làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp
Cùng với quá trình đổi mới và phát triển, các làng nghề ở Đồng Tháp đã có những biến đổi sâu sắc, có làng nghề bị mai một, có làng nghề mới xuất hiện, vì vậy công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề phải thật sự được coi trọng, đổi mới và hoàn thiện. Việc này có tính chất quyết định đến việc bảo tồn, khôi phục và phát triển bền vững các làng nghề. Phần lớn các làng nghề ở Đồng Tháp đều tập trung tại vùng nông thôn, các cơ sở sản xuất – kinh doanh làng nghề chủ yếu tồn tại dưới hình thức kinh tế hộ gia đình. Đó vừa là nơi ở, vừa là nơi sản xuất nên nhà xưởng hẹp, môi trường bị ô nhiễm, không có khả năng mở rộng sản xuất, kết cấu hạ tầng hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Để hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề ở Đồng Tháp thời gian tới, cần chú ý các nội dung sau:
Một là, công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các làng nghề phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh vì làng nghề là một bộ phận kinh tế - văn hoá - xã hội quan trọng góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch để xác định được các tiềm năng, nguồn lực của nền kinh tế và khả năng khai thác các nguồn lực đó một cách có hiệu quả ở địa phương. Quy hoạch phát triển làng nghề phải được đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch giao thông, vùng nguyên liệu, quy hoạch thương mại, dịch vụ…
Hai là, Tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan chuyên môn cần phải điều tra, rà soát lại, nắm vững số lượng, đặc điểm từng ngành nghề, làng nghề và nhu cầu của từng loại nghề trong Tỉnh. Đồng thời phải điều tra, khảo sát về số lượng, chất lượng, phân bố làng nghề để định hướng, thiết kế quy hoạch, kế hoạch phù
hợp với ngành nghề, đặc điểm từng vùng. Trong quy hoạch cần phải chọn những ngành nghề nào có thế mạnh của địa phương để ưu tiên phát triển như “Làng hoa kiểng Sa Đéc” được định hướng trở thành "thành phố hoa của khu vực Nam Bộ" trong Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020. [34] Ngoài việc phát triển những ngành nghề trọng điểm, giải quyết nhiều lao động, cần chú trọng đầu tư những ngành nghề có công nghệ cao, sử dụng dây chuyền máy móc hiện đại để tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ba là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề trong Tỉnh phải gắn với bảo vệ môi trường. Mặt dù hấu hết các làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp đều nằm xen kẽ trong khu vực dân cư, nhưng trong công tác quy hoạch làng nghề, những ngành, sản phẩm nào tăng trưởng mà không ô nhiễm môi trường như đan lát, hoa kiểng...thì không nhất thiết phải di dời, thành lập CCN làng nghề. Còn những ngành, sản phẩm nào gây ảnh hưởng xấu thì kiên quyết phải di dời, tách khu vực sản xuất ra khỏi khu dân cư, thành lập CCN làng nghề có đầy đủ hệ thống xử lý chất thải, phải có hệ thông cây xanh, phải được quy hoạch xây dựng thống nhất tạo nên một tổng thể hài hòa có môi trường xanh, sạch, đẹp. Về vấn đề này, Tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2017 về việc di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị. Bên cạnh đó, Đồng Tháp cần chú ý nâng cao vai trò của cộng đồng trong vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề vì cộng đồng làng nghề là những người trực tiếp tham gia vào sản xuất, cũng là tác nhân cơ bản nhất gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lại là những người phải gánh chịu trực tiếp hậu quả của việc ô nhiễm. Do đó, cộng đồng có vai trò quan trọng và quyết định đối với vấn đề nâng cao năng lực sản xuất, bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững và tạo dựng hình ảnh đẹp cho các làng nghề trong tỉnh.