Vị trí trung tâm và nổi bật của hình tượng tác giả

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 29 - 31)

Là thể loại người viết trực tiếp kể lại những gì mình chứng kiến và trải nghiệm nên hình tượng tác giả luôn giữ vị trí trung tâm và nổi bật. Tác giả là người tham dự, là chứng nhân kể lại câu chuyện đời mình cùng những biến cố lịch sử, số phận dân tộc, qua đó bộc lộ nhận thức, lí giải về con người và cuộc sống xung quanh. Nhà văn vừa tái dựng hiện thực, phơi trải cuộc đời mình với người khác, vừa khơi gợi xúc cảm thẩm mĩ qua việc lựa chọn đối tượng, phạm vi phản ánh, cách kể chuyện, những định giá riêng. Có thể nói, tác giả là người đưa bạn đọc đến với hiện thực qua lăng kính của mình, tạo nên tính khuynh hướng, tính tư tưởng cao cho tác phẩm hồi kí.

Trong hồi kí, người viết bày tỏ một cách công khai quan điểm về bản thân cũng như về người khác, bộc lộ suy ngẫm liên quan đến cuộc đời, lẽ sống và cả những vấn đề lớn của số phận nhân loại, tương lai đất nước. Họ cùng bạn đọc nghĩ lại về những bước đi của thời quá vãng. Họ rất tự do trong cảm hứng hồi cố, tổng kết và lí giải, tự do giãi bày kinh nghiệm cá nhân, giải toả ẩn ức, mặc cảm trong quá khứ. Với nhu cầu tự nhận thức, tự thể hiện, nhà văn lấy toàn bộ cuộc đời mình, con người mình làm đối tượng khảo sát, lí giải. Theo Vương Trí Nhàn, họ thường xuyên phê phán chính mình, không hài lòng về bản thân, thậm chí rơi vào trạng thái hoang mang: “nhân vật của các hồi kí giờ đây phải đứng vững ở vị trí của một con người, tức đối mặt với chính giá trị bản thân sẵn có. Nhu cầu tự nhận thức được đưa lên hàng đầu, mà trong việc này, tư duy phê phán sẽ đóng vai trò một công cụ hiệu nghiệm… Họ thường xuyên rơi vào tình trạng bất hòa với mình. Họ biết rằng ở mình có cả những cái rất cao cả lẫn những cái trần tục. Họ hoang mang, họ lúng túng… Sự không thỏa mãn là một nét đặc trưng làm nên vẻ đẹp của những con người sáng suốt” [99]. Họ còn phải thành thực với chính mình, nghiêm khắc nhìn nhận những thành công và hạn chế trên từng bước đường đời, sẵn sàng phán xét cả cái tốt lẫn cái xấu trong con người mình: “Hồi kí không phải là những cuốn sách ở đó người viết ca công tụng đức mình. Mà yêu cầu chính đặt ra với các cuốn hồi kí theo nghĩa hiện đại là nhà văn phải lấy toàn bộ con người mình ra làm đối tượng khảo sát, sẵn sàng “lật tẩy”, “xét lại” chính mình, “lật lại cả vụ án” là chính cuộc đời mình. Chỉ có làm như thế người ta mới thực sự làm cuộc phiêu lưu mới và viết được những trang cần cho nhân quần, thế sự” [102].

Có thể nói, trong hồi kí, nổi lên hàng đầu vẫn là hình tượng tác giả với tất cả những gì đã trải nghiệm được kể lại, phân tích, lí giải để khẳng định kinh nghiệm cá nhân. Tác giả cùng lúc đóng nhiều vai trò quan trọng: chứng nhân lịch sử, người trần thuật, suy ngẫm, biện minh… Qua hồi kí, người đọc có thể hiểu rõ hơn một số phương diện của nhân cách tác giả như thế giới quan, lập trường tư tưởng - thẩm mĩ, cá tính, phong cách… Cái tôi tác giả là yếu tố góp phần tạo nên sức hấp dẫn của một cuốn hồi kí: “Một cuốn hồi kí hay, bên cạnh sự hấp dẫn ở những sự kiện được nhiều người quan tâm, còn có sự hấp dẫn của chính người được chứng kiến sự kiện đó, làm nên sự kiện đó. Lúc ấy cái “tôi” suy nghĩ, hành động, yêu thương giận hờn thế nào nhỉ?” [149].

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 29 - 31)