Một trong những thách thức thực sự quan trọng trong việc quản lý nhóm là biến một tập thể gồm các cá nhân riêng lẻ thành một nhóm có sự đồng nhất và cùng làm việc vì một mục đích chung. Tại sao sự đồng nhất trong nhóm lại quan trọng như vậy? Ở đây có hai lý do. Thứ nhất, sự đồng nhất trong nhóm khuyến khích các thành viên cùng có ý thức trách nhiệm về kết quả. Đây có lẽ là yếu tố quan trọng nhất tạo nên hiệu suất hoạt động của nhóm. Ý thức cùng chịu trách nhiệm này loại bỏ thái độ “tôi chỉ làm phần việc của tôi” - một thái độ tiêu cực làm suy giảm hiệu quả hoạt động của nhóm. Khi mọi người đều cảm thấy có trách nhiệm về kết quả chung của nhóm, họ sẽ hỗ trợ những thành viên khác trong nhóm, nếu những người này đang gặp khó khăn hoặc bị tụt lại phía sau. Những người chưa thực hiện phần việc của mình một cách tốt nhất cũng cảm
thấy áp lực từ đồng nghiệp đế phấn đấu tốt hơn. Chính những thái độ và cách ứng xử như thế này đã giúp nhân viên ở Công ty Nucor trở thành những người làm việc hiệu quả đến mức khó tin. Khi một vấn đề xuất hiện trong nhóm của Nucor, không ai nói rằng: “Đó không phải là công việc của tôi”, và ngồi chờ đến khi vấn đề được giải quyết xong. Thay vào đó, họ cùng chứng sức giải quyết vấn đề để hoạt động sản xuất tiến triển ổn định vì họ biết rằng mức lương họ được nhận phụ thuộc nhiều vào điều đó. Đây cũng chính là cách hành xử đã thôi thúc các phi hành gia và nhân viên cửa khẩu của hãng hàng không Southwest Airlines phục vụ hành khách tận tình để các chuyến bay của họ luôn kín chỗ và giảm mọi sự chậm trễ xuống mức tối thiểu. Trong cả hai trường hợp, tất cả các thành viên đều có ý thức cùng chịu trách nhiệm về kết quả của nhóm. Họ không nói “Đó không phải là việc của tôi” khi nảy sinh vấn đề hoặc khi cần thực hiện bất cứ nhiệm vụ gì.
Sự đồng nhất trong nhóm luôn song hành với việc cùng chịu trách nhiệm. Theo Katzenbach và Douglas Smith thì “không một tập thể nào trở thành nhóm,
nếu không thể cùng chịu trách nhiệm như một nhóm.” Họ giải thích: “Trách
nhiệm đối với nhóm là những lời hứa chân thànhh mà chúng ta sẽ thực hiện cho chính bản thân chúng ta và cho những người khác. Lời hứa này củng cố hai khía cạnh quan trọng của một nhóm hiệu quả là sự tận tâm và lòng tin tưởng”.
Lý do quan trọng thứ hai để xây dựng sự đồng nhất trong nhóm là sự đồng nhất này sẽ nâng cao mức độ tận tâm cũng như nỗ lực của các thành viên. Trong quân đội có sử dụng một thuật ngữ tương tự: sự gắn kết theo từng nhóm nhỏ. Họ biết rằng nếu những người lính gắn bó với đơn vị mình, họ sẽ sát cánh bên nhau để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao trong trận chiến. Mọi người đều biết rằng họ không chỉ có một mình, rằng họ là thành viên của một “nhóm anh em” cùng chung mối quan tâm là sinh tồn và chiến thắng. Trong tâm trí họ, họ sẽ cùng tiến lên để hỗ trợ nhau và có thể sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình. Trong bối cảnh kinh doanh, sự đồng nhất trong nhóm thể hiện ở tinh thần hợp tác, chia sẻ thông tin, cố gắng hết mình, cùng ra quyết định và đặt mục tiêu
của nhóm cao hơn mục tiêu cá nhân. Hãy xây dựng ý thức đồng nhất trong nhóm của bạn. Khi đó, gánh nặng lãnh đạo nhóm sẽ nhẹ đi rất nhiều.