2.2.1.1. Tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ góp phần quan trọng trong việc giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy được nội lực vào xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội... Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tin tưởng rằng họ đóng vai trò then chốt quyết định tương lai của nền kinh tế nước nhà. Đồng thời cũng lạc quan về những triển vọng phát triển kinh doanh đang được mở ra trước mắt. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến tài chính, chi phí là mối quan tâm hàng đầu của
họ. Các chủ doanh nghiệp cho biết, đang đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó đau đầu nhất là tài chính, chi phí. Đáng chú ý, có 46% các doanh nghiệp Việt Nam được hỏi cho rằng khó khăn về lãi suất tín dụng.
Tình trạng thiếu vốn hoặc không có vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh là hiện tượng khá phổ biến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay. Ngoài phần vốn tự có, các doanh nghiệp thường huy động từ gia đình, người thân, bạn bè hoặc vay ngân hàng. Mặc dù các ngân hàng thương mại đã có nhiều nỗ lực trong việc cung ứng tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng khó khăn trong việc xử lý các vấn đề tài chính vẫn là khó khăn nổi trội của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước khủng hoảng kinh tế, tình trạng thiếu vốn, gặp khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ là một vấn đề nan giải của chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khủng hoảng kinh tế vấn đề này càng trở nên khó khăn.
Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu phát triển bằng vốn tự phát của các doanh nhân, tuy nhiên mức ban đầu rất hạn chế, khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động và bước đầu có hiệu quả, họ đều mong muốn gia tăng vốn để mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn.
Do thị trường vốn ở Việt Nam chưa hoàn thiện nên việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ thị trường chính thức là hạn chế. Hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô rất nhỏ (vốn trung bình ), họ không thực hiện cổ phẩn hóa để có thể tham gia thị trường chứng khoán và thu hút được vốn qua thị trường này.
Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ khó vay vốn ngân hàng, trong đó nguyên nhân căn bản là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn như: phương án kinh doanh khả thi, tài sản bảo đảm, cân đối tài chính... Theo điều tra gần đây của Bộ KH&ĐT, chỉ có 1/3 Doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, 1/3 khó tiếp cận và 1/3 không tiếp cận được. Doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với
nguồn vốn ngân hàng đã rất khó, nhưng việc duy trì khoản vay nợ và giữ uy tín với ngân hàng lại là điều khó hơn nhiều. Thêm vào đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện quá cao. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, cứ 3- 6 tháng, doanh nghiệp phải đáo hạn một lần. Nếu không vay thì các hoạt động kinh doanh sẽ bị ngừng trệ, nếu phải vay với lãi suất ngất ngưởng, doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động cầm chừng.
Bên cạnh đó với những khống chế về thủ tục, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất hạn chế tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng. Theo thống kê, chỉ có khoảng 35 - 45% doanh nghiệp tin tưởng vay vốn thường xuyên ở các ngân hàng. Nhưng trong số đó có đến 19% gặp khó khăn và đã bị từ chối, có tới 48% doanh nghiệp vừa và nhỏ bị Ngân hàng từ chối cho vay vốn mà không rõ lý do. Số doanh nghiệp còn lại cũng có nhu cầu vay không thường xuyên, nhưng cũng gặp trở ngại trong thủ tục tiếp cận và nâng tỷ lệ gặp khó khăn tín dụng lên mức trên 26%. Ngoài ra, số doanh nghiệp thuộc nhóm không nộp hồ sơ một phần cũng gặp trở ngại như thiếu tài sản thế chấp thích hợp, nhận thức quá trình vay vốn quá khó khăn hoặc do tỷ lệ lãi suất quá cao... Do khó khăn trong thủ tục, dịch vụ mà hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng từ ngân hàng chủ yếu là mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán, vay vốn. Tỉ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ được bảo lãnh tín dụng quá nhỏ, chỉ khoảng 1%, thanh toán quốc tế khá thấp khoảng 18,5%; và không có doanh nghiệp nào sử dụng cho thuê tài chính.
Ngoài vấn đề khó khăn trong thủ tục vay vốn, các doanh nghiệp cũng bị hạn chế bởi mức vốn được cho vay và mức lãi suất phải trả. Số liệu điều tra của Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, ngay cả trong điều kiện lạm phát, trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quốc doanh vẫn có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, chỉ hơn 10% được vay 100% theo nhu cầu. Vốn ít và tiếp cận khó, trong điều kiện thắt chặt tín dụng vốn càng ít nhưng lãi xuất lại cao , đáp ứng vốn giảm từ 50% yêu cầu xuống 30%, trong khi lãi suất tăng từ 10% lên 21% năm (Thực tế, quy định lãi suất trần huy động vốn của ngân hàng chỉ 14%/năm, nhưng nhiều
ngân hàng đã phá rào, nâng lên 15- 19%/năm, kéo theo lãi suất cho vay lên tới 20- 22%, thậm chí lên tới 27%/năm). Theo một số chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân cơ bản trong việc khó tiếp cận vốn là do lãi suất tiền vay quá cao. Có những thời điểm lãi suất tiền vay mà doanh nghiệp vay ngân hàng lên tới 23%, nên rất ít doanh nghiệp có khả năng kinh doanh để đạt được mức lợi nhuận đủ cao để trả lãi ngân hàng. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp giải thể, phá sản trong thời gian qua chủ yếu do khó khăn về vốn [46, tr.23].
