* Thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám
Từ Liêm từ xưa đã là vùng đất gắn bó chặt chẽ với Thăng Long - Hà Nội. Nơi dây tập trung nhiều làng nghề cổ truyền của dân tộc như: Vùng Mỗ dệt the, lụa gấm, vóc lĩnh nổi tiếng: làng Vẽ (Đông Ngạc), làng Dộc Cả (Trung Văn) thạo nghề hàng nan; làng Hoè Thị (Xuân Phương) giỏi nghề rèn, làng Mẩy (Mễ Trì) làm nghề hàng xáo gạo tám xoan, làng Phú Đô (Mễ Trì) làm bún, làng Cót (Yên Hoà) xeo giấy làm vàng mã… Sản phẩm làng nghề của Từ Liêm đã được nhiều người biết đến như cốm Vòng, dao kéo Sinh Từ, bún Phú Đô… Đặc biệt gạo tám của Mễ Trì đã nổi tiếng từ thời vua Lê Long Đĩnh (thế kỷ X). Nó được chọn làm sản phẩm để tiến vua và được nhà vua hết lời ca ngợi.
Khi Nhật hất cẳng Pháp chúng thực hiện chính sách nhổ lúa, phá bỏ dâu tằm để trồng đay đã làm cho nghề dệt của Việt Nam nói chung và nghề dệt ở Từ Liêm nói riêng bị đình đốn. Nhưng với sự sáng tạo của người thợ thủ công chỉ sau một thời gian ngắn họ đã khôi phục trở lại được nghề.
Sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là từ sau hoà bình lặp lại trên miền Bắc đến giữa những năm 80 của thế kỷ XX các làng nghề của cả nước nói chung và của Từ Liêm nói riêng bước vào thời kỳ phát triển mới. Thời kỳ 1976 - 1979 lực lượng sản xuất thủ công nghiệp của huyện Từ Liêm bao gồm 38 hợp tác xã với 3799 lao động và 40 tổ hợp tác với 565 lao động. Trong thời gian này do yêu cầu của thị trường Liên Xô cũ và Đông Âu tăng lên đã tác động mạnh đến sự phát triển của các làng nghề và nghề tiểu thủ công nghiệp của huyện. Các nghề thêu ren, thảm bẹ ngô, thảm len, dệt mành… trong các hợp tác xã nông nghiệp đã thu hút thêm 4.000 lao động, tăng thu nhập cho các hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1979 ngành tiểu thủ công nghiệp đã được nhận danh hiệu là cờ đầu trong toàn ngành tiểu thủ công nghiệp Thành phố Hà Nội. Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Đại Mỗ được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Từ những năm 80 ngoài các mặt hàng truyền thống như dệt, may, cơ khí… ngành tiểu thủ công nghiệp của huyện còn phát triển thêm các mặt hàng mới để phục vụ sản xuất và tiêu dùng như: các sản phẩm mây - tre, chổi lông gà, chổi chít, dệt vải pê - cô, vải bò…
Tuy nhiên thời kỳ này hình thức sản xuất tập thể thống trị đã biến những người thợ thủ công thành xã viên hợp tác xã nông nghiệp với tư cách là thành viên của tổ, đội, hợp tác xã chuyên ngành nghề. Điều đó đã phá vỡ kết cấu gia đình trong tổ chức làng nghề truyền thống. Nó đã gây nên sự thất truyền các bí quyết nghề nghiệp ở một số nghề thủ công đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo như dệt gấm, rèn dao kéo… Mặt khác sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của các hợp tác xã đều được sản xuất và phân phối theo kế hoạch của Nhà nước, thu nhập của người lao động thấp nên người sản xuất ít chú trọng đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Điều đó dẫn đến lối làm ẩu, cẩu thả, ít coi trọng tay nghề cao của những nghệ nhân. Vô tình nó đã tạo ra sức ỳ tâm lý không chịu sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng tạo một bước ngoặt cơ bản đối với nền kinh tế, chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường đã tác động lớn đến ngành tiểu thủ công nghiệp nói chung và làng nghề Từ Liêm nói riêng. Lực lượng lao động ở khu vực hợp tác xã chuyên nghiệp giảm sút, lực lượng lao động ở khu vực cá thể dưới hình thức kinh tế hộ gia đình có xu hướng tăng lên theo cấu trúc của các làng nghề truyền thống. Thời kỳ này các hợp tác xã tiểu thủ công nghiêp giải thể hàng loạt và các hình thức sản xuất theo hộ gia đình nhanh chóng thích nghi với cơ chế mới. Các làng nghề dệt, đan lát bị mai một. Các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm có cơ hội để phát triển đồng thời cũng hình thành các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh đa dạng.
Đầu năm 1996 huyện Từ Liêm đã bàn giao 5 xã: Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng Bá, Xuân La, Phú Thượng về quận Tây Hồ. Ngày 01/01/1997 huyện bàn giao xã Nhân Chính về quận Thanh Xuân. Cũng năm 1997 huyện Từ Liêm phải tách huyện thành lập quận Cầu Giấy. Từ chỗ có 29 xã, thị trấn năm 1995 đến năm 1997 Từ Liêm chỉ còn lại 16 xã, thị trấn. Nhiều làng nghề nổi tiếng như: vàng mã làng Cót (Yên Hoà), bánh cốm làng Hậu (Dịch Vọng), tăm, hương làng Giàn (Trung Hoà),… được chuyển về các quận nội thành. Các làng nghề của Từ Liêm có nhiều thay đổi, nghề đan nát của làng Vẽ (Đông Ngạc), dệt (Đại Mỗ), đan lưới (Tây Mỗ) sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên đã bị mai một, nhưng các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, rèn và may mặc được phục hồi phát triển, làng nghề mới gò, hàn tôn (Tây Mỗ) xuất hiện đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nông dân.