Tất cả mọi nhóm làm việc chặt chẽ với nhau đều có thể trở thành nạn nhân của một hình thức tư duy gọi là tư duy nhóm. Nhóm càng kết hợp chặt chẽ, nguy cơ này lại càng cao. Nhà tâm lý học quá cố Irving Janus - người đặt ra thuật ngữ này – đã định nghĩa tư duy nhóm là một cách suy nghĩ của con người khi họ là thành viên trong một nhóm đồng nhất hoặc gắn kết với nhau, đặc biệt là khi nhóm có các thành biên tìm kiếm sự thống nhất trong suy nghĩ vào thời điểm họ không thể xem xét các ý tưởng thay thế. Tư duy nhóm khác với sự nhất trí giả tạo đã trình bày ở phần đầu cuốn sách này. Trong trường hợp nhất trí giả
tạo, mọi người đều gật đầu đồng tình nhưng trong thâm tâm họ lại không nghĩ như thế. Mọi người hành động như vậy khi (1) họ mệt mỏi trước những vấn đề khó thông qua và muốn chuyển sang vấn đề khác hoặc (2) họ thẳng thừng để nghị: “Tôi sẽ ủng hộ anh vấn đề này, nếu anh ủng hộ tôi một vấn đề khác”. Tư duy nhóm dựa trên sự nhất trí thực sự.
Tư duy nhóm là sự hội tụ tư duy quanh một tiêu chuẩn mà mọi người trong nhóm cùng tin là đúng đắn. Đáng tiếc là sự hội tụ đó bị lèo lái bởi áp lực tâm lý nhiều hơn là bởi tính khách quan. Khi tất cả mọi thành viên đều đồng nhất với nhóm, họ có thể bộc lộ nhiều điểm tương đồng (trong khi triệt tiêu các điểm khác biệt) và cố gắng nhất trí với nhau. Điều này có thể đem lại một ưu điểm là sự hợp tác trong nhóm, nhưng lại có thể vô tình tước đi lối tư duy và tranh luận rất quan trọng. Sự thôi thúc nhất trí trong nhóm sẽ lấn át tính khách quan.
Các nhà tâm lý đã nghiên cứu về hiện tượng hội tụ quan điểm trong nhóm khi các thành viên nhận thức được quan điểm của đồng nghiệp. Ví dụ, khi các nhà kinh tế được hỏi về dự báo lãi suất trong tương lai, họ thường đưa ra một phạm vi lãi suất rộng với sự khác biệt khá lớn giữa các cá nhân. Tuy nhiên, sau khi họ biết ý kiến của các đồng nghiệp, phạm vi đó có xu hướng hẹp lại và hầu hết các dự báo đều tương tự nhau. Sự hội tụ này được giải thích bằng sự miễn cưỡng của cá nhân – có lẽ là do thiếu tự tin – khi dự báo không giống với những người khác. Có lẽ bạn cũng đã thấy tình trạng như vậy trong các cuộc họp nhóm mà bạn từng tham dự.
Sự hoà hợp quan điểm khá quan trọng đối với nhóm, đặc biệt là xét từ góc độ mục tiêu, cách thức ra quyết định và các tiêu chí hành vi của nhóm. Thật khó để nhóm hoạt động hiệu quả nếu không có sự nhất trí về những vấn đề. Nhưng sự hoà hợp dẫn đến tư duy nhóm lại là điều nguy hiểm, bởi nó mở đường cho ảo tưởng về tính đồng nhất. Những người “nghĩ khác” có thể sẽ được điều chỉnh hoặc bị loại ra. Sau đây là một số dấu hiệu của hiện tượng tư duy nhóm:
• Ảo tưởng về một ưu thế không thể bị đánh bại
• Các thành viên chỉ chấp nhận dữ liệu củng cố và bác bỏ những dữ liệu không phù hợp với quan điểm của họ
• Các giải pháp thay thế không được xem xét
• Cá nhân có quyết định khác biệt sẽ bị coi thường hoặc bị bài bác
Có bất kỳ dấu hiệu nào trên đây trong nhóm của bạn không? Nếu có, trưởng nhóm và các thành viên phải tiến hành từng bước để khôi phục tính đa dạng trong tư duy. Một trong những biện pháp để thực hiện điều đó là hãy trao quyền cho một nhóm gồm những người sáng suốt và có uy tín nhằm tìm ra và trình bày tư duy của số đông. Nhóm này nên kiểm tra và báo cáo lại về mỗi một giả định trong số các giả định chính của nhóm. Một cách chống tư duy nhóm nữa là chỉ định một người có năng lực và được nể trọng đóng vai trò phản biện. Người này sẽ thách thức các giả định và kết luận của số đông, sẽ đưa ra các quan điểm đối lập, mới lạ và buộc các thành viên khác xử lý dữ kiện và ý tưởng mâu thuẫn với họ.