Bắc Ninh là một tỉnh nằm ở châu thổ sông Hồng với các làng nghề đã có lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời, phân bổ rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, Bắc Ninh có 62 làng nghề, chủ yếu trong lĩnh vực đồ gỗ, mỹ nghệ xuất khẩu, sản xuất giấy, gốm, sắt thép tái chế, đúc đồng…; trong đó có 31 làng nghề truyền thống và 31 làng nghề mới. Các làng nghề chủ yếu tập trung ở 3 huyện: Từ Sơn, Yên Phong và Gia Bình. Nhiều làng nghề của Bắc Ninh như: gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, tranh Đông Hồ…có từ lâu đời và nổi tiếng. Các làng nghề ở Bắc Ninh đã góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, giữ gìn truyền thống văn hóa làng nghề, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để các làng nghề phát triển như hiện nay, công tác quản lý nói chung, QLXH đối với làng nghề của Bắc Ninh trên thực tế đã cho nhiều kinh nghiệm. Bắc Ninh đã rất coi trọng việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tạo mặt bằng cho sản xuất ở các làng nghề là khâu đột phá quan trọng trong phát triển làng nghề. Hình thành các khu, CCN làng nghề bằng cách chuyển một phần diện tích đất canh tác nông nghiệp của chính làng nghề sang đất chuyên dùng cho sản xuất công nghiệp, TTCN và tạo điều kiện cho các hộ sản xuất trong các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, di dời ra các khu sản xuất tập trung, tách sản xuất ra khỏi khu dân cư. Đối với những hộ sản xuất ngành nghề nhỏ lẻ, không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng thì vẫn được duy trì ở từng hộ gia đình nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện và tập quán lao động của người dân trong làng nghề.
Công tác quản lý các làng nghề của Bắc Ninh trong những năm qua đạt hiệu quả cao vì có sự phân công, phân cấp rõ ràng trong các cơ quan chức năng, sở ban ngành phụ trách quản lý làng nghề. Đặc biệt, để các khu, CCN làng nghề
được hình thành và hoạt động có hiệu quả, Bắc Ninh đã thành lập ra ban quản lý các KCN làng nghề. Ban này là cơ quan trực tiếp quản lý các KCN làng nghề, đồng thời là đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND các cấp, các cơ quan chức năng, các tổ chức CT-XH trên các địa bàn có hoạt động của làng nghề để quản lý có hiệu quả và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý làng nghề.
1.3.1.2. Kinh nghiệm ở tỉnh Thái Bình
Thái Bình là một tỉnh nằm ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, tuy nghèo về tài nguyên khoáng sản nhưng lại có nhiều làng nghề được hình thành và phát triển. Hiện nay, Thái Bình có tổng số 210 làng nghề với 13 nhóm nghề chính, trong đó nghề dệt cói; mây tre đan; và nghề dệt vải, thêu, may ươm tơ chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các làng nghề ở tỉnh Thái Bình. Hàng trăm làng nghề tồn tại lâu đời không chỉ là nguồn kinh tế chính của cư dân nơi đây, mà còn góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho địa phương.
Các làng nghề ở Thái Bình cũng đã từng có một thời gian dài rơi vào khủng hoảng, trì trệ và bị mất thị trường xuất khẩu. Từ 82 làng nghề, đến năm 2000 cả tỉnh chỉ còn 53 làng nghề hoạt động cầm chừng và chủ yếu dựa vào thị trường trong nước. Trước thực trạng đó, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Thái Bình đã quan tâm lãnh, chỉ đạo với những đường lối, chủ trương cùng những chính sách đúng đắn, qua đó đã vực dậy và giúp các làng nghề phát triển, từ đó cũng đã đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý đối với hoạt động của các làng nghề.
Trong giai đoạn khó khăn và đi xuống của các làng nghề truyền thống, Tỉnh ủy Thái Bình đã xây dựng đề án khôi phục và phát triển làng nghề. Trên cơ sở của đề án, Đảng bộ Tỉnh đã ra Nghị quyết 01, Nghị quyết đầu tiên của Đảng
bộ Tỉnh, về xây dựng, phát triển làng nghề và xác định việc phát triển làng nghề là một trong những mục tiêu trọng tâm phát triển kinh tế của tỉnh thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Trên cơ sở Nghị quyết lãnh đạo của Tỉnh ủy, Thái Bình đã ban hành nhiều quyết định quản lý cũng như chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề đúng đắn. Để duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, tỉnh đã có những chính sách quan tâm đến công tác đào tạo, truyền nghề, dạy nghề; tôn vinh các doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ giỏi; ưu tiên tăng nguồn vốn khuyến công, vốn đào tạo nghề, dạy nghề; quan tâm đăng ký xây dựng thương hiệu, đầu tư cơ sở vất chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các làng nghề.
1.3.1.3. Kinh nghiệm ở tỉnh An Giang
An Giang là một tỉnh nằm ở khu vực ĐBSCL, với đặc thù của miền Tây sông nước, các làng nghề nơi đây đa dạng về quy mô, cơ cấu ngành nghề và gắn chặt với sản xuất nông nghiệp, chủ yếu bằng phương pháp thủ công với công nghệ thô sơ lạc hậu và bị chi phối nhiều bởi yếu tố gia đình. Hiện nay, An Giang có 29 làng nghề đã được UBND Tỉnh công nhận, trong đó có 18 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Nhiều làng nghề truyền thống đã tồn tại từ trên trăm năm như: nghề rèn Phú Mỹ (Phú Tân), nghề dệt gấm Mỹ A, làng nghề tơ lụa Tân Châu, làng dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu), làng nghề mộc Chợ Thủ (Chợ Mới) …
Là địa phương có các làng nghề đa dạng về quy mô, cơ cấu nhưng lại phân bố rải rác trong tỉnh, còn nặng tính “cha truyền con nối” với những sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, đôi khi không nhất quán với các chủ trương, chính sách của tỉnh, gây ô nhiễm môi trường nên An Giang luôn chú trọng công tác đoàn kết, tập hợp các cá nhân trong làng nghề, phát huy vai trò của các tổ chức CT-XH, XH-NN trong tuyên truyền, vận động các cá nhân, tập thể trong làng nghề đoàn kết, nhất trí,
cùng đóng góp xây dựng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, quy định về làng nghề.
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang cũng quan tâm công tác tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình quản lý làng nghề, từ đó có những cơ sở để khen thưởng, vinh danh những nghệ nhân, làng nghề có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương, cũng như kịp thời xử lý vi phạm, có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi để các làng nghề được bảo tồn và phát triển.