Khái niệm BCSĐ
Điều 43 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI quy định về BCSĐ như sau: 1. Trong cơ quan hành pháp, tư pháp cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp ủy cùng cấp lập ban cán sự đảng gồm một số đảng viên công tác trong tổ chức đó…
2. Ban cán sự đảng do cấp ủy cùng cấp chỉ định; có bí thư, nếu cần, có phó bí thư. Ban cán sự đảng làm việc theo chế độ tập thể và chịu trách nhiệm trước cấp ủy.
3. Ban cán sự đảng lãnh đạo quán triệt và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; đề xuất với cấp ủy về phương hướng, nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ và quyết định theo thẩm quyền; lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng [63, tr. 66-67].
Sách Từ điển tổ chức và công tác tổ chức định nghĩa: BCSĐ là “một hình thức tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, được lập ra ở các cơ quan nhà nước, các đoàn thể
nhân dân, để giúp cấp ủy đảng thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng ở các cơ quan, đoàn thể ấy… theo quy định tại Điều lệ Đảng trong từng thời kỳ” [133, tr.15].
Trong luận án, tác giả sử dụng khái niệm trong cuốn 350 thuật ngữ xây dựng Đảng: “Ban cán sự đảng là tổ chức đảng được lập trong các cơ quan nhà nước thực hiện quyền hành pháp và quyền tư pháp cấp Trung ương, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do cấp ủy cùng cấp lập ra, gồm một số đảng viên công tác trong cơ quan đó” [136, tr. 14].
Như vậy, so với cấp ủy đảng, BCSĐ có sự khác biệt: nếu cấp ủy đảng là cơ quan lãnh đạo của tổ chức đảng giữa hai nhiệm kỳ, do đại hội đại biểu của tổ chức đảng bầu ra, thì BCSĐ là tổ chức đảng do cấp ủy cùng cấp thành lập, chỉ định, không qua bầu cử; so với đảng đoàn, BCSĐ có sự khác biệt: nếu các đảng đoàn là tổ chức đảng được lập ở cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND, cơ quan lãnh đạo của MTTQ, các TCCT-XH, một số tổ chức khác - nơi có cả đảng viên và người ngoài đảng), thì BCSĐ được lập ở cơ quan nhà nước, ở đó hầu hết là đảng viên.
Khái quát về quá trình hình thành và phát triển các BCSĐ
Ban cán sự đảng được thành lập từ năm 1930 đến nay, nhưng có sự khác nhau về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.
* Giai đoạn 1930 - 1951
Trong điều kiện Đảng mới thành lập và trong thời kỳ hoạt động bí mật, để xây dựng lực lượng cách mạng đấu tranh giành chính quyền, Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10-1930) quy định: “Chi bộ cán sự tùy theo nhiều ít đảng viên mà định chi bộ cử ra ba hoặc năm người làm ban cán sự để làm việc đảng hàng ngày; cán sự ấy làm mọi việc trong chi bộ…, ban cán sự cử một người thư ký để chấp hành nghị quyết của toàn hội chi bộ và những lời chỉ thị của thượng cấp đảng bộ” [45, tr. 122]. Điều lệ Đảng năm 1935 quy định: “Trong xứ nào có nhiều tỉnh bộ, xứ ủy chỉ huy công tác không xiết và không lanh lẹ thì xứ ủy có thể thương lượng với Ban Trung ương mà lập ra ban cán sự chỉ huy ba, bốn tỉnh, thành, đặc ủy” [46, tr. 119]. Điều lệ tóm tắt của Đảng năm 1941 quy định: “Trong đoàn thể khác, có từ hai đảng viên trở lên thì lập ra đảng đoàn.... Đảng đoàn đông người cử ra ban cán sự gồm có bí thư để làm việc hằng ngày. Ban cán sự và bí thư cấp nào phải do đảng ủy cấp ấy chuẩn y. Ban cán sự phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy về công việc trong đảng đoàn mình” [47, tr. 146-147]. Như vậy, trong những năm 1930 - 1935, BCSĐ chỉ có ở cấp chi bộ, đóng vai trò như “cánh tay nối dài” của chi bộ; chức năng, nhiệm vụ của BCSĐ là mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong nông hội, công hội, đoàn thể quần chúng và lãnh đạo đảng viên, quần chúng trong phạm vi hoạt động của chi bộ. Trong những năm 1935 - 1950, BCSĐ được
Ban Trung ương lập ra ở các xứ có nhiều tỉnh hoặc có nhiều nhiệm vụ chính trị để lãnh đạo ba, bốn thành ủy hoặc đặc ủy, thậm chí có giai đoạn BCSĐ thuộc đảng đoàn trong đoàn thể.
