- Khăm Phen Nan Tha Vông (1991), Việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức
chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng của Đảng Nhân dân cách mạng Lào(có tham khảo
những kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam) [92]. Tác giả luận án đã làm rõ
chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng của Đảng Nhân dân cách mạng Lào trong giai đoạn cách mạng mới, chủ yếu là các loại hình tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn, cơ quan trường học, xí nghiệp, đơn vị thực hiện chế độ thủ trưởng; chỉ ra những nguyên nhân yếu kém, đúc rút các kinh nghiệm; đề xuất biện pháp khắc phục nhằm xây dựng, củng cố Đảng Nhân dân cách mạng Lào vững mạnh. Khi đề cập về loại hình tổ chức cơ sở đảng cơ quan, tác giả lý giải việc chi bộ, đảng bộ cơ quan không lãnh đạo toàn diện mà chủ yếu lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng và công tác quần chúng là do nhiệm vụ của cơ quan thường có tính cơ mật và rộng lớn, vượt ra khỏi khuôn khổ chức năng của đảng bộ cơ quan, việc chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ của cơ quan được giao cho BCSĐ.
- Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc: Xây dựng Đảng cầm quyền - kinh nghiệm của Việt Nam và của Trung Quốc (2004) [82]. Thông qua 19 bài tham luận, hội thảo đã tổng kết những kinh nghiệm lý luận và thực tiễn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thúc đẩy đổi mới ở Việt Nam, cải cách, mở cửa ở Trung Quốc đáp ứng lợi ích của hai dân tộc. Hội thảo đặt ra yêu cầu tất yếu phải luôn kiên trì đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về cả chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hội thảo cũng gợi mở nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đòi hỏi phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu phục vụ cho công tác xây dựng Đảng phù hợp với điều kiện mỗi nước. Trong đó, đáng chú ý nhất là bài tham luận của Hạ Quốc Cường “Không ngừng nâng cao trình độ lãnh đạo và trình độ cầm quyền, tăng cường năng lực chống tha hóa, phòng biến
chất và chống rủi ro” [82]. Tác giả đi sâu phân tích quá trình đổi mới công tác xây
dựng Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai vấn đề tác giả đánh giá là rất cấp thiết, cần tập trung giải quyết là: thứ nhất, những giải pháp để tiếp tục nâng cao trình độ lãnh đạo; trình độ cầm quyền của Đảng; thứ hai, những giải pháp để nâng cao năng lực chống suy thoái, biến chất và rủi ro trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau đó, tác giả luận giải và đề xuất hệ thống giải pháp để nâng cao trình độ lãnh đạo, trình độ cầm quyền của Đảng, chống suy thoái, biến chất và rủi ro trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó, tác giả dành nhiều trang phân tích sâu sắc nhóm giải pháp: luôn luôn nắm chắc khâu quan trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ có tố chất cao, coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có thực tài; tập trung xây dựng ban lãnh đạo vững mạnh. Theo tác giả, vấn đề hạt nhân là giữ gìn mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa Đảng với quần chúng nhân dân, phải tăng cường và cải tiến toàn diện việc xây dựng tác phong của cán bộ, đảng viên, tập trung vào nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
- Lưu Tôn Hồng (2004), Nghiên cứu quy luật cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung
Quốc [83]. Trên cơ sở đánh giá tình hình cầm quyền hiện nay của Đảng Cộng sản Trung
Quốc, tác giả đã chỉ ra những quy luật cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc: môi trường chính trị, cơ sở giai cấp, tính tiệm tiến, tính hợp pháp, lý luận khoa học, cương lĩnh đúng đắn, năng lực cầm quyền, quan hệ Đảng - quần chúng… Để việc cầm quyền đạt hiệu quả cao, tác giả nêu quan điểm: Đảng Cộng sản Trung Quốc phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền đáp ứng được yêu cầu thời đại; việc cầm quyền phải đảm bảo tính khoa học, dân chủ và tuân theo hiến pháp, pháp luật. Đây chính là những bài học kinh nghiệm quý để Đảng Cộng sản Việt Nam có thể áp dụng trong việc
đổi mới phương thức lãnh đạo, trong đó có phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong tình hình hiện nay.
