Hành trình của hồi kí trong văn học Việt Nam

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 35 - 40)

Hồi kí là thể văn xuất hiện ở Việt Nam tương đối muộn so với một số thể loại khác nhưng có sự vận động và phát triển với tốc độ nhanh song hành với sự biến đổi mau lẹ, bất ngờ trong chính nó. Ở thời trung đại đã xuất hiện một số tác phẩm có “tính hồi kí” với sự hiện diện của tác giả cùng những chi tiết tự thuật, những sự kiện có thực liên quan đến cuộc đời ông ta như: Nam Ông mộng lục (Hồ Nguyên Trừng), Thượng

kinh kí sự (Lê Hữu Trác), Vũ trung tuỳ bút (Phạm Đình Hổ)… Đến đầu thế kỉ XX,

những đổi thay sâu sắc của xã hội, sự ra đời của cái tôi cá nhân là cơ sở để hồi kí hình thành. Đầu tiên là sự xuất hiện những cuốn mang tính “ghi chép” hoặc đan xen giữa hồi kí, bút kí, du kí như Chuyến đi Bắc kì năm Ất Hợi (1876) (Trương Vĩnh Ký), Hạn mạn

du kí (Nguyễn Bá Trác), Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam kì (Phạm Quỳnh)… Sau

đó là sự ra đời của những tác phẩm có tính tự thuật, những hồi kí - tự truyện như Phan

Bội Châu niên biểu (Phan Bội Châu), Giấc mộng lớn (Tản Đà), Những ngày thơ ấu

(Nguyên Hồng), Cỏ dại (Tô Hoài), Chiếc cáng xanh (Lưu Trọng Lư), Cai (Vũ Bằng)… Tuy nhiên, giai đoạn này chưa có hồi kí nguyên dạng (là những hồi kí đáp ứng đầy đủ yêu cầu của “khung” lí luận thể loại). Có thể lí giải tình trạng này dựa vào đặc trưng hồi kí và môi trường phát triển của nó. Như trên đã nói, hồi kí là thể loại có tính chất tổng kết và lí giải quá khứ nên thường xuất hiện nhiều ở thời điểm cuối của một tiến trình lịch sử, một chặng đường văn học hay sau những sự kiện, biến cố gây chấn động lớn, và

thường được viết bởi những người từng trải, có vốn sống phong phú, có mối quan tâm sâu sắc đến thời cuộc. Xã hội Việt Nam mấy thập kỉ này đang trong cuộc biến thiên dữ dội, các biến cố còn quá mới mẻ, các giá trị còn chìm nổi, nhiều đổi thay không dễ đoán định, khiến người ta ít có cảm hứng hồi cố, chưa có nhu cầu trục vớt quá khứ để phán xét, đối thoại... Trong khi đó đội ngũ sáng tác chủ yếu của văn học Việt Nam lúc bấy giờ là tầng lớp trí thức Tây học, đa số tuổi đời còn rất trẻ, có vốn kiến thức hiện đại, song chưa nhiều trải nghiệm, chưa thấu suốt những thăng trầm lịch sử và chưa có độ lùi cần thiết về thời gian để nảy sinh nhu cầu hồi cố, tổng kết các chặng đường đã qua. Chính đội ngũ này về sau sẽ viết hồi kí rất nhiều như Quách Tấn, Anh Thơ, Huy Cận, Tố Hữu, Nguyễn Công Hoan, Vũ Ngọc Phan… Các tác giả đã viết hồi kí như Nguyên Hồng, Vũ Bằng, Tô Hoài… giai đoạn sau càng có nhiều tác phẩm nổi tiếng, khẳng định được cá tính, phong cách qua thể loại này. Một nguyên nhân nữa là văn học Việt Nam thời đó đang từng bước hiện đại hóa, bản thân các thể tài văn học, đặc biệt là thể tài kí còn đang trong quá trình hình thành và phát triển, đường biên giữa kí với các thể loại văn học khác cũng như giữa các kiểu loại / dạng thức của kí chưa được phân định rõ nét (đặc biệt là những năm đầu thế kỉ XX). Điều này khiến cho sự giao thoa vốn có giữa các thể loại kí càng trở nên phổ biến (một số tác phẩm hồi kí thời kì này còn tạo ra nhiều tranh cãi về sự phân định thể loại)…

Sau cách mạng tháng Tám và từ những năm 50 trở đi, trên nền cảnh kháng chiến vệ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, độ lùi thời gian và yêu cầu chính trị hiện tại đã hội đủ điều kiện để ra đời hàng loạt hồi kí cách mạng của tướng lĩnh, các nhà văn - chiến sĩ, như Nhân dân ta rất anh hùng (Nhiều tác giả), Vừa đi

đường vừa kể chuyện (T.Lan), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch (Trần Dân Tiên), Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên

