Những giá trị cơ bản trong tín ngưỡng truyền thống của người Hmông vẫn tiếp tục được gìn giữ và phát triển

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay pdf (Trang 83 - 87)

vẫn tiếp tục được gìn giữ và phát triển

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người ta đều có thể khẳng định, trong lịch sử tồn tại của người Hmông, tín ngưỡng truyền thống của họ là một bộ phận rất quan trọng cấu thành nên bản sắc văn hóa đặc thù của dân tộc này. Hơn thế, những hoạt động tín ngưỡng ấy là yếu tố cốt lõi tạo dựng nên sự cố kết chặt chẽ của cộng đồng, góp phần giúp dân tộc này không bị “tan vỡ” hay “hòa đồng” trong bối cảnh họ trở thành nhóm dân tộc thiểu số ở nhiều quốc gia và đang chịu tác động mạnh mẽ của các yếu tố văn hóa mới, nhất là sự phát triển của phong trào toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển... Trong những hoạt động tâm linh ấy, thờ cúng tổ tiên giữ một vị trí cơ bản. Những lễ nghi hướng về tổ tiên không chỉ thể hiện lòng biết ơn, sự tôn kính đối với những người đã khuất mà thực sự là hành động tỏ rõ ý thức hướng về cội nguồn, bảo vệ văn hóa dân tộc. Nghi lễ ấy hiện diện trong từng gia đình, từng dòng họ và tồn tại trong toàn bộ chu kỳ sinh hoạt hàng năm của đồng bào. Hơn thế, dấu ấn của tín ngưỡng tổ tiên còn in đậm trong cả chu kỳ đời người của họ. Nó thể hiện ở mọi thời điểm khác nhau, ngay từ lúc họ cất tiếng khóc chào đời đến khi trưởng thành, về già và chết đi...

Ngày nay, tuy đã trở thành cư dân của nhiều địa phương khác nhau có những nơi rất phát triển và có những nơi lạc hậu nhưng đại bộ phận cộng đồng người Hmông ở các địa phương đó vẫn trân trọng gìn giữ lễ thức thờ cúng tổ tiên như quá khứ của tổ tiên mình truyền lại qua các đời người. Có khác chăng là trong cuộc sống hiện đại, những ngôi nhà, căn hộ của họ ở các thành phố, thị trấn không thể hiện hữu bàn thờ tổ tiên cũng như việc thực hiện các nghi lễ cúng tổ tiên một cách thường xuyên. Trong hoàn

cảnh ấy họ vẫn ý thức được trong lòng mình về truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào mình.

Nếu coi thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần là yếu tố cốt lõi trong văn hóa tâm linh truyền thống của người Hmông thì tín ngưỡng dòng họ thực sự là nét văn hóa tâm linh điển hình mang tính đặc thù của dân tộc này. Nói cách khác, nếu trong văn hóa ứng xử, dòng họ được coi là nền tảng cơ bản cấu thành nên xã hội Hmông và đóng vai trò quan trọng trong sự cố kết của cộng đồng Hmông thì tín ngưỡng dòng họ chính là “chất keo” vô cùng cần thiết tạo nên sự “kết dính” của cộng đồng đó. Chính bởi vậy, dòng họ đã trở thành yếu tố đặc thù của xã hội Hmông truyền thống và những nghi lễ liên quan đến dòng họ là điển hình của sự đặc thù ấy. Điều cần đề cập là, những đặc trưng tín ngưỡng của dòng họ ở người Hmông được thể hiện một cách rất riêng thông qua các “ký hiệu” hay các “kiêng kỵ”. Mang đậm yếu tố vật linh giáo, tô tem giáo đến mức quá chi tiết, quá tỉ mỉ càng cho thấy sự cần thiết biết bao của tín ngưỡng dòng họ đối với cộng đồng những người cùng huyết thống và cả cộng đồng tộc người. Chính những yếu tố đó đã tạo nên những nét “rất Hmông” trong văn hóa tâm linh nói riêng, văn hóa tộc người nói chung ở dân tộc này. Mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những yếu tố văn hóa bên ngoài, nhưng tín ngưỡng dòng họ vẫn tồn tại một cách bền vững, và nhờ đó quan hệ dòng họ ở dân tộc Hmông dường như vẫn được bảo vệ vững chắc so với mối quan hệ dòng họ của nhiều nhóm tộc người khác.

Không phải ngẫu nhiên các chuyên gia về người Hmông lại chú ý rất nhiều đến Saman giáo ở người Hmông khi nghiên cứu về văn hóa tâm linh của dân tộc này. Hầu hết họ đều khảng định, hoạt động Txir Nênhz ở người Hmông cũng như lễ cấp sắc ở dân tộc Dao là những điển hình cho sự tồn tại của tín ngưỡng Saman - một loại hình tôn giáo cổ đại đặc sắc của nhân loại còn lưu giữ đến ngày nay. Quả thực, trong thế giới đa thần của người Hmông thầy Saman là người duy nhất có thể tiếp xúc được với các vị thần ma, hiểu biết được thế giới của người chết, giúp giải quyết những tai ương, bệnh tật cho từng người hay cho cả cộng đồng. Điều cần nói là, sự hiện diện của thầy pháp Saman và Saman gắn chặt với nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Hmông, những quan niệm về thế ứng xử giữa con người với con người và giữa con người với thiên

nhiên ở đồng bào. Nó đáp ứng những nhu cầu cần thiết về “đường lý đường lẽ” trong văn hóa tâm linh và cách ứng xử của họ. Chính vì vậy, thầy pháp Saman còn tham gia vào các mối quan hệ xã hội truyền thống của người Hmông. Họ trở thành nhân vật không thể thiếu trong mỗi làng, mỗi vùng của dân tộc này và hoạt động Saman giáo là hoạt động thiết yếu trong lối sống truyền thống của đồng bào.

