Đôi lời về độ phân giải của máy in
Nói đến máy in thì độ phân giải (resolution) lại không phải là yếu tố quyết định cuối cùng cho màu sắc và chất lượng. Ví dụ, một máy in phun mực với độ phân giải 1400 dpi sẽ không cho chất lượng hình ảnh tốt bằng một máy in màu nhuộm chỉ có độ phân giải 300 dpi. Đó là vì mỗi pixel của một máy in phun mực không phải là một giọt màu duy nhất mà là tập hợp của nhiều chấm màu. Độ chính xác của các đốm màu này khi tập hợp thành một pixel sẽ có tác động lớn đến độ phân giải “cảm nhận được” của hình ảnh – tức là độ sắc nét của hình ảnh theo chủ quan của mỗi người. Đối với các máy in phun mực, kích thước của những đốm màu nhỏ ấy do đó còn quan trọng hơn số lượng dpi của độ phân giải. Nhiều máy in phun mực loại tốt nhất chỉ chỉ có độ phân giải thực là 300x300 dpi nhưng mỗi pixel lại sử dụng từ 25 đến 36 đốm màu.
Hình ảnh màu được in như thế nào?
Các máy in màu tạo hình ảnh bằng cách phân chia trang giấy in thành hàng ngàn, hay thậm chí hàng triệu chấm nhỏ, mỗi chấm có thể gán một địa chỉ (hay tọa độ) mà máy vi tính có thể định vị được. Khi đầu in của máy in di chuyển qua lại và dọc theo trang giấy, nó có thể in một chấm màu, in hai hay ba màu chồng lên nhau, hay bỏ trống chấm đó (trắng). Muốn hiểu được cách in màu kỹ thuật số, ta cần biết đôi chút về những màu sắc được dùng và các cách chồng màu khi in.
Hệ màu CYMK
Như ta đã biết ở Chương 4: Màu và Trắng-đen dưới góc độ kỹ thuật số, các màn hình máy vi tính sử dụng ba màu đỏ (red), lục (green), xanh (blue) – hệ màu RGB hay mà cọng – để tạo ra hình ảnh hiện thị trên màn hình. Còn máy in lại dùng quy trình ngược lại gọi là hệ màu trừ hay hệ màu CYM gồm xanh lam (cyan), vàng (yellow), tím (magenta). Khi 2 trong số 3 màu này chồng lên nhau, chúng sẽ tạo ra các màu đỏ, lục và xanh. Khi cả 3 màu chồng lên nhau thì ta sẽ có màu đen (black – viết tắt là K). Hầu hết các máy in đều có thêm một ống mực đen để cho ra sắc đen tuyền, đậm đà hơn màu đen do 3 màu kia kết hợp lại. Điều này rất hữu ích không những để cho màu đen trung thực trên hình ảnh mà còn dùng để in chữ (text). Chính 4 màu này phối hợp với nhau đã cho hệ màu này mang tên là màu CYMK. Còn màu trắng chính màu của tờ giấy. Chừa lại một chỗ trống không phủ màu nào cả chính là tạo ra màu trắng.
Các sắc độ trung gian và kỹ thuật hòa sắc
Với hầu hết các máy in (ngoại trừ loại máy in màu nhuộm), mỗi chấm màu được in ra đều có cùng một độ đậm đặc. Nếu máy in chỉ kết hợp 3 màu chính với cùng một độ đậm đặc như thế, ta sẽ có tất cả 8 màu là xanh lam, vàng, tím, đỏ, lục, xanh, đen và trắng. Để có hàng triệu sắc độ màu trong một bức ảnh, máy in phải “giả mạo” bằng cách tạo ra những mô thức gồm các chấm nhỏ li ti kết hợp để tạo ảo giác hòa quyện thành các sắc độ trung gian. các sắc độ trung gian này gọi là
halftones và tiến trình tạo ảo giác hòa sắc này được gọi là dithering. Việc thiết kế giải thuật
dithering này cho các máy in là cả một khoa học tinh vi và tùy theo phương pháp hòa sắc được sử dụng mà kết quả cuối cùng rất khác biệt nhau từ máy in này sang máy in khác.
