Quá trình phát triển làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp thời gian qua

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN QLXH LÀNG NGHỀ ở Đồng Tháp (Trang 55 - 62)

2.1.2.1. Sự hình thành và phát triển các làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp

làng nghề là một trong những đặc thù của nông thôn Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Nhiều sản phẩm được sản xuất trực tiếp tại các làng nghề đã trở thành thương phẩm trao đổi, góp phần cải thiện đời sống gia đình và tận dụng những lao động dư thừa lúc nông nhàn. Đa số các làng nghề đã trải qua lịch sử phát triển hàng trăm năm, song song với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và nông nghiệp của Tỉnh như : Dệt chiếu ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò có lịch sử trên 100 năm. Trồng hoa kiểng Sa Đec, Dệt khăn

choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự cũng có lịch sử lâu đời lâu đời không kém. Nghề dệt khăn choàng xuất xứ từ nghề dệt quần lãnh đen, với thương hiệu Lãnh Mỹ A nổi tiếng một thời.

Nếu đi sâu vào tìm hiểu về nguồn gốc của các sản phẩm từ các làng nghề đó, có thể thấy rằng hầu hết các sản phẩm này ban đầu đều được sản xuất để phục vụ sinh hoạt hàng ngày hoặc là công cụ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu được làm trong lúc nông nhàn. Kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất cơ bản để làm ra các sản phẩm này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trước đây, làng nghề không chỉ là trung tâm sản xuất sản phẩm thủ công mà còn là điểm văn hóa của khu vực, của vùng. Làng nghề là nơi hội tụ những thợ thủ công có tay nghề cao mà tên tuổi đã gắn liền với sản phẩm trong làng. Ngoài ra, làng nghề cũng chính là điểm tập kết nguyên vật liệu, là nơi tập trung những tinh hoa trong kỹ thuật sản xuất. Các mặt hàng sản xuất ra không chỉ để phục vụ sinh hoạt hàng ngày mà còn bao gồm cả các sản phẩm mỹ nghệ, đồ thờ cúng, dụng cụ sản xuất,... nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.

Trong vài năm gần đây, làng nghề đang thay đổi nhanh chóng theo nền kinh tế thị trường, các hoạt động sản xuất tiểu thủ công phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu được tạo điều kiện phát triển. Quá trình CNH cùng với việc áp dụng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, thúc đẩy sản xuất tại các làng nghề đã làm tăng mức thu nhập bình quân của nguời dân nông thôn, các công nghệ mới đang ngày càng được áp dụng phổ biến. Các làng nghề mới và các cụm làng nghề không ngừng được khuyến khích phát triển nhằm đạt được sự tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định ở khu vực nông thôn.

2.1.2.2.Tình hình phát triển các làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp thời gian qua

Về số lượng các làng nghề: trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có nhiều làng có nghề với những ngành nghề khác nhau như: Trồng hoa kiểng, Sản xuất bột, Dệt choàng, Dệt chiếu, Đóng xuồng ghe, Đan lục bình, Đan giỏ xách, lờ lọp, thúng, bội, mê bồ … Số lượng làng nghề được UBND Tỉnh chính thức công nhận tính đến cuối năm 2017 là 43 làng nghề căn cứ theo quyết định số 37/2005/QĐ.UB ngày 18/3/2005 quy định tiêu chí làng nghề TTCN và Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 quy định về công nhận và quản lý làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. (Xem phụ lục 1). Như vậy, Đồng Tháp là địa phương có nhiều làng nghề nhất hiện nay so với

các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, kế đến là An Giang (20), Bến Tre (18), Vĩnh Long (17), Sóc Trăng và Tiền Giang (13), Bạc liêu (8) và ít nhất là Trà Vinh (3)

[12, tr. 63]

Về phân bố không gian theo lãnh thổ của các làng nghề: Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau như vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, mật độ phân bố dân cư, điều kiện xã hội và truyền thống lịch sử, sự phân bố và phát triển làng nghề giữa các địa phương của Tỉnh là không đồng đều, thông thường tập trung vào những khu vực nông thôn đông dân cư nhưng ít đất sản xuất nông nghiệp, nhiều lao động dư thừa lúc nông nhàn. Các làng nghề trong tỉnh chủ yếu tập trung ở các huyện phía Nam sông Tiền như: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và TP. Sa Đéc. Trong đó, địa phương có nhiều làng nghề nhất là huyện Lấp Vò, với 14 làng nghề được công nhận (chiếm tỷ trọng 33 %) và địa phương có ít làng nghề nhất là Huyện Hồng Ngự và Tháp Mười; mỗi huyện mới có 1 làng nghề; (chiếm tỷ trọng 2%).