* Giai đoạn 1951 - 1960
Sau khi giành được chính quyền năm 1945, để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, Điều lệ Đảng do Đại hội II của Đảng (năm 1951) thông qua đã quy định:
Đối với các tỉnh bộ, thành bộ ở xa hoặc những khu vực đặc biệt, xứ ủy, khu ủy (hoặc liên khu ủy) có thể tổ chức các Ban cán sự giúp việc mình để chỉ đạo những nơi đó. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn và cách làm việc của các Ban cán sự này do xứ ủy, khu ủy (hoặc liên khu ủy) ấn định, rồi thông tri cho các tỉnh bộ, thành bộ và khu bộ đặc biệt có quan hệ biết [48, tr. 464].
Như vậy, trong giai đoạn 1951-1960, BCSĐ làm nhiệm vụ của cơ quan giúp việc cho các khu ủy, liên khu ủy, xứ ủy để chỉ đạo một số cấp ủy dưới ở xa và những khu vực đặc biệt.
* Giai đoạn 1960 - 1976
Do nhu cầu công tác, ngày 01-10-1974, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 2280-NQNS/TW thành lập Ban Cán sự B để làm nhiệm vụ lãnh đạo chính trị, tư tưởng và các mặt công tác đảng cho số cán bộ, đảng viên từ miền Nam ra miền Bắc chữa bệnh, học tập, công tác. Ngày 06-11-1976, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 2844-QĐNS/TW về việc giải thể Ban Cán sự B [49, tr. 438] do nước nhà đã thống nhất, việc đi lại công tác, chữa bệnh và học tập của cán bộ hai miền đã do các ngành và các địa phương đảm nhiệm nên Ban Cán sự B đã hết nhiệm vụ. Như vậy, trong giai đoạn này, nói chung, trong các cơ quan lãnh đạo của bộ máy nhà nước và của các đoàn thể quần chúng không có BCSĐ; BCSĐ chỉ được lập ở các cơ quan của Nhà nước trong trường hợp xét thấy cần thiết.
* Giai đoạn 1976 - 1982
Điều lệ Đảng do Đại hội IV của Đảng (năm 1976) thông qua quy định:
Ở các cơ quan khác của Nhà nước, hoặc ở các lĩnh vực công tác khác trong trường hợp xét thấy cần thiết, Ban Chấp hành Trung ương hoặc cấp ủy địa phương có thể lập ra các Ban cán sự gồm những cán bộ do Ban Chấp hành Trung ương hoặc cấp ủy chỉ định để đảm nhiệm những công việc của Đảng do Ban chấp hành Trung ương hoặc cấp ủy ủy nhiệm [50, tr. 955].
* Giai đoạn 1982 - 1991
Trong những trường hợp đặc biệt, các tổ chức đảng ở những đơn vị trực thuộc các bộ, ty, sở hoạt động lưu động và phân tán trong phạm vi nhiều địa phương, hoặc có những hoàn cảnh đặc biệt, cần giữ bí mật, mà không thể giao về đảng bộ địa phương được, thì có thể đặt dưới sự chỉ đạo của một Ban cán sự do Ban Chấp hành Trung ương hoặc cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc chỉ định, hoặc được tổ chức cùng với tổ chức, cơ sở đảng ở cơ quan thành một đảng bộ bộ, ty, sở do đảng ủy bộ, ty, sở trực tiếp lãnh đạo [51, tr.370]…
Ban Chấp hành các cấp của Đảng, tùy theo sự cần thiết được lập ra các cơ quan (ban, tiểu ban, ban cán sự) giúp việc. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn và cách làm việc của cơ quan này do cấp ủy lập ra quyết định dựa theo quy định chung của Ban Chấp hành [51, tr. 375].
Như vậy, trong giai đoạn 1982-1986, Đảng chủ trương thành lập ban cán sự do Ban Chấp hành Trung ương hoặc cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc chỉ định trong những trường hợp xét thấy cần thiết. Trong giai đoạn 1982 - 1991, Đảng chủ trương chỉ thành lập đảng đoàn trong các cơ quan dân cử, các đoàn thể quần chúng, không lập BCSĐ ở các cơ quan của Nhà nước.
* Giai đoạn 1992-1995
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, nhất là việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo, Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết tan rã và những biến động chính trị ở các nước XHCN ở Đông Âu, từ thực tiễn phương thức lãnh đạo của Đảng, Hội nghị Trung ương 3 khóa VII ngày 29-6-1992 đã quyết định:
Lập ban cán sự đảng ở Chính phủ để giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; thảo luận và đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những chủ trương, chính sách, công tác lớn, quan trọng; thảo luận và ra nghị quyết các vấn đề về tổ chức cán bộ trong danh mục được phân cấp quản lý; kiểm tra việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng trong ngành; phối hợp với các cấp ủy địa phương và các đảng ủy cơ sở trong ngành trong công tác xây dựng Đảng... [54, tr. 198].
