Nâng cao chất lượng các thành viên ban cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của các ban cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh giai đoạn hiện nay (Trang 142 - 146)

Chất lượng tổ chức và hoạt động của BCSĐ UBND tỉnh phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng các thành viên BCSĐ UBND tỉnh. Vừa qua, các BCSĐ UBND tỉnh thực hiện tốt vai trò của mình chính là nhờ các thành viên BCSĐ UBND tỉnh có phẩm chất, năng lực, có tính đảng, tinh thần trách nhiệm cao. Ngược lại, BTVTU có nhắc nhở

thường xuyên, đôn đốc tích cực đến mấy mà chất lượng các thành viên BCSĐ UBND tỉnh hạn chế, thì khó có thể kiện toàn được tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của BCSĐ UBND tỉnh. Vì vậy, các BTVTU cần đặc biệt chăm lo nâng cao chất lượng các thành viên BCSĐ UBND tỉnh.

Một là, tỉnh ủy, BTVTU làm tốt việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ ứng cử các chức

danh chủ tịch, phó chủ tịch và thành viên UBND tỉnh

Khi xây dựng quy hoạch cấp ủy cấp tỉnh và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, tỉnh ủy, BTVTU cần chọn đúng cán bộ quy hoạch phó bí thư tỉnh ủy - chủ tịch BCSĐ UBND tỉnh, ủy viên BTVTU - phó chủ tịch UBND tỉnh, tỉnh ủy viên - giám đốc sở nội vụ và tỉnh ủy viên - chánh văn phòng UBND tỉnh. Trong quá trình đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh, tỉnh ủy cần lãnh đạo để đại hội bầu chọn đúng các cán bộ đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực và uy tín vào tỉnh ủy và tỉnh ủy bầu vào các chức danh theo cơ cấu nêu trên. Tỉnh ủy giới thiệu và thông đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh bầu các cán bộ trên vào UBND tỉnh, bầu đúng chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh. Đương nhiên, toàn bộ quá trình này phải được thực hiện dân chủ, khách quan, đúng quy định, quy trình để chọn được đúng chủ tịch, phó chủ tịch, chánh văn phòng UBND tỉnh và giám đốc sở nội vụ để BTVTU chỉ định tham gia BCSĐ UBND tỉnh.

Hai là, tổ chức tập huấn cho các thành viên BCSĐ UBND tỉnh sau khi được chỉ định Sau khi BTVTU lập BCSĐ UBND tỉnh nhiệm kỳ mới, cần tổ chức tập huấn cho các thành viên của tổ chức này. Nội dung tập huấn gồm: thứ nhất, các nghị quyết, văn bản quy định, hướng dẫn hiện hành của Trung ương liên quan tới tổ chức và hoạt động của BCSĐ UBND tỉnh; thứ hai, quy định của BTVTU về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, các mối quan hệ công tác chủ yếu của BCSĐ UBND tỉnh; thứ ba, quy định về chức trách, nhiệm vụ của từng thành viên BCSĐ UBND tỉnh. Tham gia truyền đạt ở lớp tập huấn này là bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, có thể là chuyên gia ở các cơ quan tham mưu, giúp việc Trung ương Đảng am hiểu sâu sắc và có nhiều kinh nghiệm về BCSĐ UBND tỉnh để có thể trao đổi, giải đáp thắc mắc của các thành viên BCSĐ UBND tỉnh.

