Nội dung quản lý xã hội đối với làng nghề

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN QLXH LÀNG NGHỀ ở Đồng Tháp (Trang 28 - 36)

1.2.1.1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề

Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch là những công cụ của hoạch định, là nhiệm vụ cơ bản trong hoạt động quản lý. Bất kỳ một lĩnh vực quản lý nào muốn đạt được hiệu quả đều cần xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và QLXH nhằm phát triển các làng nghề cũng không ngoại lệ. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đúng đắn, hiệu quả là một trong những nội dung quan trọng của QLXH nhằm phát triển các làng nghề bền vững.

Hiện nay, sự phát triển làng nghề trên thực tế vẫn chưa có những định hướng rõ ràng trong khi làng nghề đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Chính vì vậy, để các làng nghề phát triển bền vững đòi hỏi phải có chiến lược phát triển đúng đắn, xây dựng được quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề cụ thể, hiệu quả.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về chiến lược, từ có nguồn gốc từ lĩnh vực quân sự nhưng có thể hiểu chiến lược là chương trình hành động, kế hoạch hành động được thiết kế để đạt được một mục tiêu cụ thể, là tổ hợp các mục tiêu dài hạn và các biện pháp, các cách thức, con đường đạt đến các mục tiêu đó. Vậy, xây dựng chiến lược phát triển làng nghề nghĩa là việc định hướng phát triển làng nghề trong một giai đoạn nhất định, trong đó có đánh giá thực trạng hiện tại, dự báo tương lai để đưa ra các biện pháp, cách thức và con đường để các làng nghề phát triển theo mục tiêu đã đề ra. Chiến lược thường mang tầm dài hạn và có dự báo về tương lai xa hơn. Muốn xây dựng chiến lược phát triển làng nghề có cơ sở khoa học, nhất thiết phải tiến hành hoạt động dự báo. Đó là các dự báo về tài nguyên thiên nhiên, thị trường, sự biến động của kinh tế trong nước và thế giới, sự phát triển của khoa học công nghệ… Hoạt động dự báo càng đầy đủ và hiệu quả thì chiến lược xây dựng càng có tính khả thi và sát thực tế.

Quy hoạch, kế hoạch là qui định, là hoạch định một cách có kế hoạch, có cơ sở khoa học trong tổng thể nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài. Việc xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hoá các tầm nhìn của chiến lược và mục tiêu của quy hoạch để từng bước thực hiện và biến chiến lược, quy hoạch thành thực tế. Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch mà có kế hoạch thực hiện từng giai đoạn, từng thời kỳ, nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch giúp cho các làng nghề hoạt động một cách khoa học, hợp lý, ổn định và hiệu quả.

Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề cần căn cứ vào chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương nơi có làng nghề đang hoạt động, dựa vào điều kiện tự nhiên,

kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, nhu cầu của thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết quả thực hiện các quy hoạch, kế hoạch trước đó…

Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề bên cạnh các yếu tố khách quan phải dựa trên cơ sở nội lực của các làng nghề là chủ yếu, vai trò của Nhà nước cũng như các chủ thể QLXH được xác định trong việc định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện và môi trường cho làng nghề phát triển. Cần chú ý đến kết hợp hài hòa giữa công nghệ truyền thống với công nghệ tiên tiến hiện đại sao cho vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa giữ được nét đặc trưng của sản phẩm, nét văn hóa riêng của sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, đây là nền tảng cho các làng nghề phát triển bền vững.

1.2.1.2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách về phát triển làng nghề

Hệ thống các chính sách của Nhà nước có những tác động to lớn và có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các làng nghề nói riêng. Chính sách đúng đắn, sát với thực tế và được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ sẽ thúc đẩy các làng nghề phát triển, ngược lại, chính sách không mang tính thực tiễn, không phù hợp với các điều kiện thực tế sẽ kìm hãm sự phát triển, thậm chí làm cho làng nghề mai một, thất truyền, không thể tiếp tục hoạt động. Vì vậy, quá trình chính sách bao gồm các khâu hoạch định, ban hành, tổ chức thực hiện và hoàn thiện các chính sách nhằm phát triển làng nghề là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý, QLXH đối với các làng nghề.

Xây dựng các chính sách phát triển bền vững làng nghề phải là những chính sách tạo ra sự phát triển cho các làng nghề với các yêu cầu bền vững về cả 3 mặt, đó là: kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó:

+ Chính sách phát triển làng nghề về kinh tế là những giải pháp cụ thể tạo điều kiện cho các ngành nghề, các đơn vị kinh tế (các cơ sở sản xuất kinh doanh nghề, hộ làm nghề, doanh nghiệp, Hợp tác xã..) trong làng nghề phát triển kinh tế ổn định, không ngừng gia tăng giá trị sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Có thể kể đến các chính sách như: chính sách đất đai cho làng nghề, chính sách phát triển vùng nguyên liệu, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách về tín dụng, chính sách xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách thuế, phí và lệ phí đối với làng nghề…

+ Chính sách phát triển làng nghề về xã hội là những giải pháp cụ thể mang tính hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong làng nghề tuân thủ các quy định của luật pháp, các khế ước của làng nhằm giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa trong sản phẩm ngành nghề, cùng nhau xây dựng lề lối hoạt động của làng nghề để vừa đảm bảo việc làm, thu nhập cho lao động, dân cư trong làng, vừa giữ gìn an ninh trật tự xã hội và thu hút được nhiều khách tham quan trong và người nước. Như các chính sách về đào tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề, chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề, chính sách giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho lao động của các làng nghề…

+ Chính sách bảo vệ môi trường làng nghề là các biện pháp cụ thể định hướng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong làng nghề thực hiện bảo vệ môi trường. Cải tiến thiết bị công nghệ cũ, khuyến khích các đơn vị áp dụng công nghệ mới có tính năng tiết kiệm tài nguyên và đầu tư vào

xử lý ô nhiễm môi trường, không gây tác hại đối với con người và các hoạt động kinh tế khác trong làng nghề hiện tại cũng như trong tương lai.

Sau quá trình hoạch định và ban hành các chính sách về phát triển làng nghề, khâu tổ chức thực hiện các chính sách có vai trò rất quan trọng, quyết định hiệu quả của các chính sách đã ban hành. Tổ chức thực hiện các chính sách về phát triển làng nghề là việc xây dựng bộ máy, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đưa các chính sách vào thực tiễn. Đây là công việc quan trọng, cần phải tiến hành có kế hoạch, phù hợp với điều kiện thực tế, công khai, minh bạch, tránh chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị để quá trình triển khai các chính sách phát triển làng nghề đạt mục tiêu và có hiệu quả.

1.2.1.3. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với làng nghề

Công tác giám sát, thanh tra và kiểm tra đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý nói chung, QLXH nói riêng. Theo Từ điển tiếng Việt thì “kiểm tra là xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét” [46, tr. 231]. Hiểu một cách chung nhất, kiểm tra là loại hoạt động mà chủ thể kiểm tra tiến hành xem xét tình hình thực tế của đối tượng kiểm tra để đưa ra những đánh giá, nhận xét, kiến nghị, xử lý. Còn thanh tra là sự kiểm soát đối với đối tượng bị thanh tra trên cơ sở thẩm quyền được giao nhằm đạt mục đích nhất định. Giám sát, xét về bản chất là hoạt động theo dõi, xem xét xem có thực hiện đúng quy định hay không. Như vậy, giữa giám sát, thanh tra và kiểm tra cũng có những nét tương đồng nhất định nhưng xét về thực tế thì đây là ba hoạt động độc lập với những mục đích cụ thể khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Những hoạt động của làng nghề cần được giám sát, kiểm tra, thanh tra bởi các cơ quan chức năng để phát triển đúng hướng và bền vững. Giám sát các làng

nghề là hoạt động thường xuyên và liên tục, còn thanh kiểm tra các vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của làng nghề có thể thực hiện định kỳ hoặc đột xuất nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm pháp luật, sai phạm chính sách trong hoạt động của làng nghề, giúp sớm nhận thấy những hạn chế để khắc phục và ngăn ngừa sai phạm.

Hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các làng nghề do nhiều chủ thể tiến hành như Đảng, Nhà nước, các tổ chức CT-XH, XH- NN. Ngoài ra, có thể thành lập đoàn kiểm tra, giám sát với sự tham gia và phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành để đảm bảo chất lượng của công tác thanh, kiểm tra. Hình thức thực hiện thanh, kiểm tra có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua báo cáo của địa phương, báo cáo của các làng nghề, hội nghề nghiệp.

