Hồi kí văn nghệ

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 58 - 72)

Tuy phát triển trên nền cảnh chiến tranh nhưng trong đời sống văn học giai đoạn này vẫn xuất hiện nhiều hồi kí hướng đến những trải nghiệm riêng, chuyện đời, chuyện nghề của các văn nghệ sĩ. Trong các hồi kí thuộc khuynh hướng này, cái tôi tác giả hiện diện chủ yếu với nhu cầu bộc bạch tâm sự, nhận định, lí giải về lịch sử - xã hội, nghề nghiệp từ quan điểm cá nhân…

2.3.2.1. Hiện thực đời sống văn chương, báo chí từ ống kính nhân chứng

Lấy cuộc đời viết văn, viết báo làm đối tượng khám phá, hồi kí văn nghệ đi sâu miêu tả, lí giải về đời sống văn chương, báo chí thời đã qua. Với nét bút sắc sảo, Nguyễn Công Hoan trong Đời viết văn của tôi đã phác họa diện mạo báo chí Bắc Kì hồi đầu thế kỉ trong “âm mưu đầu độc đầu óc dân An Nam bằng văn hóa” của bọn thống trị. Ông cho biết nội dung thông tin các báo ngày xưa thật “hổ lốn”, toàn những việc vặt hay giật gân: những vụ trộm cướp, án mạng, thuốc phiện lậu, việc mất con, mất chó, vợ chồng ghen nhau, truyện trinh thám, truyện ngôn tình… Nhiều hiện tượng báo chí, xuất bản thật bát nháo, chụp giật: không ít “ông chủ” tìm cách “làm tiền”, “giở thủ đoạn” với nhà báo, nhiều nhà xuất bản “quái gở” mọc lên như nấm, sách của họ “lem nhem cả phần nội dung lẫn phần ấn loát”, bởi ông chủ cũng là tác giả của nó khi ế hàng còn kiêm thêm “nghề chữa bệnh, chủ yếu là bệnh lậu, bệnh tiêm la”. Khi hốt được nhiều tiền thì họ lại mua máy in, mở nhà xuất bản để “đầu cơ văn học”. Vậy “từ nhà xuất bản sang nhà chữa bệnh lậu, và từ nhà chữa bệnh lậu sang nhà xuất bản, là hiện tượng thật khôi hài và thật thương tâm cho văn chương trong thời buổi nhố nhăng” [202]. Tình cảnh văn chương, báo chí nước nhà trong vòng nô lệ được Nguyễn Công Hoan tái hiện thật khôi hài không khác gì những chuyện hư cấu trong các truyện ngắn trào phúng của ông. Nói cái nhố nhăng hỗn tạp của quá khứ càng tôn lên giá trị tốt đẹp của sinh hoạt văn nghệ hiện tại: người viết văn, làm báo “được đào tạo mỗi ngày một nhiều”, được tăng cường thực tế, viết vì “lợi ích tập thể”, có lối làm việc tập thể, “Tập thể sáng suốt”. Mục đích cuối cùng của ông là để khẳng định chế độ ưu việt của ta: “Viết cuốn này, tôi có ý định dựng lại xã hội ta dưới thời Pháp thuộc để giúp anh em thanh niên thêm một sự hiểu biết. Anh em thanh niên sống trong chế độ mới tươi đẹp của chúng ta, chỉ biết là sung sướng hơn chế độ cũ nhơ bẩn. Nhưng anh em chỉ biết chung chung là nhơ bẩn, chứ không biết cụ thể nó

dơ bẩn như thế nào, đến mức nào” [202]. Như vậy, tuy viết hồi kí về đời sống văn nghệ nhưng cái nhìn của Nguyễn Công Hoan vẫn là cái nhìn ý thức hệ, kí ức cá nhân đồng nhất với kinh nghiệm cộng đồng, những gì thuộc chế độ khác đều xấu xa tầm thường, chỉ những gì thuộc chế độ ta mới lành mạnh, đẹp đẽ.