Nếu việc giả lập các sắc độ halftones được xử lý tốt thì trên bản in các mắc sắc sẽ chuyển tiếp rất mượt màu, không thể phân biệt sự chuyển đổi giữa sắc độ này và sắc độ khác. Nếu xử lý không tốt thì trên bản in ta thấy rõ từng dải màu phân cách rõ rệt giữa hai sắc độ kề nhau. Để xử lý vấn đề chuyển sắc này, các giải thuật dithering được thiết kế theo nguyên tắc bố trí các đốm mực in theo những ô lưới, mỗi ô được gọi là một cell, và máy in sẽ in từng pixel như là một tập hợp của nhiều
cell. Một cell như vậy sẽ có kích thước từ 5x5 đến 8x8 chấm mực. trong các cell này, 3 hay 4 màu mực chính sẽ được in theo nhiều cách kết hợp khác nhau để cho mắt ta cảm nhận được đó là một sắc độ trung gian. Chẳng hạn, để in màu đỏ tía (purple) thì máy in sẽ dùng các tập hợp của những đốm màu tím (magenta) và lam (cyan). Muốn cho màu đỏ tía nhạt bớt đi thì máy in sẽ để trống nhiều ô không in và do đó có thêm màu trắng (của giấy) pha vào.
Hình ảnh kỹ thuật số thực ra chỉ là tập hợp của vô số ô lưới được in trên giấy theo rất nhiều cách kết hợp, gia giảm khác nhau để tạo ra đủ mọi sắc độ trung gian.
Gam màu hay color gamut là dải màu mà một thiết bị có thể tái hiện. Điều không may cho các nhà nhiếp ảnh là gam màu của tự nhiên rộng hơn rất nhiều so với những gì mà ta có thể tái hiện bằng ánh sáng màn hình, mực in hay màu nhuộm. Chúng ta chỉ có thể đạt được gam màu rộng nhất có thể tạm tương đồng với gam màu có thực trong cảnh vật chung quanh. Với nhiếp ảnh truyền thống, nếu ta chụp cùng một cảnh trí lần lượt với phim màu âm bản và dương bản, ta sẽ thấy ngay sự khác biệt về gam màu của 2 chất liệu này. Màu sắc trên phim dương bản luôn thắm rực hơn màu ảnh in từ phim âm bản bởi vì phim dương bản có gam màu rộng hơn.
Để hiểu rõ hơn khái niệm gam màu, ta hãy tưởng tượng mình đang dùng những hộp mực in gần cạn hết màu chỉ còn cặn. Nếu ta buộc máy in phải in những hình ảnh có màu tươi thắm với hộp mực cặn ấy thì không thể nào có được kết quả như ý vì gam màu của mực “hẹp” hơn gam màu của những màu sắc mà ta muốn có. Trái lại, nếu ta có một hộp mức mới nguyên đủ màu, ta có thể tạo ra những màu sắc mờ đục như ý muốn bởi vì những màu sắc mờ đục này nằm trong gam màu khá rộng của hộp mực đang dùng.
Mực cũ hay cặn với gam màu hẹp chỉ có thể tạo ra những màu sắc mờ đục.
Mực mới nguyên với gam màu rộng có thể tạo được cả những màu tươi sáng lẫn màu mờ đục.
Khi tái tạo màu trên màn hình máy vi tính hay trên trang giấy in, ta phải sử dụng các mẫu màu
(color models)hay còn gọi là chế độ màu (color mode). Chế độ màu Lab có gam màu rộng nhất, chứa đựng tất cả các màu sắc có thể tái tạo được từ chế độ màu RGB và CYMK. Chế độ màu RGB chỉ chứa đựng những màu sắc có thể hiển thị được trên màn hình vi tính, Ở chế độ này, một số màu như màu lam (cyan) nguyên chất và màu vàng (yellow) nguyên chất không thể hiển thị chính xác. Chế độ màu CYMK chỉ dùng cho các thiết bị in có gam màu hẹp hơn. Khi màu sắc của một hình ảnh nào đó không thể hiển thị chính xác thì ta gọi đó là hiện tượng vượt giới hạn màu
(out of gamut).
Mãi tới gần đây, việc xử lý màu chính xác trong việc in ấn đòi hỏi những thiết bị cân chỉnh tinh vi và đắt tiền. Nhưng nhiều tiến bộ mới đã phát sinh trong vài năm vừa qua trong công nghệ dithering
đã phần nào giúp giải quyết vấn đề trên. Khi ta chọn mua máy màu để in các hình ảnh kỹ thuật số thì cần nhớ là: các máy in đắt tiền nhất không phải lúc nào cũng cho kết quả đẹp nhất. Bây giờ chúng ta hãy xem xét cách xử lý màu của các loại máy in phổ thông hiện nay.
Các chương trình xử lý hình ảnh ngày nay cho phép xử lý màu sắc theo nhiều hệ màu khác nhau.