(Võ Nguyên Giáp), Bất khuất (Nguyễn Đức Thuận)… Ở các đô thị miền Nam, trong bối cảnh lịch sử xã hội và văn hóa riêng, hồi kí cũng phát triển với đặc điểm, qui luật riêng: xuất hiện một số hồi kí về đời sống văn nghệ, báo chí như 50 năm mê hát

(Vương Hồng Sển), Ngày đó có em (Đinh Hùng), Bốn mươi năm nói láo (Vũ Bằng),

Văn thi sĩ tiền chiến (Nguyễn Vỹ), Mười khuôn mặt văn nghệ (Tạ Tỵ), Ta đã làm chi đời ta (Vũ Hoàng Chương), Viết và đọc tiểu thuyết (Nhất Linh), Bốn mươi mốt năm làm báo (Hồ Hữu Tường)… Đặc biệt, từ sau 1975 đến nay, với sự thức tỉnh ý thức

cá nhân, khát vọng dân chủ và nhu cầu nhận thức lại quá khứ, thể hồi kí có sự bùng nổ theo nhiều khuynh hướng, nhiều phong cách khác nhau, tạo sự bề thế của thể loại. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu: Đặng Thai Mai hồi kí, Nửa đêm sực

tỉnh (Lưu Trọng Lư), Nhớ lại một thời (Tố Hữu), Nhớ lại (Đào Xuân Quý), Cát bụi chân ai, Chiều chiều (Tô Hoài), Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải), Sáng tối mặt người (Sao Mai), Hồi kí song đôi (Huy Cận), Tầm xuân (Đặng Anh Đào), Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá (Bùi Ngọc Tấn), Cửa riêng không khép (Vũ Ngọc

Khánh), Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (Ma Văn Kháng), Rễ bèo chân sóng (Vũ Bão)…

Lịch sử vận động của hồi kí trong văn học Việt Nam có những nét khá độc đáo. Ở các nước phương Tây, với sự đề cao giá trị cá nhân, các thể loại văn học trong đó người viết tự do bộc bạch về mình, công bố kinh nghiệm bản thân như hồi kí, tự truyện, tự thuật, tiểu thuyết tự thuật phát triển sớm và mạnh mẽ. Ở lĩnh vực hồi kí, có thể thấy đối tượng tham gia rất phong phú. Bên cạnh hồi kí của các nhà văn, xuất hiện nhiều hồi kí của những chính khách, nguyên thủ quốc gia, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng… Có thể hiểu vì sao ngày càng có nhiều nguyên thủ quốc gia công bố hồi kí của mình như hồi kí của tổng thống Mỹ Bill Clinton, hồi kí của tổng thống phu nhân Hillarry Clinton, hồi kí của thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, hồi kí của thủ tướng Anh Tony Blair, hồi kí của tổng thống Iraq Saddam Hussein… Trong xã hội phương Tây hiện đại, cũng xuất hiện không ít hồi kí thiên về chuyện phòng the, sex, ma tuý, những chuyện li kì giật gân, hiện tượng hư cấu bịa đặt, giả hồi kí của giới nghệ sĩ, người mẫu, vận động viên… gây sự hiếu kì, tò mò nơi độc giả. Điều này một mặt khẳng định sức cuốn hút đặc biệt của thể loại mà cái tôi tác giả công khai những chuyện riêng tư, cam kết kể sự thật, mặt khác cho thấy một tư duy hồi kí phương Tây rất góc cạnh, lí trí, trực diện và tự do... Với điều kiện lịch sử và văn hóa của Việt Nam, hồi kí chủ yếu xoay quanh hai mảng để tài lớn: đời tư và lịch sử - xã

hội. Hồi kí đời tư là khuynh hướng lấy cuộc đời và số phận cá nhân, những kỉ niệm

riêng tư làm cảm hứng hồi cố. Đây chủ yếu là tác phẩm của các nhà văn viết về cuộc đời mình, dựng chân dung bè bạn qua những kỉ niệm gắn bó, chia sẻ về nghề nghiệp… Hồi kí lịch sử - xã hội thường là tác phẩm của một số văn nghệ sĩ, những nhà hoạt động xã hội, các tướng lĩnh, viết về đề tài đấu tranh cách mạng, những sự

kiện văn hoá, chính trị… Do bối cảnh chiến tranh kéo dài, hồi kí lịch sử - xã hội tỏ ra chiếm ưu thế. Không chỉ trong thời kì chiến tranh mà trong thời bình, đề tài lịch sử vẫn trở đi trở lại trong hồi kí với nhiều góc nhìn, nhiều ý nghĩa: giáo dục truyền thống cho hế hệ sau, nhìn nhận lại một số vấn đề khuất lấp, những mặt trái của quá khứ mà trước đây chưa được nói đến hay đi tìm cái đời tư, đời thường, những yếu tố cá nhân trong nền lịch sử chung (hồi kí của các vị tướng, các cựu chiến binh về chiến tranh cách mạng, hồi kí của các tướng lĩnh miền Nam, hồi kí của các nhà văn về đề tài lịch sử…).