Khác Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng chứng kiến những thăng trầm của báo chí ở cả hai miền Nam, Bắc. Ông nhận thấy đời sống văn chương, báo chí quá khứ cũng như hiện tại đều có những vui buồn, hay dở. Là người trong cuộc, ông hiểu rõ mọi thủ đoạn làm ăn, cạnh tranh của báo giới, chuyện “bếp núc” trong nghề, cái bạc bẽo của nghiệp văn, nghiệp báo… Hồi kí Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng tái hiện khá đầy đủ diện mạo của báo chí Việt Nam trong suốt bốn thập kỉ, từ những năm ba mươi (thời còn chế độ thực dân nửa phong kiến) đến những ngày cuối của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đời sống báo chí, qua hồi thuật của ông cũng chông chênh, bất ổn như tình hình chính trị - xã hội đương thời. Nào chuyện ra một tờ báo nhanh chóng thế nào, đóng cửa một tờ báo cũng nhanh chóng và dễ dàng không kém, chuyện đưa thủ đoạn chính trị vào báo chí, chuyện đả kích, căm thù nhau, chuyện các nhà báo lao vào chơi bời, hút xách… Có thể nói, từ những chuyện vui buồn trong từng số báo, ngành báo, Báo tếu sang Báo đấu tranh, đến Báo xây dựng rồi Báo hại, đến những mặt trái, chuyện tiêu cực, chuyện làm tiền… đều được nhà văn kể lại cụ thể, sinh động như vừa mới diễn ra. Đây là việc làm báo dễ dãi: “làm báo là trò chơi, ai muốn viết gì thì viết, quăng bài vào tòa soạn rồi in ra, thế là xong… bài xã thuyết thì viết về vấn đề xã hội, mùa xuân thì viết xã thuyết về mùa xuân, mùa hạ thì viết xã thuyết về mùa hạ, thỉnh thoảng đổi giọng lại viết xã thuyết về vấn đề quốc tế cho oai” [tr.262]. Còn đây là cảnh bát nháo của báo chí: “hồi ấy làng báo như có loạn… báo mới được phép xuất bản vô số kể, một trăm đơn gửi tới thông tin thì chín mươi đơn được chấp nhận… Người dân, bất cứ nói chuyện gì cũng lấy tự do dân chủ làm câu đầu lưỡi; báo chí cũng vậy, chửi không chừa một ai, không chừa một cái gì” [166, tr.536]… Với tư cách là một chứng nhân trung thực, Vũ Bằng đã giúp người đọc hình dung về một phương diện đặc biệt của đời sống: văn hóa truyền thông với cả mặt hay lẫn dở của nó, cùng những chiêm nghiệm thấm thía về cái bạc bẽo của nghề viết lách.

Trong một xã hội hỗn loạn, đời sống của những người viết văn, làm báo cũng bấp bênh, khốn khổ. “Nhà văn An nam khổ như chó”, câu thơ của Nguyễn Vỹ có cái