2.2.1.2 Đất đai và nguyên vật liệu
Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 đã làm cho giá cả các loại hàng hóa có rất nhiều biến động. Trong năm 2009, việc tăng giá tiếp tục rải khắp 10/11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung, mức tăng từ 0,07-2,06%. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm giao thông vận tải với mức 2,47%. Về thị trường nhiên liệu, giá xăng dầu liên tục tăng, giữa năm 2008 trong nước có một đợt tăng mạnh giá xăng dầu, tăng đến 30%, năm 2011 giá xăng, dầu tăng tiếp với mức xấp xỉ 20%. Giá xăng dầu tăng đã làm cho một loạt giá cả hàng hóa trên thị trường tăng theo. Bên cạnh giá xăng dầu tăng, giá điện cũng tăng cao, đầu năm 2010 giá điện tăng trên 15%. Theo đà đó, xi măng, sắt thép cũng tăng từ 15 - 20% [51].
Giá cả thị trường tăng lên có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giá cả nhiên liệu gia tăng làm chi phí doanh nghiệp tăng lên đòi hỏi phải tăng giá sản phẩm. Mặt khác, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tình trạng lạm phát càng làm cho giá cả thay đổi chóng mặt, khó khăn chồng chất cho các doanh nghiệp sản xuất.
Trong điều kiện lạm phát đang tăng cao, diễn biến xấu và tác động mạnh của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn. Lạm phát tăng cao, nguyên liệu, vận tải dịch vụ đều tăng nhanh làm chi phí tăng, giá thành tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm, lỗ tăng.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trước tác động của khủng hoảng kinh tế, Chính phủ đã ban hành chính sách miễn, giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp tiền
thuế đất lại nâng lên quá cao. Chỉ một lần nâng, doanh nghiệp đã phải chịu tiền thuê đất tăng tới 17 lần. Rồi sau đó, nhà nước không hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp mà dùng khoản này khấu trừ ngay vào tiền thuê đất của doanh nghiệp. Như vậy, về mặt bằng kinh doanh các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuy đã được tạo điều kiện hơn, song vẫn còn nhiều hạn chế. Cụm công nghiệp, khu công nghiệp không chỉ được thành lập để giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất. Tại nhiều quốc gia, mô hình cụm công nghiệp được thành lâp một cách tự nhiên. Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đều có mối liên kết cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhau. Từ cụm công nghiệp sẽ cung cấp ra thị trường những sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam các doanh nghiệp trong cùng một cụm công nghiệp liên kết được với nhau còn rất ít, hầu hết còn hoạt động riêng lẻ. Thực trạng, nhiều cụm công nghiệp, khu công nghiệp bị bỏ hoang đang khiến Bộ KH-ĐT đề xuất Chính phủ tạm ngừng cấp phép thành lập các cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Các địa phương cứ đua nhau thành lập các cụm công nghiệp, khu công nghiệp rồi mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Cách làm này chưa hợp lý. Các cụm công nghiệp, khu công nghiệp cần hình thành nên dựa trên các mối liên kết về cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp được thành lập gần nhau cũng dựa trên nguyên tắc này. Đây mới thực sự là mô hình cụm liên kết.
2.2.1.3 Nguồn lao động
Khủng hoảng kinh tế làm tỷ lệ lao động trong các doanh nghiệp nhà nước và cơ quan hành chính sự nghiệp và một số doanh nghiệp lớn có chiều hướng giảm. Trong hoàn cảnh này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quốc doanh trở thành nơi giải quyết nhu cầu về việc làm cho số lao động được tinh giảm trong các doanh nghiệp và hệ thống hành chính nhà nước. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn là nơi tạo việc làm cho số lượng lớn những người mới tham gia vào lực lượng lao động hằng năm. Nhìn chung, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là nguồn chủ yếu tạo ra việc làm trong tất cả các lĩnh vực. Với việc tuyển dụng gần 1 triệu lao động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chiếm 49% lực lượng lao động trong tất cả các loại hình doanh nghiệp. Có thể thấy, các
doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã thu hút nguồn lao động rộng khắp trên phạm vi toàn quốc; riêng vùng Duyên hải miền Trung, tỷ lệ lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam so với tổng số lao động làm việc ở tất cả các doanh nghiệp đạt mức cao nhất là 67%; khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ thấp nhất là 44%. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, năng động, chịu khó làm việc, học hỏi, có tinh thần doanh nghiệp cao, tuy còn thiếu nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Việc học tập và đào tạo nguồn nhân lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu thông qua việc làm thực tế .
