Bối cảnh quốc tế

Một phần của tài liệu Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu (Trang 70 - 71)

Quá trình phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay được thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới biến đổi nhanh, phức tạp và khó lường. Hậu quả của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ 2007 đến nay, thâm hụt ngân sách và khủng hoảng nợ công của các nền kinh tế lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản v.v… có thể đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái kép trong thời gian tới nếu không có các biện pháp hữu hiệu để khắc phục các khó khăn, thách thức nêu trên. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và điều chỉnh các thể chế điều tiết kinh tế - tài chính toàn cầu sẽ diễn ra mạnh mẽ, gắn với những bước tiến mới về khoa học công nghệ, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, phát huy lợi thế cạnh tranh, bảo hộ thương mại và các tranh chấp thương mại có xu hướng ngày càng gia tăng. Sự phục hồi kinh tế đi đôi với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng diễn ra ở hầu hết các quốc gia do thực hiện các gói kích thích kinh tế khổng lồ, nếu không có các biện pháp kiểm soát đủ mạnh dẫn tới khả năng tái lạm phát cao trên toàn cầu.

Sau khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, thế giới sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới. Tương quan sức mạnh của các nền kinh tế và cục diện phát triển toàn cầu thay đổi với sự xuất hiện những liên kết mới. Vị thế của châu Á trong nền kinh tế thế giới đang tăng lên; sự phát triển mạnh mẽ của một số nước khu vực trong điều kiện hội nhập Đông Á và việc thực hiện các hiệp định mậu dịch tự do ngày càng sâu rộng, mở ra thị trường rộng lớn nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt. Quá trình tái cấu trúc các nền kinh tế và điều chỉnh các thể chế tài chính toàn cầu sẽ diễn ra mạnh mẽ, gắn với những bước tiến mới về khoa học, công nghệ và sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên. Mặt khác, khủng hoảng còn để lại hậu quả nặng nề, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy trở thành rào cản lớn cho thương mại quốc tế. Kinh tế

thế giới tuy đã bắt đầu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, bất ổn; sự điều chỉnh chính sách của các nước, nhất là những nước lớn sẽ có tác động đến nước ta.

Trong giai đoạn tới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch theo chiều hướng có lợi cho khu vực châu Á mà chủ yếu vào Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư đã bắt đầu định hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực để giảm thiểu rủi ro và do chi phí lương của Trung Quốc tăng lên. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp thu công nghệ tiên tiến nếu ta nắm bắt được kịp thời và hợp lý.

Một phần của tài liệu Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu (Trang 70 - 71)