Về điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của các ban cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh giai đoạn hiện nay (Trang 36 - 38)

Hiện nay, nước ta có 58 tỉnh trực thuộc Trung ương, được phân chia thành 06 vùng: đồng bằng sông Hồng; trung du và miền núi Bắc Bộ; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; đồng bằng sông Cửu Long.

Các tỉnh ở nước ta có quy mô diện tích, dân số chênh lệch nhau khá lớn. Trong khi diện tích của các tỉnh Nghệ An là hơn 16.000 km², Sơn La hơn 14.000 km², Đắc Lắc trên 13.000 km², Thanh Hóa là hơn 11.000 km², thì Bắc Ninh và Hà Nam chỉ có hơn 800 km². Trong khi dân số Thanh Hóa trên 3,7 triệu người, Nghệ An trên 3,3 triệu người, thì Lai Châu chỉ có trên 460.000 người, Bắc Kạn có trên 310.000 người. Trong khi mật độ dân số của tỉnh Nam Định, Thái Bình là gần 1.200 người/km², thì Lai Châu chỉ có gần 70 người/km². Các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa có cả miền núi, trung du, đồng bằng, đô thị, ven biển, như một nước Việt Nam thu nhỏ. Một số huyện của các tỉnh miền núi phía Bắc có diện tích rộng hơn cả tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hà Nam. Bên cạnh các huyện, có tỉnh có 2-3 thành phố, 3-4 thị xã thuộc tỉnh, còn một số tỉnh chỉ có thị xã.

Nước ta có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Campuchia ở phía Tây, trong đó có 25/58 tỉnh có đường biên giới trên đất liền gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên,

Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

Phía Đông nước ta giáp biển Đông, nên đường biên giới trên biển rất dài, có 25/58 tỉnh có biển, trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang lần lượt là: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. Trong đó, có nhiều tỉnh có cả đường biên giới trên đất liền và đường biên giới trên biển.

Về khí hậu, Việt Nam nằm trong vành đai nội chí tuyến, quanh năm có nhiệt độ cao và độ ẩm lớn nên khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm không thuần nhất trên toàn lãnh thổ, hình thành nên các miền và vùng khí hậu khác nhau rõ rệt. Khí hậu các tỉnh thay đổi theo mùa và theo vùng từ thấp lên cao, từ bắc vào nam và từ đông sang tây. Việt Nam có hai đới khí hậu lớn: các tỉnh phía Bắc là khí hậu nhiệt đới gió mùa, với 4 mùa rõ rệt, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam, có độ ẩm cao; các tỉnh phía Nam do ít chịu ảnh hưởng của gió mùa, khí hậu nhiệt đới khá điều hòa, nóng quanh năm và chia thành hai mùa rõ rệt. Một số tỉnh miền núi phía Bắc phải đối mặt với hiện tượng tuyết rơi và mặt đất phủ băng vào mùa đông, mưa lũ gây ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của nhân dân. Các tỉnh miền Trung hằng năm đều phải đối mặt với các cơn bão lớn gây lũ lụt, sạt lở đất, để lại hậu quả nặng nề về cả tính mạng và tài sản của nhân dân. Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây có tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đòi hỏi phải thay đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, do cấu tạo của địa hình, Việt Nam còn có những vùng tiểu khí hậu.

Địa hình các tỉnh đa dạng: đồi núi, đồng bằng, bờ biển và thềm lục địa, phản ánh lịch sử phát triển địa chất, địa hình lâu dài trong môi trường gió mùa, nóng ẩm, phong hóa mạnh mẽ. Địa hình thấp dần theo hướng Tây Bắc sang Đông Nam, được thể hiện rõ qua hướng chảy của các dòng sông lớn. Đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ, nhưng chủ yếu là đồi núi thấp. Các tỉnh ở nước ta có mạng lưới sông ngòi dày đặc chảy theo hai hướng chính là Tây Bắc - Đông Nam và vòng cung. Hai sông lớn nhất là sông Hồng và sông Mê Kông tạo nên hai vùng đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu. Chế độ nước của sông ngòi chia thành mùa lũ và mùa cạn. Mùa lũ chiếm tới 70-80% lượng nước cả năm và thường gây ra lũ lụt. Các loại tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên biển, tài nguyên sinh vật... ở các tỉnh phong phú và đa dạng. Đất ở các tỉnh

rất đa dạng, đa số có độ phì cao, thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp. Các tỉnh có hệ thực vật, quần thể động vật phong phú, đa dạng.

Với điều kiện tự nhiên như vậy, các tỉnh có thuận lợi là phát triển nông - lâm nghiệp, kinh tế biển, giúp tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn diện, góp phần quan trọng vào việc giao lưu với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tài nguyên thiên nhiên ở nhiều tỉnh khá phong phú, tạo điều kiện hình thành các vùng chuyên canh và chăn nuôi gia súc, tiềm năng về thủy điện rất lớn. Tuy nhiên, đặc điểm điều kiện tự nhiên gây khó khăn là: nhiều tỉnh nằm trong vùng có nhiều thiên tai lũ lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra hằng năm; ở các tỉnh có địa hình nhiều đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, nhiều nơi vùng sâu, vùng xa hạn chế trong phát triển và hội nhập kinh tế.

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của các ban cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh giai đoạn hiện nay (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(173 trang)