anh hùng - Nhiều tác giả, Từ nhân dân mà ra của Võ Nguyên Giáp…); tài năng, bản lĩnh các

lãnh tụ, tướng lĩnh (Những năm tháng không thể nào quên của Võ Nguyên Giáp, Gặp

Bác của Nguyễn Huy Tưởng…); khí thế hào hùng của dân tộc trong những ngày kháng

chiến, những trận đánh, những chiến công vang dội (Từ núi rừng Ba Tơ của Phạm Kiệt, Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ - Nhiều tác giả, Nước non bừng sáng - Nhiều tác giả), có cả một mảng hồi kí viết về cuộc đấu tranh, đấu trí căng thẳng của các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù thực dân, đế quốc (Một lòng với Đảng của Hoàng Thị Ái,

Dưới hầm Sơn La của Trần Huy Liệu, Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận…).

Lực lượng sáng tác của hồi kí giai đoạn này tập trung vào ba đối tượng chủ yếu: nhà văn - chiến sĩ, các tướng lĩnh, văn nghệ sĩ hai miền Nam, Bắc. Mỗi đối tượng có những ưu thế và giới hạn nhất định. Nhà văn - chiến sĩ là những người được đào luyện trong cách mạng và kháng chiến. Họ vừa là nhà văn, vừa là những người lính xông pha nơi chiến trường, có trải nghiệm về chiến tranh. Họ tự kể lại kỉ niệm của mình trong những trang hồi kí. Do vậy, hồi kí của đội ngũ này vừa có giá trị tư liệu, vừa đậm chất văn chương. Tham gia viết hồi kí còn có các tướng lĩnh, những người gắn bó sâu sắc với cuộc đấu tranh cách mạng. Tuy nhiên, đây là những người “tay ngang”, không phải sáng tác chuyên nghiệp, viết hồi kí không phải là sở trường. Họ đến với hồi kí vì mục đích truyền lại cho đời sau niềm kiêu hãnh về thời quá khứ của mình, của thế hệ mình hơn là sáng tạo nghệ thuật. Vì tính “không chuyên” nên đội ngũ này hầu như chỉ kể lại cuộc đời cách mạng của mình cho người khác chấp bút, tạo nên hiện tượng khá phổ biến trong hồi kí cách mạng: người viết không phải người tham dự hay chứng kiến sự việc mà chỉ là người chép lại theo lời kể của người khác (Những lần gặp Bác: Nguyễn Lương Bằng kể, Nguyễn Huy Tưởng ghi, Chiến

đấu dưới cờ Xô viết Nghệ Tĩnh: Nguyễn Duy Trinh kể, Thép Mới ghi, Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng: Song Hào kể, Hồ Phương ghi, Tình đồng bào, tình đồng chí:

Văn Tiến Dũng kể, Phú Bằng ghi, Những năm tháng không thể nào quên: Võ Nguyên Giáp kể, Hữu Mai ghi…). Điều này hạn chế rõ đến chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, đặc biệt là việc thể hiện cái nhìn, quan điểm riêng của người trong cuộc, bởi

người viết và người kể không dễ gì có được trải nghiệm tương tự nhau, người viết không phải lúc nào cũng nâng nhận thức, tình cảm của mình lên kịp với người kể, không phải lúc nào cũng “sống” được không khí của một thời kì lịch sử đã qua… Cá biệt, cũng có trường hợp người viết, với sự nỗ lực của một ngòi bút chuyên nghiệp, vừa thể hiện sự thật lịch sử một cách trung thực, khách quan, vừa làm toát lên được cốt cách, tầm nhìn, cách cảm, cách nghĩ của nhân vật trung tâm. Họ phải “nhập thân, hóa thân vào nhân vật”, “phục chế, tái tạo đầy khoa học và nghệ thuật” (Bích Thu) quá khứ hào hùng của dân tộc cả về địa thế lịch sử, thời gian, không gian, tinh thần, khí thế con người Việt Nam… (Như trường hợp Hữu Mai với bộ hồi kí sử thi năm tập của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Văn nghệ sĩ là đội ngũ có tính chuyên nghiệp, họ trực tiếp ghi lại những kỉ niệm, cảm xúc của mình. Họ đều trải qua nhiều cung đoạn thăng trầm trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp. Họ thuộc lớp trí thức, từng hoạt động và nổi danh từ thời tiền chiến hoặc từ sau 1954, có nhiều trải nghiệm, vốn sống, một số người đã cập nhật hoặc phổ biến tư tưởng hiện đại của thế giới vào Việt Nam. Do vậy, đội ngũ này tạo nên cách nhìn, cách viết hồi kí rất giàu chất văn chương, khác hồi kí cách mạng. Một số cây bút là người Bắc di cư vào Nam, dấn thân vào một môi trường văn nghệ mới, mang theo niềm nhớ thương quê hương, gia đình, bạn bè, tạo nên cảm hứng li hương bồi hồi, khắc khoải… Đây là tâm thế sáng tác đặc biệt, giúp họ tạo nên những thiên hồi ức đậm chất trữ tình. Có thể nói, đối tượng tham gia của hồi kí thời kì này là một nhân tố quan trọng làm nên diện mạo riêng của thể loại, của những khuynh hướng hồi kí...

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 44 - 47)