Ngay sau đó, năm 1992, Bộ Chính trị quyết định thành lập BCSĐ Chính phủ, BCSĐ ở các bộ và cơ quan ngang bộ, BCSĐ Tòa án nhân dân tối cao, BCSĐ Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Năm 1993, Ban Bí thư quyết định thành lập BCSĐ trong cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh và cấp huyện theo Quyết định số 62-QĐ/TW ngày 15-3-1993 của Ban Bí thư Trung
ương Đảng về việc thành lập Đảng đoàn, BCSĐ ở các cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Đây là thời kỳ các BCSĐ được lập ở nhiều cơ quan nhà nước nhất.
* Giai đoạn 1996 - 2006
Điều lệ Đảng do Đại hội VIII của Đảng (năm 1996), Đại hội IX của Đảng (năm 2001) thông qua đều quy định:
Trong các cơ quan hành pháp, tư pháp cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp ủy cùng cấp lập ban cán sự đảng gồm một số đảng viên công tác trong tổ chức đó. Nơi nào không lập các ban cán sự đảng thì tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan đó thực hiện chức năng lãnh đạo theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương [55, tr. 439].
Để đáp ứng với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cho phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, năm 2001 Ban Bí thư quyết định kết thúc hoạt động của BCSĐ cấp huyện, thị xã, các sở, ngành theo Quy định số 14-QĐ/TW ngày 16-11-2001 của Bộ Chính trị “thi hành Điều lệ Đảng” [55, tr.862-864]. Ngày 28-12-2001 Ban Tổ chức Trung ương Đảng có Công văn số 863- CV/TCTW hướng dẫn thi hành quy định này.
* Giai đoạn từ năm 2006 đến nay
Điều lệ Đảng do Đại hội X, Đại hội XI của Đảng thông qua quy định: “Trong cơ quan hành pháp, tư pháp cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp ủy cùng cấp lập ra ban cán sự đảng gồm một số đảng viên công tác trong tổ chức đó” [63, tr. 66].
Hiện nay, ở Trung ương có 24 BCSĐ trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định thành lập, giải thể và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các mối quan hệ công tác. Các BCSĐ được lập ở: Chính phủ, các bộ (trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an), cơ quan ngang bộ (trừ Văn phòng Chính phủ) và 02 cơ quan thuộc Chính phủ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) và Kiểm toán Nhà nước. Ở cấp tỉnh có 03 BCSĐ do cấp ủy cùng cấp lập ra: BCSĐ UBND tỉnh, BCSĐ viện kiểm sát nhân dân tỉnh, BCSĐ tòa án nhân dân tỉnh.
Để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội thông qua tổ chức đảng, Đảng đã thành lập nhiều mô hình tổ chức đảng trong các tổ chức của HTCT, nhưng chỉ có mô hình đảng bộ, chi bộ lập tương ứng với tổ chức hành chính của Nhà nước và thực hiện chức năng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện là ổn định lâu dài ở tất cả các cấp và xuyên suốt qua các thời kỳ cách mạng, còn mô hình đảng đoàn,
BCSĐ không ổn định ở các cấp và cũng không ổn định theo thời gian trong các thời kỳ. Việc thành lập, duy trì và kết thúc hoạt động của BCSĐ ở các cấp xuất phát từ tình hình thực tế và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và hoạt động lãnh đạo của Đảng trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Khi cần thiết thì thành lập; khi thấy không cần thiết thì kết thúc hoạt động và khi lại thấy cần thiết thì lại tái lập; khi thành lập ở nhiều cấp, khi thành lập ở một số cấp; có lúc thành lập cả đảng đoàn và BCSĐ, có lúc chỉ thành lập đảng đoàn, không thành lập BCSĐ.
Khi kết thúc hoạt động của một số BCSĐ thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của BCSĐ được chuyển giao cho cấp ủy cơ quan, đơn vị, tổ chức tương ứng đảm nhiệm và thực hiện chức năng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với cơ quan, đơn vì đó là phù hợp với Điều lệ Đảng và đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, vừa nâng cao vai trò, vị thế, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, vừa góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính, giảm biên chế và giảm chi thường xuyên.
Việc lập BCSĐ ở cơ quan nhà nước có các ý nghĩa:
Một là, có tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước trực tiếp lãnh đạo cơ quan nhà
nước và chịu trách nhiệm trước cấp ủy về chất lượng nội bộ và toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước.
Hai là, thực hiện đúng nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp
và pháp luật (Đảng không chỉ thị cho cơ quan nhà nước, người đứng đầu cơ quan nhà nước, mà chỉ thị cho BCSĐ là tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước, bí thư BCSĐ là cấp ủy viên; Đảng không yêu cầu cơ quan nhà nước, người đứng đầu cơ quan nhà nước báo cáo công tác, mà chỉ yêu cầu BCSĐ và bí thư BCSĐ báo cáo).
Ba là, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng độc đoán, chuyên quyền, lộng quyền, lạm quyền của người đứng đầu ở cơ quan nhà nước hoạt động theo chế độ thủ trưởng.
Bốn là, bảo đảm chất lượng nhân sự lãnh đạo đối với cơ quan nhà nước (nhân
sự BCSĐ là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cơ quan nhà nước).