Hà Tây là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, bao quanh Thủ đô Hà Nội ở hai phía Tây và Nam, với ba cửa ngõ vào Thủ đô theo các quộc lộ 1A, quốc lộ 6 và quốc lộ 32. Hà Tây còn tiếp giáp với 5 tỉnh là Hưng Yên, Hà Nam, Hoà Bình, Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
Hà Tây là một tỉnh nhỏ, diện tích toàn tỉnh là 2201,8km2, đứng thứ 47 trong tổng số 61 tỉnh, thành phố của cả nước, có vị trí địa lý quan trọng, nằm cạnh tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đồng thời là nơi chuyển tiếp từ vùng đồng bằng sông Hồng trù phú với vùng Tây Bắc giầu có.
Theo số liệu điều tra năm 2000 dân số Hà Tây là 2,4 triệu người chiếm 3,13% dân số của cả nước và đứng thứ 5 trong 61 tỉnh, thành. Người Kinh chiếm 98,73%ngoài ra còn có các tộc người Mường, Thái, Dao… Dân số nông thôn chiếm 91,73% dân số của toàn tỉnh.
Với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý ưu đãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề ở Hà Tây phát triển. Hà Tây được mệnh danh là đất trăm nghề, có nhiều nghề cổ truyền lâu đời: lụa Vạn Phúc, rèn Đa Sỹ, khảm trai Ngọ Hà, sơn mài Duyên Thái…
Trong năm năm 2000 - 2004 GDP cuả tỉnh tăng bình quân hàng năm 7,3%, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực. Trong đó GDP của ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 23,3% năm 2000 lên 30,5% năm 2004, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm là 16%. Thành tựu kinh tế của tỉnh Hà Tây có sự đóng góp rất lớn của các làng nghề.
Năm 2001 ở nông thôn tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và vận tải chiếm 25% số lao động của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn đạt 1700 tỷ đồng riêng 120 làng nghề đạt 1045 tỷ đồng.
Năm 2004 giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 1.920 tỷ đồng trong đó 160 làng nghề đạt 1.450 tỷ đồng.
Để có được kết quả trên, Hà Tây đã chú trọng khôi phục và phát triển những làng nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới nhằm giải quyết công ăn việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở nông thôn, nhiều biện pháp được dặt ra và thực hiện có hiệu quả ở Hà Tây, đặc biệt là các biện pháp sau:
Thứ nhất, khôi phục và phát triển làng nghề
Tỉnh Hà Tây nhận thức sâu sắc: khôi phục, duy trì, phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống và nhân cấy nghề mới là một trong những giải pháp quan trọng để khai thác và phát huy nhân tố nội lực tiềm ẩn ở nông thôn. Trong giai đoạn 2000 - 2004 dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh việc tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp trong tỉnh nhiều ngành nghề truyền thống đã dần dần thích nghi với điều kiện của nền kinh tế thị trường. Tỉnh đã khuyến khích, hỗ trợ các nghề thủ công đã bị mai một trong thời kỳ bao cấp nay được phục hồi phát triển như các nghề: dệt, thêu ren, sơn mài, khảm trai, điêu khắc, đồ mộc, tơ tằm… Bên cạnh việc khôi
phục duy trì làng nghề truyền thống các huyện, thị trong tỉnh đã coi trọng công tác truyền nghề, nhân cấy nghề mới đặc biệt là việc đưa nghề vào các làng thuần nông và một số làng xa đô thị phát triển theo phương châm ban đầu là làng có nghề, tiến tới làng nghề. Với cách làm như vậy số lượng làng nghề và làng có nghề ở Hà Tây được tăng lên nhanh chóng. Năm 1996 toản tỉnh Hà Tây có 839 làng có nghề trong đó 88 làng đạt tiêu chuẩn là làng nghề. Đến năm 2000 đã tăng lên 972 làng có nghề trong đó có 120 làng nghề đạt tiêu chuẩn qui định của tỉnh. Ngay năm 2003 tỉnh có 160 làng nghề đạt tiêu chuẩn qui định. Hiện nay số lượng làng nghề và làng có nghề chiếm 80% số làng của tỉnh.
Thứ hai, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực
Sự hoạt động của các làng nghề có sức thu hút lao động rất lớn.Song lao động của mỗi nghề lại mang tính đặc thù cần có của nó. Vì vậy việc dạy nghề, truyền nghề cho người lao động để họ có được một trình độ tay nghề nhất định, làm ra sản phẩm được thị trường chấp nhận và sau khi học họ có thể trở thành một thợ thủ công độc lập là một nhân tố quan trọng trong phát triển làng nghề. Trong thời gian qua tỉnh Hà Tây đã mở hàng trăm lớp học nghề với hàng chục ngàn học viên theo học. Khoảng 80% số học viên sau khi học xong được bố trí làm việc ngay tại các cơ sở sản xuất ở các làng nghề và họ thường trở thành những hạt nhân trong các nghề mới hình thành. Tỉnh Hà Tây xác định vấn đề đào tạo để sử dụng được sức lao động tại chỗ trong các vùng nông thôn làm nghề tiểu thủ công nghiệp vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Thứ ba, chính sách khuyến công
Để thực hiện hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Hà Tây rất chú trọng chính sách khuyến công.Từ năm 2000 - 2003 thực hiện Nghị quyết của HĐND, UBND
tỉnh đã chi hỗ trợ mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng cho các chương trình khuyến công để hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó trên 50% dành cho hỗ trợ mở lớp truyền dạy nghề, nhân cấy nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các địa phương đặc biệt tại các làng xã không có nghề. Quỹ khuyến công của tỉnh còn được sử dụng vào hỗ trợ các dự án áp dụng công nghệ mới, thiết bị mới, làm ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, bồi dưỡng kiến thức cho các chủ doanh nghiệp, các cán bộ quản lý ở các cơ sở, tổ chức thăm quan học tập các tỉnh bạn… vì vậy, đã khuyến khích các làng nghề phát triển mạnh và phong trào phát triển làng nghề ở Hà Tây thực sự đã có những chuyển biến tích cực.