Vật linh giáo

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay pdf (Trang 47 - 49)

Người Hmông quan niệm một số loài trong thế giới động thực vật và con người đều có phần xác và phần hồn. Phần “xác” là thực thể tồn tại mà con người nhìn thấy được, còn phần “hồn” rất quan trọng chi phối phần “xác” nhưng con người không hề nhìn thấy. Người Hmông thường quan niệm chỉ có người và súc vật là có hồn, nhưng các loài vật nhỏ bé như ruồi, muỗi không có hồn. Trái lại, những thứ sâu bọ khác như kiến, giun, hoặc bướm lại có thể là những linh hồn đang chạy. Trong thế giới thực vật, những cây trồng chủ yếu liên quan đến đời sống người Hmông đều có hồn như gỗ, luá, lanh, thuốc phiện, các loại gỗ quý làm nhà (cây làm cột chính, Pơ Mu lớp mái...). Hoặc những cây to um tùm ở trong rừng, những hang đá, vách đá cũng có hồn. Như vậy, bên cạnh con người, trong thế giới động vật và thực vật chỉ có những cây, con liên quan đến đời sống người Hmông hoặc quen thuộc với người Hmông mới có hồn. Loài vật càng đặc biệt, hồn càng đáng sợ. Hồn của con hổ là “phù dông” có sức mạnh siêu phàm hay quấy nhiễu đời sống của người. Những gốc cây to, mục, hình thù kỳ dị đều có tinh, luôn bày những trò ma quái trêu chọc con người, chòng ghẹo phụ nữ. Hòn đá to, mỏm đá lạ đều là các vật có hồn đặc biệt, có khả năng chi phối đời sống cộng đồng, dễ gây tai nạn cho người dân làm nương rẫy hoặc săn bắn gần đó. Cho nên ở một số nơi người dân phải tổ chức thờ cúng các tinh linh này. Người Hmông quan niệm người có 3 hồn:

- Một hồn chính ở đầu (trong thóp đỉnh đầu). ở trẻ em hồn rất yếu (thóp mềm) do đó kiêng không được xoa đầu trẻ em. Nếu ai nhỡ tay xoa đầu chúng để hồn hoảng sợ bỏ đi, phải nộp gà làm lễ cúng gọi hồn “húp plì”

- Hồn thứ hai ở rốn, có nhiệm vụ cai quản thân thể và các bộ phận nội tạng. Hồn này rời khỏi xác sẽ gây ra những cơn đau bụng quằn quại. ở người phụ nữ, hồn này còn yếu hơn hồn của nam giới nên phụ nữ thường đau bụng.

- Hồn thứ ba ở ngực, hồn này rất ít bỏ đi chơi nhất là hồn của trẻ nhỏ, nhưng khi bỏ đi thì bệnh sẽ nặng. Vì vậy, người Hmông (phổ biến là trẻ nhỏ) thường đeo vòng cỏ bảo mệnh. Vòng này tượng trưng chiếc khóa được thầy cúng phù phép ngăn cản hồn bỏ đi chơi. Đứa bé mới sinh ra chưa có hồn. Ba ngày sau gia đình phải tổ chức lễ gọi hồn “húp plì”. Lễ vật là một con gà trống (nếu đẻ con gái) hoặc một con gà mái (nếu là con

trai) và hai quả trứng. Người làm lễ phải nhóm lửa ở cửa để gọi hồn về. Hồn đã nhập vào đứa trẻ, lúc đó đứa trẻ mới được cộng đồng thừa nhận và được đặt tên.

Hồn luôn liên quan đến sức khỏe và sinh mệnh của con người. Nếu một trong 3 hồn lìa xa, rời khỏi cơ thể sẽ gây ốm đau. Những sự đau yếu này trầm trọng ít hay nhiều chủ yếu là hồn thứ nhất và hồn thứ hai đã đi xa. Hồn thứ nhất đã đi xa con người bị ốm nhưng hồn thứ hai, thứ ba vẫn còn nên không ốm nặng, do đó chỉ cần làm lễ “húp plì” gọi hồn về, bệnh sẽ khỏi. Lễ “húp plì” đơn giản, những người nhiều tuổi trong gia đình có thể làm được. Song bệnh có thể trở lên trầm trọng khi hồn thứ hai hoặc thứ ba ra đi. Một trong hai hồn này ra đi sẽ kéo theo cả hồn thứ nhất cũng ra đi. Vì thế cần gọi thầy cúng đến gọi hồn chữa bệnh.

Trường hợp một trong ba hồn ra đi, gọi không về, con người sẽ chết. Khi con người đã tắt thở, hồn thứ nhất sẽ bay lên trời và sẽ trở về với tổ tiên, hồn thứ hai gác mộ và hay quay về quấy nhiễu người khác. Do đó, người chết đến ngày thứ 13 gia đình phải làm lễ đuổi hồn, không cho hồn về quấy nhiễu gia đình. Hồn thứ ba sẽ đầu thai vào kiếp người hoặc kiếp vật (tùy thuộc vào hành vi đạo đức khi còn sống của thân chủ). Các quan niệm về linh hồn như vậy đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc thờ cúng tổ tiên, đến Sa man giáo - một loại hình phổ biến vùng người Hmông.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay pdf (Trang 47 - 49)