- Nguyên nhân chủ quan
XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THỪA THIÊN HUẾ.
4.2.2.1. Xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp
* Căn cứ đề xuất giải pháp
Như đã phân tích ở trên Công ty Cổ phần cơ khí-xây dựng công trình Thừa Thiên Huế đang phải hoạt động trong một môi trường cạnh tranh hết sức
khốc liệt và có thể nói đây là cuộc chiến không cân sức, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như vậy, nếu không có một chiến lược thích hợp để giành thắng lợi, chắc chắn Công ty sẽ phải chấp nhận thất bại và phá sản.
Hiện tại Công ty chưa xây dựng được chiến lược kinh doanh của mình theo đúng nghĩa của nó, các phản ứng chiến lược của Công ty về cơ bản không phải được hình thành trên cơ sở phương pháp tư duy chiến lược mà chủ yếu dựa vào nhạy cảm, trực giác của người lãnh đạo, phòng kế hoạch kinh doanh không phát huy được vai trò chức năng của mình trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh cho Công ty, một mặt do chưa đánh giá hết tầm quan trọng của chiến lược kinh doanh, mặt khác do nhận thức về chiến lược kinh doanh chưa đầy đủ.
Vì thế việc xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp là hết sức quan trọng và cần thiết cho Công ty. Từ đó mà Công ty có một sự chủ động, linh hoạt trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.
* Nội dung giải pháp
Để xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp với điều kiện của mình, Công ty cần phân tích những yếu tố cơ bản sau đây:
- Phân tích hoàn cảnh nội bộ Công ty
Phân tích hoàn cảnh nội bộ Công ty là một yêu cầu hết sức quan trọng khi xây dựng chiến lược kinh doanh của Công ty, chiến lược kinh doanh đặt biệt là chiến lược kinh doanh ngắn hạn chỉ có thể thực hiện được khi nó được xây dựng căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh thực tế của Công ty. Phân tích hoàn cảnh Công ty còn là cơ sở để so sánh với các đối thủ cạnh tranh, tìm ra những mặt mạnh mặt yếu của Công ty so với các đối thủ cạnh tranh. Phân tích hoàn cảnh nội bộ Công ty bao gồm việc phân tích thực lực hiện tại và triển vọng đạt được về các yếu tố trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ, năng lực trình độ của cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và người lao động, năng lực tổ chức,
vốn và khả năng huy động vốn, các mối quan hệ... sau khi phân tích hoàn cảnh nội bộ của Công ty điều quan trọng nhất là phải tiến hành tổng hợp đánh giá và phải làm rõ được những vấn đề cơ bản về quy mô và năng lực sản xuất của Công ty, cụ thể như Công ty có khả năng thi công những loại công trình nào, quy mô tối đa của công trình là bao nhiêu. Công ty có thể thi công đồng thời bao nhiêu công trình, chất lượng công trình đạt đến mức nào, loại công trình nào phù hợp với khả năng của Công ty, mức độ ảnh hưởng của các mối quan hệ đến khả năng thắng thầu của Công ty.
- Phân tích các điệu kiện kinh tế vĩ mô
Phân tích điều kiện kinh tế vĩ mô cần đặt biệt quan tâm phân tích xu hướng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định như tổng mức vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông, các hướng đầu tư ưu tiên theo danh mục công trình, loại hình xây dựng và khu vực địa lý, thời điểm triển khai các công trình dự án lớn. Trong những năm tới để phục vụ cho công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước nhà nước chủ trương tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là hệ thống giao thông, đây là thời cơ rất tốt để công ty phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị phần. Do đó việc xác định danh mục các công trình nhà nước sẽ đầu tư xây dựng trong tương lai gần là hết sức cần thiết, trên cở sở đó Công ty tiến hành phân loại các công trình theo các mức độ như các công trình không thể thực hiện được, các công trình có nhiều khả năng thực hiện được và các công trình có thể liên doanh hoặc làm nhà thầu phụ.
Ngoài ra phân tích các điều kiện kinh tế vĩ mô cần phải phân tích xu hướng và mức độ biến động của lãi suất ngân hàng, các thể chế tài chính tín dụng liên quan đến khả năng vay vốn, các chính sách của nhà nước liên quan đến xây dựng công trình giao thông. Phân tích xu hướng phát triển của thị trường lao động. Phân tích xu thế phát triển và mở rộng của các công nghệ kỹ thuật xây dựng mới trong xây dựng công trình giao thông.