Biểu đồ 2.1. Phân bố các làng nghề theo đơn vị hành chính cấp huyện 9% 14% 33% 12% 2% 7% 2% 9% 12% H. Châu Thành H. Lai Vung H. Lấp Vò H. Thanh Bình H. Hồng Ngự H. Cao Lãnh H. Tháp Mười TP. Cao Lãnh TP. Sa Đec (Nguồn: Sở NN&PTNT Đồng Tháp)

Hoạt động làng nghề trên địa bàn Tỉnh có thể chia thành các nhóm chính sau:

- Làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ: có số lượng làng nghề lớn, phân bố khá đều trong Tỉnh, phần nhiều sử dụng lao động lúc nông nhàn, không yêu cầu trình độ cao, hình thức sản xuất thủ công và gần như ít thay đổi về quy trình sản xuất so với thời điểm khi hình thành nghề. Phần lớn các làng chế biến lương thực, thực phẩm của Tỉnh là các làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như nấu rượu, làm nem, hủ tiếu... với nguyên liệu chính là gạo, ngô, khoai, sắn, đậu và thường gắn với hoạt động chăn nuôi ở quy mô gia đình điển hình như làng nghề truyền thống sản xuất bột chăn nuôi heo ở xã Tân Phú Đông, TP. Sa Đéc, xã Tân Phú Trung, Tân Bình, huyện Châu Thành.

- Làng nghề dệt chiếu, dệt choàng, đan lát lục bình, đan võng, đan lưới, đan bội... nhiều làng có từ lâu đời, có các sản phẩm mang tính lịch sử, văn hóa, mang đậm nét địa phương. Những sản phẩm như chiếu, từ lục bình, cói... không chỉ là những sản phẩm có giá trị mà còn là những tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao. Quy trình sản xuất không thay đổi nhiều, với nhiều lao động có tay nghề cao. Tại các làng nghề nhóm này, lao động nghề thường là lao động chính (chiếm tỷ lệ cao hơn lao động nông nghiệp). Điển hình như làng nghề dệt choàng ấp Long Tã, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự; làng nghề dệt chiếu xã Định An, Định Yên, huyện Lấp Vò; làng nghề sản xuất chổi lông gà, ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò.

- Làng nghề hoa kiểng: ngành nghề hoa kiểng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã hình thành được hơn 100 năm. Hiện nay, có 3 khu vực trồng hoa, cây kiểng chính là TP. Sa Đéc, TP. Cao Lãnh và huyện Hồng Ngự. Diện tích trồng hoa, cây kiểng tập trung ở TP Sa Đéc với hơn 506 ha, quy mô hơn 2.300 hộ canh tác, hơn 1.500 chủng loại hoa. [27] “Làng hoa kiểng Sa Đéc” cũng đã được định hướng trở thành "thành phố hoa của khu vực Nam Bộ" trong Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020. [34]

- Các nhóm ngành khác: bao gồm các làng nghề chế tạo nông cụ thô sơ như cày bừa, cuốc xẻng, liềm hái, mộc gia dụng, đóng thuyền, làm quạt giấy, dây thừng, đan vó, đan lưới, làm lưỡi câu… những làng nghề nhóm này xuất hiện từ lâu, sản phẩm phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của địa phương. Lao động phần lớn là thủ công với số lượng và chất lượng ổn định. Điển hình như làng nghề truyền thống đóng xuồng, ghe ở ấp Long Hòa, xã Long Hậu; làng nghề đan Lờ, Lợp ở ấp Long Bình, xã Hòa Long huyện Lai Vung…

Về tình hình phát triển của các làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp thời gian qua: Các sản phẩm của nghề trên địa bàn tỉnh khá đa dạng, với khoảng 24 loại hình khác nhau gồm những nhóm sản phẩm chính như: đan đát, chế biến lương thực, thực phẩm, nuôi trồng thủy sản, trồng hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ,…với khoảng 2% số hộ nông thôn tham gia, giải quyết việc làm ổn định cho trên 19.345 lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hình thành các cụm dân cư, đô thị hoá nông thôn. Số cơ sở tham gia làng nghề toàn tỉnh là 7.738 cơ sở, chiếm 16,6% số hộ trên địa bàn có nghề. Giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn đạt 652.241 triệu đồng, ngành nghề chiếm tỷ trọng cao nhất là nhóm gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh chiếm 95,37% tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn. Qua đó, cho thấy đây là ngành thế mạnh của tỉnh. Hiện nay có 2.300 hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoa kiểng, thu nhập bình quân/năm của mỗi cơ sở là 150 - 200 triệu đồng/cơ sở. [42]

