Xử lý và chôn lấp vệ sinh Công nghệ xử lý

Một phần của tài liệu Định hướng quy hoạch tái chế chất thải (Trang 121 - 123)

- Về lộ trình qui hoạch và xây dựng trạm trung chuyển

5.1.4 Xử lý và chôn lấp vệ sinh Công nghệ xử lý

Công nghệ xử lý

Dựa trên cơ sở Quyết định số 2149/QĐ – TTg ngày 17 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, và mục tiêu tái chế ở mức cao nhất các loại chất thải, các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt/đô thị được khuyến khích áp dụng (kêu gọi đầu tư) theo thứ tự sau đây:

1. Sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ/phân hữu cơ vi sinh/phân vi sinh bằng công nghệ sinh học kị khí (thu khí tái sinh năng lượng – nhiên liệu/điện/nhiệt) kết hợp hiếu khí và tái chế các loại chất thải còn lại (plastic, kim loại, …). Áp dụng bãi chôn lấp vệ sinh tuần hoàn nhiều đơn nguyên như chuỗi thiết bị phản ứng sinh học kị khí dạng hỗn hợp mẻ - liên tục (anaerobic semi- batches reactor/anaerobic batch - continuous bio-reactor).

2. Sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ/phân hữu cơ vi sinh/phân vi sinh bằng công nghệ sinh học hiếu khí và tái chế các loại chất thải còn lại (plastic, kim loại, …).

3. Đốt (hoàn toàn/nhiệt phân/plasma) kết hợp tái sinh năng lượng (khí đốt, nhiệt, điện), tái chế tro thành vật liệu xây dựng và tái sử dụng kim loại.

4. Sản xuất khí đốt (gasification) hoặc thanh đốt (RDF – Refuse Derived Fuel, SRF – Solid Recovered Fuel).

5. Chôn lấp vệ sinh.

Công nghệ đầu tiên (1) sản xuất compost bằng quá trình sinh học kị khí kết hợp hiếu khí mang nhiều lợi ích nhất về kinh tế (vốn đầu tư thấp và lợi nhuận cao), môi trường (tái chế chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học, bán CERs – CDM, tái sinh năng lượng thay vì tiêu thụ năng lượng, …), và xã hội (tạo công việc cho nhiều lao động ở nhiều trình độ khác nhau). Tuy nhiên khó thiết kế.

Công nghệ (2) sản xuất compost bằng quá trình sinh học hiếu khí có thể tái chế một lượng lớn chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học, không sinh nước rỉ rác. Nhưng tiêu tốn năng lượng (thổi khí, hoặc đảo trộn, hoặc cả hai) dễ gây mùi hôi thối, khó kiểm soát chất lượng compost, sản phẩm khó tiêu thụ và được khuyến cáo chỉ sử dụng cho cây trồng không phải là thực phẩm. Thực tế nhiều nước cho thấy, công nghệ này thích hợp với công suất dưới 200 tấn chất thải rắn/ngày. Và thực tế của thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, sản phẩm compost có thị trường tiêu thụ.

Công nghệ đốt (3) có thể tái sinh nhiệt (khí nóng, hơi nước) và điện (1.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt có thể sản xuất 40MW điện), không phát sinh nước rỉ rác, ít tốn diện tích. Nhưng dễ phát sinh các sản phẩm phụ nguy hại (dioxin, furan, …), cần phải có hệ thống xử lý khí tốt, trình độ vận hành cao, chi phí vận hành lớn. Ví dụ, nhà máy đốt chất thải rắn sinh hoạt công suất 2.000 tấn ngày, công nghệ đốt nhiệt phân, có công suất phát điện 80MW, yêu cầu vốn đầu tư từ 180 triệu USD đến 280 triệu USD, tương ứng phí xử lý chất thải rắn từ 23 USD/tấn đến 32 USD/tấn chất thải rắn tiếp nhận, giá bán điện là 7 cent USD/KWh, công nghệ plasma với công suất 1.000 tấn/ngày có vốn đầu tư 240 triệu USD và yêu cầu giá xử lý là 23 USD/tấn chất thải rắn tiếp nhận với giá bán điện là 10 cent USD/KW.

