Toàn cầu hoá bên cạnh việc mang lại những cơ hội lớn cho mỗi quốc gia, mỗi dân tộc thì đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong đó có nguy cơ khủng hoảng toàn cầu. Sự thay đổi của các thị trường tài chính với mức độ mở cửa thương mại và tài chính của các nước, mỗi điều kiện bên trong của mỗi quốc gia đều dẫn tới khả năng khủng hoảng.
Khủng hoảng kinh tế là sự suy giảm của hoạt động kinh tế kéo dài và trầm trọng hơn cả suy thoái trong chu kỳ kinh tế. Khủng hoảng kinh tế lên đến đỉnh điểm là nguyên nhân xảy ra khủng hoảng tài chính vì khủng hoảng kinh tế bị suy thoái, khủng hoảng sản xuất thừa sẽ làm gia tăng nhu cầu sử dụng tiền cho mục đích tiêu dùng hàng hóa. Khủng hoảng tài chính xảy ra khi nhu cầu tiền vượt quá nguồn cung của xã hội, nhu cầu về tiền của nhân dân hay của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã gây ra sức ép cho hệ thống ngân hàng và tổ chức tài chính khiến cho ngân hàng và các tổ chức tài chính có thể sụp đổ. Khủng hoảng tài chính chỉ là một phần của khủng hoảng kinh tế nhưng khủng hoảng tài chính lại gây ra thiệt hại lớn nhất vì các nước có tự do thương mại, nguồn vốn được di
chuyển qua những nước khác nhau nên khủng hoảng tài chính là yếu tố lây lan còn khủng hoảng kinh tế nó không có yếu tố trực tiếp lây lan.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng khái quát lại có một số nguyên nhân chính: Theo chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng: Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chính là mâu thuẫn giữa khả năng sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của người dân; Sự mất cân bằng phát triển trong nền kinh tế thế giới, sự nổi lên rất mạnh của một số nền kinh tế phát triển khổng lồ như: Mỹ, Nhật, Nga, Anh, Đức, Pháp,… bên cạnh đó là các nước đang phát triển với trình độ phát triển còn chưa cao; Do chủ trương đẩy mạnh tư nhân hóa nền kinh tế, giảm bớt tối đa các thể chế và sự can thiệp của nhà nước dẫn đến sự buông lỏng quản lý giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn tài chính ngân hàng và sự phát triển quá nóng của nền kinh tế. Khu vực hóa và toàn cầu hóa kinh tế dẫn đến những vấn đề kinh tế, tài chính xã hội, môi trường… vượt khỏi tầm kiểm soát của quốc gia.
Nguyên nhân xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 – 2009 là do những tồn tại và bất ổn của kinh tế Mỹ như: Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân thấp, nợ nước ngoài khổng lồ; khủng hoảng nợ dưới chuẩn; khủng hoảng bất động sản. Khủng hoảng tài chính Mỹ bắt nguồn từ việc các ngân hàng nước này quá dễ dãi, tùy tiện khi cho khách hàng vay tiền để mua bất động sản qua các hoạt động cho vay không đạt tiêu chuẩn. Có thể nói một cách đơn giản là từ lâu nay, đa số người dân vay tiền từ các ngân hàng để mua nhà với thời hạn hợp đồng từ 10 – 30 năm. Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây thị trường nhà đất phát triển mạnh do các ngân hàng và các tổ chức tài chính cho vay ào ạt tiếp thị tạo ra những hợp đồng cho vay không đạt tiêu chuẩn và khuyến khích cả những người không có đủ khả năng vay tiền để mua nhà. Ngoài ra, các tổ chức cho vay còn sáng chế ra những hợp đồng bắt đầu với lãi suất thấp trong những năm đầu và sau đó thực hiện với lãi suất thị trường. Hậu quả một số hợp đồng cho vay khó đòi được nợ. Việc mua bán các loại chứng khoán phái sinh được đảm bảo bằng những hợp đồng cho vay bất động sản có thế chấp này chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu [44].
