Trong lễ tang

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay pdf (Trang 61 - 66)

Lễ tang của người Hmông là một hiện tượng văn hóa đặc sắc bao gồm nhiều nghi lễ khác nhau, phản ánh về các quan niệm và lịch sử xã hội, về cộng đồng dân tộc. Người Hmông quan niệm thế giới gồm ba tầng: tầng trên trời là thế giới tổ tiên ở, tầng giữa là thế giới con người, tầng dưới lòng đất là địa ngục, âm phủ. Theo quan niện của đồng bào, con người có ba linh hồn (plì), khi chết 3 linh hồn cũng đều lìa khỏi xác và đi ba nơi khác nhau.

- Linh hồn gốc đi sang thế giới tổ tiên và sống với hồn gốc của tổ tiên. Nhưng hồn gốc gác mộ cũng thường xuyên liên hệ chặt chẽ với con cháu hay phù hộ (hoặc quấy nhiễu con cháu), do đó con cháu phải cúng bái, làm lễ cho hồn này.

- Linh hồn thứ hai, con người sau khi bay lên trời để thưa kiện với trời rằng, tại sao người phải chết, linh hồn sẽ ở tầng giữa thế giới của trời.

- Linh hồn thứ ba sẽ đi đầu thai để sống ở trần gian. Nếu khi sống, con người làm nhiều điều tốt hồn sẽ đầu thai làm người. Còn khi sống con người làm nhiều điều ác như trộm cắp, lừa đảo, loạn luân... thì linh hồn này sẽ đầu thai làm con vật phục vụ cho con người như trâu, bò, chó, ngựa...để con người hành hạ, trả thù. Sau khi gột rửa hết tội lỗi

mới được đầu thai sang kiếp người, Nhiều nghi lễ tang ma liên quan đến quan niệm về ba thế giới, quan niệm về ba hồn.

*Lễ chỉ đường “khúa kê”.

Người Hmông khi tắt thở, con cháu phải bắn ba phát súng, sau đó dùng tù và thổ ba hồi báo cho dân làng biết gia đình có người chết. người Hmông trắng phân biệt người chết già hay chết trẻ bằng tiêng súng nổ (người chế già bắn 9 phát, người chết trẻ bắn 3 phát). Gia đình tắm và khâm niệm người chết. Có dòng họ cho người chết vào trong quan tài. Người nhà đi mời ông “dở mổ” thầy cúng đến làm lễ chỉ đường “khúa kê”. Vừa dùng bút chỉ đường “xin từ” “giao tiếp” với người chết, thày cúng vừa đọc bài “khúa kê” hướng dẫn hồn tìm đường về với tổ tiên:

“Mình chết thật hay mình chết giả Mình chết thật mình quay mặt lại đây Lắng tai nghe thầy hát 36 bài thần, ma

Chỉ đường, chỉ lối cho biết đường đi cùng tổ tiên”

Bài chỉ đường qua dọng đọc của ông “dở mổ” lúc vời vợi, xa xăm, lúc ân cần gần gũi, kể về nguồn gốc vũ trụ loài người, kể về nguyên nhân cái chết, kể về chặng đường đi đến thế giới tổ tiên với biết bao thử thách khó khăn như qua đoạn đường có con hổ mồm to như hang núi, qua chín tầng nguy hiểm (trời, mưa, gió, sâu rừng kêu gào ồ ạt, con sâu xanh cản đường...). Khi ông đọc đến sự tích gà dẫn đường hồn người chết về với tổ tiên, người nhà mang cả gà mới mổ để nguyên lông, moi lòng gà ra ngoài hoặc cả con gà sống để trong âu bột ngô để phía đầu người chết. Lễ chỉ đường là lễ thức rất quan trọng. Đồng bào quan niệm phải có bài chỉ đường, linh hồn người chết mới trở về được với tổ tiên. Vì vậy, một số gia đình nhà nghèo không cần làm ma, chỉ làm lễ chỉ đường xong là có thể đem người chết đi chôn được.

*Lễ thổi kèn.

Trong khi thầy “dở mổ” đọc “bài ca chỉ đường”, các thợ kèn, trống tiến hành treo trống. Chiếc cột giả treo trống được dựng lên giữa nhà bằng cách gác một cây trúc ngang qua xà nhà và một cọc trúc đóng thẳng xuống đất. Trống được treo ngang chỗ cây trúc vắt ngang và cành trúc giao nhau. Đội kèn trống thổi bài kèn tắt thở (đưa hồn

người chết qua các con ma nhà như ma buồng, ma cửa, ma cột cái chính, ma bếp lò, “xử ca”, “đá trùng”. Bài kèn tắt thở với nội dung báo hiệu lời chào của hồn người chết và các ma trong nhà để đi ra mộ, lên trời về thế giới tổ tiên. Bài kèn tắt thở có nội dung tương tự “bài ca chỉ đường”.

*Lễ đuổi giặc.

