Phương pháp QLXH là: “phương thức hay tổng thể các thủ thuật, các phương sách, các quy trình chuẩn bị và thông qua, tổ chức và giám sát thực hiện các quyết định quản lý” [23, tr.77]. Có nhiều phương pháp QLXH, nhưng đối với các làng nghề, chủ thể quản lý sử dụng chủ yếu các phương pháp QLXH của nhà nước bao gồm phương pháp hành chính, phương pháp kinh tế và phương pháp vận động tuyên truyền.
1.2.2.1. Phương pháp hành chính
Phương pháp hành chính là “các tác động mang tính pháp quyền của nhà nước lên các hoạt động và các quan hệ xã hội nhằm hướng các hành vi xã hội đạt tới các mục tiêu QLXH đề ra” [23, tr.97]. Đây là phương pháp cơ bản mang đặc thù của nhà nước dùng để QLXH. Trong quản lý các làng nghề, nhà nước thông qua hệ thống những quy phạm pháp luật và bộ máy quản lý nhà nước buộc các làng nghề hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, qua đó xác lập được trật tự, kỷ cương, môi trường pháp lý hợp lý và ổn định cho sự phát triển của các làng nghề, đạt tới mục tiêu quản lý ban đầu.
Bên cạnh đó, phương pháp hành chính giúp nhà nước giải quyết nhanh chóng mọi mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp nảy sinh trong các hoạt động và các quan hệ xã hội nảy sinh trong làng nghề một cách khoa học và hiệu quả, tuy nhiên nếu áp dụng quá cứng nhắc phương pháp này với sự áp đặt của các cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ không phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các cá nhân, tổ chức trong làng nghề, tình trạng lạm quyền cũng có thể dẫn đến quan liêu trong công tác quản lý.
Vì vậy, để áp dụng phương pháp này có hiệu quả trong QLXH các làng nghề, cần có một hệ thống pháp luật, quy định liên quan đến hoạt động của làng nghề đồng bộ, đầy đủ, cụ thể , ổn định, phù hợp với lợi ích của các cá nhân, tổ chức trong làng nghề. Phải có hệ thống các cơ quan quản lý chức năng với đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực và đạo đức. Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra, kiểm soát phải thực sự công tâm để giám sát, thanh kiểm tra việc thực thi các phương pháp QLXH đối với làng nghề có hiệu quả.
1.2.2.2. Phương pháp kinh tế
Phương pháp kinh tế hay phương pháp tác động lên lợi ích trong QLXH của nhà nước là “các tác động có chủ đích và bằng các biện pháp chi phối trực tiếp lên các lợi ích (vật chất và phi vật chất) của công dân, để tác động lên các hoạt động và các mối quan hệ xã hội vì mục tiêu xã hội đã được đặt ra” [23, tr.100]. Đặc trưng của phương pháp này là sử dụng các phương pháp tác động gián tiếp đến hành vi của đối tượng quản lý thông qua việc sử dụng đòn bẩy kinh tế tác động đến lợi ích của đối tượng.
Đối với các làng nghề, phương pháp kinh tế tác động đến các làng nghề thông qua lợi ích kinh tế như việc quy định các chính sách ưu tiên phát triển làng nghề về quỹ đất, vốn đầu tư, tạo dựng thương hiệu, hỗ trợ xuất khẩu….Bên cạnh đó, phương pháp này có thể tác động đến lợi ích về mặt tinh thần bằng các chế độ khen thưởng, vinh danh các làng nghề, các cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn, giữ gìn, phát triển làng nghề, có thành tích xuất sắc trong các hoạt động của làng nghề, qua đó tạo động lực cho các làng nghề phát huy năng lực, hoạt động tích cực, đúng hướng và có hiệu quả.
Áp dụng phương pháp kinh tế trong QLXH đối với các làng nghề có thể mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên cần chú ý bảo đảm sự cân xứng hợp lý giữa trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích của các làng nghề; bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích vật chất và phi vật chất, giữa lợi ích cá nhân và bộ phận với lợi ích của cả xã hội.
1.2.1.3. Phương pháp vận động tuyên truyền
Phương pháp vận động tuyên truyền trong QLXH của nhà nước là “các tác động về mặt tư tưởng, tình cảm, ý thức, trách nhiệm, niềm tin của nhà nước đối với công dân trong xã hội để tạo ra sự đồng thuận và động cơ làm việc tích cực
cho xã hội nhằm thực hiện thành công các mục tiêu quản lý được xác định trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và thể chế xã hội” [23, tr. 98]. Đặc trưng của phương pháp này sự tác động vào nhận thức và tình cảm của đối tượng quản lý nhằm nâng cao tính tự giác và tình cảm của đối tượng nhằm nâng cao tính tự giác và nhiệt tình của họ trong thực hiện các hoạt động.
Vận dụng phương pháp này trong QLXH đối với các làng nghề chính là tuyên truyền, vận động các cá nhân, tập thể trong các làng nghề thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương đối với các làng nghề. Công tác vận động được thực hiện bởi các chủ thể QLXH đối với làng nghề, vừa mang tính thuyết phục vừa kích thích tinh thần của các cá nhân, tập thể trong làng nghề, khơi dậy tính tự nguyện, tự giác, hăng sai làm việc với tất cả trí tuệ và khả năng cao nhất.
Để công tác tuyên truyền, vận động các làng nghề đạt kết quả cao cần nắm vững các đường lối, chủ trương, chính sách, phát luật của Đảng và Nhà nước về làng nghề, phân tích được những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức mà các làng nghề đang phải đối mặt, vận dụng các quy luật tâm lý, áp dụng linh hoạt tới từng đối tượng trong làng nghề. Chú ý kết hợp phương pháp vận động tuyên truyền với các phương pháp khác, việc vận động tuyên truyền sẽ không có kết quả nếu đời sống nhân dân làng nghề không ngừng được cải thiện, nâng cao.