Với khả năng chế tác, ghép nối đầy chính xác và dễ dàng cùng với vô số kỹ xảo có sẵn thì tính trung thực của hình ảnh vốn đã đáng ngờ càng thêm đáng ngờ – đặc biệt là với ảnh báo chí. Công chúng có khuynh hướng dị ứng với những bức ảnh đã được vi tính “xử lý”.
Nhưng có nhà nhiếp ảnh nào lại không “xử lý” mọi hình ảnh của mình? Ai cũng làm điều đó ngay từ khi chưa có kỹ thuật số. Có nhà nhiếp ảnh nào mà không cố tình thay đổi góc độ đặt máy để cho người xem nhìn thấy những gì mà người chụp cho là quan trọng? Có chuyên viên phòng tối nào mà không cúp cắt hình ảnh khi rọi phóng để cho bố cục nhấn mạnh vào hành động hay chi tiết hình ảnh mà anh ta muốn tập trung? Không nhà nhiếp ảnh đúng nghĩa nào lại xem mọi hình ảnh của mình đều là sự thật tuyệt đối. Trái lại, mọi nỗ lực sáng tạo của họ chỉ nhằm tác động đến người xem để người xem thẩm định những ý tưởng mà nhà nhiếp ảnh muốn truyền đạt qua hình ảnh. Nghệ thuật chỉnh sửa hình ảnh cũng đã tồn tại gần như ngay từ khi nhiếp ảnh ra đời. Thậm chí nhiều bức ảnh daguerreotype từ thời xa xưa nhất cũng đã được tô màu bằng tay. Nhưng nghệ thuật chỉnh sửa truyền thống dù người bình thường hay công chúng có thể không nhận biết nhưng không bao giờ đánh lừa được con mắt của các chuyên gia. Việc xử lý hình ảnh bằng kỹ thuật số lại khác. Ngay cả những con mắt khắt khe, lành nghề nhất cũng không dám khẳng định một bức ảnh nào đó là có “xử lý” hay không.
Với vô số kỹ xảo mà các chương trình xử lý hình ảnh ngày nay có thể thực hiện thì tính trung thực của ảnh báo chí càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Công chúng dễ dàng chấp nhận những hình ảnh đã xử lý cho đẹp hơn, hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn thật nếu như hình ảnh ấy đang ở các trang quảng cáo. Điều này dễ hiểu vì hãng sản xuất nào cũng muốn người xem có cái nhìn tích cực đối với sản phẩm của họ. Nhưng nếu một bức ảnh đã xứ lý mà đăng ở trang nhất một tờ báo uy tín thì chắc chắn sẽ nhận lấy nhiều phản ứng gay gắt từ công luận. Tạp chí National Georaphic của Mỹ là một tạp chí chuyên về khoa học tự nhiên và sử địa nổi tiếng thế giới đã từng bị độc giả tức giận phản đối chỉ vì tạp chí này đã dùng kỹ thuật số để di chuyển vị trí của kim tự tháp trong một hình ảnh nhằm tạo một bố cục cân bằng, bắt mắt hơn. Tương tự, một tuần báo uy tín thế giới là tờ TIME khoảng năm năm trước đã bị chỉ trích gay gắt vì một bức ảnh bìa kỹ thuật số. Từ một vụ giết người làm chấn động dư luận nước Mỹ mà thủ phạm tình nghi là một người da màu tên O. J. Simpson. Tuần báo TIME đã sử dụng một ảnh chụp do cảnh sát cung cấp, giao cho họa sĩ vi tính Matt Mahurin chỉnh lý lại cho đậm hơn, đẹp hơn và đưa lên bìa chỉ nhằm mục đích minh họa. Những người chỉ trích không chấp nhận một hình ảnh đã xử lý như thế lại xuất hiện trên mặt báo TIME và có người còn cho rằng tờ TIME cố tình phân biệt chủng tộc vì đã cho làm cho hình O.J. Simpson... đen hơn thật!
Ông James R. Gaines, Tổng biên tập tờ TIME, giải thích:
“Việc làm thay đổi hình ảnh là một tập quán nguy hiểm trong nghề báo, bởi vì chỉ những phóng viên ảnh lão luyện mới có thể tạo ra những hình ảnh có giá trị báo chí. Mặt khác, nhiếp ảnh báo chí chưa bao giờ và không thể nào gánh vác tính khách quan tuyệt đối mà mọi người hay ngộ nhận gán cho nó. Nhà nhiếp ảnh chọn góc độ và ban biên tập chọn hình ảnh để nêu bật vấn đề... và bất kỳ hãng thông tấn nào cũng đều cúp cắt hay chỉnh sửa lại hình ảnh để loại bỏ những yếu tố phụ, thừa, miễn là ý nghĩa cốt lõi của hình ảnh vẫn còn nguyên vẹn. Những người chỉ trích tờ TIME cho rằng họa sĩ Matt Mahurin đã thay đổi tính chất cơ bản của bức ảnh; còn tôi thì cho rằng Matt Mahurin đã nâng bức ảnh tầm thường của cảnh sát lên tầm nghệ thuật mà không hề hy sinh sự thật. Vấn đề đối với cái bìa ấy là ảnh bìa đối với mọi người trông rõ ràng là một bức ảnh đã xử lý hơn là một hình minh họa. Và thực tế thì độc giả chỉ biết đó là một hình ảnh đã xử lý khi xem bức ảnh gốc của cảnh sát mà chúng tôi cho in kèm bài ở các trang trong.”
Thế nhưng chẳng ai chú ý hay phản đối khi tờ TIME dùng vi tính chỉnh sửa bức ảnh nổi tiếng chụp những người dân Somali vừa hò reo vừa kéo lê xác một người lính Mỹ bị giết trên đường phố Mogadishu. Trong bức ảnh gốc, xác người ấy bị xé hết quần áo, lộ ra cả bộ phận sinh dục. Ban biên tập đã quyết định dùng vi tính vẽ thêm chiếc quần cộc như một sự tôn trọng phẩm giá người đã chết.
Khi nhiếp ảnh kỹ thuật số được sử dụng ngày càng rộng rãi vào ảnh báo chí thì nhiều vấn đề đã phát sinh. Lịch sử không tồn tại nếu không có hình ảnh chứng minh, và hình ảnh không có thực nếu không có phim gốc chứng minh. Với những máy ảnh kỹ thuật số ngày nay thì việc đòi hỏi “phim gốc” trở thành vô nghĩa. Có người cực đoan cho rằng nên thêm chữ “láo” vào sau câu danh ngôn bất hủ của Trung Hoa: “Một hình ảnh bằng ngàn lời nói”. Còn những nhà biên tập tỉnh táo hơn đã nhận ra rằng hình ảnh và ngôn từ là hai thứ tiền tệ không phải lúc nào cũng có thể hoán đổi. Mỗi loại hình có những hướng đi khác nhau, có những khả năng khác nhau và tạo ra những ấn tượng khác nhau. Trong nghề báo hiện đại, hình ảnh và ngôn từ giống như hai đối tác kinh doanh cốt lõi, hai lãnh vực hết sức cần lẫn nhau. Những biến đổi trong cách thức liên doanh giữa hai loại hình này sẽ quyết định tương lai của báo chí.
Chương 13: