0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (108 trang)

Saman giáo và hiện tượng xưng vua

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI HMÔNG TỈNH LÀO CAI HIỆN NAY PDF (Trang 52 -57 )

Sa man giáo là hình thức tôn giáo chuyên biệt, nó có người chuyên biệt hành nghề tôn giáo gọi là thầy Sa man - những người được xem là có khả năng dùng phù phép đưa mình vào trạng thái hôn mê, trực tiếp giao tiếp với thần linh

ở vùng người Hmông, các thầy Sa man “chí nếnh” có mặt ở khắp các làng, chòm xóm. Làng Hmông nào cũng có thầy Sa man, có làng hai chục nóc nhà mà có tới ba thầy Sa man. Năm 1930, báo cáo khảo sát của thổ ti Hoàng Yến Chao cho thấy ở Bắc Hà Đông (Lùng Phình) có 38 làng Hmông thì có tới 788 thầy Sa man. Nhiệm vụ chủ yếu của các thầy Sa man là cầu cúng chữa bệnh, đi sang thế giới bên kia tìm bắt, dụ dỗ

hồn người ốm trở về, ngoài ra họ còn biết bói toán tìm của cải bị mất, chủ trì một số nghi lễ tôn giáo như cúng trừ tà của gia đình “khò chê”, cúng ma lợn “bùa tai”... Thầy Sa man như người liên lạc có khả năng thâm nhập vào thế giới bên kia. Nhưng muốn giao tiếp được với thế giới bên kia thì ông ta phải có tổ sư Sa man giúp đỡ thì được gọi là ma thầy cúng “đá nếnh”. “Đá nếnh” vừa chỉ cho thầy Saman những nguyên nhân bệnh tật, vừa nêu các cách chữa (bằng lễ cúng). “Đá nếnh” hiểu biết thế giới bên kia và sẽ dẫn hồn thầy cúng tìm hồn, trừng trị ma ác bắt hồn....

Thầy Sa man muốn hành nghề được phải có những trang bị đặc biệt. Trước hết mỗi thày Sa man phải có bàn thờ riêng. Bàn thờ là khối hình hộp chữ nhật, khổ 1m x 0,80 x 0,30 dựng bên cạnh nơi thờ “Xử ca” cao cách mặt đất 1,2m . Ông tổ sư thầy cúng (sí rì) từ ngoài muốn vào bàn thờ hoặc thày cúng muốn “xuất thần” du ngoạn sang thế giới bên kia phải qua cầu dẫn đường. Cầu dẫn đường gồm ba cây tre dài nhỏ như ba cần câu, Một cây buộc vào vị trí giáp giới giữa mái nhà và tường trước. Ba ngọn cây tre đều còn lá và hướng về phía bếp. Ba sợi dây lanh vắt qua ba ngọn cây tre, nối chúng với bàn thờ Sa man. Ba sợi dây lanh này tượng trưng cho đường đi của tổ sư Sa man và hòn của thầy Sa man. Qua ba sợi chỉ và ba cây này, Thầy cúng Saman có thể đi từ thế giới này sang thế giới kia. Năm nào các cây này cũng được thay mới trong dịp cúng tất niên của thày cúng. ở giữa tầng trên là ống hương, bên phải là bát ngô rang, bên trái có bát nước bỏ phép mấy đồng bạc trắng. ở tầng dưới có để các dụng cụ và nhạc cụ của thầy cúng. Dụng cụ quan trọng của thầy cúng là đôi sừng bò (sừng trâu) - là dụng cụ âm dương “ Kạ nếnh”, sừng làm vật này phải chọn kỹ, nó là sừng của con bò (trâu) khỏe mạnh, không dùng để hiến tế. Nhạc cụ gồm một đôi nhạc ngựa bằng đồng (trong có ba hạt nhỏ bằng sắt), một chiếc vòng lắc gồm 7 hoặc 9 mảnh sắt nhỏ gắn kèm, một chiếc thanh la bằng đồng. Nếu như các dân tộc Tày, Dao bộ trang phục của thầy cúng được thêu khá cầu kỳ thì ở người Hmông không có trang phục thầy cúng. Thầy cúng Sa man người Hmông chỉ có tấm khăn màu đỏ phủ lên mặt, che kín mặt khi ông ta lên đồng.

Khi làm lễ Sa man, thầy Sa man lắc lư đầu tìm cảm giác “váng vất” để dễ “nhập đồng”. Ông ta ngồi trên một tấm ghế dài, tấm ghế tượng trưng cho con ngựa thần. Nhờ con ngựa này, thây Sa man mới có khả năng đi đến thế giới bên kia. Nhiều khi tổ sư Sa

