+Tập trung nghiên cứu thực trạng và các biện pháp quản lí hoạt động kiểm tra nội bộ trường Tiểu học trên địa bàn huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, để từ đó xây dựng những luận cứ về việc quản lý hoạt động kiểm tra nội bộ trường Tiểu học.
+ Chỉ tập trung vào việc xây dựng các biện pháp chủ yếu để quản lí có hiệu quả hoạt động kiểm tra nội bộ trường tiểu học của người hiệu trưởng.
Chương I
Cơ sở lý luận của biện pháp quản lý hoạt động kiểm tra nội bộ trường Tiểu học
1.
Lịch sử nghiên cứu vấn đề:
Giáo dục được coi là đồng nghĩa với sự phát triển. Có thể khẳng định rằng không có giáo dục thì không có bất kỳ một sự phát triển nào đối với con người, đối với kinh tế, đối với văn hoá. Chính vì vậy trên thế giới, bất kỳ một quốc gia nào, một dân tộc nào lại không quan tâm đến sự phát triển của giáo dục.
Từ xa xưa, Khổng Tử (551 - 479 TrCN) - Triết gia nổi tiếng thế giới, nhà sư phạm mẫu mực Trung Quốc cho rằng: Đất nước muốn phồn vinh, yên bình người quản lý đất nước cần chú trọng đến ba yếu tố: Thứ (dân đông); Phú (dân giàu); Giáo (dân được giáo dục). Như vậy, giáo dục được coi là yếu tố không thể thiếu trong việc ổn định và phát triển đất nước. Khổng Tử còn cho rằng, việc giáo dục là rất cần thiết cho mọi người: "Hữu giáo vô loại".
Nhật Bản đầu thế kỷ XIX, Hàn Quốc, Đài Loan những thập niên 70;80 của thế kỷ XX là những bài học quý giá về tập trung đầu tư, chăm lo cho sự phát triển giáo dục. Các quốc gia khan hiếm tài nguyên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã lấy tiềm năng nguồn lực con người làm động lực chủ yếu cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Việc gia tăng sức mạnh
nguồn lực con người được các quốc gia này thực hiện bằng các cuộc cách mạng về Giáo dục - Đào tạo. Hàn Quốc là một nước nghèo không có tài nguyên thiên nhiên, chỉ sau 25 năm đã trở thành một quốc gia có nền kinh tế, công nghệ đứng thứ 11 thế giới. Sự thần kỳ này được thực hiện bởi sự đầu tư đúng mức cho giáo dục; bởi sự học tập chăm chỉ, ý chí quyết vươn lên của người dân Hàn Quốc.
Để giữ vững vị trí hàng đầu thế giới về kinh tế, khoa học và công nghệ; Nước Mỹ đặc biệt rất chú trọng đến sự phát triển giáo dục bằng sự đầu tư tài chính lớn và sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội. Trong thông điệp gửi quốc dân của tổng thống Mỹ Bill Clintơn ngày 04/02/1997 đã kêu gọi: "tôi đưa ra lời kêu gọi hành động để cho nước Mỹ bước vào thế kỷ XXI, hành động để duy trì nền kinh tế của chúng ta, hành động để tăng cường nền giáo dục, công nghệ, khoa học…". Vì ông cho rằng: "giáo dục là vấn đề an ninh quốc gia tối quan trọng đối với tương lai của chúng ta (nước Mỹ)".
ở Việt Nam ngay từ khi lập nước Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến giáo dục, coi sự dốt nát (do thiếu giáo dục) nguy hiểm như giặc ngoại xâm, ngày nay càng coi trọng giáo dục hơn, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII đã khẳng định:’’Phải thực sự coi
giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”, toàn xã hội chăm lo đến sự nghiệp
giáo dục. Vì mọi người nhận thức được: Giáo dục ngày nay được coi là nền tảng cho sự phát triển khoa học kỹ thuật, là cội nguồn để "dân giàu - nước mạnh - xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Nhận thức được vai trò to lớn của giáo dục trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, các nhà nghiên cứu giáo dục trong và ngoài nước đã có nhiều công trình nghiên cứu về lý luận giáo dục, đặc biệt là về quản lý giáo dục: Nguyễn Ngọc Quang - Những khái niệm cơ bản về quản lý giáo dục; Đặng Quốc Bảo - Một số khái niệm về quản lý giáo dục - đào tạo; M.I.Cônđacốp - Cơ sở lý luận khoa học quản lý giáo dục… Các công trình trên
là cẩm nang cho các nhà quản lý giáo dục các cấp trong lý luận cũng như thực tiễn quản lý giáo dục, quản lý nhà trường.