Thời gian qua đi, những đổi thay về mọi mặt trong đời sống của người Hmông đã làm cho vai trò của thầy Saman và hoạt động Saman giáo giảm đi. Song những gì đang diễn ra cho thấy, chừng nào người Hmông con chấp nhận thế giới đa thần thì chừng đó Saman giáo vẫn tồn tại và vẫn là một yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa tín ngưỡng của dân tộc này.

Có thể nói, tín ngưỡng truyền thống của người Hmông là một phần vô cùng quan trọng phản ánh sự phong phú, tính đa dạng và đặc thù của văn hóa Hmông. Nó được tạo dựng bởi nhiều yếu tố mà nền tảng là sự gắn kết của các hoạt động thờ cúng tổ tiên, tính đặc trưng của những lễ nghi liên quan đến dòng họ và sự phổ biến của tín ngưỡng Saman. Điều cần lưu ý là, mặc dù người Hmông là cư dân nông nghiệp nương rẫy song những lễ nghi nông nghiệp ở đồng bào lại tỏ ra rất mờ nhạt trong khi họ có cả hệ thống tín ngưỡng phản ánh tính cộng đồng chặt chẽ mà điển hình là những lễ nghi liên quan đến cộng đồng dòng họ. Rõ ràng, tín ngưỡng của dân tộc này luôn thể hiện xu hướng liên kết, ràng buộc. Yếu tố tâm linh ấy đã góp phần rất lớn tạo dựng nên sự đặc thù của văn hóa Hmông truyền thống và cũng là thành tố góp phần làm cho mối quan hệ xã hội truyền thống của người Hmông vốn đã khép kín lại càng khép kín hơn. Tâm lý “giữ cái gốc” luôn trỗi dậy và sự tiếp nhận cái mới trở lên khó khăn đối với họ. Từ xa xưa, đồng bào đã truyền bảo nhau:

“Làm ăn làm uống có thể học người ta.

Làm “ma” làm “khách” mình không thể theo người ta được”

Điều đó có nghĩa trong văn hóa mưu sinh họ có thể tiếp nhận cách làm ăn của những cộng đồng khác. Song, trong quan hệ xã hội và tín ngưỡng tôn giáo, người ta không muốn chấp nhận bất cứ yếu tố ngoại lai nào. Nói như vậy để thấy, trong truyền thống, văn hóa tộc người đặc biệt là văn hóa tín ngưỡng và ứng xử của người Hmông ít

có sự thay đổi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa mọi thứ ở dân tộc này đều bị đóng kín bởi ở mỗi thời điểm nhất định, dù có hay không có sự tiếp nhận cái mới thì đồng bào vẫn tự điều chỉnh tập quán sống của mình để thích ứng với hoàn cảnh mới hay điều kiện sống mới, đó là lẽ tồn tại tự nhiên.

Cuộc sống mới với những yếu tố văn hóa mới đã và đang tác động mạnh mẽ đến văn hóa tín ngưỡng của người Hmông. Mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển đang đặt ra những thách thức cho đồng bào này. Làm sao có thể vừa phát triển vừa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tín ngưỡng của người Hmông? Đó thực sự là cả vấn đề. Rõ ràng, một số yếu tố của văn hóa tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng Hmông có chiều hướng không còn thích hợp khi điều kiện sống của đồng bào đã thay đổi và ngày càng phát triển. Hoạt động của thầy pháp Saman dần trở nên ít đi khi nhu cầu của người dân giảm dần do công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng và giáo dục được nâng cao. Nhiều lễ nghi tín ngưỡng của đồng bào trở thành sức nặng khi đòi hỏi vật chất vượt quá sự cố gắng của họ... Không ít người cho rằng hoạt động tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của người Hmông mang nhiều yếu tố lạc hậu; rằng thầy pháp Saman là biểu trưng cho những gì cổ hủ cần phải thay đổi... Cũng có ý kiến lại khẳng định, không thể coi mọi hoạt động tâm linh truyền thống của đồng bào là tiêu cực, tốn kém lạc hậu... răng nếu xóa bỏ thì có nghĩa xóa bỏ những gì tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc này và lấy gì để gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Với người Hmông, những yếu tố văn hóa tín ngưỡng truyền thống đã thực sự là những thành tố tạo dựng nên bản sắc văn hóa của dân tộc này. Nó chứa đựng cả những tích cực và không tích cực theo cách nhìn tư mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển. Một số khía cạnh của nó cần phải được thay đổi, đồng thời nhiều yếu tố cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Điều quan trọng là, chính người Hmông phải ý thức được và quyết định sự giữ gìn hoặc thay đổi ấy.

Bản sắc văn hóa tâm linh của dân tộc Hmông đang đứng trước thách thức do nhịp điệu phát triển của cuộc sống, do những tác động mạnh mẽ của xu thế hội nhập và phát triển, phong trào toàn cầu hóa, những vấn đề về sắc tộc - tôn giáo...Và cho dù hiện tượng tiếp nhận đức tin mới đang diễn ra ở người Hmông suốt những năm qua thì đại đa

số người Hmông ở Lào Cai đã, đang và vẫn duy trì văn hóa tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay pdf (Trang 83 - 87)