2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên
* Vị trí địa lý:
Đồng Tháp là 1 trong 13 tỉnh thuộc ĐBSCL, nơi đầu nguồn sông Tiền chảy qua biên giới vào Việt Nam. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 3.374,08 km2, chiếm 8,17% diện tích vùng ĐBSCL. Phía Bắc giáp tỉnh Prey Veng - Campuchia. Phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Phía Tây giáp tỉnh An Giang. Phía Đông giáp tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang. Toàn tỉnh được chia thành 12 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự và 9 huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành.
Đồng Tháp không nằm trong trục giao thông chính quốc lộ 1A từ TP Hồ Chí Minh đi Cà Mau. Địa giới của tỉnh bị chia cắt bởi sông Tiền. Điều này gây bất lợi về phát triển giao thông đường bộ, chi phí vận chuyển cao, khó thu hút đầu tư vào lĩnh vực công thương nghiệp. Tuy nhiên, vị trí địa lý này có thể giúp tỉnh điều kiện cách ly, phòng chống dịch bệnh, tạo nên môi trường sinh thái cảnh quan đặc sắc.
Đồng Tháp có lợi thế nhờ vào vị trí nằm sát thượng lưu sông Tiền với các tuyến giao thông thủy bộ từ biên giới Việt Nam – Campuchia ra biển, tạo điều
kiện thuận lợi về kinh tế đối ngoại hướng ra các nước Đông Nam Á và là cửa ngõ của vùng tứ giác Long Xuyên hướng về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này giúp cho việc quảng bá hình ảnh các làng nghề thu hút du lịch tương đối thuận lợi, các hoạt động thương mại cho sản phẩm làng nghề mang đặc trưng của Đồng Tháp cũng có nhiều cơ hội được thực hiện trên phạm vi trong và ngoài nước.
* Thời tiết, khí hậu
Đồng Tháp nằm trong vùng khí hậu chung của vùng ĐBSCL với các đặc điểm chung: nền nhiệt dồi dào, biên độ nhiệt ngày đêm và giữa các mùa nhỏ; các chỉ tiêu khí hậu (số giờ nắng, lượng mưa, gió, bốc hơi, ẩm độ không khí,…) thuộc loại trung bình ở ĐBSCL. Lượng mưa trung bình năm ở Đồng Tháp là 1.682-2.005 mm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, chiếm đến 90-92% lượng mưa năm và tập trung vào các tháng 9-10 (30-40%), trong mùa mưa thường có thời gian khô hạn vào khoảng cuối tháng 7 đến đầu tháng 8. Điều kiện khí hậu hài hòa tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đây là cơ sở tốt để phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các làng nghề với trữ lượng dồi dào, phong phú và đa dạng. Với điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi đã giúp hình thành và phát triển làng nghề trồng hoa kiểng nổi tiếng trăm năm tuổi.
* Tài nguyên đất đai
Trong số 4 loại đất chính ở Đồng Tháp, có 2 nhóm đất chính là nhóm đất phù sa và nhóm đất phèn với tổng diện tích 266.580 ha (chiếm 90.35% diện tích); phần diện tích còn lại thuộc nhóm đất xám (gần 10% diện tích) thuộc vùng không ngập lũ và phần rất nhỏ diện tích đất cát. Phân bố của diện tích của hai nhóm đất chính tại mỗi vùng ngập sâu và ngập nông như sau: Đối với vùng ngập sâu, có tới 60,13% diện tích nhóm đất phù sa và 59.93% nhóm đất phèn tập trung
ở vùng này. Do nằm ở vùng ngập sâu, có hệ thống thủy lợi phát triển và hệ thống đê bao kiểm soát lũ nên rất thích hợp cho phát triển nông nghiệp, nhất là lúa với việc gieo trồng 2-3 vụ trong năm. Khối lượng phụ phẩm từ cây lúa lớn đã tạo nên nhiều làng nghề sản xuất bột gạo, làng nghề sản xuất hủ tiếu nổi tiếng.
* Tài nguyên nước
Đồng Tháp nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long với hai nhánh chính chảy qua là sông Tiền và sông Hậu có tổng chiều dài là 150 km (120km sông Tiền và 30km sông Hậu) cùng với những con sông lớn như sông Sở Thượng và sông Sở Hạ, và hệ thống hàng ngàn kênh rạch lớn nhỏ với tổng chiều dài dòng chảy là 6.273 km, là nguồn tài nguyên nước cho phát triển nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là sản xuất lúa và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Từ đó hình thành nên các làng nghề gắn với hoạt động sản xuất dụng cụ đánh bắt thủy sản như làng nghề đóng xuồng ghe, làng nghề đan lưới, đan lờ, lọp... Bên cạnh việc tưới tiêu phục vụ sản xuất, sông rạch nhiều còn là hệ thống giao thông thủy rất quan trọng gắn việc sản xuất, vận chuyển, sinh hoạt trong tỉnh với các địa phương ĐBSCL.