- Triệu Gia Kỳ (2004), Tăng cường xây dựng Đảng ủy địa phương, phát huy đầy
đủ vai trò hạt nhân lãnh đạo [82]. Tác giả đã nêu một số kinh nghiệm xây dựng Thành
ủy Bắc Kinh trên cơ sở phân tích các phương thức lãnh đạo của Đảng ủy địa phương. Tác giả chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng nhất, thiết thực của đảng ủy địa phương là thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH), địa phương phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững. Tác giả nêu quan điểm: mỗi đảng ủy địa phương phải đặt ra mục tiêu phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững và quyết tâm thực hiện thắng lợi. Muốn đạt được mục tiêu đó, đảng ủy địa phương phải không ngừng nâng cao trình độ cầm quyền và chỉ rõ phải quán triệt thực hiện nguyên tắc dân chủ, kiện toàn và hoàn thiện hơn nữa cơ chế nghị sự và ra quyết sách của đảng ủy địa phương; thích ứng kịp thời với tình hình mới, đón đầu thách thức, thời cơ mới; tập trung xây dựng ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ; gắn bó với cơ sở, quần chúng, thường xuyên tăng cường việc xây dựng tác phong trong công việc.
- Dương Tiểu Cường, Tào Tuyết Phong (2004), Cầm quyền mang tính khoa học và dân chủ, cầm quyền theo pháp luật yêu cầu thời đại về tính hợp pháp của đảng cầm quyền [105]. Các vấn đề tác giả tập trung nêu và phân tích trong cuốn sách là: nội dung, tính chất của phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong điều kiện mới; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền phù hợp với những yêu cầu của thực tiễn. Các tác giả chỉ ra yêu cầu phương thức cầm quyền trong điều kiện mới phải đảm bảo tính khoa học, thực sự dân chủ và tuân thủ nghiêm hiến pháp, pháp luật.
- Xổm Nức Xổm Vi Chít (2008), Đổi mới phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước
ở nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào [193]. Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý
luận và thực tiễn liên quan, tác giả đề xuất các giải pháp đổi mới phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước ở nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước ở nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào có giá trị tham khảo đối với tác giả luận án để làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy cấp tỉnh đối với chính quyền cấp tỉnh ở Việt Nam.
- Vi Xúc Phôm Vi Thắc (2008), Đảng Nhân dân cách mạng Lào lãnh đạo hệ
thống chính trị trong sự nghiệp đổi mới hiện nay [183]. Nội dung luận án tập trung
làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm về Đảng Nhân dân cách mạng Lào lãnh đạo HTCT trong sự nghiệp đổi mới hiện nay; trên cơ sở đó, tác giả đề xuất
hệ thống giải pháp khả thi tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đối với HTCT đến năm 2020. Những nội dung về Đảng Nhân dân cách mạng Lào lãnh đạo Nhà nước có giá trị tham khảo đối với việc nghiên cứu về đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy cấp tỉnh đối với chính quyền cấp tỉnh ở Việt Nam.
- Lưu Chấn Hoa (2010), Bàn về công tác xây dựng năng lực cầm quyền của Đảng
[78]. Việc chuẩn hóa quan hệ giữa Đảng với chính quyền là nội dung tác giả tập trung làm rõ khi bàn về phương thức cầm quyền của Đảng. Theo tác giả, một trong những vấn đề quan trọng cần thực hiện là làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp ủy đảng với đại hội đại biểu nhân dân, UBND, chính hiệp (Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân) và các tổ chức quần chúng; các cấp ủy đảng phải thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước và đoàn thể quần chúng để thực hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo; tiếp tục chuẩn hóa về chế độ, cơ chế đối với mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với đại hội đại biểu nhân dân, UBND, chính hiệp và các đoàn thể quần chúng. Theo tác giả, một trong những yêu cầu đặt ra là Đảng phải nâng cao nhận thức về quy luật cầm quyền của Đảng Cộng sản và Đảng phải thực sự cầm quyền một cách khoa học, dân chủ và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.
- Hoàng Văn Hổ (2014), Cầm quyền khoa học [81]. Phần thứ nhất của cuốn sách tập trung làm rõ nội hàm cầm quyền khoa học, quy luật cầm quyền khoa học, tư tưởng cầm quyền khoa học, phương pháp cầm quyền khoa học. Tác giả đã luận giải sâu sắc về vấn đề cầm quyền khoa học của Đảng Cộng sản Trung Quốc; làm sáng tỏ các quan điểm cầm quyền; ý nghĩa quan trọng, bản chất của cầm quyền khoa học; mối quan hệ biện chứng giữa cầm quyền khoa học và cầm quyền dân chủ, cầm quyền theo pháp luật; kinh nghiệm vận dụng cầm quyền khoa học… Tác giả đưa ra quan điểm: năng lực cầm quyền khoa học được tạo nên bởi các yếu tố cơ bản như: năng lực học tập đổi mới, năng lực điều tiết lợi ích, năng lực tích hợp tài nguyên, năng lực cầm quyền theo pháp luật, năng lực tự thanh lọc. Trong phần thứ hai của cuốn sách, tác giả đi sâu phân tích làm thế nào để nắm vững và vận dụng tốt cầm quyền khoa học, làm thế nào để giảm chi phí cầm quyền, nâng cao hiệu quả cầm quyền. Phương pháp nâng cao năng lực cầm quyền khoa học được tác giả chỉ ra là: tăng cường trang bị lý luận, hoàn thiện cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong phần thứ ba, cuốn sách tập trung làm rõ vấn đề xây dựng năng lực cầm quyền của đảng cầm quyền và xây dựng đảng cầm quyền.