bức xúc, tủi nhục, nói lên cảnh ngộ chung của những ai “đã mang lấy nghiệp vào thân”. Cái nghề họ đeo đuổi vốn xưa nay được xem là nghề bạc bẽo: “không nuôi sống được người làm nghề… làm báo là chửi bới người ta, là đào cha bới ông người ta lên và làm một cái gì rất tổn âm đức của cha ông mình. Ác lắm…” [166, tr.255], do vậy, nó không được người đời coi trọng. Đôi khi người làm báo phải chấp nhận thiệt thòi, cả những đắng cay, thất bại trong nghề như Vũ Bằng tâm sự: “Sứ mệnh thì lớn mà người làm báo thường thường lại gian nguy, thiếu thốn, nhưng họ cứ làm báo, cứ say sưa, cứ vượt hiểm nghèo, cứ nghe chửi rủa, cứ cắn răng lại mà chịu đựng…” [tr.592]. Hành trình đến với nghề viết văn, làm báo rồi trụ được ở xứ ta thật khó khăn, nhọc nhằn. Nguyên Hồng cho biết ông bước chân vào nghề văn trong tình cảnh khốn khổ: “Tôi đi tìm việc. Tôi phải có việc để sống… Còn làm việc, tôi sẽ làm bất cứ chuyện gì, trừ ăn mày, ăn cắp, làm mật thám, đưa gái, tay sai cho những kẻ quyền thế…” [215, tr.15, 16]. Khung cảnh Nguyên Hồng ngồi viết văn như một sự đối lập giữa giá trị văn chương cao đẹp và hoàn cảnh đen tối: “Cửa sổ trông ra một vũng nước đen ngầu bọt, một chuồng lợn ngập ngụa phân gio và một nhà xí. Cái bàn mọt đáp chân tôi nhận phần kê bên cửa đó. Trên cái bàn này tôi đã viết những truyện ngắn đầu tiên rồi cả tiểu thuyết đầu tiên” [tr.15].

Dưới ngòi bút Nguyễn Vỹ, các bạn văn của ông đều mang kiếp khổ của nhà

văn An Nam thời tiền chiến. Ông viết về Vũ Trọng Phụng với những chi tiết thật cảm động, Vũ phải lao tâm lao lực vì gia đình, luôn sốt ruột kiếm tiền, có khi sốt li bì vẫn cố gượng viết để lấy tiền mua đèn Trung thu cho con! Vũ Trọng Phụng từng than với Vũ Bằng những lời bi thiết trên giường bệnh: “Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này” [166, tr.318]. Tản Đà, một nhà thơ ngông nghênh, lãng mạn, từng “rưng rưng nước mắt”, phản đối câu thơ của Nguyễn Vỹ: “Ông so sánh nhà văn chúng ta với kiếp chó, mà ông không hổ thẹn ư?” cũng là một người nghèo khổ, đã có lúc mở phòng xem tướng “nói tầm bậy tầm bạ” để kiếm tiền. Khi Tản Đà về đến “giấc mộng” cuối, bà vợ góa của ông phải dựa vào hai môn bài rượu và thuốc phiện của Nha Thương chánh để kiếm sống. Điều này thật trớ trêu vì lúc bình sinh, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có làm thơ phản đối độc quyền rượu Ty của Pháp! [286, tr.17, 18]. Lưu Trọng Lư, thi sĩ của mộng ảo, bước vào làng thơ Việt Nam với “gót chân lơ đễnh, cặp mắt ngơ ngác, nụ cười xa vắng” cũng phải đối diện

với thực tế phũ phàng: “tình cảnh của anh đói rách thật đáng thương. Mấy người bạn nào đó có cho anh một ít áo quần và tiền bạc. Nhưng anh bị đau ốm liên miên… sự giúp đỡ của người ta có hạn, dần dần Lưu Trọng Lư bị bỏ nằm chèo queo trong cảnh bần hàn bịnh hoạn” [tr.125]. Nguyễn Vỹ còn viết về cuộc đời bi thương của Từ Bộ Hứa, chàng thi sĩ tài hoa nhưng sớm bị lao nặng, đã phẫn chí uống 15 viên thuốc ngủ để trút nợ trần vì không chịu được cú sốc tinh thần khi nàng Thơ của mình bị chế

nhạo” [tr.292]… Sau cùng, ông tổng kết về đời sống của các nhà văn Việt Nam:

“Thỉnh thoảng đọc lại câu thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: Văn chương hạ giới

rẻ như bèo, lại thấy phần đông nhà văn nhà thơ Việt Nam quanh năm chỉ cuốc bộ

hoặc đi xe lam, xe taxi, xe autobus, nợ nần lung tung… Viết cho kĩ thì chẳng qua đó là nghiệp chướng khốn nạn của một hạng người xấu số vô duyên. Có lẽ kiếp trước họ vụng tu thế nào cho nên bây giờ họ mới phải lộn kiếp ra làm văn sĩ ở Việt Nam, và phải chịu hình phạt của Thượng đế đó chăng?” [tr.562, 563]. Lời văn của Nguyễn Vỹ có cái xót xa, thương cảm cho thân phận trớ trêu, nghèo hèn của những nhà văn, nhà báo Việt Nam trong xã hội đầy phức tạp.