Tuy nhiên, theo Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, khoảng 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ không thuê được lao động có kỹ năng như mong muốn, trình độ lao động còn thấp; đối với lao động có trình độ thường không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Theo thống kê 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc giữ người lao động làm việc ổn định lâu dài .Việc nâng cao trình độ cho lao động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất cần thiết, nhưng do nhiều lý do, các chủ doanh nghiệp – nhà quản lý ít tổ chức các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Do vậy, trình độ tri thức trong doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đồng đều và chưa cao so với các khu vực kinh tế khác.
Trong thời kỳ khủng hoảng, cơ cấu lao động, phương pháp tuyển dụng và tiền lương có sự điều chỉnh. Từ năm 2007 đến nay, tỉ lệ lao động thường xuyên (toàn thời gian và bán thời gian) đã giảm đi, đồng nghĩa với tỉ lệ lao động không thường xuyên tăng lên, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp phải cắt giảm lao động thường xuyên để giảm chi phí về bảo hiểm và các lợi ích khác liên quan đến người lao động. Mặt khác, lao động trực tiếp sản xuất tăng (chiếm 65%) cùng sự phát triển quy mô doanh nghiệp trong khi tỉ lệ lao động quản lý giảm.
Trong hoàn cảnh khó khăn của khủng hoảng kinh tế năm 2008, tỉ lệ lao động thôi việc hoặc mất việc chiếm 11,8%, lao động được tuyển mới là 9,5%. Trong khi nửa đầu năm 2009, tình hình diễn ra khả quan hơn: Lao động thôi việc hoặc mất việc chiếm 4,9%, lao động được tuyển mới chiếm tới 5,8%. Điểm đáng lưu ý là các doanh nghiệp đều rất khó khăn trong việc tìm được những lao
động có kỹ năng phù hợp dù tình hình hiện nay đã được cải thiện so với năm 2007, nhất là đối với doanh nghiệp vừa [41]. Biện pháp tuyển dụng thường thông qua các mối quan hệ phi chính thức, chiếm tới trên 70% đối với doanh nghiệp nhỏ. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Copenhagen cho rằng tìm được việc làm thông qua các quan hệ cá nhân có liên quan chặt chẽ tới tiền lương mà người đó nhận sau khi tuyển dụng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đã đem lại cơ hội tốt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tuyển dụng lao động có trình độ cao. Dưới tác động của khủng hoảng các doanh nghiệp lớn gặp phải rất nhiều khó khăn, nhiều công ty phá sản hoặc thu hẹp sản xuất. Điều này đã dẫn đến một lượng không nhỏ lao động có trình độ bị thất nghiệp. Tận dụng cơ hội này các nhà quản lý của doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tuyển dụng được lao động có trình độ cao, tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, mức đóng phí bảo hiểm xã hội hiện nay đã quá cao, với tỷ lệ tới 28% lương. Hiện, 75% doanh thu của doanh nghiệp là dành cho chi lương. Chính vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều phải làm sai luật. Luật yêu cầu trả phí bảo hiểm theo thu nhập nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm tính theo lương tối thiểu, thấp hơn nhiều so với mức lương thực tế.
2.2.1.4 Ứng dụng công nghệ - kỹ thuật vào sản xuất
Tính đến nay, cả nước đã có gần 550.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, hơn 97% trong số này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu hết các doanh nghiệp đều có bước khởi đầu và trưởng thành với xuất phát điểm thấp, thậm chí có những đơn vị trưởng thành từ hộ kinh doanh nhỏ, lẻ. Chính vì vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phần lớn các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công nghệ trong quá trình cạnh tranh. Ngoài ra, các vấn đề đổi mới, cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và uy tín thì các doanh nghiệp lại chưa nghĩ tới. Lượng doanh nghiệp có thể tiếp cận các chính sách, thông tin KH - CN cũng còn rất hạn chế. Đơn cử
như trong số 120 doanh nghiệp được Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành khảo sát, không có chủ doanh nghiệp nào biết đến Luật Chuyển giao công nghệ hay Nghị định số 119/1999/NĐ-CP.
Mặt khác về trình độ công nghệ, do phần lớn là các cơ sở thủ công "đi lên" hoặc có tiếp cận được khoa học, công nghệ nước ngoài thì cũng thuộc thế hệ... lạc hậu. Theo khảo sát, hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sử dụng