- Phân tích các đối thủ cạnh tranh
Trên thị trường xây dựng công trình giao thông hiện nay, có sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước thuộc các bộ, các địa phương, các đơn vị tư nhân, các tập đoàn xây dựng nước ngoài như Nhật bản, Hàn quốc, Trung quốc,... Do vậy, để có được ưu thế cạnh tranh Công ty cần hiểu rõ các đối thủ khác để phát huy những thế mạnh và khắc phục những điểm yếu của mình. Phân tích đối thủ cạnh tranh cần tập trung phân tích các nội dung như khi phân tích hoàn cảnh nội bộ doanh nghiệp để làm cơ sở so sánh, các nội dung cụ thể như sau:
+ Thực lực của các đối thủ cạnh tranh về các mặt: Tài chính, trình độ kỹ thuật - công nghệ, trình độ quản lý, tổ chức thi công, sản lượng, doanh thu.
+ Chiến lược kinh doanh ngắn hạn và dài hạn, chiến lược đấu thầu, thị trường hoạt động chính, các loại hình sản phẩm công trình chủ yếu, giá thành sản xuất, các nguồn cung cấp nguyên vật liệu.
+ Các lợi thế khác như sự bảo trợ của các tổ chức, cá nhân có chức vụ trong cơ quan nhà nước, các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế khác, uy tín của đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Điều quan trọng là sau khi phân tích các đối thủ cạnh tranh Công ty phải tiến hành phân loại các đối thủ cạnh như các đối thủ cạnh tranh nguy hiểm, các đối thủ cạnh tranh không nguy hiểm và đối thủ cạnh tranh cùng khả năng, việc phân loại đối thủ cạnh tranh sẽ giúp cho Công ty có chiến lược hợp lý khi tham gia đấu thầu. Tuy nhiên Công ty cũng cần phải nhận thức rằng các đối thủ cạnh tranh không phải lúc nào cũng đối lập nhau mà trong một chừng mực nào đó các đối thủ cạnh tranh có thể liên kết, bổ sung cho nhau trong hoạt động kinh doanh.
Sau khi phân tích đầy đủ các nội dung nêu trên, tiến hành phân tích theo mô hình ma trận SWOT. Từ đó Công ty mới bắt đầu xây dựng chiến lược kinh doanh bao gồm: Chiến lược chung, chiến lược tạo ưu thế cạnh tranh, chiến lược đấu thầu.
- Chiến lược chung của Công ty cần xác định rõ các mục tiêu trước mắt và nhịp độ tăng trưởng trong thời gian tới (ít nhất là 5 năm) về doanh thu, lợi nhuận đầu tư trang thiết bị, công tác nhân sự, mở rộng thị trường, bảo đảm việc làm và thu nhập của người lao động. Chiến lược chung cũng phải đề ra các phương hướng và thách thức để đạt được những mục tiêu chiến lược đã đề ra.
- Chiến lược tạo ưu thế cạnh tranh của Công ty được thực hiện thông qua một số chiến lược cơ bản như chiến lược thị trường, chiến lược sản phẩm, chiến lược đầu tư, chiến lược tổ chức sản xuất, chiến lược con người.
Sản phẩm của Công ty mang tính chuyên môn hóa cao do đó Công ty nên lựa chọn chiến lược thị trường chuyên môn hóa, tập trung một thị trường chủ yếu chuyên môn hóa theo sản phẩm của Công ty. Chiến lược thị trường của Công ty cần chú trọng đến công tác marketing, mở rộng các mối quan hệ với các chủ đầu tư, các cơ quan phê duyệt dự án làm cơ sở cho việc mở rộng thị trường, chiến lược thị trường cũng phải xác định rõ khu vực địa lý mà doanh nghiệp muốn tham gia xây dựng.
Chiến lược sản phẩm của Công ty cần xác định rõ mức độ quy mô và cấp độ kỹ thuật công trình phù hợp với năng lực đã và có thể của doanh nghiệp để đảm bảo ưu thế cạnh tranh và tính kinh tế trong kinh doanh, với tình hình thực tế của Công ty thì chiến lược sản phẩm chính của Công ty nên hướng về các công trình có quy mô vừa và nhỏ, yêu cầu về kỹ thuật công nghệ trung bình.
