Như đã nói, khả năng tạo hiệu quả đặc biệt hay kỹ xảo của thế giới hình ảnh kỹ thuật số là vô tận chỉ giới hạn ở trí tưởng tượng của chúng ta. Do đó, việc liệt kê cho đầy đủ mọi hiệu quả đặc biệt mà các phần mềm xử lý ảnh ngày nay có thể làm được là một công việc vô vọng và vô nghĩa. Với chương sách này, chúng tôi chỉ giới thiệu sơ qua một vài ứng dụng hầu giúp bạn đọc hình dung những điều lý thú mà sự tiến bộ của công nghệ tin học đã đem lại cho những người say mê hình ảnh.
Nghệ thuật nhiếp ảnh khi chưa phát triển thành một loại hình nghệ thuật thị giác độc lập và ngang hàng với hội họa vẫn thường bị xếp vào một loại thủ công thứ cấp. Việc sao chép hội họa hay chụp những ảnh “đẹp như tranh” là mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều người chụp ảnh từ thế kỷ trước. Ngày nay, việc sao chép hội họa đã bị loại trừ khỏi quan điểm hiện đại về nghệ thuật nhiếp ảnh nhưng trong những ứng dụng nhất định – nhất là trong lãnh vực đồ họa quảng cáo – thì việc tạo những hiệu quả “giống như tranh” cho hình ảnh cũng là điều cần thiết.
Các phần mềm xử lý ảnh cho phép ta biến một ảnh chụp thành một bức phác thảo chì than.
Việc biến một bức ảnh chụp trở thành một bức tranh sơn dầu hay màu nước, hoặc trở thành một bức phác họa chì than thật là điều dễ dàng với máy vi tính và một phần mềm. Không muốn sao chép hội họa nhưng muốn tạo những ấn tượng không thể nào có trong đời thực cũng là một nhu cầu chính đáng của những người sáng tạo hình ảnh. Chính vì thế hãng Adobe hoàn toàn có lý khi quảng cáo cho phần mềm Photoshop bằng câu sau đây: “If you can dream it, you can do it” (Nếu bạn có thể mơ thấy thì bạn có thể làm được).
Cũng từ một hình ảnh gốc như hình trên, nhưng xử lý bằng một tính năng khác, ta có được một hình vẽ nét.
Ta cũng có thể cho một hình ảnh kỹ thuật số có hiệu quả thô sần, lấm tấm giống như khi chụp thiếu và tráng thừa cho phim vỡ hạt. Với phần mềm các hạt này được gọi là Noise (nhiễu) và việc chỉnh cấp độ hạt trên hình ảnh cho to hay nhỏ, mịn hay thô chính là việc thay đổi các thông số của độ nhiễu này.
Từ Filters đến Plugins
Với nhiếp ảnh truyền thống, những kỹ xảo thực hiện trực tiếp trên phim trong máy ảnh khi chụp thường được thực hiện bằng các filter (kính lọc). ta dùng một kính lọc soft khi chụp chân dung, dùng một kính lọc polarizer khi chụp phong cảnh, dùng một kính lọc star để tạo những điểm ánh sáng khúc xạ như sao lấp lánh... Cũng từ những nguyên tắc quang học ấy mà các nhà lập trình của các phần mềm xử lý ảnh đã thiết kế những kính lọc điện tử nhằm giúp ta đạt được dễ dàng những hiệu quả thị giác tương tự khi làm việc với ảnh kỹ thuật số. Cũng giống như nhiếp ảnh truyền thống, mỗi filter sẽ cho một hiệu quả duy nhất, kế hợp cùng lúc nhiều filter sẽ cho một hiệu quả lạ
lùng, với phần mềm xử lý ảnh cũng vậy. Phần mềm xử lý ảnh Adobe Photoshop vẫn trung thành với truyền thống về khía cạnh này cho nên mọi tính năng kỹ xảo của phần mềm này đều được gộp chung vào một bộ lệnh Filter(kính lọc). Trong khi đó, các phần mềm khác tương đương như Corel Photo-Paint hay Microgarfx Picture Publisher lại dùng tên gọi Effects (kỹ xảo).
Cũng từ một hình ảnh gốc như hình trên, nhưng xử lý bằng một tính năng khác, ta có được một bức tranh màu nước.
Nhưng không ai có thể đáp ứng mọi nhu cầu bất kỳ của người thích sử dụng kỹ xảo cho hình ảnh bởi vì việc thiết kế các tính năng kỹ xảo để kết hợp vào chương
trình là một quá trình lao động tốn kém. Các phần mềm xử lý ảnh chuyên nghiệp hiện nay do đó thường chỉ gộp chung những tính năng kỹ xảo được ưa chuộng nhất hay thông dụng nhất mà thôi. Chính vì thế nhiều hãng lập trình nhỏ đã ra đời chuyên viết các chương trình kỹ xảo phục vụ cho nhu cầu vô tận này. Những chương trình kỹ xảo ấy thường không tự động chạy một mình mà phải kết hợp trên nền một chương trình xử lý ảnh sẵn có. Do đó chúng được gọi là các chương trình Plugins(có nghĩa là “gắn vào”) hay tạm dịch là các “kỹ xảo bổ sung”.
Hiệu quả zoom khi vừa chụp ảnh vừa đẩy ống kính zoom cũng làm được với phần mầm xử lý ảnh.
Các chương trình Plugins này cung cấp cho người sử dụng vô số tính năng mà nếu chưa nhìn thấy chắc hẳn không ai nghĩ rằng có chúng trên đời, và nhiều khi thấy rồi cũng chẳng biết sẽ sử dụng nó vào việc gì. Có các Plugins chuyên tạo nền với đủ loại chất liệu gỗ, đá, thủy tinh... cho đến
mây trời hay bầu không gian ngoài vũ trụ. Có các Plugins chuyên tạo hiệu ứng khói, lửa, mưa, sấm chớp... Các chương trình xử lý hình ảnh chuyên nghiệp ngày nay đều chấp nhận các Plugins.
Kết hợp các hiệu ứng tạo sao và tạo bong bóng để tạo những ấn tượng mơ màng không bao giờ có trong đời thực và không thể nào chụp được bằng máy ảnh, hay thực hiện bằng phòng tối truyền thống.