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế của một số nước, từ những nước phát triển đến các nước đang phát triển. Sản xuất bị đình trệ, tiêu dùng giảm sút do người dân “thắt lưng buộc bụng” đã làm phá sản hàng loạt tập đoàn lớn cũng như những công ty có quy mô vừa và nhỏ, nhiều tổ chức tài chính của các nước phát triển, nhất là các nước ở châu Âu đã tham gia vào thị trường tín dụng nhà ở thứ cấp ở Hoa Kỳ. Chính vì vậy, “bong bóng” nhà ở của Hoa Kỳ bị vỡ cũng làm cho các tổ chức tài chính này gặp nguy cơ như các tổ chức tài chính của Hoa Kỳ.
Hầu hết các khu vực trên thế giới đều bị tác động mạnh và rơi vào tình trạng suy thoái toàn cầu trong năm 2009. Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái, Nhật Bản, Tây Âu tăng trưởng âm, các nước công nghiệp rơi vào tình trạng của Nhật Bản những năm 90 đó là lãi suất 0% và giá cả giảm xuống không có tăng trưởng. Các nền kinh tế có mức tăng trưởng âm đứng đầu là Anh (-1,3%), Đức (- 0,8%), Mỹ và Tây Ban Nha (-0,7%), một số nước như Nga cũng chỉ tăng trưởng khoảng 3,5%, Trung Quốc khoảng 8,5%.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cũng đã có tác động nhất định đến thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam, vì kinh tế Mỹ là một nền kinh tế lớn chiếm 30% tổng sản lượng chu chuyển vốn của thị trường thế giới. Trong điều kiện tất cả các quốc gia đều đã hội nhập nên bất cứ hoạt động nào của nền kinh tế đều có ảnh hưởng nhất định tới nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, trong giai đoạn này Việt Nam còn chịu tác động của lạm phát (trên 20%/năm) dẫn đến Việt Nam vừa phải kiềm chế lạm phát vừa phải chống đỡ để thoát khỏi khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng này tác động đến kinh tế Việt Nam trên một số mảng cơ bản: Lãi suất cho vay liên ngân hàng quốc tế tăng dẫn đến nợ ngắn hạn của Việt Nam tại các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp tăng, làm cho người dân dự đoán đồng USD giảm nên họ đã rút đồng USD ra khỏi ngân hàng hoặc bán USD mua tiền Việt Nam gửi vào,…
Nếu như cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ nền kinh tế Mỹ ảnh hưởng ngay lập tức tới các nền kinh tế hùng mạnh khác, thì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này đến Việt Nam chậm hơn một nhịp. Nếu như sức tàn phá của cuộc
khủng hoảng ở hầu hết các nước thể hiện đầu tiên và rõ nét nhất là hệ thống tài chính, ngân hàng, thì ở Việt Nam lại thể hiện trước hết là ở lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sức ảnh hưởng mạnh nhất lại đè lên vai hàng triệu người nông dân, thợ thủ công tham gia sản xuất hàng xuất khẩu. Nhìn chung cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong giai đoạn 2008 – 2009 đã tác động đến kinh tế Việt Nam, thể hiện rõ nhất qua tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2007 ở mức cao nhất từ trước đến nay 8,5% nhưng đến năm 2008 kinh tế Việt Nam bắt đầu lâm vào khủng hoảng tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống còn 6,23%, năm 2009 là 5,3%. Trong đó, hoạt động xuất khẩu chịu ảnh hưởng mạnh nhất, đây là hoạt động đóng góp khoảng 60% vào tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam [22].
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã có những ảnh hưởng nhất định đến hệ thống các doanh nghiệp ở Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dưới tác động của cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn về vốn, thị trường cung ứng nguyên vật liệu sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ đều bị thu hẹp lại ... điều này làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngày càng khó khăn, lợi nhuận giảm sút, nhiều doanh nghiệp phá sản. Tuy nhiên, với doanh nghiệp vừa và nhỏ khủng hoảng cũng mang lại những cơ hội để phát triển.
1.2.2 Ứng phó với khủng hoảng kinh tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở một số nước Châu Á