Thị trường đầu ra

Một phần của tài liệu Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu (Trang 56)

Thị trường là một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra, thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, quốc gia nào cũng đều giảm sản lượng hàng hóa nhập khẩu, chính vì vậy, thị trường tiêu thụ nước ngoài bị thu hẹp. Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng đều gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp.

2.2.2.1. Thị trường tiêu thụ trong nước

Theo số liệu của Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trung bình của tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nội địa khoảng 23%. Những năm gần đây, xu hướng này tăng cao hơn. Năm 2008, dù lạm phát cao nhưng tốc độ tăng doanh số bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ tăng đến 35% và có giá trị là 58 tỷ USD. Theo số liệu thống kê, trong các năm gần đây doanh thu bán lẻ và dịch vụ trong nước tăng trên 20%, cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng kinh tế, và cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu. Như vậy, có thể thấy thị trường trong nước của Việt Nam là thị trường rất tiềm năng,

các doanh nghiệp cần có chiến lược hướng đến phát triển các thị trường trong nước.

Tuy nhiên, trong thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm đúng mức đến thị trường trong nước. Hầu hết hàng hóa công nghiệp tiêu dùng trong nước đang được cung ứng bởi các doanh nghiệp Trung Quốc. Khủng hoảng kinh tế đã làm cho lạm phát gia tăng, làm cho thu nhập giảm, sức mua kém. Sự cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc, giá cả sản xuất gia tăng và sức mua của người tiêu dùng giảm... làm cho hàng tiêu dùng trong nước tiêu thụ chậm, tồn kho tăng. Ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

2.2.2.2 Tình hình xuất nhập khẩu

Xuất khẩu của Việt Nam đã bị ảnh hưởng khá nhiều từ cuộc khủng hoảng trên đây. Kinh tế Mỹ suy thoái đã có tác động tới xuất khẩu của Việt Nam, do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Suy thoái hay tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm thu nhập và sức mua của người dân Mỹ. Yếu tố này kết hợp chính sách đồng Đô la yếu nhằm giảm thâm hụt cán cân thương mại hiện nay của chính phủ Mỹ sẽ khiến xuất khẩu của nhiều nước vào Mỹ giảm.

Đồng thời, cuộc khủng hoảng đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Nhật Bản và châu Âu. Đây là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Do bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng, người tiêu dùng của các thị trường này cũng phải cắt giảm chi tiêu, nên nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ có xu hướng giảm. Tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng đã giảm, chỉ còn 16,5%, trong khi năm 2007 là 18% [18].

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế cũng đã gây ra những biến động chưa từng có về giá cả xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Trong nửa đầu năm 2008, giá hàng hóa trên thị trường thế giới leo thang, gây áp lực tăng chi phí nhập khẩu và đẩy nhập siêu lên cao. Từ cuối tháng 7/2008, giá hàng trên thị trường thế giới bắt đầu bước vào

một đợt thoái trào mạnh, đặc biệt từ tháng 9/2008. Theo đó, xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng. Những biến động của giá cả trên đây đã đánh đổ hầu hết các dự báo và tính toán của doanh nghiệp, cũng như hoạch định, dự kiến của nhà điều hành chính sách. Điều này càng gây thêm khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam.

Tình hình trị trường xuất khẩu như trên, đã làm nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn do tiêu thụ hàng hóa giảm và thiếu vốn đầu tư.

Một phần của tài liệu Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu (Trang 56)