Ba là, tổ chức lớp tập huấn định kỳ hằng năm cho các thành viên BCSĐ UBND tỉnh Hằng năm, Trung ương ban hành các nghị quyết, văn bản, hướng dẫn, quy định mới có liên quan tới tổ chức và hoạt động của BCSĐ UBND tỉnh. Hơn nữa, thành viên của BCSĐ UBND tỉnh có thể thay đổi, bổ sung so với đầu nhiệm kỳ. Vì vậy, cần tổ chức lớp tập huấn định kỳ hằng năm cho các thành viên BCSĐ UBND tỉnh, đặc biệt là đối với thành viên mới được chỉ định bổ sung vào BCSĐ UBND tỉnh. Có nhiều hình thức tập huấn: tại

cơ sở đào tạo cán bộ của Trung ương, thông qua hội thảo, trao đổi kinh nghiệm… Đối tượng giảng dạy lớp tập huấn có thể là chuyên gia ở các ban đảng Trung ương trực tiếp tham mưu các quy định, hướng dẫn mới; cán bộ từng giữ vị trí đó đã nghỉ hưu, hết nhiệm kỳ trao đổi về kỹ năng, cách xử lý công việc, những sai sót thường mắc phải, những kinh nghiệm thành công và thất bại trong công việc… để thành viên đương nhiệm rút kinh nghiệm. Nội dung tập huấn phải thường xuyên được cập nhật thông tin, kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, những văn bản có liên quan tới tổ chức và hoạt động của BCSĐ UBND tỉnh, đặc biệt là những điểm bổ sung, điều chỉnh. Sau tập huấn có bài kiểm tra đánh giá nhận thức của người học về những nội dung được tập huấn.

Bốn là, đề cao ý thức tự phấn đấu, rèn luyện, nêu gương của các thành viên BCSĐ UBND tỉnh

Bản thân mỗi thành viên BCSĐ UBND tỉnh phải tích cực tự học tập, nghiên cứu để nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phải tự bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nhất là tính đảng. Đồng thời, mỗi người phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới, kinh nghiệm của các BCSĐ UBND tỉnh khác, rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng; nêu cao ý thức trách nhiệm, phát huy năng lực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; không vi phạm những điều đảng viên không được làm, không vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thành viên BCSĐ UBND tỉnh phải tăng cường đi cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, cùng trao đổi ý kiến, tháo gỡ khó khăn, giải quyết công việc trực tiếp tại cơ sở ở địa phương, lĩnh vực mình được phân công phụ trách. Trước khi đi cơ sở phải xác định mục đích, tính chất, nội dung để bố trí làm việc cho hợp lý; làm việc phải thiết thực, tránh hình thức. Sau khi đi cơ sở về phải giải quyết được khó khăn, vướng mắc, thu nhận, phát hiện, đề xuất ý kiến với BCSĐ UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Năm là, tăng cường chế độ tự chịu trách nhiệm, trách nhiệm nêu gương đối với

các thành viên BCSĐ UBND tỉnh

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu, về ý thức “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” [61, tr. 243]. Theo đó, trong phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCSĐ UBND tỉnh cần chỉ rõ cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực được phân công của từng thành viên. Các BCSĐ

UBND tỉnh cần xây dựng bảng phân công nhiệm vụ, trong đó định lượng được khối lượng công việc được giao, trách nhiệm nêu gương của từng thành viên. Đây sẽ là căn cứ chính để đánh giá, xếp loại hằng năm và căn cứ để thực hiện công tác thi đua - khen thưởng, đảm bảo công bằng, tạo động lực đối với những thành viên có năng lực, đóng góp, có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, các tỉnh ủy thực hiện tốt Kết luận số 14- KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Sáu là, thực hiện có chất lượng việc lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn của tỉnh ủy

đối với phó bí thư tỉnh ủy là bí thư BCSĐ, của HĐND tỉnh đối với chủ tịch, các phó chủ tịch và thành viên UBND tỉnh là thành viên BCSĐ UBND tỉnh

Thực hiện thường xuyên, nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm và chất vấn của BCHĐB tỉnh đối với đồng chí phó bí thư thường trực tỉnh ủy được chỉ định làm bí thư BCSĐ UBND tỉnh trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Cần sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm làm một trong những căn cứ để đánh giá, sử dụng cán bộ; đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc giám sát sau khi chất vấn, đặc biệt với những vấn đề còn hạn chế, khuyết điểm để nâng cao chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ của bí thư BCSĐ UBND tỉnh.