man (sí rì) lại đồng nhất với con ngựa, phương tiện đi lại của thầy Sa man. Khi bắt đầu cúng, hai cánh tay thầy Sa man khép chặt vào thân, bàn tay để lên đùi, hai chân chụm lại, dùng sức bật của ngón chân, nhún hai gót chân lên xuống theo nhịp gõ thanh la, đôi chân nảy lên rồi rơi xuống theo một cách đều đặn. Các nhạc ngựa ở cổ tay cũng rung lên từng nhịp theo điệu nhẩy của chân. Tiếng chân rung, tiếng nhạc ngựa hòa với tiếng thanh la tạo thành một âm thanh náo động dồn dập như tiếng vó ngựa phi nhanh. Đôi khi thầy Sa man còn bật môi rung lên những âm thanh bì bì giục ngựa. Khi bắt được hồn, những động tác phi ngựa lại chậm dần lại, diễn tả cảnh đưa hồn về thế giới hiện tại. Tìm hiểu các bài cúng của thầy Sa man, ta nhận thấy thế giới bên kia của thầy Sa man cũng đơn giản. Thế giới trên trời có Chử lầu và có các thần sét, thần mưa, thần gió, thần sương mù. Các thần linh này là những kẻ phán xét hồn người chết sẽ đầu thai thành người hay súc vật (tùy theo đạo đức của từng người khi còn sống). Trên trời còn có hoa thơm cỏ lạ, hồn người đi dễ bị lạc, mải chơi không về. ở trên trời còn có nơi ở của tổ tiên.

Quan niệm về thế giới dưới mặt đất của người Hmông cũng đơn giản, người Hmông không có từ chỉ địa ngục. Hình ảnh của địa ngục có thập điện diêm vương là hình ảnh mới xuất hiện, do du nhập của người Hán. Còn hình ảnh thế giới bên kia chỉ là hố sâu trong lòng đất tối om... Những người khi sống ở trần gian không tốt (trộm cắp, loạn luân, lừa đảo...) khi chết đi hồn xuống thế giới bên kia phải lao động cực nhọc trong bóng tối. Như vây quan niệm về thế giới bên kia của người Hmông cũng như của các dân tộc láng riềng khác như Kháng, La Ha... khá đơn giản và mờ nhạt.

Theo quan niệm của người Hmông, người đau ốm là do hồn đi chơi vắng hoặc có loại ma bắt mất hồn. Các loại ma ác này là ma mặt trời “Đá chủa tu”, gây ra đau đáu, sốt nóng và chết, ma suối “đá dạ” là loại ma hay gây ra đau thận, đau bụng, đầu chân. Chúng hay bắt những phụ nữ có thai, gây khó khăn cho việc sinh đẻ. Ma ống mối thường trú ngụ quanh nhà, ở trên nương. Khi phát nương rẫy vô ý chạm vào đống mối, ma này sẽ làm cho người bệnh sốt cao, co dật, thậm chí sùi bọt mép và chết. Gia đình phải mổ lợn (bệnh nặng phải mổ dê hoặc bò) cầu cúng… Tất cả các ma trên thường hay bắt hồn người, khiến người mắc bệnh. Do đó, thầy Sa man muốn chữa được bệnh, thầy

phải đi sang thế giới bên kia tìm hồn, dụ dỗ hồn về, mặc cả với ma, đưa lễ vật cho ma để đòi lấy hồn, hoặc dọa nạt trừng trị ma đòi thả hồn. “Công cụ” để nói chuyện được với hồn và ma là “Kạ lếnh”. “Kạ lếnh” có hai mặt mặt sấp là phía cành dẹt, tiêu biểu cho hồn ma, cạnh ngửa là tượng trưng cho hồn. Khi thầy cúng muốn tìm nguyên nhân gây bệnh liền tung “Kạ lếnh” lên. “Kạ lếnh” rơi xuống cả hai mặt đều sấp tức là hồn vắng mặt, ma đã bắt hồn đi xa. Khi cạnh ngửa thì hồn vẫn còn ở lại, hồn đã trở về, không phải làm lễ Sa man gọi hồn. Một thanh sấp, một thanh ngửa là có ma can thiệp bắt hồn, phải đuổi ma, gọi hồn về. Một thanh sấp, một thanh ngửa bắt chéo nhau là bệnh rất trầm trọng phải mổ lợn để cúng. Trường hợp tự dưng một “Kạ lếnh” dựng đứng lên (do mô đất gồ ghề) - đây là điềm rất xấu, con bệnh có thể chết, phải hiến tế tam sinh.

Nghề thầy cúng ở vùng người Hmông không phải cha truyền con nối. Bất cứ người nào đã có vợ con, không bị mất phẩm giá, bị ốm lăn lóc, bị bệnh thần kinh, chạy chữa mãi không khỏi, thầy cúng đến chữa và cho biết họ bị “đá lếnh” nhập vào, đều có khả năng trở thành thầy Sa man. Người đó phải lập bàn thờ, bài trí trên bàn giống như bàn của thầy Sa man đã thành nghề nhưng chỉ có mộ tầng, Thầy Sa man đến truyền dậy cho người ốm. Nội dung các bài dậy là dạy cách xem bói bằng “Kạ lếnh”, cách ngồi cúng... nhưng chủ yếu tập sao cho người muốn học nghề phải ở trạng thái lên đồng ngây ngất, mê man. Thầy cúng mới học nghề phải tập cúng thường xuyên. Khi lên đồng phải được kích thích thường xuyên mới dễ nhập đồng và chế ngự được. Việc đốt hương, sáp ong, gõ thanh la, rung nhạc ngựa đóng vai trò như một kích thích, nhờ những yếu tố này thầy cúng mới đi vào trạng thái hôn mê.