2.1.1.2. Điều kiện kinh tế, văn hóa – xã hội
* Dân số - nguồn lao động
Dân số Đồng Tháp tăng chậm, từ khoảng 1,58 triệu người lên năm 2000 lên 1,64 triệu người năm 2005 (bình quân 0,74%/năm giai đoạn 2000 - 2005) và lên 1,67 triệu người năm 2011 (bình quân 0,34%/năm ở giai đoạn 2005 – 2011). Tốc độ tăng dân số tự nhiên giảm khá nhanh trong thời gian qua và thấp hơn nhiều so với các tỉnh khác trong vùng. Dân số trẻ tạo sức ép mở rộng việc làm cho lực lượng lao động mới khá lớn. Hiện nay, dân số Đồng Tháp ước tính có khoảng 1,681,325 người, chiếm khoảng 9,6% tổng dân số của khu vực ĐBSCL và 1,9% tổng dân số của cả nước [3]. Lực lượng lao động (dân số từ 15 tuổi trở
lên) ước tính có khoảng 994,4 ngàn người, chiếm khoảng 9,6% tổng lao động của khu vực ĐBSCL và khoảng 1,9% tổng lao động của cả nước, đứng thứ tư vùng ĐBSCL sau các tỉnh An Giang (1300,4 ngàn), Kiên Giang (1008,6 ngàn), và Tiền Giang (987,7 ngàn).
Bảng 2.1. Lực lượng lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc
Đơn vị tính: người Năm Tổng số Total Chia ra - Of which
Thành thị - Urban Nông thôn - Rural
2009 949.130 146.097 803.033 2010 950.462 159.500 790.962 2011 974.111 159.065 815.046 2012 967.052 162.406 804.646 2013 960.561 161.558 799.003 2014 961.404 161,665 799.739 2015 973.564 162.232 811.332 2016 994.401 163.021 831.380
(Nguồn: Niên giám thống kê Đồng Tháp 2016)
Với lực lượng đang trong độ tuổi lao động lớn và đa phần là ở khu vực nông thôn là một lợi thế tương đối về quy mô của lao động Đồng Tháp so với các tỉnh khác trong khu vực. Lợi thế về nguồn lao động trên cũng là cơ sở cho việc phát triển nguồn nhân lực ở các làng nghề, góp phần khôi phục và phát triển các làng nghề bền vững.
* Tình hình phát triển kinh tế xã hội
Tỉnh Đồng Tháp có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá và tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng tính theo tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm
2016 đạt 6,38% (năm 2015 tăng 6,07%, năm 2014 tăng 5,64%), trong đó khu vực Nông – Lâm – Thủy sản tăng 3,33% (năm 2015 tăng 3,62%), khu vực Công nghiệp – Xây dựng tăng 6,69% (năm 2015 tăng 10,34%) và khu vực Dịch vụ tăng 9,12% (năm 2015 tăng 6,03%). Tổng giá trị GRDP đạt 44.918 tỷ đồng, tăng 2.693 tỷ đồng so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 34,8 triệu đồng, tương đương 1.568 USD (theo giá thực tế). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Tỉnh năm 2016 đạt 4.738 tỷ đồng bằng 97,99% dự toán năm nhưng tăng 18,39% so với năm 2015. [36]
Nông nghiệp vẫn đang là thế mạnh của Đồng Tháp với tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức 3,33%, dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cây Lúa vẫn là loại cây trồng chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trong diện tích gieo trồng và trong giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Ngành Thủy sản hiện gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, vì vậy sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2016 tăng không cao so với năm trước. Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương đương tốc độ tăng của năm 2015. Ước tính tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2016 là 6,39% (tăng 6,20% so với năm 2015). Hầu hết các sản phẩm chủ lực đều có tốc độ tăng trưởng dương nhưng không cao.
Cơ cấu kinh tế của Tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông – lâm – thủy, tăng tỷ trọng Công nghiệp – xây dựng và Thương mại – dịch vụ. Cụ thể: khu vực Nông Lâm Thủy sản chiếm tỷ trọng 36,21% (giảm 1,39% so với năm 2015), khu vực Công nghiệp – Xây dựng chiếm tỷ trọng 22,35% (giảm 0,32% so với năm 2015), khu vực Thương nghiệp – Dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,44% (tăng 1,71% so với năm 2015). [36]
Nhờ mục tiêu phù hợp, bước đi và cách làm đúng đắn, chỉ đạo cụ thể, đồng bộ, tình hình hinh tế - xã hội của Tỉnh đã có nhiều khởi sắc và phát triển đúng hướng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giáo dục đào tạo, cơ sở y tế...được đầu tư phát triển. Hoạt động văn hóa phát triển ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức đến tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng biên giới. Là vùng đất nằm trong vùng trũng phèn Đồng Tháp Mười có cảnh quan sinh thái ngập úng, là căn cứ địa chống Pháp, chống Mỹ trong các thời kỳ giải phóng dân tộc, do đó Đồng Tháp có một số danh thắng, di tích lịch sử và văn hóa có sức lôi cuốn khách du lịch cả trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tham quan, thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó có loại hình du lịch gắn với làng nghề của địa phương.
Trên cơ sở của sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của Tỉnh, việc thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững với những điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội sẵn có kết hợp với việc tranh thủ các nguồn lực bên ngoài sẽ góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động QLXH đối với việc khôi phục và phát triển bền vững các làng nghề của Đồng Tháp hiện nay.