- Viện Nghiên cứu xây dựng Đảng - Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (2019), Đảng Cộng sản Trung Quốc: 5 năm quản trị Đảng nghiêm minh
toàn diện - Thành tựu và kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng từ sau Đại hội
XVIII [188]. Cuốn sách gồm 12 chương, trong đó ở chương 12 “Thực hiện trách nhiệm
quản trị Đảng toàn diện, hình thành cục diện mới trong công tác xây dựng Đảng của tổ chức đảng các cấp”, các tác giả đã nêu những kinh nghiệm:
Đảng ủy các cấp (ban cán sự đảng) thống nhất một lòng cùng với Trung ương Đảng, căn cứ yêu cầu của Trung ương Đảng, tận tâm thực hiện trách niệm chủ thể, tập trung thực hiện tốt xây dựng Đảng, kiên trì công tác xây dựng Đảng và cùng nhau lên kế hoạch, cùng sắp xếp triển khai, cùng kiểm tra, sát hạch, nắm chắc cụ thể, đi sâu thực hiện trên mọi tuyến, mọi lĩnh vực và mọi quy trình trong công tác xây dựng Đảng, nỗ lực làm tròn trách nhiệm [188, tr. 373].
Bí thư đảng ủy các cấp (ban cán sự đảng) coi công tác xây dựng Đảng là trách nhiệm và nhiệm vụ chính, ra sức thực hiện chức trách của người chịu trách nhiệm đầu tiên, làm tốt công tác xây dựng Đảng, làm tốt chức trách của mình [188, tr. 374].
Thành viên ban lãnh đạo đảng ủy (ban cán sự đảng) cố gắng thực hiện “một vị trí hai chức trách”, làm tốt việc phân quyền quản lý theo lĩnh vực trong công tác xây dựng Đảng, làm cho công tác xây dựng Đảng thực sự hòa vào công tác phân quyền quản lý lĩnh vực quản lý hàng ngày, để cho việc thực hiện công tác xây dựng Đảng và công tác nghiệp vụ cùng thức đẩy lẫn nhau, quản việc và quản người cùng thống nhất là một [188, tr. 374].
Đảng ủy các cấp (ban cán sự đảng)… phân tầng và phân loại để xây dựng danh mục trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng, xác định rõ trách nhiệm trong quản trị Đảng bằng văn bản, kế hoạch và thời gian biểu, phân rõ chức trách theo vị trí, đúng người và công việc cụ thể [188, tr. 375].
- Lý Lương Đồng (2019), “Nghiên cứu vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo và
phương thức cầm quyền của Đảng” [80]. Trong bài viết của mình, tác giả đã nêu khá
sâu về BCSĐ:
Ban cán sự đảng trong những tổ chức này (cơ quan nhà nước - người trích) phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy đảng cùng cấp; bất kể đảng viên nào trong những tổ chức này đều phải chấp hành nghị quyết của Đảng, chịu sự giám sát của Đảng. Đảng ủy các cấp lãnh đạo chính trị đối với Đại hội Đại biểu nhân dân chủ yếu thông qua ban cán sự đảng của Đại hội Đại biểu nhân dân để quán triệt thực hiện đường lối, phương châm, chính sách của Đảng, tổ chức đảng viên trong Đại hội Đại biểu nhân dân phát huy vai trò nắm giữ chính quyền. Ban cán sự đảng của Đại hội Đại biểu nhân dân các cấp là tổ chức đảng được Đảng cầm quyền thiết lập
trong Đại hội Đại biểu nhân dân, cần phải kiên quyết quán triệt chấp hành ý chí của Đảng trong Đại hội Đại biểu nhân dân, lãnh đạo đảng viên chấp hành kỷ luật Đảng trong công tác của Đại hội Đại biểu nhân dân, quán triệt và thực hiện đường lối, phương châm, chính sách của Đảng. Đương nhiên, cấp ủy đảng ủy các cấp khi thực hiện lãnh đạo chính trị đối với Đại hội Đại biểu nhân dân tuyệt đối không có nghĩa là bao biện, làm thay công việc của Đại hội Đại biểu nhân dân, mà phải ủng hộ và bảo đảm Đại hội Đại biểu nhân dân thực hiện chức quyền, đó là quyền lập pháp, quyền quyết định, quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm và quyền giám sát [80, tr. 362].