Một số dòng họ người Hmông còn tổ chức lễ đuổi giặc 3 lần trong một ngày. Đồng bào quan niệm người Hmông xưa kia bị giặc Hán xua đuổi, khi chết ma của giặc cũng tấn công. Do đó đã xuất hiện lễ đuổi giặc, bảo vệ hồn người chết 3 lần trong một ngày. Đội hình đuổi giặc gồm 7 hoặc 9 người tùy theo người chết là nam hay nữ (nam chết có 7 người chạy 7 vòng, nữ chết có 9 người chạy theo 9 vòng). Người chạy trước cầm đuốc, người chạy sau cầm gậy, tiếp theo là những người cầm dao, súng, mác... Chạy được một vòng, người bắn súng phải bắn một phát súng, người cầm tù và phải rúc lên một hồi. Hướng chạy vòng tròn phải chạy từ trái qua phải. Tiếng tù và rúc, tiếng chân người chạy rầm rập tạo thành âm thanh náo động đầy hào hứng.

*Lễ viếng.

Người Hmông rất coi trọng lễ viếng. Người viếng tùy ân tình với người chết mà đồ phúng viếng nhiều hay ít. Bình thường gồm một “sinh” ngô, 5 lít rượu, giấy vàng, hương. Nếu người chết khi còn sống cho con gái một con trâu thì con rể phải mang trâu đến viếng. Gia đình thông gia phía con gái thường viếng hai con gà, một cây tiền “xù to” bằng giấy màu. ở vùng Pha Long - Mương Khương, cây tiền được trang trí khá đẹp có màu sắc rực rỡ. Đoàn thông gia đến viếng thường có đội kèn riêng. Gần đến nhà tang chủ, người thổi kèn của đoàn rúc lên một hồi kèn lánh lót báo hiệu, người rước cây tiền giơ lên, giơ xuống theo nhịp 2/4 của thanh la. Tiếng kèn của tang chủ vồn vã đáp lời. Đôi khi đội kèn tang chủ còn thổi bài hỏi quan hệ của người đến viếng. Đoàn kèn viếng phải thổi bài đáp lễ, thổi đúng mới được vào viếng. Khi viếng thổi bài báo cho người chết đồ viếng của ai, gồm những gì.

Đàm tang của gia đình khá giả thường tổ chức làm lễ “chí xáy” là người giỏi đối đáp, thuộc các bài ca tang lễ. Ông thay mặt gia đình người chết, kể lại công ơn của người chết với con cháu, kể lại nguồn gốc người chết với tổ tiên, dạy bảo con cháu cách

“làm ăn, làm mặc”, đối đáp giỏi với người đến viếng, xin khách thông cảm cho người chết những lỗi lầm, sai sót trước đây, thông báo với người nhà cùng dòng họ ý muốn của người chết. Nội dung xoay quanh việc đoàn kết cộng đồng gia đình, cộng đồng dòng họ, khuyên bảo con cháu cố gắng, siêng năng, cần cù làm ăn. Ông “chí xáy” nói và hát suất đêm. Lễ “chí xáy” diễn ra suốt đêm hôm trước ngày đi chôn. Tổ chức “chí xáy”rất tốn kém nên nhiều nơi không làm

*Lễ “tàu sáng” (đưa người chết ra ngoài bãi).

Một số dòng họ không đưa người chết vào quan tài thì vào ngày hôm trước ngày đem chôn, người ta đưa người chết đi “tầu sáng”. Nửa đêm tang chủ đem toàn bộ tiền giấy, vàng, hương phúng viếng ra đốt lấy tro đổ vào một túi đem theo người chết. Con cháu òa lên khóc vĩnh biệt. Thợ kèn thổi một bài dài nói lên tình cảm của người đang sống với người chết.

Trời vừa sáng, người chết đưa được ra ngoài bãi. Ngoài bãi đã làm sẵn chiếc sàn cao 1m, người chết được đặt lên trên sàn, đầu hướng về phía gia đình. Xung quanh người chết có dòng họ còn cắm 7 cành cây (nếu người chết là nam), và 9 cành cây nếu người chết là nữ. Lúc này việc hiến tế trâu, bò mới bắt đầu. Những con trâu, bò buộc cách người chết khoảng 2-3m và được nối với tay người chết bằng một sợi dây lanh với ý niệm hồn người chết sẽ nhận được gia súc. Ông chủ ma “chí dề” long trọng đọc bài cúng giao trâu, bò cho người chết. Chiếc búa đập trâu đầu tiên được trao cho ông cậu, tiếp theo là bà cô trong dòng họ, người thông gia...Lễ ăn uống được tổ chức ngay trên bãi quanh xác người chết.