Nhà máy đốt chất thải rắn được khuyến cáo khi khoảng cách vận chuyển xa (chi phí vận chuyển quá lớn so với chi phí chôn lấp hoặc đốt, thiếu đất phải đặt nhà máy gần khu dân cư). Tuy nhiên, công nghệ đốt chỉ thích hợp và phát triển ở các nước có trình độ phát triển tiên tiến (Đức, Thụy Điển, Pháp, Singapore, Nhật, Hàn Quốc), là nơi có trình độ nghiên cứu R&D cao, công nhân được huấn luyện tốt, vận hành thuần thục. Vấn đề này có thể giải quyết khi thành phố chỉ kêu gọi đầu tư và tiếp nhận dự án BOO (Build – Operation – Own).

Công nghệ sản xuất khí đốt và thanh đốt (RDF) có vốn đầu tư nhỏ hơn, nhưng cần phải có chính sách quản lý chất thải tốt để lượng nhựa PVC trong chất thải tái chế không quá lớn (tạo thành dioxin, furan khi đốt). Ví dụ, nhà máy có công suất tái chế 80 tấn chất thải rắn sinh hoạt (có chọn lựa)/ngày thành 32 tấn (RDF), vốn đầu tư 11,5 triệu USD.

Công nghệ cuối cùng (5) tiêu tốn nhiều đất đang bị hạn chế đến mức thấp nhất. Nhưng cần hiểu rõ rằng, trong điều kiện hiện nay dù áp dụng công nghệ nào thì cũng cần phải có bãi chôn lấp để đổ bỏ các chất thải không thể tái chế (5 – 25% khối lượng chất thải).

Với công nghệ (1) khái niệm bãi chôn lấp truyền thống không còn nữa và được thay thế bằng bãi chôn lấp tuần hoàn hoặc công trình xử lý sinh học kị khí dạng mẻ - liên tục hỗn hợp. Với công trình này, việc chôn lấp không còn tốn đất như công nghệ truyền thống và các ô chôn lấp được tái sử dụng với chu kì 5 – 7 năm tùy thuộc việc điều khiển tốc độ phân hủy, thu khí tái sinh năng lượng.

Một vấn đề cần lưu ý là trong hệ thống kỹ thuật – công nghệ quản lý chất thải rắn, các thành phần trong hệ thống (nguồn phát sinh, tồn trữ, thu gom, trung chuyển và vận chuyển, tái chế và xử lý, chôn lấp vệ sinh) có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Ví dụ, nếu công nghệ đốt được lựa chọn thì không cần thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2007, hai khu liên hợp lớn (Tây Bắc và Đa Phước) đã được qui hoạch và xây dựng với công nghệ áp dụng chủ yếu là chôn lấp vệ sinh. Hai khu liên hợp này đảm bảo tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt của thành phố một cách an toàn (tuyệt đối) đến năm 2030. Mặc dù công suất thiết kế chỉ tiếp nhận 2.000 – 3.000 tấn/ngày (12h), nhưng trong trường hợp sự cố (tương tự sự cố năm 2006, bãi chôn lấp Gò Cát đã tiếp nhận 6.000 tấn chất thải rắn/12h và trong giờ đầu tiên có thể tiếp nhận 1.500 tấn/h), bãi chôn lấp kết hợp với sàn trung chuyển của mỗi khu liên hợp có khả năng tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt đến 12.000-15.000 tấn/ngày (12h) hoặc đến 30.000 tấn/ngày (24h). Với mức độ an toàn nói trên, từ nay đến năm 2020, thành phố thực hiện kêu gọi đầu tư vào các nhà máy tái chế và xử lý chất thải rắn bằng công nghệ hiện đại hơn nhằm giảm khối lượng chất thải rắn đổ vào bãi chôn lấp, tái chế lại các thành phần có giá trị, kéo dài thời gian (tuổi thọ) hoạt động của các khu liên hợp. Nếu đạt được kết quả này kết hợp với việc đưa Khu liên hợp Thủ Thừa (Long An) vào hoạt động, thành phố có thể quản lý an toàn chất thải rắn sinh hoạt nói riêng và các loại chất thải nói chung đến năm 2100 và lâu hơn nữa.

Qui hoạch các khu liên hợp xử lý và chôn lấp vệ sinh

Việc qui hoạch các khu liên hợp tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh phải đạt được các yêu cầu sau:

1. Đủ để tiếp nhận an toàn toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trong toàn bộ thời gian qui hoạch.

Một phần của tài liệu Định hướng quy hoạch tái chế chất thải (Trang 121 - 123)

w