Sa man giáo tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần và chính trị ở vùng người Hmông. Mỗi làng Hmông đếu có từ 1 đến 3 thầy cúng Sa man. Các thầy cúng Sa man không chỉ là người cầu cúng, chữa bệnh cho người Hmông mà họ còn là những người am hiểu “đường lý lẽ”, phong tục tập quán người Hmông. Họ là những người có uy tín trong dân. Từ việc chuyển nhà, làm lễ gọi hồn cho trẻ nhỏ, đến việc làm ma cho người chết, “chữa bệnh” lúc ốm đau hoặc xưng vua... đều có ý kiến tham gia của thầy cúng. Mỗi gia đình Hmông mỗi năm phải mời thầy cúng đến vài ba lần. Chi phí cho nghi lễ cúng bái tương đối tốn kém. Lễ cúng nhỏ là một gà, một dê... Một số lễ cúng phải mổ

lợn lái... Gia đình người Hmông có truyền thống chăn nuôi gia súc phát trển, nhưng chủ yếu dùng để cúng ma, làm các nghi lễ trong gia đình.

Người Hmông trước đây luôn bị phong kiến Hán tộc đàn áp và xua đuổi. Khi đến Việt Nam, người Hmông cư trú ở vùng núi cao hiểm trở, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, người Hmông luôn khao khát được đổi đời, khao khát cuộc sống ấm no. Họ mong mỏi có một ông vua riêng - ông vua tài giỏi có thể làm đời sống người Hmông khá giả và hạnh phúc. Trong quan niệm của người dân, vua dân tộc Hmông phải là người Hmông. Muốn trở thành vua người đó phải là thầy cúng Sa man, có khả năng lên đồng (thần thánh nhập vào người, từ trên trời xuống cứu giúp người Hmông). Có như vậy ma mới có khả năng phi thường như có phép bay lên mái nhà, đạn giặc bắn không trúng, gươm giặc chém bị quằn lưỡi... Vua cũng là người dị thường, có tai to vểnh lên như hai là mộc nhĩ, ngón tay to như quả chuối, mắt to nhìn không chớp... Đặc biệt khi làm lễ xưng vua người đó phải ngây ngất trong trạng thái lên đồng - trạng thái của thầy Sa man đang đi du ngoạn ở thế giới bên kia. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, ở vùng người Hmông Lào Cai đã có ba trường hợp xưng vua. Cụ thể là:

Tháng 7 năm 1918, Giàng Sran thầy cúng thợ rèn ở Lý Lao Chải, xã Lao Chải đã lên đồng xưng vua. Giàng Sran đưa khẩu hiệu, bài ca phù hợp với nguyện vọng muốn có cuộc sống ấm no của người dân, muốn độc lập nên nhân dân trong vùng hưởng ứng rất đông, nhưng do thiếu cảnh giác cuối cùng bị thực dân Pháp lừa gạt, bắt giam, giết trong tù.

Năm 1938, một người họ Châu đến ngụ cư ở thôn Khau Nếnh xã Sư Ma Tủng huyện Mường Khương. Ông ta tuyên truyền xưng vua cho nhân dân trong vùng. Nhiều gia đình bán cả lợn, ruộng nương, trâu bò theo ông ta tập luyện bay lên trời. Nhưng vì ông ta ít có vẻ khác thường trong quan niệm của dân gian nên dân không tin, không ủng hộ, do đó ông ta bị giặc Pháp giết chết

Năm 1953 Thào A Bâu ở Sa Pa âm mưu xưng vua, nổi phỉ nhưng do không lên đồng, không xuất thần được nên nhân dân không tin. Trong khi đó chị dâu của Bầu lại lên đồng, phao tin được Chử Lầu cử xuống làm vua “phúa táy” được một số người nhẹ dạ cả tin nghe theo.

Như vậy, việc xưng vua của người Hmông ngày xưa phản ánh nguyện vọng mong muốn thay đổi cuộc sống, khao khát có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Việc xưng vua phải gắn liền với khả năng lên đồng. Chỉ có người nào là thầy Sa man có hình thù kỳ dị mới có khả năng lên đồng, xưng vua. Các nghi lễ khi xưng vua đều là lễ Sa man nhưng vua khác với thầy Sa man vua là người từ thế giới bên kia, là người nhà trời giáng trần cứu giúp chúng sinh. Còn thầy Sa man chỉ là người trần thế có khả năng tiếp xúc với thần linh đi đến được thế giới bên kia. Đây là quan niệm về đấng cứu thế của người Hmông. Quan niệm này ảnh hưởng chi phối mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của người Hmông.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI HMÔNG TỈNH LÀO CAI HIỆN NAY PDF (Trang 52 -57 )

×