Nội dung của hoạt động giám sát, thanh, kiểm tra đối với các làng nghề rất phong phú, bao trùm các mặt hoạt động và phát triển của làng nghề như: giám sát công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề; giám sát hình hình thực hiện Nghị quyết HĐND về bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; thanh, kiểm tra các cơ sở làng nghề về chất lượng sản phẩm, khuyến khích đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, quy trình quản lý; thanh, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chính sách phát triển làng nghề, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến phát triển làng nghề…Thực hiện tốt các nội dung giám sát, thanh, kiểm tra đối với làng nghề sẽ giúp công tác quản lý các làng nghề đạt hiệu quả, thiết lập trật tự kỷ cương, bảo vệ lợi ích và quyền lợi của các làng nghề, kịp thời phát hiện những hạn chế, sai phạm để có biện pháp xử lý, giúp các làng nghề phát triển bền vững.

1.2.1.4. Tổng kết, báo cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với hoạt động của lang nghề

Tổng kết, báo cáo có vai trò quan trọng trong quản lý nhằm phản ánh tình hình thực tế, trình bày kết quả hoạt động một cơ quan, tổ chức trong một thời gian nhất định, qua đó giúp đánh giá tình hình quản lý, lãnh đạo và đề xuất những chủ trương, biện pháp quản lý mới. Vì vậy, tổng kết, báo cáo tình hình hoạt động của các làng nghề phải là một việc làm thường xuyên của các cấp quản lý nhằm đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu quản lý đối với làng nghề. Thông qua hoạt động này, các chủ thể QLXH đối với làng nghề có thể kịp thời nắm bắt tình hình, nhìn nhận ưu điểm và hạn chế, phát hiện những sai lệch, tiến độ thực hiện các kế hoạch, chính sách phát triển làng nghề, từ đó đưa ra những biện pháp tác động điều chỉnh để hoạt động quản lý làng nghề đạt kết quả và mục tiêu đề ra.

Bên cạnh công tác tổng kết, báo cáo thì công tác thi đua, khen thưởng cũng có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý. Sinh thời Bác Hồ từng nói: “Thi đua là gieo giống, khen thưởng là thu hoạch”. Thi đua và khen thưởng thực sự là động lực tinh thần để thúc đẩy sức lao động tự nguyện, sáng tạo của mỗi tập thể, cá nhân nhằm tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần mới cho xã hội một cách tốt nhất. Tuyên dương, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể, làng nghề đã chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất sẽ góp phần động viên, tạo động lực để các tập thể, cá nhân này phát huy hơn nữa thành tích của mình, tạo nên phong trào thi đua, là tấm gương cho các cá nhân, tập thể và làng nghề khác học hỏi và noi theo, thúc đẩy các làng nghề cùng phát triển.

Trong bất cứ hoạt động nào của xã hội, vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan đều có thể xảy ra vi phạm, vì vậy việc xử lý vi phạm là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhằm duy trì trật tự, kỷ cương. Xử lý vi phạm đối với các hoạt động của làng nghề cần được thực hiện nghiêm túc, công bằng dựa trên quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước quy định các vấn đề liên quan đến làng nghề. Việc xử lý vi phạm phải vừa mang tính răn đe vừa mang tính ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay cần được đặc biệt quan tâm, xử lý triệt để, tránh hình thức, tạo điều kiện làng nghề phát triển bền vững.

1.2.1.5. Tổ chức chính trị - xã hội, xã hội- nghề nghiệp trong tham gia quản lý xã hội đối với làng nghề.

Tổ chức CT-XH là các tổ chức tự nguyện được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương. Đây là tổ chức đại diện cho ý chí của các tầng lớp trong xã hội trong hoạt động của bộ máy nhà nước, bao gồm: Mặt trận tổ quốc, Liên đoàn lao động, Ðoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh.

Tổ chức XH-NN là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức cùng ngành nghề , có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có nhiều tổ chức XH-NN ở Việt Nam hiện nay bao gồm các Hội, Liên hiệp các Hội, Hiệp hội đã và đang có những đóng góp tích cực cho xã hội nói chung, cho ngành nghề của mình nói riêng.

Đối với sự phát triển của các làng nghề, vai trò tham gia QLXH, giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức CT-XH, XH-NN là rất quan trọng thông qua các hoạt động cụ thể như: tuyên truyền vận động trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, tập hợp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề. Đặc biệt, Hiệp hội làng nghề Việt Nam được thành lập vào ngày 03 tháng 02 năm 2005 theo quyết định số 22/2005/QĐ-BNV của Bộ Nội Vụ đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của các làng nghề ở Việt Nam với vai trò: tập hợp, đoàn kết các làng nghề; góp sức bảo tồn, phát triển làng nghề Việt Nam; tìm các biện pháp giải quyết các khó khăn do quá trình phát triển đặt ra; đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên làng nghề; góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN QLXH LÀNG NGHỀ ở Đồng Tháp (Trang 28 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)