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND tỉnh thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của UBND tỉnh. UBND tỉnh do HĐND tỉnh bầu ra, là cơ quan chấp hành của HĐND tỉnh, chịu trách nhiệm trước HĐND tỉnh và cơ quan nhà nước cấp trên. Chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh đều do HĐND tỉnh bầu ra, các chức danh giám đốc sở nội vụ và chánh văn phòng UBND tỉnh do HĐND tỉnh phê duyệt. HĐND tỉnh có quyền bỏ phiếu tín nhiệm và thực hiện chất vấn với các chức danh này. Tuy nhiên, việc thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm của HĐND tỉnh đối với chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc sở nội vụ và chánh văn phòng UBND tỉnh ở hầu hết các địa phương còn mang tính hình thức, chiếu lệ, nể nang, “dĩ hòa vi quý”, nên chưa phát huy được tác dụng của hình thức giám sát này. Để khắc phục hạn chế này, BTVTU cần lãnh đạo việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm thực chất, hiệu quả hơn. Cần xây dựng quy trình lấy phiếu tín nhiệm, trong đó người bỏ phiếu được cung cấp đầy đủ thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ của chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh liên quan tới nội dung bỏ phiếu tín nhiệm, có đủ thời gian nghiên cứu các tài liệu được cung cấp. Hình thức, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm cần được xây dựng và thực hiện khách quan, minh bạch, đảm

bảo phát huy tối đa dân chủ của người bỏ phiếu. Cần có cơ chế tiếp thu, xử lý sau khi bỏ phiếu tín nhiệm, đặc biệt đối với các chức danh bị tín nhiệm thấp. Thực hiện công khai, dân chủ việc chất vấn với thành viên BCSĐ UBND tỉnh là chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc sở nội vụ và chánh văn phòng UBND tỉnh đối với các lĩnh vực được BCSĐ UBND tỉnh phân công phụ trách trong các cuộc họp của HĐND tỉnh, đặc biệt là các vấn đề nổi cộm tại địa phương. Đối với những vấn đề các thành viên BCSĐ UBND tỉnh chưa trả lời chất vấn trực tiếp tại cuộc họp, yêu cầu trả lời bằng văn bản trong vòng 15 ngày. Thực hiện nghiêm cơ chế giám sát của HĐND sau chất vấn để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của các thành viên UBND tỉnh là thành viên BCSĐ UBND tỉnh.

Bảy là, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của

các thành viên BCSĐ UBND tỉnh

Ban thường vụ tỉnh ủy cần lãnh đạo việc thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với hoạt động của các thành viên BCSĐ UBND tỉnh. Nội dung kiểm tra, giám sát cần thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và những quy định cán bộ, đảng viên, công chức không được làm đối với các thành viên phụ trách các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm như đầu tư, đất đai; công tác tổ chức, cán bộ. Hình thức kiểm tra, giám sát cần đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và từng nội dung. Sau khi có báo cáo kết quả giám sát hoặc kết luận kiểm tra, BTVTU cần có cơ chế xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với những vi phạm, đảm bảo tính giáo dục, răn đe với đối tượng được kiểm tra và các thành viên khác của BCSĐ UBND tỉnh.

Tỉnh ủy cần lãnh đạo ủy ban kiểm tra tỉnh ủy thực hiện kiểm tra định kỳ, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các thành viên BCSĐ UBND tỉnh. Khi có sai phạm liên quan tới tổ chức và hoạt động của BCSĐ UBND tỉnh, công tác kiểm tra, giám sát cần làm rõ trách nhiệm cá nhân trong từng vi phạm, tránh tình trạng “cá nhân quyết định, tập thể chịu trách nhiệm”. Điều này sẽ có ý nghĩa giáo dục, răn đe đối với những thành viên chưa có ý thức trách nhiệm đầy đủ trong thực hiện nhiệm vụ.

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của các ban cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh giai đoạn hiện nay (Trang 142 - 146)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(173 trang)