Về quản lý nhà trường, các tác giả: Nguyễn Ngọc Quang, Hà Sỹ Hồ, Đặng Quốc Bảo đã nêu lên những nguyên tắc chung của việc quản lý hoạt động dạy - học, từ đó chỉ rõ một số biện pháp quản lý nhà trường. Một trong số các biện pháp hữu hiệu để duy trì, điều chỉnh hoạt động của hệ quản lý đi đúng mục tiêu, kế hoạch đó là các biện pháp kiểm tra, thanh tra, đánh giá kết quả công việc trong từng giai đoạn nhất định.
Tác giả Hà Sỹ Hồ trong cuốn: "Những bài giảng về quản lý trường học", đã cho rằng: "Chức năng kiểm tra đặc biệt quan trọng vì quá trình quản lý đòi hỏi những thông tin chính xác, kịp thời về thực trạng của đối tượng quản lý, về việc thực hiện các quyết định đã đề ra, tức là đòi hỏi những liên hệ ngược chính xác, vững chắc giữa các phân hệ quản lý…". Ông khẳng định: "Quản lý mà không kiểm tra thì quản lý sẽ ít hiệu quả và trở thành quản lý quan liêu" [9,tr.26].
Tác giả Nguyễn Ngọc Quang trong "những khái niệm cơ bản về lý luận, quản lý giáo dục" cho rằng: Quá trình quản lý diễn ra qua năm giai đoạn: chuẩn bị kế hoạch hoá; kế hoạch hoá; tổ chức; chỉ đạo và kiểm tra, trong đó, giai đoạn 5 - kiểm tra, là giai đoạn cuối cùng, kết thúc một chu trình quản lý. Kiểm tra giúp cho việc chuẩn bị tích cực cho kỳ kế hoạch tiếp theo. Kiểm tra tốt, đánh giá được sâu sắc và chuẩn bị trạng thái cuối cùng của hệ (nhà trường) thì đến kỳ kế hoạch (năm học) tiếp theo việc soạn thảo kế hoạch năm học mới sẽ thuận lợi, kế thừa được các mặt mạnh để tiếp tục phát huy, phát hiện được lệch lạc để uốn nắn, loại trừ. Tác giả kết luận: "như vậy, theo lý thuyết
xibecnêtic, kiểm tra giữ vai trò liên hệ nghịch trong quá trình quản lý. Nó giúp
cho chủ thể quản lý điều khiển một cách tối ưu hệ quản lý. Không có kiểm tra, không có quản lý" [26,tr.73].
Trong các đề tài thi tốt nghiệp cử nhân khoa học quản lý giáo dục và báo cáo thu hoạch về công tác thanh tra giáo dục của các lớp huấn luyện cán bộ thanh tra liên ngành những năm gần đây, các tác giả cũng có đề cập đến một số vấn đề chung về công tác thanh tra giáo dục, kiểm tra nội bộ trường học nhưng chủ yếu về các vấn đề thanh tra, đánh giá một giáo viên, một nhà trường, kiểm tra giáo viên…. do vậy, vấn đề quản lý công tác KTNB trường học nói chung và KTNB trường Tiểu học nói riêng của phòng giáo dục rất cần được nghiên cứu; những lý luận về công tác KTNB trường Tiểu học và quản lý công tác KTNB trường Tiểu học vẫn rất cần được tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ và ứng dụng ngay trong thực tiễn phong phú của các đơn vị cơ sở giáo dục. Những tài liệu đã dẫn viết về công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá trong giáo dục của các nhà nghiên cứu lý luận giáo dục là những tư liệu quý, thiết thực giúp chúng tôi tham khảo trong quá trình thực hiện đề tài: nghiên cứu lý luận, khảo sát thực trạng công tác quản lý hoạt động KTNB trường Tiểu học của phòng giáo dục Yên Lạc – Vĩnh Phúc, từ đó đề xuất một số biện pháp quản lý công tác KTNB trường Tiểu học của phòng giáo dục nhằm góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu giáo dục trong giai đoạn mới.
2. Một số khái niệm cơ bản của đề tài2.1. Quản lý, quản lý giáo dục.