Với tư cách chứng nhân và những trải nghiệm sâu sắc trong nghề, các nhà văn đã tái hiện đời sống văn chương, báo chí thời đã qua một cách chân thực, sinh động. Hồi ức của họ cho thấy thực trạng xã hội cũ bấp bênh, buồn tẻ, thân phận nhà văn, nhà báo thật mong manh, khốn khổ nhưng vẫn còn đó bao tâm huyết đam mê, bao khát vọng sôi nổi chân thành… Việc hướng ngòi bút vào làng văn, làng báo thể hiện mối quan tâm của các tác giả đến mảng hiện thực khá sôi động, ẩn chứa nhiều vấn đề về đời sống văn hóa xã hội và số phận các văn nghệ sĩ. Kí ức phong phú của họ thực sự đưa lại cho văn học Việt Nam hiện đại những trang viết giàu giá trị hiện thực và đậm chất nhân văn…

2.3.2.2. Ý thức giãi bày, chia sẻ về nghề nghiệp

Trong bức tranh chung về đời sống báo chí, văn chương, hồi kí văn nghệ tái hiện hành trình phấn đấu của mỗi nhà văn bằng việc phân tích sâu từng hoàn cảnh riêng, lối đi riêng. Đối với lớp nhà văn trưởng thành từ trước cách mạng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan…, con đường sáng tạo nghệ thuật luôn gắn với chuyển biến tư tưởng, nhận thức nghề nghiệp. Xuân Diệu trong Những bước đường tư tưởng của tôi, nhìn lại chặng đường nghệ thuật đã qua

với cái nhìn “sám hối”, phủ nhận con người xưa cũ: “Những bước đường tư tưởng của tôi trước cách mạng là những bước sờ soạng, lưu lạc, thương đau… tôi cũng nói bằng những khía cạnh của tôi, cái tình trạng chung đau khổ tinh thần của các anh, khi lạc đường quần chúng, khi chưa tìm thấy ánh sáng của Đảng” [tr.13]. Ông cho rằng thế giới tinh thần mình đã bị “cầm tù” trong chế độ cũ: “Tâm hồn, trí tuệ tôi là một con chim lồng mà không tự biết”, “ôm mãi cái tôi mà ngụp lặn trầm luân”… Cách mạng tháng Tám đã khai phóng, mang lại cho ông một sức sống mới: “Cách mạng tháng Tám vũ bão lay cả người tôi, thì mới chọc thủng được con đường cho chân lí đến với tôi được… Cái vui sướng lớn của tôi là tự nhấc ra được khỏi một hệ thống chết, mà vào một hệ thống sống, nghĩa là tự cứu được mình” [180, tr.28]. Trong bài Mất nỗi đau riêng, được niềm vui chung, Chế Lan Viên nhìn lại một thời khủng hoảng, bế tắc của mình, thời ông phải tìm đến các triết học duy tâm siêu hình và tôn giáo, mong tìm lối thoát: “Nỗi buồn ghê gớm nhất, những hư vô sâu thẳm nhất để lại cho tôi, chính do các nền tôn giáo. Mở đầu tôi yêu Chúa. Rồi tôi yêu Phật. Tôi tìm Chúa trong các giáo lí của đạo Cơ đốc, của Tin lành. Và tôi tìm Phật nơi bàn Phật của cha tôi, ở kinh các chùa và ở ngoài chùa nữa” (Báo Văn nghệ, số 39/1976)… Từ sau cách mạng, Chế Lan Viên đã tìm thấy con đường đi cùng nhân dân, đất nước, thơ ông vui hơn, rộng mở hơn, đó là hành trình tư tưởng - tâm hồn của một cái tôi “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”… Xuân Diệu, Chế Lan Viên đã tự kiểm thảo về nhân sinh quan, thẩm mĩ quan của mình. Họ đều nói nhiều về quá trình “lột xác”, “nhận đường” để đến với cách mạng, nhân dân. Họ không tránh khỏi có sự cực đoan, không công bằng với chính mình khi phủ nhận con người cá nhân cùng những giá trị thơ ca lãng mạn trước kia, nhưng đôi khi đó là phép ứng xử cần thiết để có thể hòa nhập với cách mạng trong “buổi ban đầu”…