Số lao động tham gia hoạt động trong làng nghề, ngành nghề nông thôn ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay là 19.345 lao động. Đặc thù làng nghề, ngành nghề nông thôn Đồng Tháp sử dụng số lượng lớn lao động nữ, lao động gia đình và lao động ngoài độ tuổi, cụ thể: lao động gia đình 10.352 lao động (chiếm 53,51%), lao động nữ (chiếm 81,66%) với 15.797 lao động, lao động ngoài đội tuổi 3.133 lao động (chiếm 16,2%). [42] Qua đó cho thấy, các làng nghề, ngành nghề nông thôn đã giải quyết việc làm cho lượng lớn số lượng lao động nông nhàn, tận dụng lao động gia đình, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân ở khu vực nông thôn.

Về thu nhập của các làng nghề: theo báo cáo công tác bảo tồn và phát triển làng nghề năm 2017 của Sở NN&PTNT thì mức thu nhập bình quân của

người lao động trong các làng nghề hiện phổ biến khoảng 1.000.000-5.000.000 đồng/tháng. Mức thu nhập này cao hơn nhiều so với thu nhập từ làm ruộng lúa.

Biểu đồ 2.2. Thu nhập bình quân của các làng nghề ở Đồng Tháp

Đơn vị tính :đồng 0 1000000 2000000 3000000 4000000 5000000 6000000 Trồng Hoa kiểng Sản xuất bột Dệt Chiếu Dệt choàng Nghề đan Mức cao Mức thấp (Nguồn: Sở NN&PTNT Đồng Tháp)

Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn nhiều ngành nghề nông thôn, nhất là trong các làng nghề còn có mức thu nhập không đồng đều giữa các ngành nghề. Nhìn vào biểu đồ tổng hợp có thể thấy, nhóm ngành nghề đang mang lại thu nhập bình quân cao nhất hiện nay là sản xuất và kinh doanh hoa kiểng. Mức thu nhập bình quân của lao động trong làng nghề hiện dao động từ 3,5 đến 5,0 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, nghề sản xuất bột và chăn nuôi heo cũng đang mang lại thu nhập bình quân cao dao động từ 3,0 đến 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cũng các nghề có thu nhập bình quân tương đối đảm bảo như: nghề dệt chiếu (từ 2,7 đến 3,0 triệu đồng/tháng); dệt choàng (từ 2,0 đến 2,5 triệu đồng/tháng… Tuy

nhiên, bên cạnh đó có một số ngành nghề còn có thu nhập bình quân chưa cao; chủ yếu là tận dụng thời gian nông nhàn để tranh thủ sản xuất, tăng thêm thu nhập như: đan mê bồ, đan lưới, đan lục bình, se trân… Mức thu nhập bình quân của lao động trong nhóm ngành nghề này hiện dao động từ 1,0 đến 2,0 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập bình quân thấp nên các làng nghề này hoạt động không ổn định, chủ yếu theo thời vụ hoặc theo hợp đồng với doanh nghiệp. Tuy các làng nghề này vẫn cơ bản được duy trì nhưng khó phát triển. Cơ quan quản lý và các làng nghề này đang khảo sát, xem xét lại tình trạng hoạt động, đề nghị thu hồi quyết định công nhận một số làng nghề không còn đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu theo quy định về công nhận làng nghề của Tỉnh.

Nhìn chung, Đồng Tháp là một tỉnh có số lượng làng nghề lớn và đa dạng về ngành nghề, phân bố rộng khắp các huyện trên địa bàn tỉnh. Các làng nghề đã giúp giải quyết được một số lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương. Tuy nhiên, thu nhập giữa các làng nghề vẫn chưa đồng đều và hiện nay một số làng nghề đang dần bị mai một do hiệu quả kinh tế của sản phẩm làng nghề không cao, làng nghề lại gặp vướng mắc trong cơ chế quản lý, cần sớm có giải pháp phù hợp để tồn tại và phát triển.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN QLXH LÀNG NGHỀ ở Đồng Tháp (Trang 55 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)