Những năm 90 của thập kỷ trước, sau khi chuyển những phần lãnh thổ, mà phần lớn là những trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng nhất cho các quận nội thành thì phần còn lại của huyện Từ Liêm nhìn chung có cơ sở hạ tầng kĩ thuật còn nhiều thiếu thốn và yếu kém.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XX. Đặc biệt sau khi chương trình 12/TU của Thành uỷ về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hóa nông thôn giai đoạn 2001-2005 được ban hành, huyện Từ Liêm đã xây dựng và thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch mang tính chuyên đề để khai thác, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại hoá. Do vậy, cùng với sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng cũng được cải thiện rõ rệt.
* Hệ thống giao thông
- Hệ thống đường bộ của huyện bao gồm 3 bộ phận: do Nhà nước và Thành phố quản lý, do huyện quản lý, do các xã quản lý.
+ Mạng lưới giao thông do Nhà nước và Thành phố quản lý bao gồm 14 tuyến đường có tổng chiều dài là 60,825 km có một bến xe khách xây dựng ở xã Mỹ Đình năm 2003. Tất cả các tuyến đường do Nhà nước và Thành phố quản lý đều đều đạt tiêu chuẩn chất lượng Quốc gia.
+ Mạng lưới giao thông do huyện quản lý bao gồm 8 tuyến đường có tổng chiều dài là 29,04km chủ yếu là đường cấp 5 cấp 6 đồng bằng. Mặt đường rộng từ 3,5 - 7m. Trong 8 tuyến đường chỉ có 4 tuyến có bề mặt ở tình trạng tốt.
+ Các tuyến đường do xã quản lý: bao gồm các tuyến đường trục xã, trục thôn và đường xóm. Tổng cộng 15 xã và một thị trấn có 31,987 km đường bê tông, 33,40km đường nhựa và đá dăm, 85,518km đường đất, 58,395km đường gạch.
Toàn huyện Từ Liêm có 111 km đường mà ô tô có thể hoạt động, 100 km đường liên thôn có thể cho xe máy đi tới từng nhà còn lại 11 km đường đất phục vụ sản xuất.
Xét về mật độ đường đối với diện tích mặt bằng và dân cư thì hiện tại Từ Liêm về cơ bản đảm bảo tương đối phù hợp cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển làng nghề nói riêng.
- Hệ thống đường sắt
Đoạn đường sắt chạy ngang qua Từ Liêm dài 14km và có một nhà ga hành khách xây dựng tại xã Phú Diễn. Đây là tuyến đường sắt vành đai phía Tây của Hà Nội được xây dựng từ những năm 1984, 1985. Tuy nhiên đến nay, tuyến đường sắt này chưa phát huy được tác dụng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Từ Liêm.
- Hệ thống đường sông
Đoạn sông Hồng phía Bắc Từ Liêm dài trên 7km nhưng hiện tại ngoài một cảng nhỏ là Thượng Cát, huyện chưa có các bến cảng, kho tàng để khai thác con đường thuỷ này. Huyện Từ Liêm còn có sông Nhuệ chảy dọc giữa huyện xuôi xuống thị xã Hà Đông và các địa phương khác của tỉnh Hà Tây. Tuy nhiên đến nay sông Nhuệ vẫn chỉ đóng vai trò là dòng chảy tưới tiêu nước cho đồng ruộng của huyện Từ Liêm, chưa có đóng góp đối với sự phát triển làng nghề của huyện.
* Hệ thống cấp và thoát nước.
- Cung cấp nước sạch. Một bộ phận nhỏ khu dân cư trong địa bàn huyện Từ Liêm nằm giáp với nội thành được cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất từ các nhà máy nước của thành phố (nhà máy nước Mai Dịch và nhà máy nước Hạ Đình). Một số cơ quan, xí nghiệp, đã tự cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất bằng nước giếng khoan và xây dựng trạm xử lý cục bộ nhằm giải quyết nhu cầu sử dụng nước trước mắt. Còn lại đại đa số dân cư trong
huyện sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất tiểu thủ công nghiệp bằng nước giếng khoan, giếng đào và được sử lý qua hệ thống lọc thô.
Hệ thống thoát nước chưa được hoàn chỉnh. Việc thoát nước trên địa bàn huyện chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống tiêu nước của ngành nông nghiệp. Sông Nhuệ là đường tiêu nước chủ yếu cho huyện, nhưng do phải đảm nhiệm chức năng vừa tưới, vừa tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp, diễn biến thuỷ văn phức tạp, mực nước thường cao gây khó khăn cho việc thoát nước chung cho toàn thành phố và riêng cho Từ Liêm.
Trong những kỳ mưa lớn do mực nước sông Nhuệ cao nên đã gây ứ đọng, ngập úng một số vùng như Cầu Ngà, Miêu Nha, Xuân Đỉnh. Ở một số khu đô thị xây dựng tập trung, đã xây dựng hệ thống thoát nước nhưng có tính chất nhỏ bé, cục bộ. Khu vực làng xóm hầu như chưa được xây dựng hệ thống tiêu thoát nước.
Hiện nay, Từ Liêm chưa có hệ thống thoát nước bẩn riêng biệt. Nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất chưa qua xử lý hoặc mới xử lý sơ bộ đã được thoát chung với hệ thống tiêu thoát nước mưa, chảy ra các hồ, sông, mương trong khu vực.
Như vậy vấn đề cấp nước sạch và thoát nước của Từ Liêm hiện đang là những khó khăn, trở ngại đối với phát triển kinh tế của Từ Liêm nói chung và đối với phát triển làng nghề Từ Liêm nói riêng.
* Hệ thống mạng cung cấp điện và thông tin
Hiện nay Từ Liêm được cung cấp điện từ 3 nguồn chính: Trạm 220/110/35/6kv Hà Đông, trạm 220/110/10kv Chèm, trạm 110/10/6kv Nghĩa Đô.
Mạng điện cao thế 220kv từ trạm Hà Đông (từ nguồn thuỷ điện Hoà Bình) và một số tuyến cao thế 110kv từ trạm Chèm chạy toả ra huyện. Mạng điện trung thế có các tuyến 35kv, 10kv, 6kv cấp cho các trạm hạ thế, đáp ứng được nhu cầu dùng điện hiện tại.
Phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện nay đều thuận lợi trong việc sử dụng điện. Tuy nhiên việc cung cấp điện chưa thật sự đảm bảo ổn định, an toàn.
Hệ thống thông tin liên lạc được đầu tư tương đối hiện đại bằng hệ thống tổng đài tự động số, nối mạng cả nước và quốc tế. Hiện nay, 40% gia đình có điện thoại.Toàn huyện có 20 điểm phát hành báo chí, các xã trong huyện đều có đài truyền thanh ở từng thôn xóm. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi đối với hoạt động của các làng nghề.