Bối cảnh đất nước

Một phần của tài liệu Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu (Trang 71 - 72)

Kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều mặt sau hơn 25 năm đổi mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, tăng bình quân 7,2%/năm trong suốt giai đoạn 2001-2010. Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước đang phát triển có thu nhập thấp và gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình. Đặc biệt, việc Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 đã tạo cơ hội thuận lợi lớn từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, theo đó nền kinh tế thu hút được vốn đầu tư lớn từ bên ngoài, thị trường liên tục được mở rộng, duy trì được đà tăng trưởng tốt, nâng cao khả năng tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến.

Đánh giá khách quan thực chất hoạt động của nền kinh tế phải thừa nhận rằng kinh tế Việt Nam phát triển chưa bền vững. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá chậm. Nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với những bất ổn vĩ mô nghiêm trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp như cơ cấu mất cân đối, lạm phát cao kéo dài, tỷ giá biến động mạnh và khó lường, thâm hụt cán cân thương mại gia tăng và kéo dài, dự trữ ngoại hối ngày càng mỏng, thâm hụt ngân sách tăng cao cùng với tình trạng nợ công và nợ nước ngoài đang dần tới ngưỡng an toàn, thị trường tài chính tiền tệ dễ tổn thương với những biến động mạnh về lãi suất, niềm tin của thị trường vào điều hành kinh tế

vĩ mô suy giảm.

Hiện nay tình hình trong nước và quốc tế đã xuất hiện những khó khăn, thách thức mới. Kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp: Tăng trưởng kinh tế chậm lại; giá lương thực, thực phẩm, dầu thô và nguyên vật liệu cơ bản trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng cao; thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh; nợ công châu Âu lan rộng; lạm phát toàn cầu và các nước trong khu vực tăng cao; bất ổn chính trị ở Trung Đông, châu Phi, tình hình căng thẳng ở Biển Đông tăng lên. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo. Tăng trưởng kinh tế (GDP) có xu hướng chậm lại; lạm phát tiếp tục tăng cao; mặt bằng lãi suất cao; tỷ giá, giá vàng biến động bất thường; dự trữ ngoại hối giảm mạnh. Nguy cơ lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đã trở thành thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.

Trước bối cảnh đó, mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới của Việt Nam là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Ổn định kinh tế vĩ mô với những điều chỉnh chính sách phát triển doanh nghiệp phù hợp là nhu cầu cấp thiết nhằm tạo lòng tin trong khu vực doanh nghiệp và thị trường.

Một phần của tài liệu Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu (Trang 71 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)