Thờ cúng thần cộng đồng làng giao

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay pdf (Trang 46 - 47)

Trong phạm vi làng “giao” hay liên làng, người Hmông thờ cúng các thần thổ địa “thủ ti”. Thần thổ địa được thờ ở gốc cây to (hoặc hồn đó lớn) trong khu rừng cấm “lùng sán”. Cũng có nơi như ở Séo Mí Tỉ - Sa Pa, Tả Thàng - Mường Khương... thổ thần của “giao” chỉ là hòn đá to có hình thù khác lạ. Việc thờ cây, thờ đá là một hiện tượng phổ biến ở các cư dân Đông Nam á. Tuy nhiên, ở một số “giao” ở thượng nguồn sông Chảy, các thần được thờ là ông Hoàng Sín Dần - một thủ lĩnh người Hmông có công lãnh đạo nhân dân chống giặc Hán cờ vàng. ở vùng thượng huyện Bắc Hà, ông Giàng Chỉn Hùng thủ lĩnh nghĩa quân chống giặc Pháp xâm lược cũng được thờ làm thần của nhiều làng Hmông. Một số thần khác ở Sa Pa (Tả Phìn, Sa Pả)... là những người có công khai phá vùng đất mới, có công lập làng khi mất đi được làng suy tôn là thần bản mệnh. Các vị thần này thường trú ngụ trong một mái đá, hang đá hoặc một gốc cây to trong rừng cấm. Cá biệt như ở Tả Phìn, Sa Pa, ở Quán Dín Ngài - Bắc Hà, ở Trung Đô - Bắc Hà... nhân dân lập một miếu thờ như thờ thần.

Đồng bào quan niệm thần của “giao” chi phối cuộc sống của cộng đồng “giao”. Người dân trong “giao” khỏe mạnh, được mùa, gia súc đông dần là nhờ thần phù hộ. Ngược lại, gia súc bị dịch bệnh, người bị tai nạn là do có người hành động vô lễ với

thần như chặt cây trong rừng cấm, phá phách nơi thần ở... Hàng năm vào ngày thìn của tháng hai (hoặc mồng 2 tháng 2), đại diện các gia đình trong “giao” đến khu rừng cấm, nơi thờ thần làm lễ cúng thần và “Nào xồng”, lễ vật cúng là gà hoặc lợn. Người đứng đầu “giao” - “lùng thầu” trịnh trọng cầu khấn thần linh phù hộ. Nội dung bài khấn vừa tỏ lòng tôn kính thần nhưng vẫn thân mật và bình đẳng với thần:

“Ta đem hai gà

Vàng, hương cho thần linh

...Mình phải phù hộ cho ta người lớn, người bé không ốm đau”

Quan hệ người dân với thần như trong cộng đồng “giao” bình đẳng, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau. ở đây, thần cũng bình đẳng như một thành viên của cộng đồng. Thần chưa có sức mạnh siêu phàm tuyệt đối, chưa đứng trên cộng đồng. Do đó, cộng đồng dâng lễ vật cho thần thì thần phải có nghĩa vụ phù hộ, bảo vệ cộng đồng. Người Hmông không có vị thần của toàn dân tộc. Ông Chày, Bà Chày, Gầu á, Dầu Âu... trong thần thoại đều là anh hùng văn hóa. Tục thờ thần bản mệnh của cả cộng đồng trời đất tồn tại ở vùng người Việt, người Tày nhưng lại vắng bóng trong đời sống tín ngưỡng của người Hmông. Trong xã hội Hmông, cộng đồng gia đình, cộng đồng “giao” có hình thức tôn giáo tương ứng là tổ tiên và thần bản mệnh của “giao”. Còn cộng đồng vùng “liên làng”, cộng đồng dân tộc không có thần bản mệnh.

ở người Hmông, việc thờ cúng tổ tiên hay thần bản mệnh cộng đồng “giao” là hình thức tín ngưỡng cơ bản. Nhưng sự thờ cúng này rất ít chịu ảnh hưởng của Tam giáo, không có những quy định phức tạp, chặt chẽ. Các quan niệm, lễ thức thờ cúng vẫn còn đơn giản, giữ nhiều nét cổ sơ. Tổ tiên và thổ thần có chi phối đến đời sống tinh thần của người Hmông. Tổ tiên gần như hòa đồng với các ma nhà, nhiều khi tổ tiên không được đề cao bằng “Xử ca” hoặc ma cửa Xìa mềnh”. Còn thổ thần lại có vai trò khá mờ nhạt, người Hmông chỉ nhớ tới thần khi phải câu xin che chở hoặc cúng thần ngày đầu năm. Khác với người Việt, người Tày, các thần bản mệnh cộng đồng làng của người Hmông chưa thực sự đóng vai trò trong đời sống tâm linh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay pdf (Trang 46 - 47)