*Lễ hạ huyệt

Chọn giờ tốt, thây cúng cúng bài đưa người chết đi chôn, kèn trống nổi lên thổi hai bài tiễn biệt. Những thanh niên khỏe mạnh trong ban tổ chức lễ tang khiêng cáng người chết chạy nhanh như ngựa đến huyệt (người Hmông quan niệm cáng là ngựa nên khi bó người chết vào cáng có bài kèn lên ngựa). Đến huyệt thày cúng ngắt ba lá cỏ tranh làm động tác quét quan tài (với quan niệm cỏ tranh có tác dụng xua ma trừ tà) sau đó mới đặt người chết vào quan tài. Người con trưởng cầm cuốc lấp đất trước, sau đến mọi người cùng lấp. ở đầu phần mộ người Hmông chôn bình rượu và ô giấy, bút chỉ đường cho người chết.

Những dòng họ cho người chết vào quan tài trước thì trước khi lấp đất, người ta mở nắp quan tài lấy đồng xu trong miệng người chết ra, mọi người nhìn người chết lần cuối cùng. Khi trở về, tất cả những người khiêng quan tài tiếp xúc với thân thể người chết đều phải rửa tay trong thùng nước đặt trước cửa nhà và hơ tay trên bếp lửa. Đó là dấu hiệu đề phòng hông ma người chết bắt đi.

*Lễ cúng cơm ba ngày “ma xi”.

Người chết được ba ngày, gia đình tang chủ tổ chức lễ sửa lại mộ “sáo chang”. Buổi tối tổ chức làm “ma xi”. Nơi gần bàn thờ treo tấm ván nhỏ bày một quả trứng, một cốc rượu, một chiếc nỏ. Ông chủ ma trịnh trọng khấn cầu các hồn ma về nhận các đồ ăn (đầu trâu và 4 chân trâu được dành từ hôm trước). (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

*Lễ tiễn đưa hồn “cho plì”

Người chết được 13 ngày người Hmông làm lễ “cho plì” lễ thả hồn tiễn đưa hồn người chết đầu thai sang người khác. Nhưng trước khi đi, hồn sẽ trở về thăm con cháu lần cuối và nhận lợn đi ăn đường. Do đó người Hmông làm lễ đón hồn và thả hồn đi. Có dòng họ dựng một cổng chào nhỏ đón hồn về ngay trước cửa nhà. Trong nhà tổ chức lễ xua ma trước khi gọi hồn về. Đoàn xua ma gồm 5 người, đi đầu là người dắt chó, vừa đi vừa đánh cho chó sủa xua ma, đi thứ hai là người cầm bó đuốc, đi thứ ba là người cầm que vừa đi vừa đập, đi thứ tư là người cầm tù và thỉnh thoảng lại rúc lên một hồi dài, đi thứ năm là người cầm ngô vãi quanh nhà.

Phía ngoài cổng chào, là một hình nhân đặt trên một chiếc mẹt để lên chiếc kiệu có bốn chân do bốn thanh niên khỏe mạnh khiêng qua cổng. Hình nhân tượng trưng cho hồn người chết về thăm nhà lần cuối, Hình nhân được đi thăm nơi chôn nhau cắt rốn, thăm các ma nhà (ma buồng, ma cột nhà chính, ma bếp lò, ma xử ca), cuối cùng đặt hình nhân ở bàn thờ. Gia đình làm lễ giao lợn cho hồn (buộc sợi dây lanh vào cổ lợn nối với tay hình nhân). Sau khi cúng lễ, ông chủ ma “chí dề” đem hình nhân ra ngoài cổng chào, dỡ hình nhân (có dòng họ đốt hình nhân) khấn bài tiễn đưa hồn về thế giới bên kia để đầu thai sang người khác. Sau đó ông chủ ma đẩy nghiêng chiếc mẹt đi, nếu chiếc mẹt ngửa, hồn sẽ đầu thai thành con gái, nếu mẹt nghiêng thì đầu thai thành con trai.

Sau khi bố mẹ chết, con cái trưởng thành có vợ có con mới làm “nhu đá” (ma trâu) cho người chết. Các nghi thức làm ma trâu tương tự như là ma tươi (lúc mới chết). Tối hôm trước tang chủ dựng một ngôi nhà nhỏ ở ngoài trời và quan tài nhỏ. Có dòng họ không làm nhà, chỉ cắm cành lá xanh làm ngoài trời. Tang chủ cắt một bộ quần áo bằng vải lanh nhỏ (nếu người chết là cha) hoặc bộ váy áo nhỏ (nếu là mẹ) cho vào trong quan tài đặt trong ngôi nhà nhỏ. Người ta còn làm hình nhân nam (nếu là bố đòi bò) hoặc là hình nhân nữ (nếu là mẹ đòi bò). Trước khi cúng cũng buộc cổ trâu bằng sợi lanh dài nối với tay hình nhân. Sau đó là mổ trâu (bò) luộc chín chia thịt thành các phần tùy theo các họ. Số thịt chia cũng sắp theo hình một con trâu (bò). Làm ma trâu khá tốn kém, làm một đêm, một ngày. Tổ chức lễ ma trâu cũng là dịp dòng họ gặp mặt nghe trưởng họ kể về sự tích dòng họ, nghe bà con nói về các tục lệ của dòng họ, ma trâu là một dịp nhằm tăng cường sự cố kết dòng họ.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay pdf (Trang 61 - 66)