Các hồi kí Bước đường viết văn, Một tuổi thơ văn cho chúng ta thấy rõ hơn những hạnh phúc, đắng cay trên con đường sáng tạo nghệ thuật của Nguyên Hồng. Nghề văn đã hút vào nó một tâm hồn tràn đầy cảm xúc, giàu ước mơ, khát vọng và niềm tin. Chuyện về nhà thờ, hát xẩm, những truyền thuyết li kì lạ lẫm, các bài thơ, bài tập đọc của những ngày cắp sách đến trường đã in dấu trong tâm hồn thơ trẻ và nhanh chóng đưa bước chân Nguyên Hồng lạc vào thế giới văn chương, thế giới khác với cõi trần tục nhiều đau khổ, lạc loài mà ông từng nếm trải. Nguyên Hồng cho người ta nhận

thức được trường đời, vốn sống là dưỡng chất đáng quí đối với văn chương và khổ luyện là bí quyết thành công. Để thực hiện được ước mơ cầm bút, Nguyên Hồng “đã đọc, đã viết, đã sống một cách khổ hạnh và ép xác” (Nguyễn Đăng Điệp). Gia đình quá khó khăn, ông phải nghỉ học rất sớm. Vốn sống, lòng yêu thương con người tạo nên sức nặng của những con chữ Nguyên Hồng chủ yếu được ông thu nhặt ở trường đời. Ông “Gorki Việt Nam” này luôn hết mình với từng trang văn, viết như để trả “món nợ lòng”. Điều đáng nể trọng là trong hoàn cảnh nào ông cũng luôn nghiêm túc với nghề. Những ngày đầu đến với văn chương, chàng trai Nguyên Hồng đã xác định đó là “tình yêu”, là “đứa con” của mình, kiên quyết chống lại các thứ “phù phiếm”, “a tòng”, “phỏng cóp”, “buôn bán” để đi tìm “những gì là chân chính của tôi, đặc biệt là tôi, kết đọng và sắc mạnh nhất của tôi” [215, tr.48]… Có thể nói, con đường văn chương là một cuộc chiến đấu để vượt lên chính mình, khẳng định nhân cách và bản lĩnh nghệ thuật Nguyên Hồng.

Với Đời viết văn của tôi, Nguyễn Công Hoan tổng kết chặng đường 50 năm viết văn của mình với bao hay dở, buồn vui. Ông đã khiến độc giả cảm động trước lòng say mê văn chương, sự miệt mài tích lũy vốn sống và sự khổ luyện trong nghề của một nhà văn nhiều trải nghiệm. Ông thành thật cho biết mình đến với văn chương vừa bất ngờ, vừa tự nhiên. Trong một lúc chán nản cực độ, ông đã tìm đến thơ để giải buồn, “Thế là tôi tìm ra con đường để giải thoát. Con đường ấy là văn chương”. Đôi khi ông viết văn để lấp kín thì giờ rỗi rãi, “đỡ nghĩ đến gia đình, nhớ vợ con”. Biệt tài viết ngắn của ông cũng được tiết lộ: “Lý do không phải vì nghệ thuật, mà vì kinh tế”.

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 58 - 72)