Trong mỗi chặng đường phát triển, hồi kí lại có những chuyển biến mới về đề tài, đội ngũ sáng tác, khuynh hướng cảm hứng… Trước thời kì đổi mới (1986), ở nước ta hồi kí của những người nổi tiếng như chính khách, nguyên thủ quốc gia, doanh nhân, những nhà hoạt động xã hội còn chưa phổ biến, hồi kí của giới giải trí có tính chất câu khách ít xuất hiện. Nhưng từ sau 1986, ý thức cá nhân, tinh thần dân chủ và điều kiện in ấn khá cởi mở, sự bùng nổ của phương tiện thông tin điện tử khiến nhiều kiểu dạng hồi kí phát triển. Đối tượng tham gia viết hồi kí ngày càng mở rộng: hồi kí của chính trị gia (Hồi kí Đoàn Duy Thành, Nguyễn Thị Bình…); hồi kí, tự truyện của những nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, những người làm báo như Lê Vân yêu và sống, Hồi kí Trần Văn Khê, Điện ảnh,

chặng đường và kỉ niệm (Trung Sơn), Phim là đời (Đặng Nhật Minh), Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu, Người chở đò thời đại, chân dung nghệ sĩ Việt Nam thế kỉ XX,

(Hoài Anh), Nguyễn Văn Tý tự họa, Một cuộc đời đeo đuổi sự nghiệp âm nhạc (Nguyễn Văn Thương), Hồi kí không tên (Lý Quý Chung)… Đặc biệt, nhiều hồi kí xuất hiện trên internet như Đêm giữa ban ngày (Vũ Thư Hiên), Tôi là một thằng hèn (Tô Hải), Hồi kí

Phạm Duy, Hồi kí một người mất ngày tháng (Nhã Ca), Hồi kí Đỗ Mậu, Ngày N+…

(Hoàng Khởi Phong), Tháng ba gãy súng (Cao Xuân Huy), Giọt nước trong biển cả (Hoàng Văn Hoan), Mặt thật, Hoa xuyên tuyết (Bùi Tín), Hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh… Trong đó, có một số cuốn đã xuất bản ở nước ngoài, chủ yếu tại Mĩ (Ngày N+…, Nxb

Văn nghệ, California, 1988; Hồi kí một người mất ngày tháng, Nxb Thương yêu, 1991;

Đêm giữa ban ngày, Nxb Văn nghệ, California, 1997; Tôi là một thằng hèn, Nxb Tiếng

Quê hương, 2009…), có nhiều tác phẩm được viết bởi các tác giả người Việt đang định cư ở nước ngoài, thuộc nhiều thành phần khác nhau (nhà văn, nhà khoa học, nhạc sĩ, tướng lĩnh…), với nhãn quan chính trị, văn hóa khác nhau. Đây là mảng hồi kí được xem như

“không chính thống”. Tuy nhiên, trong thời đại báo mạng, văn học mạng ngày càng trở nên phổ biến thì internet cũng là một phương thức để tác phẩm đến với công chúng, tham gia vào đời sống văn học. Do vậy, tìm hiểu các tác phẩm này dưới cái nhìn khoa học nhằm khơi gợi những định hướng tiếp cận khách quan, phù hợp là việc làm cần thiết và có ý nghĩa…

Ở phương diện là tiếng nói của cái tôi tác giả, hồi kí ở ta cũng có những nét riêng. Nó thể hiện một cái tôi rất Việt Nam: vừa cá tính, sắc nét, vừa kín đáo, chừng mực, dễ khoan dung… Nó chưa phải là cái tôi phát triển đến tột cùng như ở phương Tây, chưa giải phóng hết năng lượng nhưng cũng chưa bị đẩy đến cái tôi vị kỉ, “cái tôi đáng ghét” (Pascal), bởi nó xuất phát từ môi trường vốn coi trọng sự “vô ngã” và “khắc kỉ phục lễ”, nó còn nhiều “ràng buộc thế gian”, “không muốn làm đau lòng ai”, một cái tôi “bướng bỉnh nhưng uyển chuyển và tránh trực diện” [11]. Do vậy, có thể thấy trong hồi kí, một Nguyễn Khải nói về mình với “sự dừng lại nửa chừng” (Vương Trí Nhàn), một Phùng Quán khốn khổ qua bao oan khuất, ngộ nhận của người đời vẫn không phiền trách ai, một Ma Văn Kháng với tâm lí “thể tất cho những gì đã qua”… Điều này khiến trong nhiều tác phẩm, vai trò cá nhân không lấn át sự kiện, sự việc như hồi kí ở các nước phương Tây nói chung…

Chương 2

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w