Nhân tố vốn

Một phần của tài liệu Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty cổ phần cơ khí xây dựng công trình thừa thiên huế (Trang 80 - 83)

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhân tố vốn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nếu thiếu vốn thì hoạt động sản xuất sẽ bị ngừng trệ. Việc sử dụng vốn hợp lý sẽ đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Nhìn vào Bảng 3.12 chúng ta thấy rằng hệ số sinh lợi vốn đầu tư bình quân trước CPH là 0,037, có nghĩa là một đồng vốn đầu tư bỏ ra thu được 0,037 đồng lợi nhuận. Hệ số sinh lợi vốn đầu tư bình quân sau CPH là 0,035, giảm so với trước CPH. Nếu xét trong những năm sau CPH chúng ta cũng nhận thấy rằng hệ số này cũng giảm đều. Điều này chứng tỏ việc sử dụng vốn của Công ty chưa đem lại hiệu quả cao.

Cũng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác vốn của Công ty cũng được chia thành nhiều loại đó là vốn cố định và vốn lưu động, vốn tự bổ sung, vốn vay, vốn cổ phần, vốn liên doanh liên kết...

Cơ cấu có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của Công ty, hiệu quả đồng vốn càng cao chứng tỏ cơ cấu vốn càng hợp lý. Ta hãy phân tích một số chỉ tiêu hiệu quả của Công ty như sau:

Trên cơ sở phân tích hệ số sinh lợi vốn cố định ta thấy rằng trong những năm qua hệ số này đạt cao và có dấu hiệu tăng dần, có được như vậy là do Công ty có nhiều máy móc thiết bị đã hết khấu hao nhưng vẫn còn sử dụng được nên Công ty đã tận dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra được hệ số sinh lợi tài sản cố định khá cao.

Vốn lưu động chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn kinh doanh, tuy nhiên tốc độ luân chuyển vốn lưu động lại thấp và có xu hướng giảm xuống. Điều này chứng tỏ việc sử dụng vốn lưu động chưa mang lại hiệu quả. Chỉ tiêu hệ số sinh lợi vốn lưu động thể hiện ở Bảng 3.12 cũng khẳng định điều này. Chúng ta cũng thấy rằng: Hệ số sinh lợi vốn lưu động thấp và có chiều hướng giảm qua các năm. Nguyên nhân là do tốc độ tăng của vốn lưu động lớn hơn tốc độ tăng của lợi nhuận, điều này chứng tỏ việc sử dụng không hiệu quả nguồn vốn lưu động. Để thấy được nguyên nhân dẩn đến tình trạng trên chúng ta tiến hành phân tích các khoản mục trong vốn lưu động.

Tốc độ luân chuyển vốn lưu động của Công ty so với các doanh nghiệp xây dựng hiện nay là quá thấp, bình quân chỉ đạt 2,13 vòng/năm. Nhưng theo số liệu của Viện kinh tế-Bộ Xây dựng tốc độ luân chuyển vốn lưu động bình quân của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay là 2,96 vòng/năm. Ta thấy sở dĩ tốc độ luân chuyển vốn lưu động của Công ty đạt mức thấp như vậy chủ yếu là do các khoản phải thu chiếm tỷ lệ khá cao so với tổng vốn lưu động. Tỷ trọng các khoản phải thu bình quân từ năm 2001-2003 chiếm trong vốn lưu động là 79,16%.

Chúng ta biết rằng, với thực tế hiện nay việc thu hồi vốn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là rất chậm chạp. Một phần là do cơ chế quản lý vốn của Nhà nước còn rườm rà, hạn mức cấp vốn còn hạn hẹp trong lúc công trình thì muốn

đưa vào sử dụng sớm, buộc Công ty phải đi huy động vốn để đảm bảo tiến độ thi công. Khi công trình đã hoàn thành thì việc thu hồi vốn rất khó khăn, các đơn vị thường chậm trả vốn cho Công ty làm cho Công ty bị ứ đọng vốn.

Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi Công ty phải có những giải pháp hợp lý trong công tác nghiên cứu, tìm hiểu thông tin để tiếp cận các dự án có hạn mức vốn và khi hợp đồng giao nhận thầu phải rõ ràng và cụ thể trách nhiệm của mỗi bên.

Một phần của tài liệu Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty cổ phần cơ khí xây dựng công trình thừa thiên huế (Trang 80 - 83)