* Khái niệm tổ chức
Hiện nay, khái niệm tổ chức được tiếp cận từ các góc độ khác nhau, dẫn đến có các quan niệm khác nhau. Dưới góc độ triết học, “tổ chức, nói rộng là cơ cấu tồn tại của sự vật. Sự vật không thể không tồn tại mà không có một hình thức liên kết nhất định các yếu tố thuộc nội dung. Tổ chức vì vậy là thuộc tính của bản thân các sự vật” [43, tr. 28]. Theo P.M Kécgientxép, “tổ chức nghĩa là liên hiệp nhiều người lại để thực hiện một công tác nhất định. Chúng ta có thể gọi bản thân hình thức liên hiệp đó là một tổ chức” [94, tr. 10].
Từ điển tổ chức và công tác tổ chức định nghĩa:
Tổ chức là hình thức tập hợp, liên kết các thành viên trong xã hội (cá nhân, tập thể) để cùng nhau hành động vì mục đích chung… Nói chung, tổ chức thường có điều lệ, quy chế, nội quy hoạt động, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các thành viên và mối quan hệ của các thành viên trong tổ chức… Theo nghĩa động từ, tổ chức là việc làm để tập hợp những con người cùng hành động đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cộng đồng; hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền để xây dựng cơ cấu bộ máy làm việc, định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ phận, từng cá nhân trong tổ chức, đưa ra khỏi những tổ chức những người không còn phù hợp, bổ sung thêm những người còn thiếu, đề ra chương trình, kế hoạch và cách thức hành động của các thành viên để tổ chức đó hoạt động có kết quả” [133, tr. 682].
Tổ chức: làm cho thành một chỉnh thể, một cấu tạo, một cấu trúc và có những chức năng chung nhất định, làm cho thành có trật tự, có nền nếp; tập hợp người được tổ chức lại, hoạt động vì những quyền lợi chung, nhằm một mục đích chung [110, tr. 1007].
Trong luận án, tác giả sử dụng khái niệm tổ chức theo nghĩa là một danh từ, tổ chức là hình thức tập hợp, liên kết các thành viên để cùng hành động vì mục đích chung.
Khái niệm tổ chức bao gồm: vị trí, vai trò của tổ chức; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức; cơ cấu tổ chức nội bộ tổ chức (còn gọi là tổ chức bộ máy); nguyên tắc tổ chức và quy chế làm việc của tổ chức; các mối quan hệ công tác của tổ chức.
* Khái niệm tổ chức BCSĐ UBND tỉnh
Từ khái niệm tổ chức, có thể hiểu: Tổ chức của BCSĐ UBND tỉnh là khái niệm để định hình tổ chức của BCSĐ UBND tỉnh, bao gồm: cơ cấu nhân sự của BCSĐ UBND tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BCSĐ UBND tỉnh; chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên BCSĐ UBND tỉnh; nguyên tắc, cơ chế hoạt động và quy chế làm việc, các chế độ công tác chủ yếu của BCSĐ UBND tỉnh; các mối quan hệ
chủ yếu của BCSĐ UBND tỉnh.