Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm cho nền kinh tế của các nước ở Châu Âu lâm vào tình trạng suy thoái. Hàng loạt các doanh nghiệp quy mô lớn rơi vào tình trạng khó khăn. Ngược lại với tâm trạng bi quan ở những công ty lớn nhất châu Âu, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (doanh nghiệp có từ 250 lao động trở xuống) ở đây đang tỏ rõ sự lạc quan thận trọng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức - tổ chức tập hơn hơn 4 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này - dự báo, doanh số của các thành viên sẽ chỉ giảm 2% trong năm 2008, trong khi kinh tế Đức được dự báo sẽ tăng trưởng âm 6%. Một cuộc điều tra tổ chức vào tháng 4 năm 2009 đối với 804 doanh nghiệp
vừa và nhỏ của Pháp cho thấy, khoảng một nửa số công ty trong số này cho hay, doanh thu của họ sẽ đi ngang hoặc tăng trong năm 2009 [48].
Đối với các chính phủ ở châu Âu, đây là những thông tin tốt lành, vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo việc làm cho 88 triệu người và chiếm 2/3 số lao động trong lĩnh vực kinh tế tư nhân của khu vực. Trong bối cảnh các công ty lớn đưa hoạt động sản xuất kinh doanh ra nước ngoài để tiết giảm chi phí, các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng trở nên quan trọng tại thị trường lao động trong nước.
Mặc dù phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô gia đình, ít có khả năng và tham vọng phát triển lớn, nhiều doanh nghiệp trong số này có tốc độ tăng trưởng nhanh, mức độ sáng tạo cao, và nếu được nuôi dưỡng tốt có thể trở thành những công ty lớn trong tương lai. Trước sự đi xuống của nền kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn dễ bị tổn thương hơn so với các doanh nghiệp lớn, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại có khả năng quản lý để vượt khủng hoảng tốt hơn. Đó là do đối tượng doanh nghiệp này thường hoạt động hiệu quả hơn và linh hoạt hơn. Thêm vào đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quan hệ gần gũi hơn nhiều với khách hàng so với các doanh nghiệp lớn, đồng thời thường độ tin tưởng giữa nhà quản lý và người lao động cao hơn, nên mức độ linh hoạt trong vấn đề lao động vì thế cũng lớn hơn.
Trong các quốc gia ở châu Âu, Đức là nước có số doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lớn, nhưng đồng thời hoạt động rất hiệu quả. Trước bối cảnh khủng hoảng kinh tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với ưu thế riêng và sự hỗ trợ của chính phủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có sự phát triển ổn định để vượt qua khủng hoảng.
Nền kinh tế Đức trước hết được thể hiện bởi khoảng 3,6 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như những người kinh doanh độc lập và hành nghề tự do. Khoảng 99,7% tất cả các doanh nghiệp thuộc khối những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp có doanh số hàng năm dưới 50 triệu Euro và ít hơn 500 nhân công được coi là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khoảng 70% tổng số nhân công cả nước hiện đang làm việc trong những doanh nghiệp như vậy. 48,9% tổng số các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, 31,4%
trong các ngành sản xuất và khoảng 19,7% trong thương mại. Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ được dẫn dắt bởi chủ sở hữu, có nghĩa là vốn đa số và quyền lãnh đạo công ty càng nằm trong tay một người. Các doanh nghiệp này thường được thừa kế từ thế hệ này sang thế hệ sau. Số công ty gia đình chiếm 95% tổng số công ty ở Đức. Đến nay gần một phần ba số công ty do phụ nữ lãnh đạo.
Với vai trò quan trọng như vậy của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp thoát khỏi khủng hoảng. Với các gói kích cầu I và II chính phủ liên bang tài trợ để giảm nhẹ gánh nặng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách giảm thuế và cải thiện khả năng khấu hao. Ngoài ra nhà nước còn cấp thêm tín dụng. Thế mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, định hướng quốc tế, độ chuyển môn hóa cao và khả năng xâm nhập thành công những kẽ hở trên thị trường. Chính những tính chất này làm cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực của họ.
CHƯƠNG 2: