Một là, Trung ương đã ban hành hệ thống tương đối đầy đủ các văn bản liên
quan tới tổ chức và hoạt động của các BCSĐ, trong đó có BCSĐ UBND tỉnh
Trong những năm gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành các quy định, quyết định liên quan tới tổ chức và hoạt động của các BCSĐ, đảng đoàn. Để chỉ đạo tổ chức và hoạt động của các đảng đoàn, BCSĐ, những năm gần đây Bộ Chính trị đã ban hành: Quy định số 172-QĐ/TW ngày 07-3-2013 “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương”; Quyết định số 162- QĐ/TW ngày 05-12-2018 ban hành “Quy chế làm việc mẫu của đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương”. Đây là những văn bản quan trọng làm căn cứ để các BCSĐ UBND tỉnh xây dựng và ban hành quy chế làm việc. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng ban hành các quyết định, quy định về mối quan hệ giữa các tập thể, cá nhân như: Quyết định số 198-QĐ/TW ngày 18-9-2013 ban hành “Quy chế về quan hệ công tác giữa Ban cán sự đảng Chính phủ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Đảng ủy các đơn vị sự nghiệp Trung ương, các ban đảng Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương”; Quy định số 216-QĐ/TW ngày 01-4-2009 quy định (bổ sung) “Về quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư với đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và một số tổ chức đảng trực thuộc ở Trung ương”; Quyết định số 233-QĐ/TW ngày 15-5-2009 ban hành “Quy chế về quan hệ công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội, các Ban Trung ương Đảng, ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương”; Quy định 314-QĐ/TW ngày 01-7-2010 “Quy định về công tác giữa Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng đoàn các đoàn thể với tập thể lãnh đạo và Đảng ủy cơ quan, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban Trung ương đảng, các tỉnh ủy, thành ủy”; Quyết định 253-QĐ/TW ngày 07-8-2009 ban hành “Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương với đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương”; v.v..
Đối với cấp tỉnh, ngày 12-12-2018 Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 10- QĐi/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban
thường vụ cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó khẳng định BTVTU, thành ủy thành lập, chỉ định nhân sự BCSĐ UBND tỉnh, thành phố, ban hành quy chế làm việc của BCSĐ UBND tỉnh, thành phố. Ngày 14-4-2007 Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 51-QĐ/TW về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy, trong đó Điều 5 của hai văn bản trên đều quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của phó bí thư - chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đồng thời là bí thư BCSĐ UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy các văn bản này không điều chỉnh trực tiếp, nhưng các BTVTU, BCSĐ UBND tỉnh có thể tham khảo các quy định, quyết định này để vận dụng xây dựng quy chế phối hợp với các tổ chức, cá nhân có mối quan hệ công tác để phối hợp hiệu quả hơn trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Hai là, hầu hết các tỉnh ủy, BTVTU đã nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của
BCSĐ UBND tỉnh; đã xây dựng và ban hành chủ trương, chương trình, kế hoạch, quy chế, quy định lãnh đạo các BCSĐ UBND tỉnh
Đa số các tỉnh ủy, BTVTU đã nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của BCSĐ UBND tỉnh là tổ chức đảng được lập ra ở UBND tỉnh để trực tiếp lãnh đạo quán triệt và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; đề xuất với tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ công tác, công tác tổ chức, cán bộ và quyết định theo thẩm quyền; thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương của tỉnh ủy, BTVTU thành các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác của UBND tỉnh và tổ chức thực hiện; lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng tại UBND tỉnh. Các BTVTU đã kịp thời kiện toàn BCSĐ UBND tỉnh khi có thay đổi nhân sự. Sau khi Bộ Chính trị ký Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 05-12-2018 ban hành “Quy chế làm việc mẫu của đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương”, đa số các BTVTU đều chủ động tổ chức xây dựng và ban hành quy chế làm việc của BCSĐ UBND tỉnh. Trong quy chế đã quy định tương đối rõ vị trí, vai trò, chức năng của BCSĐ UBND tỉnh; chức trách, nhiệm vụ của bí thư, phó bí thư và thành viên BCSĐ UBND tỉnh. Sau khi chỉ định BCSĐ UBND tỉnh nhiệm kỳ mới, một số BTVTU chủ động lãnh đạo việc bổ sung, điều chỉnh và ban hành quy chế làm việc của BCSĐ UBND tỉnh để kịp thời cập nhật các quy định, hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương. Hằng năm, căn cứ nhiệm vụ chính trị của địa phương, hầu hết BTVTU đều chủ động xây dựng và ban hành chủ trương, chương trình, kế hoạch, lãnh đạo các BCSĐ UBND tỉnh cụ thể hóa và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền.
Ba là, nhiều tỉnh ủy, BTVTU đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trực tiếp, thường xuyên đối với hoạt động của BCSĐ UBND tỉnh
Sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trực tiếp, thường xuyên của các BTVTU đã giúp BCSĐ UBND tỉnh nhận thức và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình; các thành viên BCSĐ UBND tỉnh nhận thức và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình; các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh phối hợp công tác với BCSĐ UBND tỉnh.
Số liệu điều tra xã hội học cho kết quả: 366/378 (chiếm 96,83%) người được hỏi đánh giá các BTVTU đã lãnh đạo tốt đối với BCSĐ UBND tỉnh, trong đó 15/378 (chiếm 3,97%) đánh giá xuất sắc, 167/378 (chiếm 44,18%) đánh giá rất tốt và 184/378 (chiếm 48,68%) đánh giá tốt, chỉ có 12/378 (chiếm 3,17%) đánh giá là chưa đạt yêu cầu (Phụ lục 2).