Chiến lược đầu tư của Công ty cần phải căn cứ vào chiến lược thị trường và chiến lược sản phẩm, với việc xác định rõ chiến lược thị trường
và sản phẩm, chiến lược đầu tư của Công ty nên tập trung theo hướng đầu tư trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại và tính chất chuyên môn hóa, công suất vừa phải và khả năng di chuyển cũng như thi công ở nhiều địa hình khác nhau, vì các công trình vừa và nhỏ thường phân tán trên diện rộng.
Với đặc điểm các công trình của Công ty có quy mô vừa và nhỏ lại phân tán do đó chiến lược tổ chức sản xuất của Công ty cần xây dựng chiến lược tổ chức sản xuất mở, nghĩa là Công ty không tổ chức bộ máy sản xuất đồng bộ, mà chỉ căn cứ theo đặc điểm của các công trình cụ thể để để từ đó lập nên ban quản lý công trình có tổ chức bộ máy quản lý gọn nhẹ gồm một số cán bộ quản lý công trình và một số cán bộ kỹ thuật, công nhân có trình độ và kinh nghiệm, các thiết bị chỉ sử dụng những thiết bị đặt chủng hiện đại, các lao động và các thiết bị thông dụng thì thuê tại địa phương. Tổ chức sản xuất theo phương pháp này Công ty vừa tận dụng được lao động tại chổ và năng lực của các nhà thầu nhỏ tại địa phương vừa tiết kiệm được chi phí vận chuyển thiết bị.
Chiến lược con người của Công ty nên theo hướng thúc đẩy ý thức làm việc của người lao động thông qua động lực kinh tế là chủ yếu, thông qua đòn bẩy kinh tế Công ty có thể thu hút được các nhân tài vào làm việc, bên cạnh đó Công ty cũng cần chú trọng chiến lược đầu tư đào tạo, bồi dưỡng trình độ mọi mặt của đội ngũ lao động để có khả năng đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của quá trình sản xuất kinh doanh.
Chiến lược đấu thầu: Chiến lược đấu thầu là một chiến lược hết sức quan trọng, chiến lược đấu thầu là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường của Công ty. Hiện nay theo quy định của chính phủ các công trình xây dựng phải thực hiện đấu thầu, để có doanh thu và việc làm cho người lao động Công ty phải thực hiện đấu thầu và phải thắng thầu, tuy nhiên trong điều kiện cạnh tranh gay gắt Công ty cần xây dựng chiến lược đấu thầu hợp lý mới có khả năng thắng thầu. Khi xây dựng chiến lược đấu thầu cần căn cứ vào
các phân tích về nội bộ doanh nghiệp, các đối thủ cạnh tranh, các thông tin về công trình đấu thầu, qua đó có thể xác định được những lợi thế cũng như nhược điểm của Công ty khi tham gia đấu thầu, chiến lược đấu thầu có thể dựa vào các lợi thế sau: Chiến lược đấu thầu dựa trên ưu thế về giá, chiến lược đấu thầu dựa trên ưu thế về kỹ thuật- công nghệ, chiến lược đấu thầu dựa trên ưu thế về tài chính, chiến lược đấu thầu dựa trên các ưu thế ngoài kinh tế như mối quan hệ, uy tín của Công ty...
Công ty lựa chọn chiến lược đấu thầu dựa trên ưu thế về giá trong trường hợp có thể giảm chi phí tập kết, di chuyển lực lượng do ở gần địa điểm xây dựng công trình, có thể tận dụng những trang thiết bị đã khấu hao hết để giảm chi phí khấu hao tài sản cố định, khai thác được nguồn vật liệu với giá thành hạ hoặc có sẵn do tồn đọng trong công ty. Với điều kiện của Công ty thì đây là chiến lược phù hợp hơn cả. Còn các chiến lược đấu thầu khác đều nằm ngoài khả năng của Công ty, Công ty chỉ lựa chọn các chiến lược này trong trường hợp Công ty có lợi thế về thông tin và liên kết với một doanh nghiệp khác có các thế mạnh về kỹ thuật - công nghệ, tài chính, có uy tín để hợp tác đầu thầu.
* Hiệu quả
Biện pháp này thực hiện tốt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty, cụ thể như sau:
- Tạo cho Công ty có một chiến lược phát triển ổn định ít nhất là trong ngắn hạn, điều đó tạo được sự chủ động trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
- Có chiến lược phát triển phù hợp sẽ tạo cho Công ty thu hút được nhiều công trình hơn, doanh thu ngày càng lớn hơn.
- Chiến lược phù hợp sẽ bảo đảm cho Công ty sử dụng lao động hợp lý hơn và nâng cao được đời sống của công nhân.