Tín ngưỡng liên quan đến dòng họ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay pdf (Trang 51 - 52)

Như nhiều dân tộc láng giềng, đồng bào Hmông cũng quan niệm dòng họ là những người cùng tổ tiên, cùng dòng máu và họ giải thích ý niệm đó theo cách riêng của mình qua câu chuyện “nạn hồng thủy” mà hầu như người già Hmông nào cũng biết. Chuyện kể rằng nạn hồng thủy đã tiêu diệt mọi người trên thế gian, chỉ còn lại hai chị em sống sót nhờ chui vào quả bầu. Ông trời thấy vậy cho phép hai người lấy nhau, sau sinh ra cục thịt không đầu, không chân tay. Ông trời lại bảo hai người đem băm cục thịt ấy ra làm trăm mảnh rồi treo ở mọi nơi. Sáng hôm sau, khi hai người tỉnh dậy đã thấy khắp nơi đều có người. Vì quá đông, hai “chị em” không biết đặt họ tên những người đó là gì, bàn mãi mới quyết định người nào sinh ra ở đâu thì lấy chỗ đó làm tên họ. Người ở cây đào mang họ Thào, ở cây mận mang họ Ly, ở chuồng dê mang họ Giàng, ở chuồng ngựa mang họ Mùa...

Đây thực sự là truyền thuyết về sự ra đời của các dòng họ, là huyền thoại mang dấu ấn của thời kỳ tô tem giáo, một loại hình tôn giáo ở giai đoạn công xã nguyên thủy và đồng thời cũng là cách giải thích về cội nguồn con người của dân tộc này, tương tự như truyện “Bọc trăm trứng” của người Việt, truyện “Bàn hồ” ở người Dao...

Đối với người Hmông, cộng đồng dòng họ hoàn toàn không phải là những người chỉ cùng tên họ. Đồng bào cho rằng, cộng đồng đó phải là các thành viên có chung một “tín hiệu” được thể hiện trong tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc này và họ gọi “tín hiệu” chung ấy là “cùng ma” (thôngx đangz hay thôngx đaz). Trên bình diện của hệ thống thân tộc, những người “cùng ma” không phải là toàn bộ khối cộng đồng “trôngs” mà chỉ bao gồm cộng đồng “chêl” và phạm trù dòng họ được đề cập ở đây chính là khối người “cùng họ cùng ma”

Có thể nói “cùng ma” là đặc trưng vô cùng quan trọng của dòng họ người Hmông, bởi đây là yếu tố tín ngưỡng duy nhất giúp mọi người phân biệt dòng họ này với dòng họ khác, bởi đó là nền tảng cơ bản tạo nên kết cấu bền vững cho sự tồn tại của cộng đồng dòng họ ở dân tộc này. Theo quan niệm của đồng bào “cùng ma” có nghĩa phải giống nhau trong nghi lễ cúng khi làm “ma bò” (Nhung đangz), “ma lợn” (Buô đangz), “ma của” (Buô trôngx hay đangz trôngx) và trong cách chôn cất người chết. Đây là bốn lễ thức cơ bản nhất thể hiện rõ “tín hiệu” riêng của mỗi dòng họ. Người Hmông cho rằng, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo này được đặt ra từ thời ông tổ của dòng họ và truyền từ đời này sang đời khác, không ai có quyền tự ý làm trái.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay pdf (Trang 51 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)